Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Thursday, February 14, 2013

NGHIỆP VĂN ÁO VÕ [12]

Ký sự Tùy bút

12.- ĐÔI CHÚT VUI BUỒN Ở XỨ NGƯỜI 

Từ Nashville đi Madison không có đường bay trực tiếp nên khi đến phi trường Chicago, tôi phải xuống để sang máy bay. Phi trường Chicago cũng to rộng như phi trường San Francisco nên loanh quanh mãi tôi mới tìm ra được cổng hành khách chuyến bay đi Madison thì cũng vừa vặn lúc hành khách đang lục tục kéo ra cổng để lên chiếc máy bay chong chóng hai động cơ. Vừa mới từ chiếc máy bay phản lực to lớn rộng rãi và rất tiện nghi chuyển sang chiếc máy bay cổ lỗ sĩ với tiếng động cơ ù cả tai để đi nốt đoạn đường ngắn này, tôi có cảm giác như mình đang quay trở lại cái thời ở quê nhà đi bằng máy bay Hàng không Việt Nam. 

Vì không báo trước ngày giờ đến Madison nên khi ra khỏi phi trường ở đây, tôi liền đón taxi bảo chở về địa chỉ nhà ở của anh chàng Lọ Mọ. Bác tài đưa tôi đến nơi thì đó là một căn nhà gỗ hai tầng, cũng cũ kỹ như nhà thầy lác ở Nasville nhưng lớn hơn, nằm gần khu vực trường đại học. Xuống xe bước vào căn nhà, tôi thấy căn phòng chính rất trống trải và cũng rất vắng lặng. Nhìn quanh thì thấy có nhiều cửa vào của nhiều phòng nhỏ nhưng cửa phòng nào cũng đóng và trên mỗi cánh cửa đều có dán một mảnh thiếp. Tôi tiến lại vài cánh cửa đọc thử thì thấy toàn là tên lạ. Lò dò thêm một hai cửa nữa thì thấy trên một cánh cửa có tên anh chàng Lọ Mọ bèn gõ cửa nhưng không thấy ai trả lời.

Đang thất vọng tính quay ra ngoài ngồi đợi thì chợt thấy anh chàng Lọ Mọ từ ngoài đường đi vào dẫn theo một người nữa mang theo một cái túi xách tay. Thì ra đó là anh chàng Mậu lúi, cũng là dân Văn hóa vụ đang học ở Illinois được Lọ Mọ rủ lên chơi. Anh chàng Mậu lúi nói có trông thấy tôi từ đàng xa nhưng cứ tưởng là ai đó, vì mái tóc của tôi dài quá làm anh chàng nhìn không ra. Chả là từ khi qua Mỹ đến giờ tôi có hớt tóc lần nào đâu. 

Khi anh chàng Lọ Mọ mở cửa phòng để cho Mậu lúi và tôi cùng xách hành lý vào thì tôi càng ngạc nhiên hơn nữa vì thấy căn phòng của anh ta còn chật hơn cả cái phòng ngủ của anh thầy lác và đồ đạc thì còn tệ hơn là đàng khác. Phòng chỉ kê vừa đủ một cái giường chiếc, một cái tủ ngăn kéo nhỏ và một cái bàn con là gần như hết lối xoay trở, và khi nhìn kỹ cái bàn thì cũng chỉ còn có ba chân. 

Thấy tôi quan sát căn phòng kỹ quá, anh chàng Lọ Mọ giải thích là ở đây cái gì cũng đắt và phòng ở như thế này mà mỗi tháng cũng phải trả 40 đô rồi, ở sang làm gì cho tốn tiền. Cần bàn ghế để học thì vào thư viện, ăn uống thì đã có cái phòng bếp chung để cho người nào thuê phòng cũng có thể xử dụng, phòng ở chỉ để tối về ngủ thôi thì rộng làm gì. Cái bệnh tính toán kỹ như thế này thật ra không phải chỉ riêng có anh chàng Lọ Mọ mới mắc phải mà hầu như tất cả những anh chàng quân nhân công chức nào được hưởng học bổng đi học như bọn tôi cũng như thế cả, vì anh nào nếu không vợ con đùm đề thì cũng sắp phải cưới vợ nên ai cũng cố gắng nhịn tiêu để dành dụm cho ngày về còn có dư chút đỉnh tiền mua quà cáp hoặc mang về cho gia đình. 

Cũng vì tính toán kỹ như thế cho nên để khỏi tốn thêm tiền thuê phòng, anh chàng Lọ Mọ bèn sắp cho hai thằng tôi ở chung phòng với anh ta, do đó tối đến khi chủ leo lên giường thì khách phải trải túi ngủ ra sàn nhà để nằm. Còn ăn uống thì chỉ việc hằng ngày đi chợ về nấu nướng ăn chung với nhau, nhưng mọi chi phí đều được ghi ra giấy để chia đều phần mỗi người phải trả đúng theo kiểu Mỹ. Thế là khỏi phải ai phiền ai. 

Vì bọn tôi lên chơi nhằm lúc trường ở đây chưa nghỉ hè và anh chàng Lọ Mọ còn bận bịu thi cuối khóa nên không rảnh để đưa bọn tôi đi chơi chỗ này chỗ nọ mà chỉ dạo thăm loanh quanh trong trường và vài nơi trong thành phố. Madison là thủ phủ của tiểu bang Wisconsin nhưng thành phố không lấy gì làm đồ sộ, tuy nhiên nhờ có nhiều hồ nên cảnh rất đẹp làm tôi nhớ lại Đà Lạt. 

Trường đại học anh chàng Lọ Mọ đang theo học cũng là một trường đại học lớn và có nhiều sinh viên ngoại quốc du học. Sinh viên Việt ngoài một số có học bổng, còn có một số sinh viên du học tự túc. Trước đây tại trường đại học này cũng đã xảy từng ra nhiều cuộc biểu tình phản chiến của sinh viên. Ngay cả anh chàng Lọ Mọ cũng đã có lần thấy người ta biểu tình thì cũng nổi hứng ra xem rồi chen vào giữa đám sinh viên Mỹ đang trương cây cờ Mặt trận Giải phóng Miền Nam để chụp cho mình một tấm hình làm kỷ niệm. Thật ra anh ta chẳng ưa thích gì lá cờ ấy mà chỉ vì muốn tỏ ra ở đây anh ta có quyền tự do đứng gần nó mà không e ngại gì cả. Tuy nhiên tôi không biết là ngày hồi hương anh ta có dám mang theo tấm ảnh này về hay không. 

Thành phố này cũng có nhiều sinh viên Mỹ sống theo kiểu hippy, để tóc dài, ăn mặc lôi thôi, bày bán vài thứ lỉnh kỉnh bên vỉa hè. Đôi khi tôi còn thấy có vài người có lẽ là cựu chiến binh Việt Nam nên trong mấy món hàng của họ còn có cả dép râu, nón tai bèo. Do cái tư tưởng phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam đang lan tràn trong giới sinh viên cho nên sinh viên Việt Nam hầu như không mấy khi thích tỏ cho người khác biết mình là người Việt. Thường thì chỉ có người Việt với người Việt biết nhau còn khi ra ngoài tiếp xúc với người Mỹ thì cứ nhận bừa mình là Nhật, Tàu hay là Thái gì đó cũng được, càng đỡ bị phiền phức. 

Sau một tuần ở chơi thì chúng tôi chia tay, anh chàng Mậu lúi ra bến xe đáp xe buýt về Illinois còn tôi ra phi trường đáp máy bay về Washington DC. Hôm sau khi đến trình diện bà M. thì vừa trông thấy tôi là bà chú ý đến cái đầu tóc dài quá cỡ của tôi ngay. Thật tình tôi đâu có ý định biến mình thành một anh chàng hippy mà chẳng qua chỉ là muốn hưởng chút quyền tự do đối với cái đầu tóc của tôi thế thôi, vì kể từ ngày bước chân vào cổng số 1 của cái quân trường nằm trên ngọn đồi Tăng Nhơn Phú và đưa cái đầu tóc bờm xờm cho ông lính thợ cạo xởn ngắn còn đúng ba phân để bắt đầu ca bản "Đường trường xa..." thì hình như lúc nào tôi cũng bị cái khổ nạn cấp trên khám tóc khám tai ám ảnh. Nay đã qua tới đây không còn lo bị ai khám tóc khám tai nữa thì tại sao lại phải đi cắt tóc làm gì cho vừa mất thì giờ vừa thêm tốn tiền. Chính vì thế mà mặc dù được bà M. khuyên nên cắt tóc ngắn cho lịch sự, tôi vẫn tiếp tục giữ bộ tóc dài như cũ.

Về đây, tuần lễ đầu tôi phải tham dự một cuộc hội thảo về giáo dục. Phải nói là mỗi lần được AID cho đi dự hội thảo là cả một niềm vui vì chi phí đi lại đã có cơ quan cho, ăn ở thì được hưởng thêm phụ cấp cao, còn khi vào hội thảo nếu không biết gì để nói cũng chẳng sao, miễn có mặt ngồi nghe là đủ rồi. Tham dự viên thì đủ các sắc dân tứ xứ, nói tiếng Anh đủ thứ giọng nên hiểu được càng tốt, còn không thì cứ cười thông cảm cho xong. Trong khi tiếp xúc với nhau nếu tên nào tử tế thì chuyện trò, còn tên nào có vẻ khó ưa thì cứ văng cái câu "bố tiên sư mày" cũng không lo bị hắn đấm vào mặt mà đôi khi còn được hắn cười tươi với mình nữa là đàng khác. Ngoài ra còn được cơ quan hướng dẫn cho đi thăm quan chỗ này chỗ kia cho biết với người ta. 

Xong tuần tham dự hội thảo là bắt đầu vào khóa hè ở trường đại học Georgetown. Nhờ được bà M. giữ chỗ trước cho nên đến ngày là tôi chỉ có việc dọn vào cư xá sinh viên. Cư xá này mới xây cất nên rất sáng sủa và đầy đủ tiện nghi theo kiểu hiện đại nên tiền phòng cao hơn, nhưng so ra vẫn rẻ hơn ở khách sạn rất nhiều. Học Anh văn khóa hè nên ngày nào cũng phải đến lớp bốn tiếng đồng hồ. Buổi chiều tự mình vào lab học thêm hay đến thư viện làm bài độ vài tiếng đồng hồ nữa. Cuối tuần coi như hoàn toàn tự do thoải mái nên tha hồ rong chơi, có điều mùa hè ở đây bầu trời lúc nào cũng đục mù vì không khí ẩm và mỗi khi ra ngoài đều cảm thấy nóng rít rất khó chịu.

Ở Washington DC. có khá đông du học sinh Việt Nam và có cả một vài kiều dân Việt. Ngoài ra đây cũng là cái trạm mà bất cứ ai hưởng học bổng của AID đi học ở Mỹ đều phải ghé qua lúc mới đến và lúc sửa soạn về nước. Cũng nhờ thế mà một hôm tôi đã gặp được một toán sinh viên du học mới qua toàn là cựu sinh viên sĩ quan khóa 22 và 23 Võ bị. Mấy anh chàng "cùi" này đúng là "không sợ lở" vì qua tới tận thủ đô của cái xứ nhan nhản những người đang chống đối cuộc chiến tranh này mà còn đóng nguyên bộ đồ nhà binh có gắn cả cái phù hiệu thêu hai chữ Việt Nam màu đỏ trên tay áo đi vào trường đại học. 

Qua đây rồi thì ông to bà lớn, quan trên quan dưới gì thì cũng xuề xòa như nhau cả, cho nên gặp nhau thì cũng anh em cả thôi. Ngay ở đại học Georgetown này cũng có vài quan to quan nhỏ làng Văn hóa vụ đang theo học, kể cả ông bạn già đồng môn Văn khoa ngày xưa rồi là Khoa trưởng khoa Nhân văn và "sếp" trực tiếp của tôi ở Võ bị, nhưng vì ông ta quá bận bịu với việc học hành của mình, nhà trọ lại ở tuốt bên Arlington thành thử tôi cũng chỉ nói chuyện bằng điện thoại với ông ta chứ không gặp. 

Lần này về đây tôi hay ghé thăm anh chàng khoa Anh văn từng dẫn tôi đi mua cái áo choàng ấm lúc tôi mới qua. Nơi ở của anh ta cũng là một căn nhà cũ kỹ ba tầng có nhiều phòng được chủ cho đám sinh viên Việt Nam thuê, hầu hết vốn là công chức, và có anh đang học để lấy Ph.D. Phòng ốc tương đối rộng rãi hơn phòng của căn nhà nơi anh chàng Lọ Mọ ở Madison, nhưng giường tủ thì thiếu cho nên có nhiều anh khỏi cần mua giường mà chỉ thảy một tấm nệm ra sàn để nằm ngủ cũng xong. Ngoài ra, đối diện với căn nhà là một trạm cứu hỏa nên bất kể ngày hay đêm, hễ đâu có xảy ra hỏa hoạn là người ở trong nhà tha hồ được nghe còi xe cứu hỏa trước nhà hú inh ỏi. 

Sống ở thủ đô vẫn có nhiều cái thuận tiện và có nhiều nơi nhiều chỗ để cho mình thăm viếng học hỏi. Ngoài những đền đài lịch sử, dinh thự liên bang, ở đây còn có nhiều trung tâm văn hóa, nhiều bảo tàng viện tàng trữ những tác phẩm công trình về văn hóa nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, có cái mở cửa tự do nhưng cũng có nhiều cái khách muốn tham quan phải mua vé vào xem.

Vì Washington DC. cũng là nơi tập trung các toà Đại sứ của các nước có bang giao với Mỹ nên có lần tôi cũng thử ghé thăm Toà Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa cho biết tòa Đại sứ của mình ở đây ra thế nào. Trông sơ qua thì toà Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa cũng là một toà nhà cổ giống như nhiều toà đại sứ của các nước nhỏ khác nằm trong khu tây bắc của thủ đô. Riêng về mặt công tác của tòa đại sứ của ta ở đây thì tôi nghĩ ngoài cái việc giải quyết vài thủ tục giấy tờ hành chánh cho số kiều bào chẳng có mấy lăm người ở tại đất Mỹ, còn những chuyện đấu tranh về chính trị hay ngoại giao để bảo vệ cho quyền lợi của Việt Nam Cộng Hòa thì hình như chẳng bao giờ nghe thấy ai đả động đến. 

Nếu phe ta có vẻ cầu an thì ngược lại phe địch hầu như không có chỗ nào là không tìm cách len lỏi vào để địch vận phe ta. Có một lần một ông bạn phe ta rủ tôi đến thăm cái gọi là Trung tâm Nghiên cứu về Đông Dương. Nghe cái tên có vẻ rất khêu gợi tính tò mò của tôi nên tôi đã theo ông bạn tìm đến nơi thì phải nói đó là một cái trạm liên lạc và tuyên truyền của nhóm phản chiến thì đúng hơn. Người thiếu nữ mà chúng tôi gặp hôm ấy là một người từng hoạt động trong nhóm Sinh viên tranh đấu ở miền Trung, rồi nhờ đã chiêu dụ được một anh chàng GI lấy làm vợ mà đã có thể qua đây sống hợp pháp. Cô ta đã cho bọn tôi xem nhiều sách vở báo chí xuất bản ở miền Bắc nhằm mục đích tuyên truyền cho chế độ Cọng sản. Dĩ nhiên là sống ở đây thì cô ta có quyền ca tụng bất cứ những gì cô ta cho là tốt đẹp và tôi cũng có cái quyền nói lên những gì tôi cho là không đúng, nhưng dù sao thì cũng vì có những hoạt động móc nối kiểu này của phe bên kia mà đã có một số du học sinh Miền Nam bị lung lạc và khi hết hạn ở lại Mỹ thì đã không chịu về nước mà lại trốn qua Canada. 

Trước đây người Mỹ nhân danh bảo vệ Tự do để can dự vào cuộc chiến tranh Việt Nam nhưng thực chất vẫn chính là vì quyền lợi của Mỹ. Nay đã đến giai đoạn người Mỹ cho là cuộc chiến tranh này không còn cần thiết và điều ưu tiên là phải làm sao rút quân Mỹ ra khỏi cuộc chiến này mà danh dự của Mỹ không đến nỗi bị tổn thương.  Trong viễn ảnh số phận của Việt Nam sẽ một lần nữa được giải quyết do sự định đoạt của các thế lực quốc tế, tôi thấy mình có ưu tư cũng thế, thôi thì cứ tìm chút vui trong cuộc đời bình thường. 

Ngay từ nhỏ tôi vẫn có cái thú mê nhìn xe lửa chạy, thích được đi xe lửa cũng như mơ ước có những món xe lửa đồ chơi. Cái thú tầm thường ấy mà bao nhiêu năm qua ở quê nhà tôi không bao giờ được thỏa mãn. Cuộc chiến tranh phá hoại đã làm cho những con tàu đành phải nằm ụ, những con đường sắt chỉ còn nằm rỉ sét. Qua đây tôi mới lại có dịp tha hồ nhìn ngắm những đoàn tàu chở hàng dài cả hàng trăm toa chạy trên đường. Đôi khi tôi còn mò mẫm lên tận nhà ga Union để nhìn những chuyến xe lửa hành khách Amtrak chở người đến và đi. 

Mặc dù những tiến bộ về ngành hàng không và sự phát triển kỹ nghệ xe hơi có làm cho số người dân Mỹ thích xử dụng các phương tiện di chuyển này càng ngày càng nhiều hơn nhưng cái thú đam mê xe lửa vẫn là một môn tiêu khiển được nhiều người Mỹ ưa chuộng. Chẳng thế mà ở Mỹ có rất nhiều tiệm bán đồ hobbies chỉ chuyên bán xe lửa đồ chơi đủ các loại cho những người có cái thú đam mê này tha hồ mua về để thiết kế cho mình những mô hình xe lửa theo ý riêng. Ngoài ra, người ta còn phát hành nhiều tạp chí chỉ chuyên nghiên cứu về môn xe lửa đồ chơi này. Chính vì thế mà tôi cũng cố gắng dè sẻn bỏ ra ít tiền sưu tập cho mình vài mẫu xe lửa để sau này mang về thiết kế một mô hình xe lửa làm nguồn vui cho con, mà cũng có thể là cho chính mình. 

Qua mấy tháng hè học hành chẳng lấy gì làm vất vả, hơn nữa ở đây lại tương đối có nhiều phương tiện giúp cho mình học hỏi, tôi thấy mình thích được lưu lại cái thành phố miền Bắc này hơn, nhưng Peabdy mới là ngôi trường chính mà tôi phải theo học để hoàn tất chương trình du học của mình, cho nên vừa xong khóa mùa hè ở đây là tôi đành phải từ giã Washington DC. để trở về Nasville tiếp tục theo học khóa mùa thu. 

Về đây, chưa cần phải đi tìm tôi cũng đã gặp ngay thầy lác. Chả là mùa hè ở đây cũng rất nóng mà thầy lác ở nhà thuê sát mái lại không có máy lạnh nên trưa chiều là trong phòng nóng như trong cái lò nướng bánh mì, cho nên cả ngày thầy lác nếu không vào ngồi thư viện để tránh nóng thì cũng lang thang khắp nơi trong trường tìm bóng mát của các hàng cây, đợi tới tối mới dám về nhà mở hết cửa ra và vặn cái quạt hút to gần bằng cái cửa sổ cho chạy ào ào cả vài tiếng đồng hồ để hút hơi nóng trong nhà ra thì tối mới có thể ngủ được. 

Thấy thầy lác lúc này cũng đâm ra cặp kè với một em sinh viên Mỹ làm tôi lại nhớ lại cái mối hận chung của các chàng trai nước Việt. Bao nhiêu năm sống ở quê nhà chỉ mãi chứng kiến cái cảnh các nàng Kiều của ta vì sự sống mà hết chạy theo Tây thì lại đến theo Mỹ làm cho mấy anh chàng trai nước Việt anh nào cũng ấp ủ điều tâm niệm trong lòng là phải "trả thù dân tộc" nếu có dịp đi ra xứ người. Dĩ nhiên trả thù đây không có nghĩa là giết người mà chỉ là ve vãn lại con gái xứ người cho hả cơn tức tối. Có điều khi nhìn cô em sinh viên Mỹ mà thầy lác đang cặp kè này tuổi cũng chỉ mới cỡ đôi mươi nhưng phục phịch như con voi làm tôi không khỏi cười thầm về cái tài lác của thầy lác. 

Sống ở đất Mỹ mọi người đều phải tuân theo luật pháp và được luật pháp bảo vệ, nhưng tôi cũng từng được người Mỹ khuyên rằng đừng nên xài tiền mặt và không nên bọc tiền mặt trong túi, cũng như không nên đi vào các nơi vắng vẻ và các vùng cư dân mà mình không quen biết, nhất là vào ban đêm, và nếu một khi bạn đang đi mà có kẻ nào chận bạn lại đòi xem cái bóp của bạn thì bạn cũng nên đưa ngay cho hắn rồi kiếm đường tẩu thoát thật nhanh chứ đừng bao giờ kháng cự... 

Dù vui hay buồn thì qua hơn nửa năm sống ở đất Mỹ, tôi cũng đã được hưởng cái thú đi lại mà không cần phải mang đầy đủ các thứ giấy tờ chứng minh trong người. Điều này không có nghĩa là tôi không cần có giấy tờ mà chỉ vì tôi đã có đầy đủ giấy tờ hợp pháp cho phép lưu cư còn trong thời hạn, bằng không thì ngay cả mấy anh chàng thanh niên Mỹ, nếu trốn quân dịch vì không muốn bị đưa sang chiến đấu ở Việt Nam thì cũng phải trốn qua Canada hay Mexico mà ở chứ không thể nào được sống yên thân trên đất Mỹ.  

ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment