Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Saturday, February 16, 2013

NGHIỆP VĂN ÁO VÕ [4]

Ký sự Tùy bút 

4.- BIẾT AI CHỊU RÉT ÐỂ TRÈO VỚI THÔNG 

Nhờ mấy tháng được phép mặc thường phục và miễn mọi công tác trực gác nên cái thân phận nửa SVSQ Thủ Đức nửa thầy SVSQVõ bị như chúng tôi đêm nào cũng được an tâm nằm nhà ngủ, còn ban ngày ra vào quân trường gặp bá quan cũng tránh được cái phiền toái phải chào kính theo kiểu nhà binh. Nhưng rồi cái gì phải đến cũng đã đến: khoá 23 Thủ Đức cũng đã đến ngày ra trường. Vì đang mùa văn hóa lại thiếu giảng viên đứng lớp nên chúng tôi không được phép trở về trường cũ để tham dự lễ mãn khóa, do đó không biết lễ ra trường là gì cũng như không hề phải trải qua cái nghi thức "qùy xuống các SVSQ... đứng lên các tân sĩ quan". 
 
Tuy cấp trên ở đây không có một hình thức nghi lễ nào đánh dấu ngày chúng tôi chính thức trở thành sĩ quan và được quyền mang lon, nhưng lại không quên bọn tôi vẫn là lính nên vài hôm sau đó thấy bọn tôi vẫn thản nhiên mặc thường phục đi làm, ông Đại úy Trưởng Phòng Điều hành liền gọi bọn tôi lại nhắc nhở cho biết là từ nay mỗi lần ra vào quân trường phải mặc quân phục và mang cấp bậc đàng hoàng chứ không còn được mặc đồ dân sự nữa. Thế là chiều hôm ấy đi làm về tôi phải ra phố ghé tiệm bán quân trang mua cho mình mấy cặp "quai chảo", tức là cái lon chuẩn úy, rồi khi về nhà phải lo soạn lại mấy bộ đồ nhà binh của mình, gỡ bỏ cái phù hiệu Thủ Đức cũ để thay vào đấy cái phù hiệu con rồng vàng quấn thanh kiếm bạc, đồng thời cái huy hiệu bằng vải trên nón có ngọn lửa hồng "cứ ăn cứ ngủ" lâu nay cũng được gỡ đi để gắn lên cái huy hiệu hình con ó bằng đồng với dòng chữ: "Tổ quốc, Danh dự, Trách nhiệm" cho đúng với danh phận mới từ đây. 
 
Cùng với sự khoác lại bộ quân phục lên người, chúng tôi cũng phải quay về với cái nghĩa vụ của một người lính. Từ cái việc nhỏ nhặt như là từ nay ra vào giữa chốn ba quân phải nhớ giữ đúng nghi thức chào kính theo quân phong quân kỷ, chúng tôi còn phải thi hành cái nhiệm vụ trực gác ứng chiến như mọi sĩ quan khác. 
 
Thường thì các sĩ quan cấp thiếu úy mới được cắt trực phụ tá ở các phòng trực vòng trong như Quang Trung, Lê Lợi, Nam Quan v.v..., vừa khang trang sạch sẽ, vừa có giường nệm trải drap trắng cho sĩ quan nằm, có đèn sáng và có bàn ghế để ngồi làm việc. Riêng cấp chuẩn úy mới về thì được cho đi trực vòng ngoài tại những điểm như lô cốt miếu Tiên sư, đồi Bắc v.v..., là những nơi mà mỗi lần đi trực, người sĩ quan không những phải mang theo đầy đủ nón sắt, vũ khí lại còn phải đèo thêm cả túi ngủ mùng mền cá nhân nữa, nếu không muốn mình phải ngồi co ro vì thấm lạnh của sương giá và bị muỗi đốt suốt đêm. 
 
Cái nón sắt cơ hữu thì trước khi lên Đà lạt tôi đã để lại Sài gòn tặng cho nhà cô Chín làm cái cối giã cua, còn súng thì trước khi được cắt trực, ông Đại úy Trưởng Phòng Điều hành bảo chúng tôi phải tự mình qua kho vũ khí ký mượn mỗi người một khẩu súng cá nhân kèm luôn cấp số đạn, nhưng khi tôi qua gặp ông Thượng sĩ thường vụ phụ trách việc phân phối thì được ông ta bảo kho hết súng lục chỉ còn súng dài. Đã là quan mà còn phải đeo súng dài thì thà đừng nhận nữa cho đỡ ôm của nợ. Nghĩ như vậy nên tôi không ký tên lãnh súng, do đó cứ mỗi lần đi trực tôi lại đành phải đi mượn tạm súng của anh chàng Thiếu úy cùng khoa. Kể ra thì anh chàng này cũng tin tưởng tôi lắm mới dám giao súng cho tôi, vì lỡ có bề gì như súng bị mất mát hay gây ra tai nạn là người đứng tên ký lãnh khẩu súng cũng phải gánh chịu phần trách nhiệm. 
 
Thật ra thì thời gian này đi trực các điểm vòng ngoài cũng chẳng có gì gọi là nguy hiểm vì chưa xảy ra những vụ Việt Cộng lò mò về quấy phá như sau này, nhưng đó lại là dịp cho mình nếm mùi sương gió chung với đám lính thường được gọi là "lính cà". Sở dĩ họ có cái biệt danh này vì đám họ vốn là người Thượng và việc đi lính đối với họ cũng chỉ là một nghề như bất cứ nghề nào có mặt trên cõi đời này chứ không vì "tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc" nào cả. Những chuyện canh gác như thế này đối với họ đã trở thành một cái nếp sinh hoạt bình thường như ăn cơm bữa cho nên họ chỉ việc lầm lũi mà làm bổn phận, còn những anh chàng tân sĩ quan lớ ngớ như bọn tôi có đến với họ thì chẳng qua cũng chỉ như một kẻ ngủ trọ qua đêm hơn là đến để làm kẻ chỉ huy. 
 
Thời gian này thì Khóa 24 Thủ Đức cũng đã kết thúc đợt thụ huấn giai đoạn 1 và số người được phân phối đi ngành cũng sẽ rời trường. Kỳ này con số người được trường Võ bị chọn xin Bộ Tổng Tham Mưu cho về làm giảng viên khá đông, lên đến khoảng hai chục người, nên nhà trường cử luôn một phái đoàn về tiếp nhận hẳn hoi và đưa đón lên cùng một lúc chứ không còn để cho đi trình diện lẻ tẻ như bọn tôi trước đây. Ngày các anh chàng SVSQ khóa 24 Thủ Đức này vào trình diện, tôi cũng náo nức đón chờ. Trong tất cả số người mới đến, tôi có thấy vài người là bạn cũ nhưng không có mặt hai vị giáo sư cũ của tôi như tôi đã từng thấy hai vị ấy khi tôi còn ở Thủ Đức. Điều này có lẽ lại là cái hay, chứ còn như các vị ấy mà cũng về đây thì thế nào sau này ra vào gặp nhau chắc sẽ còn khối chuyện tréo cẳng ngỗng để cho tôi cười. 
 
Vì không có quy chế chính thức nào dành cho thành phần SVSQ trừ bị được tuyển về làm giáo sư trường Võ bị để cho họ được hưởng một số tiêu chuẩn về cấp bậc và quyền lợi nào đó mà chỉ xem họ cũng như một người lính bộ binh bình thường nên uy thế của họ đối với sinh viên sĩ quan ở đây nhiều khi cũng không rõ rệt. Lần này số người mới lên lại còn không được hưởng cái ngoại lệ tạm thời mặc thường phục đi làm trong thời gian chưa được mang lon như bọn tôi trước đây. Tuy nhiên, để tránh cái cảnh khó coi khi phải phơi bày "con cá" sinh viên trên bộ quân phục của người thầy, nhà trường bèn chế ra cái áo choàng trắng để cho giảng viên khoác vào mỗi khi đứng lớp, đồng thời SVSQ được chỉ thị phải gọi họ bằng "giáo sư" chứ không gọi theo cấp bậc. 
 
Hai tiếng giáo sư trường Võ bị nghe cũng có vẻ "kêu" lắm đối với cái xã hội bên ngoài, nhưng thật ra đấy chỉ là cái tiếng, còn thực tế thì cuộc sống của người giáo sư cũng rất là eo hẹp vì nghề nhà giáo vốn đã là một nghề bạc bẽo, mà làm thầy giáo nhà binh lại càng bạc bẽo hơn, vì ngoài cái nghiệp vụ nhà giáo còn kèm theo cả cái nghĩa vụ của người quân nhân mà quyền lợi thì không có gì khác hơn ngoài đồng lương cố định, được ấn định tùy theo cấp bậc và thâm niên trong quân ngũ. Ngoài ra, khi tiếp xúc với số sĩ quan cùng là khối Văn Hóa vụ với nhau thì việc phân biệt cấp bậc không lấy gì làm sâu sắc, nhưng khi phải tiếp xúc với sĩ quan các khối khác thì cấp bậc và thâm niên là cả một sự cách biệt về uy quyền. 
 
Tuy có thêm số người mới về chia xẻ bớt giờ dạy nhưng vì họ chưa phải là sĩ quan, chưa phải đi trực gác, nên cái vòng luân phiên trực của đám thiểu số mang lon chuẩn úy như tôi rất ngắn. Tuần nào tối thiểu cũng phải có một lần mang ba lô súng đạn ra nằm vòng ngoài. Cứ mỗi lần đi nằm đêm ngoài lô cốt, tôi lại càng suy nghĩ thấm thía hơn cái quy luật tại sao đã vào lính thì dù muốn dù không ai cũng đều mong cho cổ áo mình sớm nở mai hay sớm được lên lon. 
 
Nhờ có số người mới lên đủ thay thế đứng lớp cho nên cấp trên bắt đầu cứu xét cho bọn tôi được luân phiên xin nghỉ phép thường niên. Đà lạt đang mùa mưa buồn nên tôi cũng rất háo hức muốn tìm về với những kỷ niệm cũ của Sài gòn náo nhiệt hay của những thành phố biển Qui Nhơn hay Nha Trang có nắng ấm với sóng biển rì rào. Chính vì thế mà khi cầm được tờ giấy nghỉ phép trong tay, tôi đã nôn nả bay về Sài gòn trước tiên, lòng tưởng chừng như phen này gặp lại các người quen cũ, mình sẽ có nhiều giây phút thích thú sau một thời gian xa vắng. 

Vừa bước chân ra khỏi máy bay tại phi trường Tân Sơn Nhất thì cái nóng tạt vào người làm tôi như choáng váng. Mấy tháng qua đã quá quen với khí hậu mát mẻ của vùng cao nguyên, nay đột ngột tiếp xúc lại với cái không khí đồng bằng, tôi thấy Sài Gòn quả là ngột ngạt vô cùng. Đáp xe ca về tới thành phố, tôi lại phân vân không biết mình nên về đâu và một lần nữa lại giống như lần mới rời trường Bộ Binh Thủ Đức, tôi đành trước tiên cứ ghé lại nhà cô Chín làm bến tạm cho mình. 

Mấy cô em hờ đang còn tuổi học trò thấy ông anh hờ nay đã là quan văn quan võ từ xứ Đà Lạt đầy thơ mộng về, khấp khởi mừng sẽ moi được nhiều quà cáp, nhưng khi mở thử cái túi xách của ông anh thì chỉ thấy vỏn vẹn có mấy bộ sơ mi quần tây từ thời còn đi học với vài món quà khiêm tốn thì tiu nghỉu như mèo bị chặt đuôi. Biết làm sao nói cho cùng cái khổ tâm của một người tuy ra đời mang danh phận giáo sư một quân trường danh tiếng nhưng bản thân cũng chỉ là một anh chuẩn uý không có quyền, không có lợi, chỉ có viên phấn trắng, với đám học trò "cùi không sợ lở" chỉ mới mang trong lòng cái hoài bão sẽ là những người hùng của ngày mai. 
 
Có lẽ do cái mặc cảm "thương cho cái túi không tiền" đó mà mặc dù trước khi về phép tôi có dự tính lúc về đây thế nào cũng phải đi tìm thăm Quyến, Ngọc Nhi, cô gái Quảng Bình... nhưng bây giờ về thấy chốn Đô thành thiên hạ đang vào buổi đi lên của phồn vinh nhờ sự hiện diện của những anh chàng GI Mỹ, tôi chợt thấy mình không còn háo hức đi tìm gặp ai nữa. Vì thế mà sau hai ngày ở Sài Gòn để thăm em tôi và một vài người bà con thân thiết nhất cho trọn nghĩa, tôi bỏ ra Nha Trang. 
 
Thành phố Nha Trang bây giờ cũng không còn êm đềm như mấy năm trước. Đó đây cũng mọc lên những quán rượu với những anh chàng lính Mỹ, lính Đại Hàn, còn những người dân Việt thì cũng đang bị cái phồn hoa vật chất mê hoặc. Ga Nha Trang không còn những chuyến tàu lửa xuôi ngược nên sân ga cũng hoang phế u buồn và những chiếc đầu máy nằm ụ đây đó vẫn có vẻ như còn tiếc nuối một thời vàng son đã qua đi. Chỉ có thím Nguyễn vẫn giữ được cái bản chất đôn hậu như ngày nào và vẫn duy trì cái sạp hàng xén cũ trong chợ Đầm làm nguồn sinh nhai cho mình. 
 
Tôi biết thím Nguyễn từ lâu vẫn có ý muốn tác thành Nguyên hay bất cứ cô con gái nào của thím cho tôi. Các cô ấy bây giờ đều đã đến tuổi có những suy tính riêng tư về cuộc đời nhưng từ thủa nào đến giờ giữa chúng tôi gần như không mấy khi có dịp chuyện trò tiếp xúc với nhau thì làm sao tôi biết chắc được các cô đang mơ ước hay suy nghĩ những gì và liệu rằng tôi có đáp ứng lại được niềm mong ước đó không. Do đó mặc dù tôi rất qúy mến thím Nguyễn cũng như lần này thấy tôi về thăm, thím Nguyễn càng tỏ ra sẵn sàng hỗ trợ tôi trong việc tìm hiểu mấy cô con gái của thím, nhưng duyên nợ không có nên rốt cuộc mọi cố gắng sắp đặt của thím rồi cũng như công dã tràng mà thôi. 
 
Nhờ đến thăm thím Nguyễn mà tôi gặp lại được chú Hài. Bây giờ thì chú đang làm việc ở đây. Ngày cuối tuần chú chở tôi bằng lambretta vào Cam Ranh để tôi thăm vị linh mục người Bình Định mà ngày xưa tôi vẫn kính mến vì ngài đã từng bị Cọng sản kết án tù trong vụ Việt Minh đàn áp "trí, phú, địa, hào và tôn giáo" ở Liên Khu V hồi đầu thập niên 50. Nay thì Ngài đang coi sóc một giáo xứ mới lập ở khu Bảy Giếng cho đám dân từ các vùng quê tỉnh Bình Định chạy vào đây lánh nạn Cọng sản. Bao nhiêu năm không thấy mặt, nay gặp ngài tôi mừng lắm nhưng khi thấy ngài có vẻ như đang quan tâm nhiều hơn với đám buôn lậu, chuồn đồ PX, để nhờ đó mà mình cũng có thêm phương tiện gọi là xây dựng lại ngôi nhà thờ cho Chúa, cái lòng kính mến ngài của tôi bỗng như có phần nguôi ngoai. 
 
Sau khi từ giã vị linh mục, chú Hài lại tiếp tục chở tôi vào thăm Ba Ngòi. Từ Bảy Giếng vào tới Ba Ngòi bây giờ mọc lên những khu định cư của số dân quê chạy loạn từ các tỉnh phía bắc miền Trung vào đây lập nghiệp. Khu bán đảo Cam Ranh bây giờ là căn cứ quân sự của Mỹ nên dân chúng không còn được tự do lai vãng như trước. Bên ngoài các căn cứ quân sự, nhất là khu dọc theo quốc lộ 1, những căn nhà tôn mọc lên như nấm biến khu đất vốn hoang vu thành một thành phố dã chiến của đám dân tứ xứ đến đây với một mục đích chung duy nhất là bám vào quân đội Mỹ mà làm ăn nên thật là xô bồ. 
 
Chiến tranh vẫn ác liệt và ngoài chiến trường vẫn có những con người lầm lũi hằng đêm hằng ngày đối đầu với hiểm nguy và chết chóc, nhưng ở các thành phố, ai có khả năng phương tiện và cơ hội thì cũng không nề hà tìm đủ mọi cách để khai thác bạc tiền và đắm mình vào sự hưởng thụ những tiện nghi vật chất của thời đại. Nha Trang không còn mang lại cho tôi vẻ êm đềm vốn có thì Qui Nhơn bây giờ với hàng sư đoàn GI và Sư Đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn đang trú đóng có lẽ còn phức tạp hơn. Có lẽ vì thế mà tôi thấy mình không còn giữ ý định sẽ về thăm Qui Nhơn vào kỳ nghỉ phép lần sau, và hôm hết hạn nghỉ phép, lúc đáp xe đò rời Nha Trang để trở về trường, tôi thấy mình cũng không còn cái cảm giác nhung nhớ như trước đây có lần tôi đã từng mơ ước xin nhận nơi này làm quê hương. 
 
Qua gần nửa năm sống ở Đà Lạt tôi cũng đã cảm nhận thế nào là Đà lạt thật sự. Đà lạt không phải chỉ nên thơ như trong bài hát: "Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi..." Thật ra cái Đà lạt thơ mộng này chỉ là Đà lạt của người du khách nhìn nó qua lăng kính nghệ sĩ lúc lên đây chơi vào dịp nắng ráo của mùa lễ Giáng Sinh kéo dài cho tới qua sau Tết vài tháng. Khi miền Nam bắt đầu sang mùa mưa thì Đà lạt vì nằm ở cao độ nên có mưa sớm hơn và mưa nhiều hơn, và hễ đâu có mưa bão là thời tiết ở đây cũng bị ảnh hưởng, mưa gió dầm dề. Những con đường đất đỏ bây giờ trở thành lầy lội, bùn sình bám đầy gót giày. Vào những ngày này, người dân sống ở Đà lạt nhiều khi cả tuần không thấy ánh nắng mặt trời và mỗi lần đi làm đã khổ mà đi trực gác lại càng khổ hơn. Đã lạnh lẽo lại còn thêm phần ướt át nữa thì chỉ thấy đời là cả một nỗi buồn co ro. 
 
Đà lạt tuy có nhiều ngôi biệt thự xinh xắn tô điểm thêm cho vẻ đẹp thiên nhiên của núi đồi nhưng đấy chỉ là những căn nhà của mấy người giàu có hay quan to quyền trọng ở nơi khác xây dựng lên chỉ để dùng làm nơi cho mình thỉnh thoảng lên nghỉ mát khi nhàn cư, còn cư dân thực sự của Đà lạt ngoài những người dân Thượng chính gốc sống trong các buôn làng hẻo lánh, những người dân Việt từ các tỉnh miền Trung lên đây định cư, sống bằng nghề trồng hoa và rau quả thì chỉ tụ tập trong các ấp nhỏ với những căn nhà lợp tôn, và nhiều nhà chỉ là vách cây hay ván gỗ thông, và quanh năm thì cũng chỉ biết dãi dầu mưa nắng, quần quật vật lộn với thiên nhiên hầu tạo ra những rau quả tươi ngon, cánh hoa rực rỡ, để cung cấp cho người dân ở các vùng xuôi ngõ hầu đánh đổi lại là có được gạo mắm nuôi sống mình. Vì Đà lạt không thể tự sản xuất được lúa gạo cho nên một khi con đường giao thông lỡ như bị cắt đứt thì rau quả Đà Lạt bị bỏ cho rữa thối đầy vườn đầy chợ, còn dân Đà Lạt thì lại đói vì thiếu gạo ăn. 
 
Bên cạnh số cư dân này còn có thêm một thành phần nữa là học sinh, sinh viên của các trường dân sự hay của các quân trường từ nhiều nơi khác nhau đến đây lưu trú để ăn học có thời hạn, hoặc các quân nhân công chức được thuyên chuyển về làm việc ở đây. Họ mang lại cho thành phố cái vẻ thanh lịch, và cho dù họ có yêu mến Đà lạt vì cảnh đẹp thiên nhiên, nhưng tự thâm tâm, họ cũng chỉ coi đây như một trạm dừng chân cần thiết hay bị bắt buộc chứ không bao giờ coi đó là môi trường sinh sống lâu dài, cho nên khi mãn kỳ hạn hay có cơ hội là lập tức lại bay nhảy về những nơi mà cuộc sống có thể mang lại cho họ nhiều phương tiện để thăng tiến hơn. 

Đường Sài gòn hay Nha Trang lên Đà Lạt đều phải leo theo mấy ngọn đèo quanh co và dốc ngược chứ không thẳng băng và bằng phẳng. Và khi một người đã leo lên tới đây rồi thì nhìn ra rừng cây chung quanh cũng chỉ còn lại có mỗi loài thông. Xưa cụ Nguyễn Công Trứ xuất thân là kẻ sĩ, nhưng cuộc đời của cụ thì lại phải trải qua không biết bao là vinh nhục. Có lẽ do ngán ngẫm về những nỗi thăng trầm của cuộc đời và những đắng cay của nhân tình thế thái mà cuối đời cụ cũng đã phải thốt ra mấy câu thơ đầy vẻ yếm thế như trong bài thơ vịnh cây thông:
 
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Giữa trời vách đá cheo leo
Ai mà chịu rét thì trèo với thông. 

Tôi không dám ví mình như cụ Nguyễn Công Trứ, nhưng hiện nay số phận cũng đang bắt tôi phải leo suốt con đường lên cao thượng này. Cái cao thượng tôi nói ở đây phải hiểu theo cái nghĩa rất đen trước tiên vì nơi tôi sống để trả nợ đời quân ngũ của mình cao hơn mặt biển những 1500 mét. Sài gòn, Nha Trang hay Qui Nhơn đều nằm tận dưới thấp về phía mấy chân trời xa tắp kia. Và khi một người đã lên đây, nơi chỉ còn có mỗi loài thông đứng thẳng vút mà vui cùng giá rét quanh năm, thì cũng phải biết tập cho mình tính kiên trì chịu đựng như loài thông để mà sống.  

ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment