Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Friday, February 15, 2013

NGHIỆP VĂN ÁO VÕ [5]

Ký sự Tùy bút

5.- PHÁO GIAO THỪA VÀ NƯỚC MẮT ÐÊM XUÂN 

Cứ theo như sự suy nghĩ của nhiều người thì đang thời buổi chiến tranh như thế này, bất cứ một người nào mà số mệnh bắt họ phải khoác bộ áo lính lên người nhưng không phải trực tiếp cầm súng chiến đấu, đối diện với sự sống chết hằng ngày, là có thể coi như kẻ đó đã được hưởng một điều may mắn. Chính vì thế mà tôi thấy mình cũng đừng nên so sánh số phận mình bây giờ với những kẻ được may mắn hơn, không bị luật động viên chi phối, để cho mình vui vẻ bằng lòng với những gì mình đang hưởng. 

Mà thật thế, nếu gạt ra ngoài những cái gò bó về phần nhiệm vụ và tác phong phải có của một người quân nhân thì công tác giảng dạy tại trường Võ bị cũng không có gì gọi là vất vả mà còn có thể nói là nhàn hạ, vì mỗi giảng viên thường cũng chỉ phụ trách khoảng 12 giờ dạy mỗi tuần lễ. Thì giờ còn lại người giảng viên được quyền coi như dùng để soạn bài, chấm bài, nhưng cũng có thể tự do đọc sách nghiên cứu hay tìm hiểu những gì mình thích, bằng không thì cũng có thể bày các trò tiêu khiển với nhau. Một số người nhờ uy tín nghề nghiệp sẵn có từ trước, còn có thể lợi dụng khoảng thời gian bỏ trống này để kiếm thêm giờ dạy tư ở các trường ngoài. 

So với số giảng viên thuộc lớp đi trước thì tôi là hạng sinh sau đẻ muộn nên chuyện bon chen kiếm vài giờ dạy tư bên ngoài ở cái thành phố vốn dĩ thưa dân, ít học trò nhưng lại thừa thầy này là điều rất khó. Tuy nhiên, môi trường làm việc ở đây lại là nơi quy tụ nhiều tài năng của nhiều ngành chuyên môn khác nhau có thể giúp cho mình cơ hội học hỏi thêm những gì mình muốn biết, cũng như nhà trường lại có đầy đủ phương tiện máy móc, phòng thí nghiệm để cho mình thực tập, cho nên tôi cũng bắt đầu lợi dụng thì giờ rỗi rãi của mình để trau dồi thêm một ít kiến thức về khoa học. 

Vốn thích nghe nhạc nên tôi bắt đầu tìm hiểu về điện tử. Lúc này thị trường bên ngoài ở các thành phố có quân đội Mỹ trú đóng đang bày bán nhan nhản những dàn máy âm thanh nổi với giá không đắt lắm nhờ đám con buôn chuồn hàng PX ra, nhưng đối với mức lương lính như tôi thì làm sao có khả năng mua sắm nổi những máy móc như Teac, Sony, Akai..., với đầy đủ receiver và loa như Pioneer, Sansui v.v... Tuy nhiên, nhờ nhịn bớt tiêu pha, tôi cũng dành dụm mua được cho mình một cái máy thu băng Sony trung bình và nhờ kết thân được với anh chàng trưởng phòng Thính thị nên tôi được anh ta giúp đỡ về kỹ thuật và phương tiện để thực hiện cho mình một dàn máy nghe nhạc với bộ khuyếch đại âm thanh và loa rời tự lắp ráp. Sánh với những dàn âm thanh nguyên bộ bán sẵn trên thị trường thì dĩ nhiên là không tới đâu, nhưng so với những phương tiện khác như radio, máy hát đang thông dụng thì cái dàn máy như thế này cũng là gồ ghề lắm. Xứ Đà lạt vốn yên tĩnh nên nghe nhạc là một cái thú và khi nghe nhạc với âm thanh phát ra đầy đủ trầm bổng là thấy tâm hồn như bị quyến rũ theo dòng âm thanh ngay. 

Cùng lúc này tôi lại được cái may mắn nữa là anh Thiếu úy Trưởng bộ môn Sử của tôi vì có ghi danh đi du học nay đến lúc được gọi về Sài Gòn học bổ túc Anh ngữ, bèn nhường căn phòng và đồ đạc mà trường cấp cho gia đình anh ta lâu nay ở dãy D8 khu cư xá Lữ Gia cho tôi ở trông chừng nhà. Thế là tôi bỗng nhiên cũng có được một chỗ ở khá khang trang và rộng rãi. Từ nay những chiều đi làm về, tôi đã có một nơi chốn nghỉ ngơi hoàn toàn tự do và nghe nhạc thoải mái. 

Khi mùa mưa chấm dứt thì cũng là lúc mùa văn hóa đi vào giai đoạn kết thúc và nhà trường lo chuẩn bị lễ mãn khóa cho khóa 22A. Theo truyền thống, lễ ra trường của SVSQ trường Võ bị năm nào cũng được tổ chức quy mô và trọng thể, với sự chủ tọa của vị nguyên thủ quốc gia và sự tham dự của các vị quan khách ngoại giao đoàn để phô trương thanh thế quốc gia. Chính vì thế mà công tác tổ chức cuộc lễ được tiến hành rất quy mô và chi tiết. Các sĩ quan ai cũng được phân công tác và chuẩn bị từ vài tháng trước ngày hành lễ. Còn sinh viên thì càng gần đến ngày hành lễ càng phải lo tập dượt ráo riết sao cho buổi lễ diễn ra thật hoàn hảo. 

Sĩ quan thuộc khối Văn hóa vụ thường được bố trí vào các công tác tiếp tân hoặc làm tùy viên cho các thượng khách nên phải ăn mặc chỉnh tề và quân phục bắt buộc là đại lễ mùa đông. Thành phần sĩ quan động viên thì cấp số quân trang đâu có được quân đội cấp cho loại quân phục này nên phải tự xoay sở lấy. Chuyện tưởng khó mà không khó vì mấy anh chàng sinh viên sắp ra trường kia thì đâu có cần đến mấy cái loại quân phục đó nữa nên cũng muốn có người hỏi tới để gửi gắm lại. Thế là các anh chàng sĩ quan Văn hóa vụ mỗi người chỉ cần nhằm một anh chàng SVSQ sắp ra trường nào đó cũng có tầm vóc cỡ mình rồi ngỏ ý là xong ngay. Nhờ thế mà buổi lễ mãn khóa cũng đã diễn ra rất trang nghiêm và đẹp mắt vì ông sĩ quan nào cũng quân phục đại lễ chỉnh tề. 

Sau khi khóa 22 ra trường thì khóa 24 cũng bắt đầu nhập trường. Ngày mới vào Thủ Đức, phải trải qua tám tuần huấn nhục đầu tiên tôi thấy mình cũng đã hốc hác lắm rồi, nhưng nay nhìn các SVSQ đàn anh huấn luyện khóa đàn em ở đây, tôi mới thấy cái màn hành xác ở Thủ Đức hãy còn nhẹ nhàng lắm. Tôi nghĩ nếu như thân nhân của những người tân khoá sinh này được phép chứng kiến ngày đầu tiên của con em họ ở đây chắc sẽ rơi nước mắt. Vừa bước qua khỏi cổng quân trường là bắt đầu thấy trời đất tối tăm ngay vì bị đám đàn anh cán bộ phụ trách huấn luyện xúm lại thay nhau quần thảo tơi bời cho tới bao giờ người tân khóa sinh ngất xỉu mới thôi. Đây cũng là một truyền thống làm cho người sĩ quan nào xuất thân trường Võ bị cũng có một thái độ hãnh diện về mình hơn sĩ quan xuất thân từ bất cứ quân trường nào khác. 

Vào mùa quân sự thì các sĩ quan khối Văn hóa vụ được coi như thất nghiệp. Vì không muốn để cho các ông thần văn hóa này ngồi không dễ sinh ra "nhàn cư vi bất thiện" nên cấp trên thường phải chế chuyện ra cho họ làm. Năm nay số sĩ quan thuộc văn hóa vụ khá đông nên nhà trường bày thêm ra chuyện tăng phái một số sĩ quan giảng viên qua khối Sinh viên phụ tá cho mấy ông sĩ quan cán bộ. Tôi cũng lọt vào số này. 

Thực tình mà nói thì mấy ông sĩ quan các khối khác vốn là dân hiện dịch, nên lúc nào cũng có vẻ "réc-lô", nghĩa là tác phong phải nghiêm chỉnh, lệnh lạc đâu ra đấy, trong khi mấy anh chàng xuất thân Thủ Đức chẳng qua coi chuyện lính tráng của mình như là cái nợ phải trả nên tác phong thường lè phè, miễn sao không quá đáng đến nỗi bị cấp trên khiển trách thì thôi. Nhờ mấy ông sĩ quan cán bộ cũng không thích gì bọn tôi có mặt bên khu vực của họ mà mới đầu bọn tôi cũng có qua để gọi là có thi hành công tác cho đúng lệnh cấp trên nhưng chỉ độ vài hôm, rồi một bên thì lờ còn một bên thì lặn êm luôn. Tuy nhiên, vì có dịp được quyền vào khu sinh viên ở nên vài anh sinh viên khóa đàn anh vốn có quen biết từ trước đã đưa tôi ghé chơi thăm phòng của họ. Đàn em mới vào bao giờ cũng được ở tầng cao nhất để được chạy và leo cầu thang nhiều hơn, nhưng khi bắt đầu lên đàn anh thì di chuyển xuống lầu thấp và lúc trở thành SVSQ cán bộ rồi thì phòng ở ngay tầng trệt, gần các cửa ra vào. Ngoài ra, trong phòng mấy ông đàn anh này thì bên cạnh cái tủ quân trang rất ngăn nắp gọn ghẽ còn có một cái tủ nữa đóng kín nhưng khi mở ra thì... trong đó lổn ngổn không biết bao nhiêu thứ tạp lục: nào là đường sữa, cà phê, mì gói v.v... và luôn cả bếp điện. Dĩ nhiên cái tủ này không bao giờ được mở ra khi có phái đoàn quan khách đến thăm quan nơi ăn chốn ở của SVSQ. 

Qua mấy năm đầy biến động, nhưng năm nay thì tình hình tương đối có vẻ khả quan vì cơ chế chính trị đã ổn định lại có lời đề nghị hưu chiến trong mấy ngày Tết của phía Việt Cộng để hai bên cùng hưởng xuân nên quân nhân công chức đều được dễ dãi trong việc xin hưởng phép nghỉ Tết. Đối với tôi thì bây giờ đâu có nơi nào có thể bảo là nhà để cho mình về sum họp, nhưng tôi vẫn lấy giấy phép đi Sài gòn chỉ nhằm mục đích mấy ngày Tết được hoàn toàn tự do ở đây mà không bị phiền nhiễu vì vấn đề trực gác. 

Ngày cận Tết thì tân khóa sinh khóa 24 leo đỉnh Lâm viên và tối đó là lễ gắn alpha để chính thức trở thành SVSQ. Qua hôm sau đám tân SVSQ khóa 24 được đi phép lần đầu ra dạo phố Đà lạt nhưng không hiểu vì nguyên nhân nào đó mà đã có xảy ra một vụ lộn xộn với đám học viên Cảnh sát dã chiến khiến cho Chỉ Huy trưởng trường Võ bị ra lệnh cắm trại tất cả SVSQ Võ bị vào ngày đầu năm. 

Đêm Giao thừa thật êm ả. Giờ Giao thừa có tiếng pháo nổ lưa thưa vì dân Đà lạt không đua chen như dân Sài gòn. Ở các khu quân sự có những tiếng súng chỉ thiên bắn mừng xuân. Đạn lửa xẹt những đường đỏ lên trời. Vài trái hỏa châu nở sáng từ những nơi xa xa có đồn bót. Tự nhiên tôi thấy mình cũng háo hức bèn lấy khẩu colt mà lâu nay tôi chưa có dịp thử cò lần nào, bước lại mở cửa sổ đưa súng hướng lên bầu trời bắn liền mấy phát. Sau đó là tự mình pha một ấm trà rồi ngồi độc ẩm và nghe nhạc cho đến lúc thật buồn ngủ mới đi nằm và ngủ quên đi.

Sáng mồng một vừa thức giấc thì nghe có nhiều tiếng bàn tán lao xao ở hàng hiên phía trước. Vừa mở cửa ra thì gặp ngay anh chàng Thiếu úy ở phòng đầu dãy nai nịt đàng hoàng. Anh ta báo cho tôi biết là Việt cộng trong đêm qua đã đột nhập vào Sài Gòn và nhiều thành phố khác nữa. Đài phát thanh Sài Gòn thì liên tiếp loan đi những tin tức về chiến sự và lệnh điều động phản công của Phó Tổng Thống Kỳ. Có điều lạ là không hề nghe Tổng Thống Thiệu lên tiếng. Rồi có tin báo về là có mấy ông sĩ quan bên trường Đại học Quân sự lái xe jeep ra phố chơi sáng nay bị Việt cộng đã phục sẵn trong rạp Hòa bình từ trước bắn chết, xác nằm bên đường. Tiếp theo lại có tin một anh chuẩn úy giảng viên cùng khoa Nhân văn sáng nay đang trên đường vào trường để đi trực cũng bị Việt cộng núp trong khu Hòa Bình bắn bị thương trong lúc vừa chạy xe vespa qua đây. Thật là một biến cố bất ngờ làm tôi ngỡ ngàng. 

Để ứng phó với tình hình, Chỉ Huy trưởng trường Võ Bị kiêm nhiệm Quân Trấn trưởng Đà Lạt ra lệnh thiết quân luật toàn thành phố. Lệnh loan ra cho tất cả quân nhân các cấp phải lập tức trình diện đơn vị của mình để ứng chiến. Các ông sĩ quan trong khu cư xá bắt đầu lục tục kéo nhau vào trường. Tôi đang có giấy nghỉ phép ở Sài gòn nên cứ tảng lờ như mình không có mặt ở đây để ở lại nhà. Anh Thiếu úy coi Phòng Thính thị từ phố vào thấy tôi vẫn nằm tại cư xá, bèn tấp vào ở chung với tôi, để có thể còn nghe nhạc chơi, vì nơi đây coi như nằm trong khu phòng thủ của trường rồi. 

Buổi chiều, trường phái một lực lượng vừa binh sĩ vừa sinh viên ra chiếm lại khu Hoà Bình và giải cứu được anh chuẩn úy Văn hóa vụ bị thương đem về bệnh xá. Tuy nhiên trong đêm đó thì tiểu khu Đà Lạt bị tấn công liên tục. Sáng hôm sau thấy tình hình vẫn có vẻ yên tĩnh nên chúng tôi tiếp tục ở tại cư xá D8. Đến trưa thì chợt có tiếng súng nổ dòn dã từ phía đường xe lửa gần đó nên chúng tôi đều chụp vội lấy súng đề phòng. Khi dứt tiếng súng, chúng tôi rủ nhau ra ngoài đi dọc theo hàng hiên quan sát. Chợt từ phía sau vườn căn biệt thự bên kia đường Lữ Gia, một bóng người mặc quần đùi quấn khăn rằn, tay lăm lăm khẩu tiểu liên mon men tiến ra. Tới mặt đường thì người này đưa súng nhắm vào các ngôi nhà trước mặt ria một tràng, tiếng nổ nghe rất chát chúa, rồi phóng thật nhanh qua đường và chạy xuống đồi. Súng bắt đầu nổ loạn xạ từ nhiều nơi không còn phân biệt được đâu là đâu. Cả hai chúng tôi vội vàng rút vào phòng mình và chia ra anh bạn đứng trấn mặt cửa ra vào phía trước còn tôi canh cửa sổ phía sau. Có tiếng đại liên từ lô cốt phòng thủ bên hông đồi trường Đại học Quân sự nổ ròn rã. Tôi vừa hé nhìn qua khung cửa sổ về hướng thung lũng thì thấy bóng người cầm súng ban nãy đang chạy dưới chân đồi bỗng nẩy mình lên rồi ngã xuống. Cây súng rời khỏi tay. 

Sau một hồi không còn tiếng súng nào của đối phương, lính trong trường bắt đầu ra lục soát và thu lượm khẩu súng của người lính Việt cộng vừa chết mang về. Lần đầu tiên tôi trông thấy khẩu AK và những viên đạn lấy được từ một kẻ thù vừa gục ngã trước mắt mình. Viên đạn AK nhỏ hơn viên đạn súng Garant nhưng chắc chắn là sức công phá không hề kém. Tôi nghĩ có lẽ người lính Việt cộng này lạc đơn vị và không biết đường nên chỉ nhắm theo hướng Tây tìm đường thoát, không ngờ lọt vào khu quân sự và rơi đúng vào ngay tầm súng của khẩu đại liên nên đã thiệt mạng. Sau vụ Việt cộng xâm nhập ngay trong khu cư xá, chúng tôi thấy không nên ở lại nhà nữa bèn cùng nhau vào trường trình diện. 

Lúc bấy giờ tại trường, SVSQ chỉ có khóa 24 và phân nửa khoá 22 B, còn phân nửa khoá 22 B và khoá 23 đang đi phép thường niên. Sĩ quan cũng có nhiều người đang nghỉ phép Tết hoặc dù về với gia đình ở nơi xa. Tuy nhiên để đối phó với tình hình, quân số còn lại cũng được nhà trường phối trí thành một chiến đoàn và Khối Văn hóa vụ tuy chỉ có sĩ quan chứ không có lính cũng được giao cho nhiệm vụ phòng thủ các nhà H, nhà A và nhà B. Anh bạn thiếu úy được phân bổ về nhà H. Tôi thuộc quyền chỉ huy của Đại úy khoa trưởng khoa Nhân Văn, chiếm giữ nhà B. Mặc dù được gọi là một đại đội và được trang bị một khẩu đại liên 30 nhưng quân số hiện diện thực sự đếm được thì cũng chỉ khoảng một chục.   

Thấy tôi chỉ có khẩu súng lục, ông trưởng khoa bắt tôi phải qua kho vũ khí lãnh ngay một khẩu súng dài. Lần này viên Thượng sĩ coi kho đưa cho tôi một khẩu Thompson vốn lâu nay chỉ còn được dùng để huấn luyện. Cầm khẩu tiểu liên trong tay tôi bỗng buồn cười nhớ lại ngày nhỏ trong kháng chiến tôi từng nghe có một bài hát ca ngợi du kích giữ làng với mã tấu cũng cướp được Thompson của giặc Tây, loại súng được coi là tối tân vào thời ấy, nhưng nay so với khẩu A.K của Cộng quân mà tôi vừa được nếm mùi sơ qua ban nãy thì quả là món võ khí tôi đang cầm cũng không hơn gì thanh mã tấu. 

Tình hình ban ngày thì không có gì lo ngại nhưng đêm xuống là phải phòng thủ cẩn thận. Ông trưởng khoa thấy mấy anh chàng thiếu úy đã vợ con anh nào cũng tránh né bèn chỉ định tôi và một anh nữa còn chưa tới ngày mang lon chuẩn uý phụ trách khẩu đại liên đặt trên balcon nhà B hướng nòng ra cái thung lũng đầu hồ Mê Linh dưới chân Đồi Bắc. Tôi không bao giờ nghĩ mình phải đóng cái vai này nhưng trong tình thế bấy giờ, không thể nào trốn tránh được nữa. Cũng may là liên tiếp mấy đêm Cộng quân mở nhiều cuộc tấn công vào nhiều khu quân sự trong thành phố nhưng tại khu vực trường Võ bị thì không xảy ra cuộc nổ súng nào, nếu không chắc tôi cũng phải làm đúng như quy luật của chiến tranh: "bắn chậm thì chết". 

Qua vài hôm ngày ẩn đêm tấn công nhưng không mang lại kết quả nào, Cộng quân dần dần rút êm chỉ còn lại một số ít còn trà trộn trong đám dân trên khu cây số 4, nhưng sau đó cũng bị lực lượng của trường Võ bị lên tảo thanh nốt. Đà Lạt bắt đầu sinh hoạt trở lại bình thường. Tin tức từ các thành phố khác cũng cho biết tình hình dần dần được ổn định, lưu thông bắt đầu phục hồi và các thành phần đi phép cũng lục tục trở về trình diện đơn vị. 

Tình hình vừa lắng dịu thì tôi được tin thím Nguyễn nhắn lên hỏi thăm đồng thời cho biết trong đợt Việt Cộng tấn công vừa qua ở Nha Trang gia đình thím, và nhiều người thân quen khác vẫn được bình yên, chỉ có chú Uyển, nhà ở đối diện một cơ sở quân sự của Đại Hàn nên khi toán Việt cộng núp bên phía nhà chú bắn qua thì bị binh sĩ Đại Hàn phản công mãnh liệt. Chú Uyển trong lúc vô tình từ trong nhà bước ra thì bị binh sĩ Đại hàn tưởng nhầm bắn chết ngay tại cửa nhà mình. Đám binh sĩ Đại Hàn ra thu dọn chiến trường, lấy xác Việt cộng thì cũng mang luôn cả xác của chú Uyển đi và sau đó thì chỉ nghe nói là tất cả các xác chết đó đều bị đốt rồi chôn chung với nhau ở chân đèo Rù rì nên thân nhân cũng không biết đâu để tìm. 

Trong số bốn người cùng vượt tuyến về thành một lần với nhau trước khi xảy ra vụ Việt Minh đàn áp các phần tử đối lập ở Liên khu V thời kháng chiến, ngoại trừ dượng Chín vẫn giữ cho mình một nếp sống bình lặng, còn dượng Mươi thì khi về tới bên này đã tham gia vào quân đội Quốc gia nhưng vì liên hệ với những hoạt động của Đại Việt nên dưới thời ông Diệm cũng bị trù dập ở tù lên ở tù xuống, đến nay tuy đã phục chức nhưng so với lớp sĩ quan tốt nghiệp đồng khóa thì hãy còn lẹt đẹt. Chú Cọp sau một thời gian ra giúp ông Cẩn ổn định vụ các đảng phái tranh chấp ở Miền Trung thời ông Diệm mới về nhưng sau đó cũng bỏ về vườn. Sau khi ông Diệm đổ, chú chưa kịp xuất hiện lại trên chính trường thì đã bị ám sát bởi một bàn tay bí mật. Riêng chú Uyển thực tế hơn nên suốt thời gian được giữ chức vụ Tỉnh trưởng dưới thời ông Diệm đã biết khôn khéo thủ cho mình và kiếm được một số vốn kha khá tưởng chừng rồi sẽ an nhàn tấm thân, không ngờ đời chú lại kết thúc một cách bất ngờ và bi thảm như vậy.

Sau khi tình hình ổn định trở lại và sinh hoạt các nơi trong thành phố đều trở lại bình thường thì trường cũng bắt đầu cho khai giảng mùa văn hóa mới. Các sĩ quan khối văn hóa vụ cũng trở lại với công tác giảng huấn thường nhật của mình. Một buổi sáng chủ nhật tôi đang lang thang dạo chơi ở khu Hòa Bình thì tình cờ gặp Hải, con bác Đàm, hiện đang là SVSQ khóa đầu tiên của Trường Đại học Chiến Tranh Chính Trị. Hải buồn rầu báo cho tôi biết là ba Hải đã bị Việt cộng bắt và dẫn đi thủ tiêu mất tích trong đợt Việt cộng tấn công vào Huế vừa qua. Tôi lặng người khi nghe Hải nói. 

Trong số hai huynh trưởng Hướng đạo cùng hăng say với lý tưởng tranh đấu cho Tự do và công bằng xã hội, và đều là bạn thân thiết của cha tôi trước kia mà sau khi cha tôi chết rồi vẫn tỏ ra quan tâm giúp đỡ tôi thì nay cũng đã lần lượt nằm xuống một cách rất đau thương. Hai năm trước chú Cọp bị ám sát ở Sài gòn và lần này bác Đàm bị Việt Cộng thủ tiêu một cách dã man tại Huế. 

Cuộc chiến tranh hiện nay là cả một chuỗi dài của những điều phi lý. Cái thắc mắc của tôi lúc bấy giờ là không hiểu tại sao Việt Cộng lại có thể mở một cuộc tấn công quy mô và đồng loạt vào tất cả các thành phố của miền Nam mà tình báo của phe Quốc Gia không hay biết gì cả đến nỗi chính Tổng Thống Thiệu thì an nhiên đi về quê vợ ăn Tết còn khắp nơi thì quân nhân công chức cũng được nghỉ phép một cách dễ dãi vì đinh ninh tin tưởng vào đề nghị hưu chiến của đối phương. Còn chính phủ Mỹ, không lẽ nào tình báo của họ không biết tí gì về những âm mưu và kế hoạch của Việt Cộng? Và nếu họ biết thì tại sao họ lại không báo động cho phía Việt Nam Cộng hoà biết mà đề phòng trước để đến nỗi phải chịu một hậu quả đau thương như vậy? 

Tối hôm đó anh bạn Thiếu úy ở cùng dãy thấy phòng tôi đèn sáng bèn theo thói quen bước vào định bảo tôi mở nhạc nghe, nhưng khi thấy tôi ngồi yên mà mặt thì đăm chiêu thật buồn đành lẳng lặng quay về.  

ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment