3.- THẦY
"DÙI" VỚI
HỌC TRÒ "CÙI KHÔNG SỢ LỞ"
HỌC TRÒ "CÙI KHÔNG SỢ LỞ"
Sau khi xảy ra nhiều cuộc chính biến liên tiếp khiến cho tình hình chiến sự lại lan rộng và trở nên trầm trọng, rồi do nhu cầu gia tăng quân số cấp bách đã khiến cho trường Võ bị Quốc gia Việt Nam phải rút gọn thời gian huấn luyện xuống còn 2 năm thì chương trình giáo dục về văn hóa bị giản lược đi, do đó mà cấp số giảng viên của khối Văn hóa vụ tại trường cũng chỉ được duy trì ở con số vài chục người. Các giảng viên đa phần là những phần tử được tuyển chọn từ nguồn tài nguyên trí thức khoa bảng bị động viên vào Thủ Ðức và thông thường thì những người này vẫn phải trải qua chín tháng huấn luyện ở quân trường Bộ Binh Thủ đức rồi mới được phân bổ về đây.
Ngoài ra, những sĩ quan thuộc thành phần bị động viên này chỉ phục vụ theo thời gian quân dịch pháp định cho sĩ quan trừ bị là 4 năm, cho nên mỗi khi đáo hạn được giải ngũ thì nhà trường lại phải xin Bộ Quốc phòng cho lấy người khác thay thế.
Ngoài ra, những sĩ quan thuộc thành phần bị động viên này chỉ phục vụ theo thời gian quân dịch pháp định cho sĩ quan trừ bị là 4 năm, cho nên mỗi khi đáo hạn được giải ngũ thì nhà trường lại phải xin Bộ Quốc phòng cho lấy người khác thay thế.
Lúc tôi bị động viên vào Thủ Ðức thì cũng là thời gian chính phủ quân nhân do Trung tướng Nguyễn Văn
Thiệu và Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ cầm quyền đã tạm ổn định được tình hình chính trị và
người Mỹ đang có kế hoạch hỗ trợ cho hai ông tướng Thiệu và Kỳ tái lập nền cộng hòa, cũng
như đề ra nhiều kế hoạch chuẩn bị cho thời kỳ hậu chiến ở Việt Nam. Với con số động viên khá lớn thanh niên vào Thủ Ðức cũng tạm đủ cung ứng sĩ quan cho chiến trường nên kể từ đầu năm 1967, trường Võ bị Quốc gia được phục hồi chương trình huấn luyện dài hạn 4 năm nhằm đào tạo những sĩ quan hiện dịch không những có khả năng tác chiến mà còn có cả khả năng xây dựng kinh tế một khi hoà bình được vãn
hồi.
Bấy giờ là đầu xuân và cũng là đầu mùa văn hóa. Trường lúc ấy chỉ có hai khóa nhưng khóa 22 đã qua một năm theo hệ cũ, nay có sự thay đổi chương trình thì có một số SVSQ không muốn theo chương trình mới mà chỉ muốn tiếp tục hệ 2 năm để sẽ ra trường vào cuối năm nay như thường lệ nên được gọi là khoá 22A. Số còn lại chấp nhận học năm thứ hai của chương trình mới hệ 4 năm nên được gọi là 22B. Khóa 23 là khóa mới tuyển vào, vừa xong tám tuần huấn nhục và được gắn alpha, cho nên nay là lúc bắt đầu năm thứ nhất về văn hóa.
Sự cải tổ cơ cấu và chế độ huấn luyện này đòi hỏi nhà trường phải gia tăng số lượng giảng viên văn hóa và để đáp ứng kịp thời với nhu cầu mới đó, nhà trường đã phải yêu cầu Bộ Tổng Tham Mưu cho những người có bằng cấp đại học thuộc khóa 23 SVSQ trừ bị Thủ Ðức được chọn về làm giảng viên tại trường Võ bị Ðà lạt còn đang
thụ huấn quân sự dở dang tại Thủ đức cũng được chuyển về làm giảng viên ngay. Tuy thế những người thuộc đợt này cũng chỉ mới đủ để thay thế cho những giảng viên lớp trước vừa được giải ngũ mà thôi. Trong số này thì khoa Nhân văn được phân phối ba người nhưng Hùng còn nằm điều trị tại Quân y viện Cộng hòa, một anh nữa tuy bị động viên cùng khóa với tôi nhưng thực ra thì anh ta cũng là giáo sư Việt văn nhiều năm rồi, nay về đây cũng được giao cho dạy Việt văn, đúng với ngành chuyên môn của mình. Tôi tốt nghiệp về Triết cho nên nay được Trưởng khoa giao cho dạy môn Lịch sử Triết học tổng quát cho khóa 22A vẫn giữ nguyên chương trình cũ.
Sau buổi trình diện và được ông bạn Thiếu úy cùng khoa chở về lại nhà ông bà Bình Ðịnh mới quen ở ngoài phố để xin trọ rồi, tối hôm đó tôi bắt đầu lấy xấp tài liệu ông Trưởng khoa đưa cho hồi chiều ra đọc. Những cái tên như Socrate, Platon, Aristote bắt đầu xuất hiện và nhảy múa trong đầu tôi vì lâu nay chỉ biết ăn cơm nhà bàn rồi lo bò lết, tôi hầu như không nghĩ sẽ có ngày như hôm nay tôi lại phải vùi đầu vào mớ tư tưởng của mấy ông triết gia để rồi mang nó gieo vào đầu mấy anh chàng mà trong đầu có lẽ chỉ lo nghĩ đến những chuyện thực tế bắn giết ngoài chiến trường hơn là tìm hiểu những ý niệm trừu tượng về chân lý và bản thể. Nhưng đây là môn học nằm trong chương trình nên tôi bắt buộc phải cố gắng gom lại mớ kiến thức đã bắt đầu đi hoang của mình để chuẩn bị vào lớp ngày hôm
sau.
Vì những người như tôi được chuyển về trường vào lúc chưa mang lon chuẩn úy nên Chỉ huy trưởng đặc cách cho phép được mặc đồ dân sự đi dạy và miễn tất cả các công tác trực gác thông thường của một quân nhân. Chính vì thế mà ngày hôm sau tôi bắt đầu đi làm và vào lớp dạy với bộ thường phục chứ không phải bộ đồ nhà binh đeo con cá SVSQ nữa. Anh bạn cùng khóa dạy Việt văn vốn thích ăn diện nên nhân cơ hội này lại có dịp lôi mấy bộ vest ra mặc rất phù hợp với cái không khí lạnh ở đây, riêng tôi thì lại thêm một cái ngỡ ngàng nữa vì bản thân chưa bao giờ nghĩ đến chuyện cần may cho mình một bộ đồ vest nào, không ngờ bây giờ lại được mặc đồ dân sự, đóng vai ông thầy giữa đám sinh viên quân phục mùa đông tươm tất, tôi vẫn cứ phải đóng bộ sơ mi quần tây khoác thêm cái áo len hoặc cái jacket không khác gì một anh thư ký.
Mấy ngày đầu tiên vào lớp tôi rất ngượng ngập và đôi khi còn khó xử vì kể ra nói về tuổi tác giữa các SVSQ khóa 22 và tôi thì cũng không xê xích gì bao nhiêu, không kể trong số đó cũng có một vài anh tôi từng quen biết ngoài đời hay cũng đã từng lăn lóc đại học vài ba năm nhưng không thành công nên đã xoay ra chọn con đường võ. Thấy tôi mặc đồ dân sự và vẻ mặt không có chút gì cô hồn nên nhiều anh cũng lấp lửng, thỉnh thoảng lại đưa ra vài câu hỏi bâng quơ chẳng ăn nhập gì với bài học cả mà có lẽ để giúp cho mình tỉnh ngủ sau một đêm đi gác mất ngủ thì phải hơn.
Riêng tôi thì kể từ khi bị gọi vào Thủ Ðức, tôi không nghĩ là mình lại có dịp cầm viên phấn đứng trên bục giảng bài cho những anh chàng cũng xấp xỉ tuổi mình nên khi nhìn cái bảng đen chằng chịt những từ ngữ triết học, nhìn bộ quân phục trên người những SVSQ kia, nhìn những khuôn mặt yêu đời tràn đầy nhựa sống hôm nay còn ngồi đây nghe giảng về những ý niệm trừu tượng mơ hồ nhưng mai đây rồi cũng phải từ giã mái trường này để lao mình vào vòng lửa đạn như một thực tế phũ phàng, bất giác tôi
thấy mình đâm ra có những suy nghĩ mông lung về những cái tương quan hiện tượng rất nghịch lý này của cuộc đời.
Tại sao khi một người tức giận một người khác hay muốn cướp đoạt của người khác vật gì đó nên đã đang tay giết người kia thì bị xã hội kết án là kẻ sát nhân và bản thân người đó có thể bị lương tâm cắn rứt, nhưng khi những con người không biết nhau và cũng không thù oán gì nhau nhưng vì khoác trên người hai bộ quân phục khác nhau để phục vụ cho một lý tưởng hay một chủ nghĩa thì cái chuyện nhằm bắn nhau không còn là hành động giết người mà lại được kể là chiến công. Vậy thì mai đây, sau khi mãn khóa, với bộ đồ lính trên người, những người sinh viên hôm nay ngồi đây lúc ấy cũng chỉ là những cái bia cho đối phương nhằm và nhả đạn, và họ cũng bắt buộc phải hành động như thế đối với người không cùng chiến tuyến. Con người không còn nữa, chỉ còn ta với địch và cái ý chí muốn được sống còn nơi mỗi con người khi thấy mình bị ràng buộc với khẩu súng cầm trong tay. Có lẽ do sự suy nghĩ đó mà tôi đã mỉm cười thông cảm với tất cả.
Tuần kế tiếp, khóa 22B bắt đầu khai giảng. Khác với khóa 22A, chương trình văn hóa của những SVSQ thuộc hệ 4 năm này được mô phỏng theo chương trình và phương pháp giảng dạy văn hóa tại trường Võ bị West Point cho nên ngoại trừ môn Việt văn, tất cả các môn thuộc về khoa học thuần lý, khoa học thực nghiệm cũng như khoa học xã hội đều phải đổi mới và dùng tài liệu của Hoa Kỳ. Ðiều này có lẽ không gây khó khăn nhiều cho các khoa khác nhưng riêng khoa Nhân văn thì chương trình mới trở thành khoa ôm đồm rất nhiều môn học nên rất thiếu về nhân
sự.
Vì lâu nay môn ngoại ngữ nhà trường dạy cả hai sinh ngữ Anh và Pháp nhưng với chương trình đổi mới hiện nay, chỉ có môn Anh văn mới được xem là hệ trọng còn môn Pháp văn nay đã lỗi thời và không còn được giảng dạy tại trường nữa cho nên anh thiếu úy phụ trách dạy Pháp văn trước đây được giao cho phụ trách bộ môn sử Tây phương. Anh này vốn là dân trường Tây, rồi làm thầy giáo trường Tây dạy tiếng Tây và cũng là một tay rất chịu khó đọc sách Tây, nhưng nay quay về với ta thì lại được giao cho một chồng sách Mỹ để nghiên cứu và soạn bài bằng tiếng ta để dạy thì tối ngày cứ phải vò đầu bứt tóc để nặn từ
ngữ.
Ngoài ra, vì phải áp dụng phương pháp giảng dạy của Mỹ thành thử sinh viên được chia thành nhiều toán có sĩ số nhỏ cho nên mỗi môn học cần phải có nhiều giảng viên phụ trách để có thể dạy cho nhiều toán khác nhau cùng một lúc, trong khi khoa chưa có đủ giảng viên cũng như thiếu người chuyên về sử nên tôi lại được Trưởng khoa tăng cường qua ban Sử để cùng anh thiếu úy trên dạy môn Lịch sử Tây phương cho khóa 22B. Dạy Triết thì đành
rồi, nhưng bây giờ phải dạy cả môn sử nữa là một môn không phải là ngành học của tôi thì quả là
chuyện "không có chó bắt mèo ăn cứt". Nhưng nhà binh thì
phải thi hành cho nên tôi cũng phải ôm mớ tài liệu và sách vở
về vùi đầu đọc trước để rồi hôm sau vào lớp làm thầy
dạy lại cho người khác.
Hôm đầu tiên vào dạy lớp sử thì
tôi gặp ngay toán có anh SVSQ từng làm quen với tôi hôm cùng đi
chung chuyến máy bay về Ðà lạt. Vì anh ta là Toán trưởng nên khi
tôi vừa bước vào lớp thì thấy anh ta điều động cả lớp đứng
dậy trình diện theo đúng nghi thức. Dĩ nhiên là tôi chỉ
muốn thông qua cho anh ta cái mục trình diện này nhưng không thể làm
như thế được vì bây giờ thì tương quan giữa anh ta và tôi đã
bị ràng buộc theo những thể thức mà nội quy quân kỷ đã ấn
định. Tuy nhiên sau đó mỗi lần nghe anh ta gọi tôi bằng thầy, tôi
lại hơi buồn cười nghĩ thầm trong bụng không biết anh ta có
tặng thêm cho tôi cái tiếng "dùi" sau tiếng thầy tôn kính này không vì tôi
nhớ lần đầu tiên mới gặp mấy anh chàng SVSQ này ở phi trường
quân sự Tân Sơn nhất Sài gòn, tôi đã rất ngạc nhiên và thắc
mắc khi nghe họ cứ hay gọi nhau bằng "cùi" rồi.
Kể ra cái tiếng "cùi" thoạt
nghe thì như có vẻ xiên xỏ gì đó nhưng khi tôi đã tìm ra nguồn
gốc phát xuất của nó rồi thì lại thấy nó mang một chút ý nghĩa
vui vui vì đây lại chính là từ ngữ của một ông thầy trước
đây khi đứng dạy trong lớp đã dùng để gọi đám học trò nhà
binh này hầu trút nỗi bực tức vì thấy đám SVSQ không chuyên tâm
vào cái môn học lý thuyết trừu tượng của mình dạy cho dù ông
thầy đó vốn là Chỉ huy trưởng kiêm Văn hóa vụ trưởng. Tuy
bị mắng là cùi nhưng cái tiếng cùi kể từ đó trở đi lại
trở thành một cái biệt danh để cho các SVSQ nhận nhau, không
phải với cái tinh thần ghét bỏ nó mà chỉ như là để diễn
tả một nét cá biệt nào đó nơi họ. Tuy nhiên, nói thế không có
nghĩa là người SVSQ Võ bị đều là những người không thích
học văn hóa vì cho dù họ có gọi nhau là cùi nhưng họ vẫn
chịu khó học, và cũng có nhiều người đã tỏ ra rất chăm chỉ
chẳng khác gì những sinh viên dân sự ở ngoài đời.
Tuy nhiên, còn một điều nữa vẫn thường
làm cho tôi thắc mắc là tôi vẫn chưa biết cơ duyên nào xui
khiến mà tôi lại có dịp làm thầy mấy anh học trò cùi này.
Một hôm tôi đem điều thắc mắc này hỏi ông Trưởng khoa thì
được ông bạn già nói cho biết là trong kỳ vừa qua nhà trường
cần xin thêm người cho Văn hóa vụ thì Bộ Quốc Phòng bèn gửi
cho trường cái danh sách những SVSQ trừ bị có văn bằng đại
học hiện đang thụ huấn tại Thủ Ðức để nhà trường chọn.
Trường giao danh sách này cho các khoa để dò tìm và đề nghị
rồi nhà trường làm văn thư xin đích danh. Khoa Nhân văn do ông
bạn già tôi phụ trách thì đang cần người có bằng cấp về Văn
khoa nên khi dò danh sách thấy tên tôi có bằng Cử nhân Giáo khoa
Triết học nghe cũng có vẻ đáng đồng tiền bát gạo lắm nên ông
ta chấm ngay vào cái tên đó mặc dù lúc ấy ông ta cũng không
biết người mang cái tên này là ai cả. Và do đề nghị đó mà đến
lượt cấp trên thông qua, rồi tiếp theo là Bộ Quốc Phòng căn
cứ theo đó mà phân bổ. Thì ra cuộc đời vẫn có những cái hoàn
toàn ngẫu nhiên như thế đó.
Ngoài ra, nếu ngày cầm cái sự vụ
lệnh thuyên chuyển về trường Võ bị Quốc gia Việt Nam với lý
do "thực tập giai đoạn 2" từng gây cho tôi ít nhiều băn
khoăn lo lắng về nỗi không biết mình sẽ làm gì giữa cái chốn
con nhà võ chuyên nghiệp thì bây giờ tôi đã hiểu cái rắc rối
của sự dùng chữ cho một trường hợp ngoại lệ. Sở dĩ gọi là
thực tập giai đoạn 2 tại vì tôi tuy có được tạm thời mặc
đồ dân sự và làm công việc của một giảng viên đại học để
truyền đạt chút kiến thức của mình cho mấy anh chàng theo
nghiệp võ tại quân trường Võ bị này, cái gốc của tôi vẫn còn
là một SVSQ trừ bị để hưởng lương và quyền lợi ngang một
trung sĩ trong thời gian khóa mà tôi chính thức thụ huấn tại trường Bộ Binh Thủ đức chưa ra trường.
Mùa xuân ở Ðà lạt thật đẹp. Ban ngày trời trong xanh với những ngọn đồi hoa cỏ xinh tươi sặc sỡ và những hồ nước nên thơ, khác hẳn với cái không khí đua chen ồn ào náo nhiệt của đô thành. Ðêm đêm sương mù giăng mắc, núi rừng yên lặng mơ màng chứ không hề bị khuấy động vì những tiếng súng vọng về thành phố hay những ánh lửa hỏa châu loé sáng trên bầu trời. Bao nhiêu năm nay đất nước bị chiến tranh tàn phá khắp nơi nhưng riêng tại xứ Ðà lạt này cho đến hôm nay cuộc đời vẫn có vẻ rất thanh bình và con người cũng như có vẻ sống rất hòa hợp với thiên nhiên chứ không bị hoen ố vì những cảnh bon chen với chợ trời hàng lậu, những quán bar và những anh chàng GI cặp kè mấy em me Mỹ.
Có lẽ do khung cảnh rất thích hợp cho con người sống để yêu thương và thông cảm mà tôi thấy rằng cho dù có
gọi nhau bằng "dùi" hay "cùi" thì những con người
nơi đây vẫn còn mang trong mình chút tinh thần nhân bản chứ không
phải như ở những nơi khác, có những con người chỉ biết lao mình
chạy theo những nhu cầu và quyền lợi vật chất để xô đẩy
kẻ khác vào con đường chém giết nhau, hay có những con người
chỉ biết tự hào với những mỹ từ của mình chế ra để tô điểm
cho một chủ nghĩa lấy hận thù làm phương châm và từ đó cứ
vong thân cho một ảo tưởng để rồi chỉ muốn áp đặt lên người
khác những điều bất công và giả dối.
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment