Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Friday, February 15, 2013

NGHIỆP VĂN ÁO VÕ [7]

Ký sự Tùy bút

7.- TIẾNG ANH 
CHO NHỮNG NGƯỜI THÍCH CHƠI HƠN HỌC 

Việc Tổng thống Johnson quyết định đưa quân đội Mỹ vào tham chiến ở Miền Nam đã làm cho chiến tranh càng ngày càng leo thang, và cường độ chiến tranh càng lên cao thì tổn thất của cả đôi bên càng nhiều mà chiến cuộc vẫn không ngả ngũ, càng tạo cơ hội cho những phong trào phản chiến ở Mỹ bành trướng mạnh, khiến cho chính phủ của Tổng thống Johnson cuối cùng rồi cũng phải xoay ra tìm kiếm một con đường thương thuyết hòa bình để giải quyết cuộc chiến Việt Nam. 

Chính vì thế mà sau khi đã giúp Miền Nam tái lập xong nền Cộng hòa bằng cuộc tuyển cử với liên danh hai tướng Thiệu và Kỳ đắc cử vào chức vụ Tổng thống và Phó Tổng thống để chấm dứt cơn khủng hoảng chính trị kể từ khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ thì người Mỹ cũng bắt đầu cho thực hiện những kế hoạch chuẩn bị cho thời hậu chiến. Trường Võ bị Quốc gia cũng là một nhân tố quan trọng trong việc góp phần xây dựng quốc gia nên được Mỹ giúp cải tổ lại chương trình huấn luyện thành bốn năm theo tiêu chuẩn của trường Võ bị West Point của Hoa Kỳ để đào tạo những sĩ quan hiện dịch có trình độ văn hóa cao hơn với đầy đủ kiến thức về khoa học và kỹ thuật nhằm phục vụ cho công cuộc tái thiết Việt Nam. 

Kế hoạch này bắt đầu được xúc tiến một cách mạnh mẽ kể từ khi Trung tá Vân, một sĩ quan hải quân từng đi tu nghiệp và có văn bằng đại học ở Mỹ về được bổ nhiệm làm Văn hóa vụ trưởng. Sơ đồ tổ chức của Văn hóa vụ được chia thành nhiều khoa hơn và số giảng viên cũng tăng lên gấp bội. Để giúp đỡ nhà trường thực hiện sự chuyển đổi từ lề lối cũ qua lề lối giảng dạy mới, mỗi khoa bây giờ đều có thêm một sĩ quan Hoa Kỳ xuất thân từ trường Võ bị West Point làm cố vấn bên cạnh Trưởng khoa. Những dự án xây cất thêm các cơ sở vật chất mới như văn phòng, thư viện, phòng thí nghiệm nặng, cũng như vấn đề cung cấp các trang thiết bị mới cũng được Mỹ viện trợ và bắt đầu thực hiện để đáp ứng với nhu cầu của sự cải tổ. 

Riêng về mặt nhân sự, mặc dù nhà trường đã được Bộ Tổng Tham cho tuyển lựa trong các khóa Sĩ quan trừ bị của trường Bộ binh Thủ Đức những người có cấp bằng Đại học để cấp thời bổ sung cho thành phần giảng viên theo nhu cầu của bảng cấp số mới, nhưng dù sao thì những người này trên nguyên tắc vẫn chưa hội đủ tiêu chuẩn của một giáo sư đại học chính thức, cũng như sự phục vụ của họ cũng chỉ có tính cách tạm thời vì một khi đã đủ thời gian quân dịch pháp định là phải cho họ giải ngũ, do đó, nhà trường còn phải cho thực hiện một kế hoạch dài hạn nhằm đào tạo một đội ngũ giáo sư cơ hữu với bằng cấp đúng tiêu chuẩn đại học. 

Để thực hiện mục tiêu trên, các sĩ quan giáo sư thuộc thành phần động viên hiện hữu được nhà trường khuyến khích cũng như dành cho mọi phương tiện dễ dãi trong việc làm hồ sơ xin đi du học Mỹ để lấy các văn bằng cao hơn rồi trở về phục vụ lại, hầu sau một thời gian nhà trường sẽ có một giáo sư đoàn thực thụ, đúng tiêu chuẩn để giảng dạy, và cấp bằng đại học của người SVSQ tốt nghiệp trường Võ bị Quốc gia cũng được công nhận và có giá trị như văn bằng của các đại học quốc gia khác. 

Thoạt đầu, sự kêu gọi này không được mấy người hưởng ứng vì cái tinh thần bài Mỹ vẫn âm ỉ trong tâm tư của nhiều người sĩ quan Văn hóa vụ do cái ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp vẫn còn rơi rớt lại trong tâm hồn những người thuộc thế hệ sinh ra và lớn lên khi người Pháp chưa bị Mỹ hất chân ra khỏi Đông Dương. 

Thứ đến khi người Mỹ nhảy vào Đông Dương thay chân Pháp, thì cái mục đích bảo vệ Tự do Dân chủ mà họ chủ trương chưa có dịp được tỏ rõ, họ đã tạo ra nhiều ấn tượng không mấy tốt đẹp như là vào giai đoạn cần thiết biến Miền Nam thành một tiền đồn chống cộng thì người Mỹ đã ra sức ủng hộ ông Diệm thành lập một quốc gia độc lập đối đầu với Miền Bắc, nhưng khi thấy ông Diệm không đi đúng đường lối chính sách như Mỹ mong muốn thì lại nhẫn tâm giết hại. 

Hành động đó của người Mỹ đã đưa Miền Nam rơi vào cuộc hỗn loạn đi đến chỗ suy sụp, và khi thấy nguy cơ Miền Nam sắp mất về tay Cộng sản thì người Mỹ lại đổ quân đội ào ạt vào Miền Nam, gây nên hiện tượng nhiều lớp người vì sự sống phải chạy theo cái thế lực thực tiễn của đồng đô la, và từ đó, xã hội càng ngày càng bị băng hoại trong nếp sống đua đòi của nền văn minh vật chất, làm đảo lộn trật tự nếp sống cũ và phá vỡ luôn nhiều giá trị truyền thống của Việt Nam, khiến cho những người trí thức thuộc thế hệ này mặc dù vẫn nhìn nhận người Mỹ có trình độ khoa học kỹ thuật cao, quân đội của Mỹ hùng hậu, kinh tế Mỹ phồn thịnh và phát triển, nhưng về mặt luân lý đạo đức thì người Mỹ cũng chỉ được coi như là một anh chàng trọc phú chỉ biết dùng tiền và sức mạnh của mình để thao túng các dân tộc khác nhằm mua sự an ninh cho mình. 

Một lý lẽ nữa là được xuất ngoại du học thì nhiều người cũng muốn nhưng cái điều kiện phải ký bản cam kết sau khi tốt nghiệp phải phục vụ cho quân đội lâu dài thì không ai thích. Hầu hết các sĩ quan động viên ai cũng nghĩ là mình chỉ phục vụ trong quân đội có tính cách tạm thời và tương lai vẫn là trở về với nếp sống dân sự, còn như phục vụ trong quân đội với vai trò giáo sư trường Võ bị thì cứ theo như bảng cấp số của sơ đồ tổ chức, Văn hóa vụ trưởng mang cấp bậc Đại tá, khoa trưởng là Trung tá, và giáo sư là Thiếu tá. Như vậy, những người hiện nay ghi tên đi du học để sau này trở thành giáo sư thực thụ của trường, nếu có phục vụ cho tới về hưu cũng khó có cơ hội thăng tiến và cũng không dễ gì lên được cấp bậc cao trong quân đội. 

Thời gian đầu số người tình nguyện ghi danh rất ít, tuy nhiên trong số này lại có anh thiếu úy phụ trách bộ môn sử của tôi, không biết vì anh ta muốn có dịp tìm hiểu sâu xa hơn về lịch sử của một quốc gia hùng cường đang chủ trương truyền bá tư tưởng bảo vệ Tự do và Dân chủ trên thế giới bằng sức mạnh kinh tế và quân sự của mình, hay chỉ vì đã thấm mệt với việc vùi đầu vào mớ sách vở tài liệu bằng tiếng Mỹ để soạn bài nên cũng muốn nghỉ xả hơi một thời gian. Riêng đối với tôi thì nhờ cái quyết định đó của anh ta mà khi anh ta được gọi về Sài gòn để học Anh ngữ, tôi đã được anh ta giao lại căn phòng ở D8 khu Lữ Gia vừa mới được nhà trường cấp cho vài tháng trước đó nhờ tôi ở trông nom hộ, cho nên tôi mới được hưởng một thời gian có một chỗ ở tốt lại yên tịnh thích hợp cho bản tính thích suy nghĩ của mình. 

Sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân của Việt cộng vào các đô thị Miền Nam nhưng không có sự nổi dậy của dân chúng hỗ trợ đã khiến cho Việt cộng bị thất bại nặng nề, tuy nhiên về mặt tâm lý thì những hình ảnh đổ nát và những sự tàn sát dã man đã xảy ra cho dân chúng Miền Nam trong dịp này đã tác động mạnh vào cảm quan của mọi người làm cho nhiều người bắt đầu thấy lo âu và sợ hãi nhiều hơn khi nhìn vào cuộc chiến. Riêng đối với những người nằm trong hạng tuổi bị chi phối bởi luật động viên thì lại đang có thêm một sự kiện quan trọng và có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của mình là chính quyền Miền Nam cũng đã nhân cơ hội này để ban hành lệnh tổng động viên toàn diện. Ngoài việc tăng cường gọi thanh niên nhập ngũ, tái ngũ, chính phủ còn ngưng luôn việc cho giải ngũ các thành phần đang thi hành quân dịch đã phục vụ đủ hạn kỳ, bất cứ thuộc thành phần nào. Do cái lệnh bắt lưu ngũ này mà nhiều người trong số bị động viên đang làm giảng viên ở trường Võ bị cũng có sự chuyển hướng. 

Mặc dù chiến tranh đang đi vào giai đoạn khốc liệt nhưng cũng chính lúc này là lúc người ta bắt đầu nói đến con đường thương thuyết để chấm dứt chiến tranh hơn là tiếp tục chiến tranh nên phần lớn những người vốn là giáo chức hay công chức chính ngạch bị động viên thì vẫn bấu víu cái hy vọng một lúc nào đó sẽ được trở về với nhiệm sở cũ, do đó vẫn không thay đổi ý định. Riêng số người không có gốc gác nào thì bắt đầu thấy mình cũng không còn hy vọng tìm cho mình một con đường tương lai nào sáng sủa hơn trong hoàn cảnh hiện nay, nên đành chọn cho mình con đường du học. 

Sự thay đổi này không hẳn vì tất cả những người tình nguyện ghi danh du học đều tìm thấy một động lực chính đáng cho việc chấp nhận phục vụ quân đội lâu dài mà chỉ vì có một số người thấy chiến tranh và định mệnh đã trói buộc mình phải khoác vào người bộ áo võ mà nay cơ hội lại đang mở cho mình một con đường tạm thời thoát khỏi cái áo nhà binh để có được một thời gian trước mắt là được thảnh thơi đi học Anh ngữ mà khỏi phải lo lắng gì cả về những chuyện như đánh giặc, cấm trại, ứng chiến... thì tại sao lại không chụp lấy. Còn mục tiêu xa thì dù sao cái việc được du học để có thêm được một mảnh bằng ngoại quốc vẫn là một điều hay. Chính vì thế mà số người ghi tên tăng lên khá đông cho nên anh em trong khối Văn hóa vụ mới đẻ ra cái danh từ "Đại úy già" để gọi đùa những người ghi tên vào chương trình du học này. Và lần này thì trong số người xin chấp nhận làm "Đại úy già" này có tôi. 

Dĩ nhiên sự lựa chọn này của tôi cũng không có lý do nào cao siêu hơn những lý lẽ thường tình trên đây. Vốn không có gốc gác nào trước khi bị gọi nhập ngũ nhưng vì trước đây tôi cũng nghĩ là mình chỉ phục vụ cho xong thời hạn quân dịch rồi giải ngũ trở về sống đời dân sự như tất cả mọi người không thích nếp sống bị ràng buộc trong kỷ luật quân đội, nhưng nay tình hình hoàn toàn đổi khác mà mình cũng không tin tưởng gì cuộc chiến này sẽ có thể kết thúc sớm, cũng không có gan làm anh hùng thì chi bằng có cơ hội cho mình tạm tránh xa những bất hạnh đang đe dọa bất cứ ai đang mang trên mình bộ áo võ, và thoát khỏi những suy tư ray rứt về những cái phi lý của cuộc chiến hiện nay thì cũng không nên bỏ qua. 

Bình thường, muốn xin được một cái học bổng du học là cả một chuyện bon chen tranh dành khó khăn, và ngay cả những người có điều kiện xin du học tự túc trước đây cũng phải trải qua bao nhiêu thủ tục khó khăn chạy chọt mới mong có kết quả, nhưng trường hợp bọn tôi thì coi như được nhà trường cho ưu tiên, và học bổng thì đã được cơ quan USAID dành sẵn đó, nên chỉ có việc làm hồ sơ đầy đủ nộp cho trường để họ chuyển qua USAID là an tâm chờ tới phiên được gọi đi học thôi. 

Ngay cả cái trở ngại về vấn đề ngôn ngữ cũng không thành vấn đề vì cơ quan USAID cũng đã biết là lớp người thuộc thế hệ còn chịu ảnh hưởng Pháp thì cho dù có học tiếng Anh rồi nhưng với cách học từ chương trước đây thì giỏi lắm cũng chỉ có thể đọc sách báo hay viết lách đôi chút chứ không có khả năng nghe và nói được với người Mỹ, cho nên cũng đã có tổ chức sẵn những lớp Anh ngữ dành riêng cho thành phần công chức quân nhân được học bổng đi tu nghiệp như bọn tôi theo học, từ trình độ yếu kém nhất cho tới trình độ đủ khả năng dự thi bằng TOEFL và đạt được số điểm tối thiểu mà các Đại học ở Mỹ đòi hỏi người sinh viên du học phải có tùy theo ngành học của mình để được thâu nhận. 

Chính vì thế mà sau khi nộp hồ sơ được vài tháng là bọn tôi được cơ quan USAID ở Sài gòn gọi về để thi trắc nghiệm trình độ Anh ngữ. Khóa học Anh ngữ của USAID tổ chức được chia thành sáu cấp từ lớp một cho những người hoàn toàn không có căn bản về nói và nghe Anh ngữ cho tới cấp có trình độ cao nhất là lớp sáu. Mỗi lớp học kéo dài hai tháng. Như vậy người giỏi cũng phải qua vài tháng ôn tập và người kém nhất thì cũng còn phải mất cả năm để học Anh Văn trước khi có thể lên đường đi Mỹ. 

Nắm được cái quy luật này nên ngoại trừ một vài người còn có bổn phận phải lo cho gia đình nên cần làm sao cho mình có thể học nhanh đi sớm về trước để không làm gián đoạn bổn phận đối với người thân là còn có vẻ lo ôn luyện trước để chạy đua với thời gian, còn lớp trẻ độc thân mà chủ đích trước tiên là tìm cho mình một thời gian thoát khỏi những ràng buộc của đời sống quân ngũ thì khỏi cần phải bận tâm lo lắng gì cả, vì cuộc chiến còn kéo dài thì càng được đi học lâu càng tốt. 

Trong cuộc đời đi học và thi cử của tôi chưa bao giờ thấy mình phải đi thi mà tâm hồn thoải mái như bây giờ. Cái tâm lý này không phải chỉ riêng tôi mà hình như đám mấy anh chàng độc thân vui tính cũng đều cảm thấy như thế cả. Nghe gọi đi thi mà cứ như là được đi phép, vì mấy ngày về Sài gòn chỉ tự do rong chơi, miễn sao đúng ngày giờ ấn định thì có mặt tại địa điểm tổ chức thi để trình diện và dự thi là được rồi. Nếu còn chút gì đáng gọi là lo lắng thì có lẽ chỉ còn chút lo rủi nhằm ngày mấy anh chàng đặc công Việt Cộng chuyên tìm cách đánh vào các cơ quan của Mỹ trong thành phố cũng lọt vào đặt chất nổ đâu đó làm cho mình có thể bị vạ lây thôi. 

Ngày thi chúng tôi đều có mặt đầy đủ và đúng giờ tại cơ sở USAID ở đường Phạm Ngũ Lão như quy định. Sau khi được hướng dẫn lên phòng lab, mỗi người được chỉ định ngồi vào một ô ngăn với cái máy thu băng, úp bộ ống nghe vào tai để bắt đầu. Vì thi theo kiểu trắc nghiệm và không phải lo lắng về kết quả của cuộc thi nên ngoại trừ vài vị đáng kính muốn có điểm cao để còn rút ngắn thời gian phải đi học Anh Văn thì còn tỏ ra chăm chú nghe để hiểu rồi trả lời, còn đám quan nhỏ ham vui thì cứ nhắm mắt từ tốn mà đánh dấu đại vào tờ trả lời cũng xong. 

Một tháng sau USAID gửi kết quả cuộc thi trắc nghiệm khả năng Anh ngữ của bọn tôi về trường thì cũng kèm luôn danh sách những người có trình độ thấp phải sắp vào các lớp một và hai được yêu cầu cho về Sài gòn để bắt đầu đi học. Tôi được sắp vào lớp hai nên cũng có tên trong danh sách gọi về đi học trong đợt này. Kể ra thì với cái gốc Tú tài ban Sinh ngữ và Đại học Văn khoa mà nay thi trắc nghiệm trình độ Anh ngữ lại gặt được cái kết quả tồi tệ như vậy, tôi thấy mình cũng đáng hổ thẹn lắm, nhưng xét ra thì tôi vẫn còn yếu bóng vía hơn hai ông bạn trẻ khác cũng có gốc chung là Văn khoa, vì hai ông này còn siêu tới độ được sắp ngay vào lớp một, nghĩa là nắm chắc trong tay một năm ở Sài gòn ăn lương lính, mặc đồ dân sự, làm học trò ngồi ê a mỗi ngày bốn tiếng trong lớp cho xong bổn phận, thì giờ còn lại tha hồ sống cho mình hay cho ai tùy thích. 

Kể ra thì cái màn đi học Anh văn này không phải hoàn toàn thú vị cho tất cả mọi người. Một vài vị công chức lớn tuổi không còn lo bị vấn đề lính tráng chi phối nhưng lại muốn dựa vào cái học bổng để có dịp đi ra ngoài cho biết xứ người thì lại khổ vì cái nạn ngôn ngữ. Vốn trước đây quen học tiếng Pháp, xử dụng tiếng Pháp, còn tiếng Anh chỉ là một sinh ngữ phụ học theo âm hưởng Pháp, nay cái lưỡi đã cứng thành nếp rồi mà ngày nào cũng ngồi lặp đi lặp lại mãi mấy câu như con kéc: "Dzít xi xề pen" (This is a pen), "Dzít xi xề pen xồn" (This is a pencil)... bằng cái giọng ngọng nghịu trước mặt một cô giáo trẻ tuổi hơn mình, và mỗi lần tới phiên mình phải đọc lại một mình là y như rằng bị cô ta dồn hết sự chú ý vào mình để bắt uốn đi uốn lại cái lưỡi năm lần bảy lượt mà vẫn không làm sao phát âm cho đúng được thì quả là một cực hình. Ngồi luyện mấy tháng rồi mà tự thấy mình vẫn không khá nổi, mấy vị này đành phải từ bỏ giấc mộng viễn du. 

Cùng chung cái kinh nghiệm khổ sở tương tự trường hợp mấy vị trên phải kể anh thiếu úy phụ trách bộ môn sử trước đây của tôi. Đã một năm qua kể từ ngày anh ta về Sài gòn luyện Anh văn, tôi tưởng anh ta nếu chưa ngồi ở một đại học Hoa kỳ nào đó thì ít ra cũng đang sắp sửa va li lên đường đi Mỹ, không ngờ một hôm thấy anh ta lò dò trở về trường, cổ áo đeo hai hoa mai, cái cấp bậc mà một người sĩ quan bị động viên bình thường trong thời gian trước đây không bao giờ lên tới nếu không lưu ngũ. Thì ra sau một năm ngồi mòn ghế ở lớp học Anh ngữ mà không thấy cái tai của mình nhạy ứng hơn khi nghe cũng như cái lưỡi không thể nào uốn dẻo hơn khi phát âm cái thứ ngôn ngữ mà khi nói thì gần như muốn trẹo cả quai hàm này, anh ta cũng đành phải xin rút tên ra khỏi chương trình du học. 

Đúng vào hôm tôi sắp rời Đà lạt để về Sài gòn thì anh ta cũng mang bầu đoàn thê tử lên Đà lạt. Có điều căn phòng cũ ở D8 thì trước đây vài tháng có một ông đại úy thuộc khối huấn luyện nại cớ anh ta đã xin đi du học thì không có quyền giữ lại nhà ở cư xá nên đã yêu cầu phòng Tiếp vận lấy lại và cấp cho ông ấy. Tuy nhiên vì ông đại úy cũng đã nhường lại căn phòng của ông ta trong F1 cho tôi ở tạm bấy lâu cho nên bây giờ anh ta về thì tôi lại giao căn phòng của tôi ở F1 cho anh ta và luôn cả khẩu súng lục của anh ta giao cho tôi mượn để đeo mỗi lần đi trực gác lâu nay. Quả là cái duyên nợ của anh ta với khẩu súng cũ và cái cư xá F1 này vẫn còn chưa dứt.   

ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment