Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Friday, February 15, 2013

NGHIỆP VĂN ÁO VÕ [6]

Ký sự Tùy bút

6.- NHỮNG ÐẤNG VÕ LÂM VĂN HÓA 

 Nói đến thời gian phục vụ tại trường Võ bị Quốc gia của tôi mà không có lời nào mô tả về cái khối Văn hóa vụ và các vị mà tôi xin được phép gọi chung là bạn đồng nghiệp của tôi tại cái lò văn võ giao duyên này là một sự thiếu sót vô cùng to tát, nếu không nói là còn có thể bị quy cho cái tội cố tình lãng quên những người đã có một thời từng chung vui xẻ buồn với mình trong một giai đoạn đáng kể nhất của cuộc đời. 
 
Dĩ nhiên là đúng như cái tên gọi, Văn hóa vụ đảm trách công tác huấn luyện người SVSQ trường Võ bị về mặt văn hóa với trình độ tương đương đại học, cho nên về mặt tổ chức và điều hành cũng được coi như một viện đại học, nhưng vì nó chỉ là một bộ phận nằm trong cơ cấu tổ chức chung của cái lò võ này nên nó cũng có nhiều nét không giống với các đại học bên ngoài, vì sinh viên là lính mà giáo sư cũng là lính, và tất cả cùng ăn lương quân đội. 
 
Lại nữa, chức năng của văn hóa vụ trưởng, trưởng khoa, giảng viên v.v... tuy cũng được xem tương đương như viện trưởng, khoa trưởng, giáo sư diễn giảng... trong cơ cấu tổ chức của một viện đại học, nhưng tiêu chuẩn để được bổ nhiệm vào các chức vụ trên thì không hoàn toàn căn cứ trên bằng cấp văn hóa bắt buộc phải có mà còn dựa trên cấp bậc và thâm niên quân vụ. Do đó mà Văn hóa vụ trưởng phải là người có cấp bậc cao nhất, và trưởng khoa phải có cấp bậc cao hơn giảng viên v.v... 
 
Chính vì cái áo võ đóng một vai trò quan trọng trong cơ cấu tổ chức của Văn hoá vụ cho nên chỉ có các vị từng bị động viên vào lính từ cái thời quân đội Quốc gia mới hình thành, rồi sau này tình nguyện ở lại quân đội phục vụ luôn nên đã được quân đội cho đi học tiếp để thành kỹ sư , cử nhân đại học, nhờ đó mà bây giờ mới có được vừa cấp bậc cao, vừa cấp bằng đại học để có thể trở thành Trưởng khoa, Văn hóa vụ trưởng, còn các vị cho dù có bằng cao học hay tiến sĩ mà mới bị động viên vào lính sau này thì cũng chỉ là giảng viên thôi. 
 
Các vị lão làng này thì ai cũng vợ con đề huề, không có nhà cửa riêng thì cũng ở cư xá sĩ quan, dưới tay cũng có một số sĩ quan thuộc hạ để cho mình ra lệnh, nên không còn phải đứng lớp mà chỉ ngồi bàn giấy chỉ huy. Ngoài ra, các vị lão làng này trước đây có thể xuất thân từ những quân binh chủng khác nhau, tuy nhiên bây giờ về đây làm những công việc chẳng liên quan gì với ngành võ mình đã từng được tôi luyện, nhưng vẫn khoác cái áo của lò võ đã đào tạo ra mình, cho nên cũng có vị thì mặc áo tàu bay, có vị thì mặc áo tàu thủy, có vị mặc áo thủy quân lục chiến, nhảy dù v.v... 
 
Cũng vì có những cái áo võ lạ kiểu đó cho nên mới có vài trường hợp khôi hài đã xảy ra như mấy anh chàng lính cà, gặp chuẩn úy, thiếu úy bộ binh giảng viên thì chào răm rắp, nhưng khi gặp ngài Văn hóa vụ trưởng mới về mang lon Hải quân Trung tá lái xe jeep đi làm thì vẫn tỉnh queo vì cứ nghĩ ông ta chỉ là trung sĩ hay thượng sĩ làm tài xế lái xe cho ông tướng hay ông tá nào đó. Chả là vì mấy anh lính cà này dẫu có đi lính từ thời Tây chưa về nước nhưng cả đời cũng chỉ quanh quẩn nơi cái xó núi rừng này, chỉ quen nhìn mấy ông quan bộ binh chứ có bao giờ thấy cái tàu thủy ra sao đâu thì làm sao biết được quan tàu thủy ăn mặc và mang lon như thế nào để biết mà chào.
 
Nói chung thì những vị quan to của văn hóa vụ dù sao thì cũng đã từng có thời kỳ được luyện thêm văn vào trong người cho nên ngoại trừ một vài vị có lẽ vì văn không đủ hay để làm cho thiên hạ nể, võ không có chỗ nào lặng cho mình múa, bèn xoay ra làm ông kẹ thỉnh thoảng xách súng hù đám sĩ quan dưới trướng làm niềm vui như trường hợp ngài Văn hóa vụ phó thuộc giòng dõi hoàng tộc, còn hầu hết các vị khác thì cũng tỏ ra rất nho nhã. Tuy nhiên, sống trong môi trường võ thì bất cứ lúc nào cần, quan to vẫn có thể dùng cái áo võ nặng ký hơn của mình để ra lệnh cho quan bé phải thi hành. 
 
Những người trực tiếp đứng lớp giảng dạy văn hóa như bọn tôi tất nhiên được các SVSQ gọi bằng thầy, hoặc "giáo sư" theo như ngôn từ chính thức do nhà trường quy định, tuy nhiên cái mức độ kính trọng mà bọn họ dành cho bọn tôi như thế nào thì chỉ có mỗi người SVSQ tự hiểu lấy chứ tôi không làm sao quyết đoán được. Riêng đối với các quan võ thuộc các khối khác thì tôi nghĩ rằng nhờ có chút văn dính nơi người bọn tôi nên họ cũng không thể chỉ nhìn bọn tôi đơn thuần qua cái áo võ, nhưng khi có động chạm đến quyền lợi thì những ông quan võ đầy mình này cũng không ngần ngại dùng cái áo võ chuyên nghiệp của họ để quất cho cái áo võ tạm thời của bọn tôi tả tơi như cái mền rách. 
 
Nói đến qúy vị đồng nghiệp của tôi ở đây thì tôi phải tôn xưng họ là những đấng võ lâm văn hóa vì tuy cái thân các vị ấy không ít thì nhiều, ai cũng từng được nung qua tại cái lò võ Thủ Đức, nhưng vì nhờ "cứ ăn cứ ngủ" nên cái thể của các vị ấy thì vẫn hãy còn dính đầy chất văn cho nên cách hành xử của các vị ấy đôi khi cũng tỏ ra khác thường và có nhiều vị còn có những quái chiêu mà nếu như không gặp nhau trong môi trường này thì không bao giờ tôi có thể biết được. Lại nữa, các vị này nếu như ở ngoài đời thì cũng chưa chắc gì tôi đã gặp họ hay có thể được gặp họ, nhưng nhờ khoác cái áo võ vào mà tôi mới có cơ hội được làm bạn với các vị ấy. 
 
Ngày tôi mới khệ nệ vai đeo con cá, tay xách ba lô nách mang sac marin về trình diện khối văn hóa vụ trường Võ bị thì toàn khối Văn hóa vụ đếm từ Văn hóa vụ trưởng xuống tới hàng giảng viên cá kèo như tôi cũng chỉ mới được chừng ba chục lẻ. Tuy nhiên chưa đầy hai năm sau đó, con số đã lên tới hàng trăm tính theo con số điểm danh ứng chiến, còn nếu như kể luôn cả các vị đang được trường cho du học ở Úc, ở Hoa Kỳ hay có những vị còn đang ngồi ê a tiếng Anh ở Sài gòn để chuẩn bị cho ngày lên đường du học thì con số còn cao hơn nhiều lắm. 
 
Sở dĩ có sự gia tăng quân số nhanh và đột biến như thế là vì thời điểm tôi về phục vụ tại trường Võ bị cũng là thời điểm bắt đầu có sự chuyển đổi quy chế đào tạo SVSQ trường này từ hệ hai năm trở thành hệ bốn năm với chương trình văn hóa được nâng cao, thêm môn học, tăng số giờ, và phương pháp giảng dạy cũng đổi mới, không còn dạy theo kiểu từ chương với lớp có sĩ số đông mà được phân chia thành nhiều lớp nhỏ có sĩ số ít cho đúng với phương pháp thực nghiệm theo kiểu Mỹ. Vì thế cấp số sĩ quan giảng viên văn hóa cũng phải tăng theo để đáp ứng với nhu cầu. 
 
Cứ nhìn bề ngoài qua bộ áo võ thì không thể phân biệt được vị này là kỹ sư và giảng dạy môn kỹ thuật, vị nọ thuộc khoa học và phụ trách về môn toán, vị khác nữa chuyên về nhân văn nên giảng dạy các môn thuộc về xã hội v.v... tuy nhiên nếu tìm hiểu sâu thêm về nguồn gốc thì phải nói rằng nhiều vị trước khi phải khoác bộ áo lính vào người để rồi được đưa về đây ca bài văn võ giao duyên thì cũng đã từng có thời gian là hiệu trưởng hoặc giáo sư trường này, giám đốc nha sở nọ, ty trưởng ty kia v.v... 
 
Một số vị cũng từng được học bổng tu nghiệp, có cấp bằng ngoại quốc rồi trở về phục vụ, nắm giữ những chức vụ tương đối ngon lành trong chính quyền hay các ngành chuyên môn, nhưng sau đó thì bị lớp đàn anh già cả cổ hủ e ngại bị tranh giành mất ảnh hưởng nên mới tìm cớ tống khứ vào cái lò võ Thủ Đức, hy vọng mượn súng đạn quân thù trị giùm mình để cho mình được an tâm làm ăn ở nhà. Nhưng trời chưa nỡ bỏ các vị này nên mới đưa đẩy cho các vị ấy về đây cùng ca bài văn võ giao duyên. 
 
Về tài năng riêng thì trong khối văn hóa vụ cũng có nhiều vị từng làm thơ, viết văn, viết báo, soạn nhạc.. cho đến tài xem tử vi bói toán. Tuy nhiên, vào đây rồi thì cũng ít ai muốn đem cái tài năng thiên phú riêng ấy ra thi thố ở chốn này mà tất cả có vẻ như chỉ muốn hòa đồng vào cái khối rất bình đẳng với nhau là coi cái áo lính như món nợ mình phải mang và xem thời gian phục vụ tại trường này cũng chỉ là một khoảnh khắc dừng chân trong cuộc đời. Cái tính bình đẳng này được thể hiện rõ nhất ở chỗ các vị không còn gọi nhau bằng tước vị ở ngoài đời hay cấp bậc trong quân đội mà gọi nhau bằng những biệt danh. 
 
Có thể nói trong Văn hóa vụ thì từ quan to xuống tới quan nhỏ ai cũng có ít nhất là một biệt danh. Ngoài những biệt danh chỉ dùng một hình dung từ nào đó kèm theo tên cúng cơm của các vị ấy như là cao, lùn, đen, trắng, bệu, teo, gàn... còn có những biệt danh dựa vào thói quen trong ngôn ngữ các vị ấy xử dụng như "moa biết", "thế là"... hay dựa vào một công trình nào đó của vị ấy đã được nhiều người ca ngợi như "duyên thề", hoặc có khi chỉ nhằm nêu lên cho mọi người cùng biết cái sở trường tay trái của các vị ấy như: "úp cái đồn", "tàu lặn"... Ngoài ra cũng còn có vài cái biệt danh rất tréo cẳng ngỗng như có một vị thuộc hàng lớn tuổi trong đám nên được anh em đặt cho cái biệt danh là "anh Hai" nhưng lại kèm thêm tiếng "thằng" cho nên được gọi là "thằng anh Hai". Tuy thế, chẳng có ai phàn nàn về cái biệt danh anh em đặt cho mình cả mà còn cảm thấy qua những cái biệt danh đó, họ sống tự nhiên thoải mái và thấy gần nhau hơn. 
 
Vào cái thời mà Văn hóa vụ hãy còn lèo tèo vài chục vị thì mấy anh chàng thuộc dân bị động viên rồi được đưa về đây làm thầy thì cũng chỉ được nhà trường dành cho dãy F1 gọi là cư xá sĩ quan độc thân thuộc khu Quang Trung để ở. Những người có gia đình và có việc làm ăn thêm thì thường tìm thuê nhà riêng ngoài phố cho tiện. Vài người có gia đình nhưng không được cấp nhà cư xá, cũng không muốn tốn thêm khoản tiền thuê nhà thì đem cả gia đình vào chiếm luôn một căn ở tạm, chờ ngày đáo hạn giải ngũ nên không cần bận tâm về những cái bon chen tầm thường. Trong số này có anh chàng Thiếu úy trưởng bộ môn sử. 
 
Lúc tôi mới về, nhìn bộ tướng anh ta thấy tuy có đô con nhưng ăn mặc đồ lính thì xuề xòa, đi đứng thì lè phè như đại cái bang chính hiệu còn tay thì ôm cái cặp to tướng đựng toàn sách Mỹ nhưng nói chuyện thì lại xưng "toa, moa" với tôi, khiến cho tôi cũng đã ngạc nhiên lắm rồi. Sau này được biết thêm thân sinh anh ta là Chủ tịch Giám sát viện và là bà con với đương kim Tổng thống nhưng căn phòng anh ta ở thì chật chội như cái chuồng gà và thiếu thốn mọi tiện nghi, nhưng anh ta vẫn thản nhiên vùi đầu vào đống sách vở bề bộn để soạn bài dạy cho sinh viên, tôi lại càng nể phục anh ta hơn. 
 
Kể từ khi chương trình cải tổ bắt đầu, cấp số sĩ quan giảng viên của văn hóa vụ tăng lên, thì các sĩ quan văn hóa vụ mới bắt đầu được cấp trên quan tâm lo lắng nhiều hơn. Vì không có chỗ ở cho các sĩ quan mới về nên nhà trường phải trưng dụng thêm khách sạn Thủy Tiên 2 làm thành cư xá sĩ quan độc thân. Khách sạn này nằm ngay trung tâm thành phố, tách biệt với các khu cư xá của các quan to nên đã trở thành không những là một nơi cư trú thoải mái cho các sĩ quan văn hóa vụ thuộc loại nếu không là độc thân vui tính thì cũng phải là độc thân tại chỗ, mà còn có thể coi như là một câu lạc bộ cho bất cứ sĩ quan nào ở cư xá hay đơn vị khác muốn đến đây tìm những giây phút giải trí thảnh thơi thoải mái với nhau vào buổi chiều tối hay những ngày nghỉ cuối tuần. 
 
Mặc dù nhiều vị chỉ lãnh lương lính nhưng cuộc sống lúc nào cũng rất văn nghệ. Nhờ phòng ở tương đối khang trang nên vị nào cũng có vẻ thích tạo thêm cho mình một vài tiện nghi ngoài những gì đã có sẵn hoặc trang hoàng theo một vẻ riêng. Những vị thích phong lan thì nhất định ở balcon phòng mình thế nào cũng phải có dăm ba giò lan treo lủng lẳng. Những vị thích nhạc thì cũng cố gắng sắm cho mình một dàn âm thanh nổi đặt trong phòng. Đôi khi khách đến chơi mới tới hành lang cũng đã nghe đủ thứ âm thanh, phòng này có tiếng Thanh Thúy ca nhạc Việt, phòng nọ có tiếng hát Dalida đang hát nhạc Tây. Ở tầng lầu khác thì lại vang vang tiếng bập bùng của những điệu nhạc khiêu vũ. 
 
Sôi nổi hơn cả là những vị mang sẵn giòng máu đam mê truyền thống dân tộc có hai màu đỏ đen trong người. Mấy vị thích tỏ ra phong lưu tao nhã hơn một chút thì họp nhau xoa mạt chược. Mấy anh chàng thích làm nên nghiệp lớn thì tụ tập nhau thành những sòng xì phé. Tuy nhiên cũng có vài đám hơi có chút nữ tính thì cũng có thể rủ nhau gầy sòng tứ sắc như các bà. Chính vì nhờ có sự hiện diện của các vị này ở khu Thủy Tiên mà các hiện tượng sinh hoạt ngoài phố nhiều khi cũng biến thiên theo. 
 
Vào những hôm trời yên đất lặng thì phố xá thấy các vị đi về tấp nập. Gặp những ngày tình hình an ninh báo động, các vị có lệnh phải cấm trại thì phố xá cũng có vẻ như trống vắng đi. Bình thường thì đầu tháng người ta thường thấy các vị lai vãng cà phê Tùng, nhà Thủy Tạ, các quán ăn ngon, nhưng càng gần cuối tháng thì người ta càng thấy có nhiều vị chỉ dạo lang thang khu Hoà Bình, xuống chợ Đà lạt, chán rồi lại quay về phòng nấu mì gói, hay giỏi lắm thì ghé vào nhâm nhi ly cà phê bến xe hoặc ngồi gật gưỡng ở tiệm rượu thuốc Ngô như Khương ở đường Phan Đình Phùng. Điểm hẹn này thường chỉ dành riêng cho mấy vị có máu Lưu Linh thôi. Mấy vị này thường coi trời bằng cái mái hiên tiệm rượu và đất chỉ bằng cái bàn gỗ con con đặt xị rượu thuốc với cái dĩa nhỏ đựng vài cái chân gà hầm, nhưng chí của các vị thì có thể làm cho nghiêng trời lệch đất lúc nào không biết. 
 
Kể ra nói về tài năng của các vị này thì nhiều vô cùng và giai thoại về các vị này thì nếu sưu tập lại có thể đủ viết  thành vài quyển sách, nhưng vì cái căn cơ của tôi hãy còn kém cỏi nên không có cái duyên may được biết hết. Tuy nhiên chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã đủ cho tôi phải bái phục quí vị hết mình và phờ cả người khi muốn học tập theo gương các vị ấy.  
 
Trong tình trạng đất nước thì chinh chiến, xã hội thì đầy dẫy bất công và nghịch lý khiến cho nhiều vị phải từ giã cuộc sống dân sự để khoác vào mình bộ áo nhà binh, bị gò bó trong khuôn khổ kỷ luật của quân đội nên các vị ấy có những lúc không làm sao tránh khỏi những bất mãn riêng tư, đưa đến những thái độ sống bất cần đời. Tuy nhiên mối tương quan của các vị ấy đối với người SVSQ chỉ là mối tương quan thầy trò trong phạm vi truyền thụ kiến thức về mặt văn hóa, cho nên trong phạm vi này thì các vị ấy vẫn luôn luôn giữ đúng bổn phận và làm tròn trách nhiệm vì vị nào cũng mang trong lòng cái kỳ vọng muốn thấy những người sinh viên này mai sau sẽ trở thành những người đóng vai trò lãnh đạo xứng đáng hơn thế hệ cha anh của họ.  
 
ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment