11.- THA HƯƠNG
THẦY "DÙI" GẶP THẦY "LÁC"
Vì bà M. đã giữ chỗ trước cho tôi ở nội trú cho nên trên đường về trường tôi nói bác tài đưa tôi đến thẳng khu cư xá sinh viên. Khi chiếc taxi vừa đậu lại ngay cái bùng binh nhỏ phía sau một toà nhà dài cao ba tầng bằng gạch màu đỏ trong khu trường Peabody và được bác tài bảo cho biết đây là West Hall, cư xá nam sinh viên, tôi xuống xe ngơ ngác nhìn quanh chưa biết tìm ai để hỏi thăm thì thấy có vài sinh viên từ trong trường đi ra, trong số đó có một anh chàng da vàng nhưng to cao hơn tôi, mình khoác một cái áo bành bằng dạ còn đầu thì đội một cái nón trùm bằng lông như dân Eskimo.
Mới qua Mỹ thì nhìn thấy người da vàng nào cũng giống nhau cho nên tôi không thể phân biệt được anh chàng này là Tàu, Phi, Thái hay Việt nên còn lưỡng lự không biết nên hỏi anh chàng này hay hỏi mấy anh chàng da trắng kia thì thấy anh chàng da vàng bỗng nhìn ngay tôi và hỏi tôi có phải là người Việt không bằng tiếng Việt.
Mới qua Mỹ thì nhìn thấy người da vàng nào cũng giống nhau cho nên tôi không thể phân biệt được anh chàng này là Tàu, Phi, Thái hay Việt nên còn lưỡng lự không biết nên hỏi anh chàng này hay hỏi mấy anh chàng da trắng kia thì thấy anh chàng da vàng bỗng nhìn ngay tôi và hỏi tôi có phải là người Việt không bằng tiếng Việt.
Đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh. Cả mấy tuần nay toàn ăn bánh mì, nghe toàn những thứ ngôn ngữ lạ tai và nói bằng một thứ ngôn ngữ không phải của mình, nay bỗng nhiên lại được nghe cái tiếng nói ngàn đời vang lên giữa chốn xa lạ này làm sao mà không mừng. Tôi gật đầu, và thế là anh ta và tôi bắt đầu chuyện trò với nhau thật thoải mái. Khi biết tôi là dân Văn hóa vụ được học bổng đi học thì anh ta cũng tự giới thiệu ngay là anh ta cũng chung một xuồng như tôi nhưng đã học tại trường này được hai khóa rồi, có điều anh ta gốc từ trường Sinh ngữ Quân đội xin chuyển qua chương trình du học của trường Võ bị nên được Tổng cục Quân huấn cho đi thi Anh văn rồi đi Mỹ luôn chứ chưa phục vụ tại trường Võ bị ngày nào nên mới không biết
nhau.
Do cái tình đồng hương, đồng đội và bây giờ là đồng môn này mà anh ta đã sốt sắng dẫn tôi đi gặp đúng ngay người quản lý để nhận phòng, cũng như nhờ anh ta mau mắn trả lời thay tôi mỗi khi thấy tôi ngơ ngác vì cái giọng Anh ngữ đồng quê của người địa phương miền Nam rất khó nghe này mà tôi cũng đỡ vất vả nhiều lắm. Có điều từ khi bắt đầu được nghe cái giọng tiếng Anh đầy âm hưởng quê hương của anh ta thì tôi cũng không dám đặt niềm tin vào cái tài thông dịch của anh ta như tôi đã hy vọng mà chỉ thầm nghĩ đúng là thầy
"dùi" gặp thầy "lác" thôi. Chính vì thế mà khi được người quản lý cư xá dẫn đến một căn phòng đôi nằm cuối dãy của lầu một và chỉ ngăn trong cho tôi vì ngăn ngoài đã có người giữ chỗ trước rồi nhưng anh bạn mới không hiểu nghe thế nào mà lại bảo tôi ở gian ngoài cho nên tôi vì đi sau phải nể kinh nghiệm người đi trước đành cứ nghe theo anh ta mà làm.
Mặc dù cư xá dành cho sinh viên của trường được kiến trúc theo lối cổ với hệ thống sưởi ấm bằng nước nóng nhưng trong mỗi phòng cũng đã được gắn thêm một cái máy điều hòa không khí vì mùa hè ở Mỹ cũng rất nóng. Mỗi phòng ở của sinh viên có hai giường, có bàn học và tủ riêng cho mỗi sinh viên, và có cả điện thoại. Anh bạn mới cho biết là lúc mới qua anh ta cũng ở nội trú như tôi bây giờ nhưng mới đây anh ta rủ một anh bạn sinh viên người Thái đang theo học ngành y khoa ở Vanderbilt thuê nhà ngoài ở cho thoải mái hơn. Còn anh ta thì đang theo học về môn sử để sau này sẽ về phụ trách môn sử tại trường Võ bị.
Vì nhà trường chỉ trang bị giường nệm thôi, còn tấm trải, mền gối thì mỗi sinh viên phải tự cung cấp cho riêng mình cho nên sau khi cất va li vào chỗ xong là anh bạn mới vội vàng dẫn tôi ra đáp xe buýt đi đến một khu shopping xa thuộc ngoại ô để mua sắm các thứ đồ dùng cần thiết cho việc ăn ở chứ không mua tại những tiệm trong khu trường học vì giá đắt hơn. Sau đó, anh bạn mới đưa tôi về thăm qua nhà trọ của anh ta chỉ cách trường vài con đường
nhỏ.
Nhà anh ta ở là một ngôi nhà cũ nhỏ có hai tầng. Anh ta ở tầng trên sát với mái nhưng đi bằng cầu thang riêng bên ngoài. Bên trong có một ngăn tiếp khách hẹp đủ kê một cái sofa và cái kệ, hai phòng ngủ riêng cho hai người và một bếp nhỏ. Nhà cũng được sưởi ấm bằng hệ thống nước nóng nhưng không có máy lạnh. Đồ đạc cũng cũ kỹ như ngôi nhà, và tiền thuê mỗi tháng phải trả 80 đô nhưng vì chia đôi ra thì phần mỗi người phải trả lại rẻ hơn tiền thuê phòng nội trú, lại nhờ có bếp nên có thể tự nấu ăn lấy đỡ tốn kém hơn. Kể ra ở đất Mỹ mà sống theo cung cách đó được kể như là nghèo, nhưng nếu so sánh với đời sống quê nhà thì vẫn hãy còn phong lưu chán.
Đoán là tôi có lẽ cũng đang thèm cơm Việt nên anh ta nấu cơm mời tôi ăn. Cơm nấu bằng nồi cơm điện tự động nên tôi ăn rất ngon lành còn cái món đồ ăn Việt của anh ta nấu thì tôi không biết nên gọi nó là món gì vì thịt gà được anh ta chặt khúc rồi nấu chín theo kiểu kho không ra kho mà canh chẳng ra canh và được nêm bằng muối với lại một chút sả phơi khô bằm nhỏ mà anh ta nói là từ bên nhà gửi qua. Đã được nghe cái giọng Anh ngữ của anh ta và bây giờ lại được thưởng thức thêm cái tài nghệ nấu nướng này nữa, tôi bỗng nảy ra cái ý tưởng tặng cho anh ta cái biệt danh
"thầy lác" cho đúng với truyền thống Văn Hóa vụ.
Chiều hôm đó anh bạn đưa tôi về lại phòng ở nội trú thì thấy trong phòng đã có một anh chàng da vàng cũng đã lớn tuổi đang loay hoay dọn đồ đạc vào chỗ tôi. Thì ra anh ta là bạn chung phòng mới dọn đến và khi thấy tôi vào, anh ta tự giới thiệu bằng tiếng Anh là người Tàu gốc Hong Kong và đang theo học về ngành quản thủ thư viện. Hành lý của anh ta ngoài quần áo, mền gối, sách vở còn lỉnh kỉnh thêm mấy cái chén dĩa, xoong nồi và bếp điện để tự nấu ăn trong phòng mặc dù nội quy không cho phép điều này. Thì ra anh sinh viên này cũng thuộc hàng quân tử Tàu ăn rau và còn tỏ ra siêu đẳng hơn cả anh thầy lác của tôi nữa. Tôi đoán có lẽ nhờ anh ta không biết ăn nước mắm, bằng không thì chắc là cái cư xá này đến phải đóng cửa mất thôi.
Nghe anh ta nói đã từng ngụ tại ngăn ngoài của căn phòng này qua mấy khóa rồi nên tôi cũng định dọn vào bên trong để cho anh ta vẫn được ở như cũ nhưng anh bạn mới của tôi thì lại bảo tôi đến trước thì ưu tiên không cần phải nhường gì cả. Thấy thầy lác trao đổi với tôi bằng tiếng Việt và tôi còn đang trù trừ thì anh sinh viên Tàu có lẽ cũng hiểu ý bèn lẳng lặng mang đồ của mình vào bên trong. Để cho bầu không khí sơ giao bớt nặng nề, tôi bèn thử moi lại cái vốn liếng Quan thoại nghèo nàn của mình xổ ra vài câu xã giao với anh ta, không ngờ anh ta bỗng nhiên vui như gặp được đồng hương, còn anh thầy lác của tôi thì ngẩn người ra không biết tôi là Tàu hay là
Việt.
Ngày hôm sau là ngày bắt đầu ghi danh cho khóa mùa xuân nên anh bạn thầy lác đến sớm đưa tôi cùng đi ghi danh. Chặng đầu tiên là đến gặp giáo sư
cố vấn để ông
ta hướng dẫn việc chọn môn học và ký giấy cho mình lấy lớp. Mặc dù khi nộp hồ sơ xin du học tôi có ghi chọn major là tâm lý học hoặc xã hội học, nhưng lúc được học bổng thì major lại bị đổi thành chính trị học, nhưng trường này không phải một đại học tổng hợp lớn cho nên chỉ có một số lớp đại cương về ngành này thôi. Tuy nhiên, ông giáo sư bảo trợ cũng đã ghi cho tôi lấy ba lớp gồm một lớp về
Anh văn, một lớp về Dân số học, và một lớp về Chính trị Hoa Kỳ. Sau đó là anh thầy lác dẫn tôi cùng đi đóng tiền, làm thẻ sinh viên và dẫn tôi đi dạo khắp các nơi trong trường cho biết chỗ ăn chỗ
học.
Trường Peabody cũng là một trong những trường đại học lâu đời của Hoa kỳ. Tuy chương trình của trường có dạy đến cấp bằng Ph. D. nhưng chỉ chuyên về ngành sư phạm thôi. Các cấu trúc của trường đều theo kiểu Hy-La với mặt tiền đình có những hàng cột cao bằng đá, ngoại trừ một vài công trình mới xây dựng thêm về sau thì mới được thiết kế theo kiểu hiện đại hơn. Toàn thể các cấu trúc chính được sắp đặt theo hình chữ môn bao quanh một sân cỏ rộng và dài.
Trường rất đông nữ sinh viên, có lẽ vì ở Mỹ ngành sư phạm này không hấp dẫn lắm đối với phái nam, do đó mà trong số bốn toà nhà dùng làm nội trú cho sinh viên thì ba cái dành cho nữ sinh viên trẻ mới tốt nghiệp trung học. Có điều hiện nay số sinh viên chọn ngành sư phạm cũng giảm cho nên số sinh viên theo học trường này cũng ít dần và số phòng nội trú cũng trống nhiều hơn. Trái lại gần bên Peabody là trường đại học Vanderbilt với đầy đủ các phân khoa, kể cả ngành y khoa nên số sinh viên đông gấp bội. Tuy nhiên vì hai trường này có liên kết với nhau nên ngoài thư viện riêng của mỗi trường, sinh viên hai trường còn có thể xử dụng chung một thư viện tối tân mới thiết lập có tên là Joint Library nằm kế cận trường Peabody.
Sau cái ngày đầu tiên được thầy lác dẫn đi thăm qua hết một vòng trường cho biết lề lối sinh hoạt ở một trường đại học Mỹ rồi thì qua ngày hôm sau khi khóa học chính thức bắt đầu là phận ai nấy lo vì thầy lác và tôi đều có lớp và giờ học khác nhau nên cũng không có cơ hội gặp nhau thường xuyên nữa, ngoại trừ ngày nghỉ cuối
tuần.
Mấy tuần đầu vào lớp tôi chỉ toàn nghe như vịt nghe sấm, nhất là khi nghe các sinh viên phát biểu hay nói chuyện với nhau. Sinh viên mấy lớp tôi theo học đa số là người Mỹ chính gốc, một số người thuộc châu Mỹ La tinh, chỉ có một mình tôi là da vàng lạc lõng vào. Thật ra thì môn học và phương pháp học tập không có gì khó nhưng cái giọng Mỹ đồng quê miền Nam này đã khiến cho tôi vào lớp lúc nào cũng thấy thần kinh như căng thẳng và mỗi khi phải phát biểu là cả một sự vạn bất đắc dĩ.
Không những thế, trong lớp Dân số học do tiến sĩ B. đảm nhiệm, một giáo sư lớn tuổi và cũng là một người có tư tưởng rất bảo thủ nên thường tỏ thái độ kỳ thị đối với các dân tộc thuộc các quốc gia kém mở mang. Do lẽ đó mà khi thấy tôi là một sinh viên thuộc một dân tộc cũng nằm trong cái khối
mà nói theo từ ngữ ngoại giao lịch sự là "đang phát triển"
ấy, ông ta đã chú ý đến tôi ngay, không phải để nâng đỡ mà là để hỏi tôi những câu hỏi về mức phát triển kinh tế và sự gia tăng dân số tại Việt Nam đôi khi có tính cách mỉa mai. Điều này làm cho lòng tự ái dân tộc của tôi bị tổn thương.
Trong khi tôi đang chán nản thì tình hình chiến sự ở bên nhà bộc phát dữ dội. Thị trấn An Lộc ở trong Nam bị Việt cộng bao vây ròng rã còn ở ngoài Trung thì quân Bắc Việt tiến chiếm Đông Hà và Quảng Trị. Những tin tức bi quan dồn dập và những hình ảnh chỉ nhìn thấy từ một phía được các đài truyền hình Mỹ chiếu hàng đầu trong bản tin hàng ngày làm cho tôi giao động vô cùng. Không những thế, những cảnh hỗn loạn trong khi lui quân của phe miền Nam cũng như những hình ảnh thê thảm của dân chúng chạy loạn bị Việt Cộng pháo kích nằm chết ngổn ngang la liệt suốt đoạn đường được mệnh danh
là "Đại lộ Kinh hoàng" còn được đài CBS triệt để khai thác theo quan điểm phe phản chiến để hỗ trợ cho các phong trào đòi hỏi chính phủ Mỹ phải rút ra khỏi cuộc chiến tranh tàn bạo này.
Còn những người sinh viên Mỹ ở đây thì nhiều người chẳng biết gì về Việt Nam ngoài cái điều coi đó là một đất nước xa xôi chẳng có liên quan gì đến quyền lợi thiết thực của người Mỹ nhưng lại đang xảy ra chiến tranh và hàng ngày vẫn có những người lính Mỹ đang hy sinh ở đó; hoặc chỉ hình dung Việt Nam như là một xứ sở nghèo đói hay man rợ như mấy nước bên Phi châu qua một số hình ảnh chiến sự mà họ nhìn thấy trên báo chí hay truyền hình.
Cùng thời gian này tôi nhận được thư của em gái tôi gửi qua cho biết vợ tôi đã sinh con gái đầu lòng. Vì không thể trực tiếp gần gũi nhìn ngắm và bồng ẵm đứa bé trong tay nên tôi không được cái hưởng cái cảm giác của một kẻ lần đầu tiên được làm cha nhưng cái ý tưởng mình đã làm cha khiến cho tôi thấy mình như có chút gì xa xót cho thân phận con người. Tôi sinh ra là đã phải chịu quá nhiều hoàn cảnh đau khổ do chiến tranh gây ra và bây giờ đến thế hệ của con tôi cũng chẳng có gì sáng sủa hơn. Điều này làm cho tôi đâm ra chán nản vô cùng.
Do những suy tư ray rứt đó mà tôi không còn hứng thú theo học nữa và tôi đã viết thư xin với bà sponsor của tôi can thiệp cho tôi được đổi ngành học hoặc được trả về, viện cớ môn học không thích hợp và tôi gặp quá nhiều trở ngại về Anh ngữ. Dĩ nhiên là cơ quan AID không bao giờ muốn có những trường hợp rắc rối như thế này xảy ra gây xáo trộn kế hoạch đã định sẵn nên bà M. đã gọi điện thoại nói chuyện với tôi. Qua cuộc trao đổi này, bà M. không tin là cái lý do trở ngại về ngôn ngữ của tôi là chính xác nhưng quả là tôi đang có chấn động về tinh thần nên để giúp tôi vượt qua cơn khủng hoảng này, bà M. đã cho phép tôi rút tên khỏi lớp học của giáo sư B. cũng như đồng ý cho tôi khóa mùa hè này khỏi phải lấy lớp mới mà được về Washington D.C. để học thêm Anh ngữ rồi qua khóa mùa thu mới quay về tiếp tục chương trình. Thế là tôi lại đành phải tiếp tục con đường mà số phận đã sắp đặt cho mình, tuy nhiên vì khỏi theo học lớp của giáo sư B. mà tôi cũng cảm thấy nhẹ thở hơn.
Rồi mùa đông ở xứ này cũng đã qua và thời tiết đang bắt đầu ấm dần để cho cây cối đâm chồi trổ nụ rồi sau đó cây cỏ cùng đua nhau nở hoa một loạt. Mọi người dần dần trút bỏ những bộ y phục mùa đông dày cộm để khoác lên người những bộ y phục nhẹ nhàng thoải mái hơn. Cảnh sắc thật là rực
rỡ. Tình hình an ninh ở quê nhà cũng đã khả quan hơn với sự kiện An Lộc được giải vây và quân đội
Việt Nam Cộng Hòa đang mở những cuộc hành quân tái chiếm Quảng Trị làm cho tôi cũng bớt lo âu cho số phận những người thân ở quê nhà. Suốt bao nhiêu năm qua tôi chưa bao giờ được thấy một mùa xuân thanh bình và tươi đẹp như nơi này trên đất nước của mình. Vậy thì tôi cũng không nên
cứ mãi âu lo mà bỏ lỡ những giây phút xuân tươi tôi đang được hưởng
ở nơi đây.
Khoảng ba tuần trước ngày kết thúc khóa mùa xuân tôi nhận được giấy báo có kèm theo cả vé máy bay khứ hồi của bà M. cho biết ngày giờ phải lên Washington DC. để tham dự một cuộc hội thảo về giáo dục rồi sau đó sẽ ở lại
Georges Town để học Anh ngữ trong khóa hè. Trong thời gian chuẩn bị thi cuối khóa thì bỗng nhiên một hôm tôi lại nhận được điện thoại của anh chàng Lọ Mọ từ tiểu bang Wisconsin trên miền bắc rủ tôi nghỉ hè này lên trên ấy chơi. Anh chàng này vốn là bạn từ thời
tôi còn nhỏ sống ở quê hương hờ Bình Định, rồi sau này khi bị động viên thì lại là đồng nghiệp thuộc cái lò võ lâm văn hóa Đà lạt, rồi
lại là bạn cùng "xin chấp nhận làm Đại úy già" nên tôi cũng muốn nhân cơ hội có bạn ở một tiểu bang khác rủ thì mình cũng nên đi cho biết đó biết đây. Thấy từ ngày kết thúc khóa mùa xuân đến ngày phải có mặt ở Washington DC., tôi có được mười ngày nghỉ tự do và rảnh rang cho nên tôi đã nhận
lời.
Thế là vừa thi cuối khóa xong là tôi lập tức thu dọn hành trang, đem vé máy bay ra phi trường bù thêm tiền cho hãng để đổi lại chuyến đi có ghé Madison rồi sau đó mới về Washington DC. Và thế là tôi tạm từ giã Nasville để đáp máy bay lên miền bắc ở chơi với bạn một tuần. Đã qua 5 tháng sống ở cái đất nước này rồi, tôi thấy mình cũng không còn bỡ
ngỡ.
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment