Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Friday, February 15, 2013

NGHIỆP VĂN ÁO VÕ [8]

Ký sự Tùy bút

8.- CHƯA CÓ CÁI DẠI NÀO BẰNG CÁI DẠI NÀY 

Cũng vì một chuyến xuôi Nam thăm các cậu tôi sau ngày Nhật đảo chánh Pháp rồi tiếp đến là chiến tranh Việt Pháp xảy ra nên ông ngoại tôi kẹt lại luôn ở đất Sài gòn. Sau gần mười năm ở nhà thuê, và không còn mong gì có một ngày quay về quê cũ, ông tôi bèn cất lại một căn nhà ngói đỏ ở Khánh Hội, trên dải đất của nhà thờ Xóm Chiếu nằm ngay mặt tiền con đường chạy dọc theo kinh Tàu Hủ để an dưỡng tuổi già thì đất nước cũng tới hồi chia đôi, và căn nhà đó đã được anh em tôi tìm về như một cái tổ cuối cùng cho những cánh chim lạc loài nương tựa, rồi luôn cả cánh họ ngoại của tôi vừa mới theo phong trào di cư trôi giạt vào Nam coi đó như cái gốc để mọi người tìm ghé lại mà nhớ nguồn. 

Mười năm sau thì ông ngoại tôi tạ thế, cậu Viện lập gia đình rồi đưa vợ con về ở, tôi đi lính và mới đây bà ngoại kế tôi cũng qua đời, căn nhà tuy vẫn còn đó nhưng có phần loang lổ đi, còn cái gốc để cho những cánh chim tản mác có chung một cội nguồn tìm về thì cũng theo thế hệ ông bà tôi đã qua đi ấy mà tàn rụi theo. 

Có lẽ vì thế mà lúc mới trở về Sài gòn để đi học Anh ngữ, tôi cũng định sẽ về ở tại căn nhà cũ của ông ngoại như hồi chưa đi lính, nhưng thấy cậu Viện đưa cả cánh bên vợ về ở tràn lan và em tôi thì cũng đã dọn qua ở bên nhà dì Phiên chứ không ở chung với cậu Viện nữa nên bỏ luôn ý định đó. Sẵn thấy chú Bảy bây giờ đang làm dân biểu, đưa cả gia đình vào Sài gòn ở nên thuê luôn một căn phố lầu cũng khá rộng ở một con hẻm đường Phan Đình Phùng gần toà Đại sứ Miên, một địa điểm thuận tiện cho việc đi lại, tôi bèn xin chú về đây ở tạm thời gian. 

Bao nhiêu năm trước đây, sống đời học sinh rồi sinh viên ở cái thành phố này, tôi có lúc cũng đã phải nhịn ăn nhịn mặc để có thể tiếp tục tranh đua kiếm chút bằng cấp với thiên hạ nhưng để rồi rốt cuộc cũng chỉ đi lính. Nay lại được trở về đây đi học có lãnh lương, mà học hành thì cũng chẳng có gì đòi hỏi mình phải cố gắng hay miệt mài, tôi thấy mình cũng nên coi đây như một thời gian nghỉ ngơi trước khi bước vào một giai đoạn học hành có thể sẽ có nhiều khó khăn hơn ở cái xứ không cùng chung một cội nguồn văn hóa với mình. 

Từ chỗ nhà chú Bảy lại Hội Việt Mỹ, nơi có các lớp học Anh ngữ của USAID dành riêng cho những người có học bổng đi Mỹ, tôi có thể đi bộ cũng được vì không xa lắm lại thẳng một đường có cây cao bóng mát, nhưng Sài gòn lúc này đang có phong trào đi xe gắn máy, xe Honda lại được nhập cảng quá nhiều, đang ối đọng phải bán đại hạ giá nên tôi bèn gom góp vay mượn mua cho mình một chiếc Honda Dame để làm chân. Có xe nên thì giờ rỗi không biết làm gì cho hết ngày bèn xách xe chạy cà nhỏng tìm thăm bà con bạn bè. 

Cậu Đôn từ ngày về hưu thì cũng chỉ ở nhà loay hoay cho qua ngày tháng nhưng trông cậu không được khoẻ như ông ngoại tôi vào trạc tuổi ấy. Nhờ có mấy căn nhà cho Mỹ thuê và anh Hân ở Pháp thì cũng đã ra trường Y khoa đi làm và cũng đã lập gia đình với một nữ sinh viên cũng du học như anh ấy thành thử cậu mợ Đôn cũng nhẹ gánh lo cho nên mới đây cũng cho Chị Linh, con gái út của cậu mợ được qua Pháp theo học tự túc. Như vậy là bây giờ chỉ còn lại chị Mi, tuy đã có chồng làm kỹ sư nhà máy giấy Cogido, có nhà ở Biên Hoà nhưng chị thì mở văn phòng luật sư ở Sài gòn nên còn ở chung với cậu Đôn. Còn về cánh họ ngoại tôi thì mấy cậu dì họ bây giờ người nào con cái cũng đã lớn, có những nhu cầu mới thiết thực hơn phải lo, và ai cũng đã trở thành một cái gốc cho con cháu mình quy tụ về nên cũng ít ai còn nghĩ đến những cái gốc xa xôi khác nữa. 

Lớp bạn bè cũ bây giờ cũng tản mác, lớp bị động viên, lớp ra trường đi làm nơi này nơi khác nên cũng chẳng còn ai. Thỉnh thoảng nhớ lại thời Văn khoa tôi cũng có ghé qua trường nhưng trường bây giờ không còn ở cạnh dinh Gia Long như trước mà đã dời về khu thành Cộng Hòa cũ nên tôi bỗng thấy mình như thành ra xa lạ, nhất là lớp sinh viên trẻ bây giờ cũng chẳng ai quen. Tuy nhiên kỷ niệm cũ thì hình như vẫn còn lảng vảng đâu đó nên đôi khi tôi cũng có chạy xe qua nhà Quyến ở gần khu nhà thờ Huyện Sĩ hoặc vào Chợ Lớn đến xóm nhà Ngọc Nhi, mong có dịp nào đó gặp lại một lần, nhưng mỗi lần đến nơi tôi lại nghĩ có lẽ bây giờ mấy cô bạn cũ ấy cũng đã an vui với bổn phận cả rồi thì cũng đừng đem chút quá khứ làm vẩn đục cái hiện tại làm chi, nên tôi cũng chỉ liếc nhìn qua căn nhà rồi chạy luôn. 

"Ngô thập ngũ nhi chí vu học, Tam thập nhi lập..." câu nói của Khổng Tử từ hơn hai ngàn năm qua từng được không biết bao nhiêu thế hệ nho sĩ của các xã hội Á đông lấy đó làm thước đo để thẩm định mình và mặc dù cái học nhà Nho đã lỗi thời từ lâu, nhưng lời nói ấy cho đến ngày nay vẫn thỉnh thoảng còn được nhắc lại như một mẫu mực vượt thời gian. Tôi thủa nhỏ vì thời cuộc và hoàn cảnh nên học hành đứt đoạn dang dở, đến 15 tuổi mới tạm coi như có cơ hội để bắt đầu việc học hành theo quy củ nề nếp của nhà trường và cho đến nay thì cũng đã tới tuổi 30, đã qua hai năm vừa làm thầy vừa làm lính, để rồi bây giờ lính không ra lính mà học trò cũng không hẳn là học trò, cho nên lập thân hay lập chí cũng chưa có cái gì ra cái gì mà ngay cả cái việc lập gia đình cũng chưa nốt. 

Hai năm sống ở Đà lạt, một thành phố thơ mộng và thanh bình, không có bóng dáng người lính Mỹ ngoại trừ mấy người sĩ quan làm cố vấn ở trường nên không thấy những xáo trộn về nếp sống trong xã hội, ngày ngày chỉ tiếp xúc với những SVSQ trẻ còn mang trong người giòng nhiệt huyết phục vụ cho lý tưởng và Tổ quốc nên tôi thấy tâm hồn mình cũng không bị vẩn đục vì những sự sự bon chen, lừa lọc của con người ở vào cái thời buổi nhiễu nhương này, nhưng nay về lại chốn đô thành, thấy cuộc sống ở đây đầy dẫy những cái nghịch lý chướng tai gai mắt, tự nhiên tôi lại đâm ra như có vẻ chán nản và hoài nghi về một ngày mai tươi sáng nào đó sẽ đến. 

Mặc dù chiến tranh đang ở vào giai đoạn khốc liệt với một đạo quân gồm hơn triệu thanh niên phải phục vụ trong các quân binh chủng và gần nửa triệu binh lính Mỹ và Đồng Minh hiện diện tại nhiều nơi trên khắp Miền Nam, nhưng ai chết thì đấy là số phận họ phải chịu, riêng thành phố Sài gòn này thì vẫn tiếp tục phồn vinh nhờ viện trợ Mỹ đang đổ vào để chi phí cho cuộc chiến này. Nhiều cao ốc mới vẫn tiếp tục mọc lên để cho ngoại kiều thuê làm cơ sở hay nơi cư trú. Đường phố được mở rộng thêm nhưng hình như vẫn không đủ đáp ứng cho việc lưu thông do số xe cộ mỗi ngày một gia tăng. Hàng tiếp liệu cho quân đội Mỹ được cung ứng nhiều hơn số cầu khiến cho thị trường chợ trời bên ngoài tràn ngập đủ thứ từ Tivi, tủ lạnh, thực phẩm, cho tới son phấn của phụ nữ và ngay cả quân trang quân dụng của quân đội Mỹ. 

Những người không bị ảnh hưởng vì luật động viên thì đổ xô đi làm cho Mỹ, bám vào Mỹ như cái kho vô tận để khai thác trục lợi cho cá nhân mình: từ giới kinh doanh làm ăn lớn cho tới nhân viên các cơ quan quân sự và dân sự, các công nhân hãng thầu RMK, cô gái bán bar, chị bồi phòng, hay cả đám buôn lậu, chuồn hàng, buôn bán cần sa ma túy. Từ các kho bến tàu hay căn cứ Long Bình, những đám buôn lậu móc nối với nhân viên chuồn ra từng xe hàng còn nguyên thùng đổ ra chợ đen chợ đỏ. Ngay cả hàng hoá của Mỹ đang chuyển vận trên xe cũng có khi bị những đám trẻ leo lên tuôn xuống để hôi. Lặt vặt thì như những cô bán hàng trong PX, chị bồi phòng làm trong các cư xá Mỹ cũng có thể mỗi ngày dấu vài món lẻ tẻ trong người để mang về. 

Những người này kiếm tiền dễ dàng nên sống xa hoa trong khi đời sống của người quân nhân và công chức thì lại càng ngày càng nghèo thêm. Chính sách động viên đã làm cho ngân sách quốc phòng gia tăng cũng như sự chi tiêu bừa bãi của quân nhân Mỹ làm cho đồng bạc ngân hàng bị mất giá vì nạn lạm phát phi mã. Đồng tiền càng mất giá thì đời sống của người quân nhân công chức ăn lương chính phủ càng trở thành eo hẹp, khiến cho tệ nạn tham nhũng càng lộng hành. Quan chức tướng tá từ cấp cao cho tới cấp nhỏ hễ ai có chút quyền hành thì tìm mọi cách để ăn chặn tiền viện trợ hoặc bóc lột chính đồng bào của mình bằng những hình thức ăn hối lộ để tha cho một vi phạm hay ban cho một đặc ân nào đó chứ không ai nghĩ đến chuyện mình phải có nghĩa vụ làm như thế nào đối với dân với nước. 

Xã hội điên đảo nên mới nảy sinh ra lắm hiện tượng thương tâm như ông công chức nọ không nuôi nổi gia đình bèn giết tất cả các con rồi tự sát, nhà giáo nọ bị vợ bỏ đi lấy Mỹ nên phát điên tối ngày chửi rủa chính quyền mà cảnh sát cũng chẳng thèm bắt nhốt và xóm giềng nghe chán cũng thờ ơ. Dân chúng thì nhiều người không thích Cộng Sản, cũng không thích Mỹ nhưng vẫn bám vào Mỹ mà sống, và rồi vì cứ luẩn quẩn trong những bế tắc không lối thoát ấy đã khiến cho có người thì đâm nổi loạn làm người hùng cô đơn như viên y sĩ Hà Thúc Nhơn, hay đa số những người còn nhẫn nhục chịu đựng thì vùi đầu vào xem phim chưởng, đọc tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, chuyện tình của Quỳnh Dao hoặc ru mình bằng những lời ca điệu nhạc được mệnh danh là nhạc vàng, nhạc phản chiến... 

Cái không khí xô bồ hỗn độn ấy đã làm cho tôi hết hứng thú học hành nên càng hay xách xe chạy cà nhỏng. Khổ cái bây giờ đi đâu gặp ai cũng hay bị người ta hỏi thăm về chuyện vợ con. Tôi không hiểu tại sao dân ta ai cũng thích làm mai mối, nhất là những người mới có vợ có chồng mà thấy người khác chưa bị "nhợ buộc chân, gông đeo cổ" như mình thì không chịu được. Ngay cả anh Ba từ khi đi lính rồi về phục vụ ở Qui Nhơn và lấy vợ ngoài ấy nên lâu lắm tôi không có dịp gặp lại, thế mà một hôm anh ta có dịp vào Sài gòn, mới gặp tôi anh ta cũng không quên giúp cho tôi một lời khuyên rất đích đáng: "Bạn cứ việc lấy vợ đi vì nếu lỡ như bạn không tìm được hạnh phúc thì cũng trở thành triết gia". Tôi không bao giờ mơ tưởng làm triết gia nhưng qua bao nhiêu năm sống trong một xã hội đầy dẫy những xáo trộn, tôi cũng đã gom được cho mình một mớ triết lý vụn. 

Kể ra từng tuổi tôi bây giờ mà cưới vợ thì cũng hơi muộn hơn thiên hạ. Trong đám cô em hờ choai choai bây giờ cũng nhiều cô xinh gái lắm và nếu tôi quyết tình với một cô em nào thì chắc là các cô các chú cũng sẽ sẵn sàng yểm trợ cho tôi, nhưng chính vì là chỗ quen biết quá nên nhiều lúc tôi thấy mình lại đâm ra khó xử. Còn nếu người lạ bên ngoài thì hình như tôi bây giờ rất ngại làm quen. Thời buổi này không còn ai mơ chuyện "Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ". Đối với những cô nàng còn mang chút lãng mạn trong tâm hồn theo kiểu em gái hậu phương thì thần tượng để cho các cô nàng chiêm ngưỡng phải là những anh chàng phi công với cánh đại bàng lướt gió, hay là chàng thủy thủ lắc lư theo con tàu vỗ sóng đi vào đại dương, bằng không thì cũng phải là thiên thần mũ đỏ mũ xanh, huy chương đầy ngực áo. Còn đối với các kiều nữ yêu tiền thì chỉ cần túi đầy đô la xanh đô la đỏ, ngoài ra chẳng còn gì đáng kể. Tôi không được sắp vào bất cứ thứ hạng nào trong các hạng mục kể trên thì chỉ còn cách xách xe chạy cà nhỏng tối ngày là hết chuyện. 

Tuy nhiên cứ xách xe chạy cà nhỏng hoài rồi cũng có chuyện. Một hôm đến chơi nhà một người bạn thì bà vợ anh ta thấy tôi cứ xách xe chạy cà nhỏng hoài cũng ngứa mắt nên mới giới thiệu cho tôi một người bạn của bà ta. Kể về nhan sắc thì lúc còn đôi tám chắc nàng cũng có thể là đối tượng cho nhiều anh trồng cây si nhưng tuổi tác hiện nay thì có lẽ cũng chừng xấp xỉ tôi rồi. Tuy vậy, nàng vẫn chưa có chồng. Ngoài cái điểm tuổi tác và chưa lập gia đình coi như tương xứng ấy, còn các điểm khác khi hỏi ra thì hoàn toàn chả có một cái gì để gọi là tương đồng: từ nghề nghiệp, trình độ học vấn, gia thế, tôn giáo, tính tình, sở thích... 

Mới đầu tôi cũng nghĩ là mình sẽ chẳng bao giờ có liên hệ gì với một người có quá nhiều điểm tương phản với mình như thế. Nhưng rồi không biết vì trời xui đất khiến sao đó làm cho chiếc xe honda chạy cà nhỏng hoài không biết đâu ghé nên cứ quẹo vô con hẻm nhà nàng để dừng lại nghỉ mệt. Vì đã từng qua kinh nghiệm "ngu lắm cơ" thủa còn là học sinh, rồi tới thời sinh viên cũng chỉ là "ngu quá cỡ", nên bây giờ gặp nàng, tôi không ngồi im lặng nhìn ra đường, cũng không hề nói chuyện kiểu cà tửng để chọc vui người khác mà tỏ ra biết nghe người khác nói và đối đáp nể nang cho ra vẻ mình cũng là con người chững chạc. 

Vào thời gian hãy còn thỉnh thoảng "nhân đi qua nên ghé vào" ấy thì một hôm tôi nghe tin trường Võ bị Đà lạt vừa bị Việt cộng dùng đặc công xâm nhập phá hoại. Mặc dù cuộc tấn công không gây thiệt hại gì nhiều về vật chất và tất cả sinh viên cũng như binh sĩ trong trường không ai thiệt mạng nhưng nguyên toán sĩ quan trực Bộ chỉ huy đêm hôm đó bị Việt cộng bắn B40 và ném lựu đạn vào ngay phòng trực gây tử thương cho hai đại úy: một ông thuộc ban Công binh của Khối Yểm trợ và ông kia là Trưởng phòng thí nghiệm nặng thuộc Văn hóa vụ, còn hai Trung úy bị thương thì một anh là giảng viên khoa Anh văn và anh kia là trưởng phòng Thính thị, người vẫn chơi thân với tôi trước đây. 

Anh bạn này bị thương rất nặng nhưng nhờ được trực thăng Mỹ đưa thẳng ra tàu Hạm đội Mỹ ngoài khơi Cam Ranh cứu cấp kịp nên còn sống, sau đó anh ta được đưa về Tổng Y viện Cộng hoà ở Sài gòn tiếp tục nằm điều trị. Lần đầu tôi đến thăm thì không còn nhìn ra anh ta vì cả khuôn mặt của anh ta chằng chịt vết sẹo bầm đen do miểng lựu đạn. Cũng may là đôi mắt anh ta vẫn còn lành lặn để thấy mình chưa đến nỗi tuyệt vọng vì còn nhìn được người vợ mới cưới mang bầu đang ngồi bên giường. Tôi nghĩ cũng may là anh đã yêu nàng trước chứ với cái dung nhan hiện tại của anh ta tôi chắc mấy em gái hậu phương chỉ còn biết ca "... anh trở về dang dở đời em..." mà thôi. 

Không biết có phải vì muốn quên đi những ám ảnh vu vơ mà sau đó tôi hay ghé lại thăm nàng nhiều hơn để rồi bắt đầu được nàng nhờ dăm ba chuyện như chở nàng đi đâu đó. Tôi nể nàng nên cũng chẳng nề hà. Sau đó, vì nể nàng nên tôi bắt đầu đưa nàng đến thăm cậu mợ Đôn, rồi dì dượng Phiên, cậu mợ Viện, em tôi cho đến thím Cọp, chú thím Bảy, cô dượng Chín và còn giới thiệu luôn cả nàng với mấy cô em hờ. Lần đầu tiên thấy tôi chở nàng đến ai cũng ngạc nhiên, nhưng sau đó khi tôi gặp lại riêng từng người để hỏi thăm nhận xét của họ về nàng thì hầu như không ai chê nàng điều gì mà lại còn khen là nàng có vẻ hiền và biết lo toan làm cho tôi lại đâm ra ngạc nhiên không kém. Thật tình tôi không tin là nàng hiền nhưng thấy ai cũng bảo thế nên tôi đâm ra nghi ngờ chính sự nhận xét của mình. 

Từ cái đà nể nang ấy, tôi được nàng nhờ đưa đón đi làm hoặc đưa nàng đi nơi nào nàng cần đi. Một hôm nàng nhờ tôi chở nàng vào một nhà hàng trong Chợ Lớn để nàng dự một cái đám cưới của người quen nào đó. Dĩ nhiên là tôi chả có tư cách gì để sánh bước vào nhà hàng với nàng nên tôi thỏa thuận với nàng là gần khoảng giờ tan tiệc tôi sẽ trở lại và chờ nàng nơi dãy hàng quán ở lề đường bên kia. Sau khi nàng đi vào nhà hàng rồi thì tôi xách xe chạy cà nhỏng. Gần đến giờ hẹn tôi quay lại ghé vào một quán xe mì định gọi một tô để có cớ ngồi xuống cái bàn con vừa ăn vừa đợi nàng. Chợt tôi nghe có tiếng gọi tên tôi ở bên đường nhưng khi tôi quay nhìn lại thì không phải là nàng mà là Ngọc Nhi. 

Gặp tôi, Ngọc Nhi mừng rỡ hỏi han tíu tít. Tôi cũng ngạc nhiên không ngờ lại được gặp Ngọc Nhi nên rất mừng nhưng khi tôi nhìn kỹ lại Ngọc Nhi thì chợt để ý ngoài cái áo dài nàng đang mặc còn có một cái áo cánh mỏng của các bà bầu. Thấy tôi có vẻ thắc mắc Ngọc Nhi bèn nói cho tôi biết là sau khi nàng tốt nghiệp và được bổ nhiệm về đây dạy học chừng một năm thì cũng lập gia đình. Nay thì nàng đang sắp sửa làm mẹ nên muốn có thêm ngân khoản để dành lo cho gia đình bèn nhận dạy thêm mấy giờ cho lớp tối của một trường gần đây, và hôm nay nhân vừa tan giờ dạy ra về thì tình cờ trông thấy tôi nên bước lại hỏi thăm. 

Vừa lúc ấy thì nàng đi ăn cưới cũng ở trong nhà hàng bước ra tìm tôi. Khi cả nàng và Ngọc Nhi giáp mặt nhau thì tôi bỗng nhiên trở nên lúng túng không biết giới thiệu hai bên với nhau như thế nào cho xuôi bèn ấp úng chỉ người này cho người kia và chỉ người kia cho người này rồi nói gọn lỏn: "cô bạn". Thấy tôi không phải đi một mình nên Ngọc Nhi tế nhị cáo từ. Tôi thừ người nhìn theo Ngọc Nhi quay gót và nhớ lại mới ngày nào còn ở Văn khoa... thì tiếng nàng đứng cạnh bảo tôi lấy xe chở nàng về. 

Mặc dù sau lần bất ngờ gặp lại Ngọc Nhi này, tôi không tìm thăm Ngọc Nhi lần nào nữa, còn nàng thì có vẻ như đòi hỏi tôi phải nể nàng hơn nhưng dù sao thì tôi vẫn còn nhớ hàng ngày tôi còn phải đi học Anh ngữ để còn đi Mỹ. Tuy nhiên khi tôi đã học hết các lớp Anh ngữ, kể luôn cả cái lớp 7 là lớp bổ túc thêm dành cho những người đã học hết các lớp Anh ngữ chính thức rồi mà USAID vẫn chưa sắp đặt xong ngày giờ lên đường du học, Tổng Cục Quân Huấn quyết định trả tôi về trường chờ đợi. Tôi không thể không tuân theo. Riêng nàng thì không muốn để tôi đi một mình không kèn trống. Vì nể nàng tôi đành phải chạy về nhà nhờ chú thím Bảy đứng ra hỏi cưới nàng cho tôi cho đúng với tập tục. Vì tình nghĩa với cha tôi trước đây nên chú thím Bảy đành nhận lời đứng ra lo cho tôi nhưng đòi nàng phải theo đạo thì mới có thể làm đám cưới được và nàng đã đồng ý. 

Tôi đưa nàng đi học đạo để được rửa tội. Vị linh mục dạy cho nàng biết Chúa là đấng dựng nên trời đất muôn vật trên thế gian này nên chúng ta phải phụng thờ. Để thử xem trình độ hiểu biết giáo lý của nàng, vị linh mục hỏi nàng "cái gì làm ra gió?" Nàng đang phân vân chưa biết trả lời như thế nào thì chợt nhìn thấy cái quạt điện đang chạy làm cho cái tay áo dòng của vị linh mục bay lất phất bèn đáp không chút ngần ngại: "cái quạt máy làm ra gió". Tôi không dám cười, còn vị linh mục thì ngẩn người ra không biết là nàng nói đùa hay nói thật. Tuy nhiên để thử lại cho chắc, ngài bèn hỏi tiếp "vậy ai làm ra cái quạt máy?" Lần này thì phép lạ đã xảy ra vì nàng đắn đo suy nghĩ một chút rồi dè dặt trả lời: "Thiên Chúa làm ra". 

Và thế là cuối cùng nàng cũng được vị linh mục chấp thuận cho phép được rửa tội và được làm phép hôn phối. Đến đây thì tôi cũng vừa nhận ra là mình chưa có cái dại nào bằng cái dại này, nhưng mọi sự đã an bài, không còn làm sao cứu vãn được nữa. 

ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment