Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Friday, February 8, 2013

Một Là Hạnh Phúc, Hai Là Triết Gia

Phiếm luận

Ngày tôi còn trẻ, có một ông bạn thấy tôi chỉ biết đứng cạnh gốc cây si bến đò nhìn mấy nụ hồng xách gói sang sông rồi ngẩn tò te, liền bảo tôi: "Bạn cứ việc yên chí mà cưới vợ đi, vì lỡ nếu bạn không hạnh phúc thì bạn cũng sẽ trở thành một triết gia". Ông bạn còn bảo đây là lời khuyên của một triết gia chính hiệu nên tôi đã tin theo. Sau đó thì tôi bắt đầu thấy là tôi rất muốn tìm cho ra cái ông triết gia đã đưa ra cái ý tưởng này để học hỏi thêm, nhưng tìm mãi mà không gặp, đành chỉ biết ngồi tự mình suy gẫm lẩm cẩm về chuyện mấy ông triết gia và vấn đề hạnh phúc vậy. 
 
Theo Sáng Thế ký trong Sấm Truyền cũ của người Do Thái thì vũ trụ này là do Thượng đế sáng tạo nên và sau khi Thượng đế tạo dựng ra quả đất này với đầy đủ núi sông cây cỏ cầm thú cho tới giun dế, Thượng đế bỗng thấy công trình của mình chưa trọn vẹn nên mới lấy bùn nặn ra một hình tượng giống mình và hà hơi vào để ban cho cái hình tượng ấy sự sống, rồi gọi đó là con người và đặt tên cho là A-dong để thay mình cai quản quả đất này. 
 
Thấy A-dong trơ vơ có một mình thì không biết là mình đang hạnh phúc nên Thượng đế mới làm cho A-dong ngủ say rồi rút bớt của A-dong một mẩu xương sườn và dùng nó để nắn thành một người nữ mà Thượng đế đặt tên cho là E-và. Khi A-dong thức dậy thì cảm thấy mình bỗng như thiếu thốn đi một cái gì đó. Bấy giờ Thượng đế mới hiện ra dẫn theo E-và và bảo với A-dong rằng Thượng đế đã tạm mượn của A-dong một mẩu xương sườn để nặn thành cái hình hài này, bây giờ Thượng đế đem trả lại cho A-dong để cho ông ta được trở lại toàn vẹn như trước hầu thấy được hạnh phúc. Thế là A-dong ôm lấy E-và như là một phần bản thân của chính mình, nhưng vì không được Thượng đế chỉ cách làm cho E-và trở thành mẩu xương sườn trong người như cũ nên chỉ biết để cho E-và đeo theo bên cạnh mình từ đó.
 
Vì muốn cho A-dong và E-và lúc nào cũng hạnh phúc, Thượng đế đã cho hai người được sống tại một nơi đầy đủ mọi thứ cho nhu cầu của con người mà Thượng đế gọi là vườn Ðịa đàng. A-dong và E-và suốt ngày chỉ việc rong chơi và ăn uống tùy thích, duy có một cái cây ngay giữa vườn sum sê đầy trái đẹp đẽ mà Thượng đế gọi là cây "hiểu biết" thì Thượng đế lại cấm A-dong và E-và không được ăn. Chính vì bị cấm ăn trái cây ấy nên mặc dù A-dong và E-và sống trong hạnh phúc nhưng lại chẳng hiểu biết là mình đang hạnh phúc.
 
Bấy giờ Lu-xi-phe là tên cầm đầu đám thiên thần phản bội Thượng đế trước đây nên bị Thượng đế phạt sa xuống Hỏa ngục, nay thấy Thượng đế dựng nên quả đất này cho loài người, lại còn ban hồng ân riêng cho con người được hưởng thì ganh tức bèn một hôm hiện hình thành con rắn quấn trên cây "hiểu biết" chờ E-và đi qua thì đưa lời cám dỗ.
 
Nghe rắn nói ăn quả cấm này thì con người cũng sẽ hiểu biết và trở thành ngang hàng với Thượng đế nên E-và không ngần ngại hái một quả ăn thử, lại còn đưa cho A-dong cắn một miếng. A-dong vừa nuốt chưa trôi khỏi cổ thì sực nhớ lời Thượng đế dặn nên ngưng lại. Phiền một nỗi là miếng trái cấm ấy bây giờ cứ nằm nghẹn trong cổ, khạc chẳng ra cho mà nuốt cũng chẳng vào, tuy nhiên cái chất của trái cây ấy thì cứ từ từ mà ngấm vào bao tử ruột gan để biến A-dong cũng dần dần hiểu biết lờ mờ rằng nếu mình không dại dột nghe lời E-và ăn trái cấm thì đâu có mắc nghẹn như thế này, nhưng chuyện đã lỡ rồi không làm sao cứu vãn được nữa. 
 
Thượng đế thấy A-dong và E-và không tuân lời dạy của mình nên hiện ra và giận dữ phán rằng từ nay A-dong phải lao động "đổ mồ hôi sôi nước mắt" thì mới có cái mà ăn, còn E-và thì phải sinh con đẻ cái để cho giòng giống người được sinh sôi nẩy nở ra cho đầy mặt đất này như ý Thượng đế muốn, nhưng E-và phải chịu cảnh "mang nặng đẻ đau" để trả giá cho cái hạnh phúc mà con người muốn có. Sau đó Thượng đế đuổi cả hai ra khỏi vườn Ðịa đàng. Thế là kể từ khi con người nhờ ăn trái "hiểu biết" nên có được một bộ óc biết suy nghĩ thì cái điều đầu tiên mà con người nhận thức ra được chính là con người cần hạnh phúc.

Sau khi A-dong và E-và dắt díu nhau đi ra khỏi vườn Ðịa đàng để làm lại cuộc đời với hai bàn tay trắng và một bộ óc có sự hiểu biết nhưng hạnh phúc thì đã bị Thượng đế giữ lại, rồi con cái cháu chắt của A-dong và E-và thi đua nối đuôi nhau mà ra đời theo đúng lời nguyền của Thượng đế cho đông "như sao trên trời như cát dưới biển", nhưng quả đất thì lại không nở thêm ra mà chỉ cằn cỗi đi, cho nên cuộc sống càng ngày càng vất vả hơn khiến cho ngôn ngữ của con người cũng càng ngày càng trở nên phong phú để diễn đạt cái nỗi khốn khó đó. Rồi cũng do những suy nghĩ về những cái vụn vặt đó mà triết gia bắt đầu xuất hiện. Nhưng triết gia là người như thế nào? Thật ra tôi cũng không biết triết gia là người như thế nào nhưng theo như sự suy nghĩ nông cạn của tôi thì để cho tiện, chúng ta cứ coi triết gia như là người ao ước sự hạnh phúc và chỉ cho người khác con đường đi tìm hạnh phúc.

Thông thường thì con người tìm kiếm hạnh phúc trong sự làm sao thoả mãn được các nhu cầu của mình. Mà nhu cầu của con người thì chẳng qua cũng chỉ xoay quanh cái khoản ăn để sống và tòm tem để bảo tồn chủng loại. Nhưng nếu chỉ biết có ăn no rồi tòm tem khi cần theo bản năng thì cũng chẳng khác gì loài vật. Do đó mà con người vì biết suy nghĩ nên mới chế ra không biết bao nhiêu cái rắc rối xoay quanh mấy việc rất đơn giản này để cho rằng mình cao cả hơn các loài sinh vật khác. 

Về cái mục ăn thì thay vì kiếm được cái ăn là ăn ngay, ăn thẳng, ăn sạch, ăn không cần suy nghĩ, con người lại bày đặt tìm cách chế biến cái ăn, cũng như ấn định ra những cung cách ăn thế nào để cho mình có được cái cảm giác là ăn ngon hơn và thấy đó là hạnh phúc. Riêng về cái mục tòm tem để bảo tồn chủng loại thì con người vì biết suy nghĩ nên cũng đã tạo ra cho mình không biết bao nhiêu là chuyện gò bó nhiêu khê phiền toái đối với một cái công việc cũng rất bình thường này để tỏ ra loài người có khác hơn loài vật, vì loài người có văn hóa. 

Vào cái thời mà Tây, Tàu, Nhật lố nhố còn đua nhau làm mưa làm gió ở giải đất hình chữ S thì có mấy ông triết gia nghiệp dư của dân ta bỗng nảy ra cái sáng kiến đề ra một cái tiêu chuẩn hạnh phúc hợp lưu hổ lốn như sau: "Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật, đưa đám Việt Nam". Chả là các vị ấy cho rằng ăn cơm Tàu thì vừa béo vừa bổ, ở nhà Tây thì vừa rộng vừa mát, lấy vợ Nhật thì khỏi sợ bị vợ ăn hiếp, và đưa đám Việt Nam thì vừa rình rang vừa được thiên hạ khóc thương nhỏ nước mắt cá sấu ngập lai láng cả biển Ðông. 

Ở đây tôi xin tạm gác bỏ cái hạnh phúc trong các mục ăn, ở và chết vì nó cao siêu quá, và nó lại là những vấn đề lớn của những triết gia tên tuổi có bộ óc vĩ đại và tư tưởng kinh bang tế thế nên tôi không dám đụng đến mà chỉ nói tới cái mục hạnh phúc trong phạm vi làng nhàng thôi, vì cái này ai cũng bàn được và nhất là ai cũng có thể là triết gia loại này được. 

Mặc dù vào thời xa xưa các cụ nhà ta chưa được ánh sáng Phúc Âm rọi đến nhưng cứ theo Sáng Thế ký thì tất cả các dân tộc trên quả đất này cho dù có là da trắng, da vàng, da đỏ, da đen, người nước này hay là người nước khác thì họ cũng có chung một nguồn gốc tổ tiên là ông A-dong và bà E-và. Chính vì thế mà ngay trước khi mấy ông cố đạo đem tin mừng đến rao giảng cho dân da vàng thì các cụ nhà ta cũng đã được Thượng Ðế mặc khải cho biết là chỉ có người nam mới thực là người có nhân vị, còn người nữ chỉ là khúc xương sườn của người nam thôi. Ðiều này đã được các cụ nhà Nho nói ra thành câu: "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô". Trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ của ta cũng có những câu đại loại nói lên cái nhận định đó:

Con gái là con người ta
Con dâu mới thực mẹ cha rước về
Dâu là con, rể là khách, v. v... và v. v...

Riêng về cái mục tìm hạnh phúc trong sự kết hợp cái mẩu xương sườn thất lạc của mình thì vào đời A-dong là do Thượng đế ban cho E-và được nắn ra từ chính mẩu xương sườn của mình cho nên dù có bị E-và dụ cho ăn trái cấm mà bị Chúa phạt, A-dong cũng chỉ đành đấm ngực mà than "lỗi tại tôi mọi đàng", bởi vì dù sao thì E-và vẫn đích thực là phân nửa bản thân mình. Tuy nhiên kể từ đời con cháu A-dong trở đi thì vấn đề không còn đơn giản nữa, vì sau khi hoàn thành hai tác phẩm A-dong và E-và thì Thượng đế không còn hứng thú nắn hình tượng nữa mà ủy thác công việc này cho đám Mụ bà đảm nhận với chỉ thị mỗi khi nắn ra một hình tượng con trai nào đó trong bụng một bà mẹ thì phải rút bớt ra một mẩu xương sườn để sau đó sẽ nắn thành một đứa con gái trong bụng một bà mẹ khác. 
 
Chính vì thế mà con cháu của A-dong về sau một khi qua khỏi giấc ngủ ngu muội của tuổi thơ ngây để thức dậy thành người lớn thì đều thấy mình như có một cái gì trống vắng trong tâm hồn. Ðối với con trai thì đây chính là sự biểu hiện của trạng thái ý thức về sự thiếu mất cái đốt xương sườn nên cần phải đi tìm lại cho mình cái mẩu xương sườn thất lạc ấy để cho mình thấy hạnh phúc. Còn con gái thì một khi môi bắt đầu hồng và má thắm lên là cũng bắt đầu rạo rực mong ngóng sao cho cố chủ sớm biết đường tìm đến rước về để không đến nỗi thấy mình có ngày trở thành một mẩu xương sườn mốc thếch bị bỏ quên trên thế gian này. 
 
Vì đám Mụ bà vốn phải làm cái công việc này từ thời chưa có phương pháp khoa học nên khi nắn xong một hình tượng nam thì chỉ biết rút ra một mẩu xương sườn rồi bỏ bừa ra đó chứ không hề đánh dấu mẩu xương sườn nào là của đứa con trai nào, nên sau này khi thành người, đám con trai không biết đứa con gái nào là từ mẩu xương sườn của mình, cũng như bọn con gái cũng không biết mình là mẩu xương sườn của ai. Chính vì thế mà khi bắt đầu biết đi tìm đến với nhau thì con trai hay con gái cũng chỉ còn có mỗi một cách là lựa xem ả nào vừa mắt hay anh chàng nào vừa ý là cho rằng của mình thế thôi, như trong ca dao:

Trai khôn tìm vợ chợ đông
Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân 

Vào thời xa xưa, khi mà trình độ văn minh còn thấp kém thì ở xứ nào người ta cũng chỉ đi tìm cái mẩu xương sườn thất lạc này tại chỗ mình sinh ra và lớn lên. Bên ta cũng thế. Khi mà dân ta chỉ biết quanh quẩn với cái lũy tre xanh, cây đa đầu làng, thì mấy mẩu xương sườn thất lạc thường cũng được coi như nằm bên nhà hàng xóm hoặc loanh quanh đâu đó đầu làng cuối ngõ, cùng lắm là lạc qua làng bên cạnh, cách một con sông phải qua một chuyến đò ngang là cùng. Dần dần nhờ phương tiện giao thông tiến bộ mà những mẩu xương sườn thất lạc này được coi như có thể vương vãi ra xa hơn, có thể là khác miền, khác xứ, có khi xa cách cả đại dương. Ngoài ra do phong thổ của nơi mảnh xương sườn này lạc vào mà khiến cho màu sắc của mẩu xương sườn cũng có khi biến đổi như trắng thêm ra hoặc đen hơn lên chẳng hạn, đôi khi trông chẳng còn chút gì là đồng nhất với kẻ được coi như là cố chủ của nó nữa.  
 
Thông thường thì những mẩu xương sườn nào trông tươi mát dĩ nhiên là sẽ được lắm kẻ ngắm nghía cho nên mới xảy ra hiện tượng tranh giành nhau giữa đám mày râu. Cái sự tranh giành này có khi chỉ là nhẹ nhàng vì bên thua tự nguyện bỏ đi, nhưng cũng có lúc gay cấn dữ dội nếu không bên nào chịu nhường bên nào, đi đến chỗ bạo động, đấu dao đấu súng hoặc có khi còn xảy ra chiến tranh đổ máu, gây hệ lụy cho dân cả nước. Huyền thoại của ta chẳng đã có câu truyện Sơn Tinh và Thủy Tinh chỉ vì tranh nhau mẩu xương sườn Mị nương bên nhà vua Hùng, nhưng vì Sơn Tinh nhanh chân chiếm được Mị nương đem về núi mà Thủy Tinh tức giận đem lâu la gây chiến với Sơn Tinh rồi hai ông thần cứ thế mà đánh phá nhau chí choé gây lụt lội, sông bồi núi lở, hết năm này qua năm khác, gây đau khổ cho muôn dân.
 
Ðôi khi lại có trường hợp không tìm mà gặp như anh chàng Chử Ðồng tử. Huyền thoại này kể rằng anh chàng Chử Ðồng tử nghèo đến nỗi không có được lấy cái khố thì làm sao dám mơ tưởng đi tìm kiếm mẩu xương sườn thất lạc của mình. Ấy thế mà lại có một mẩu xương sườn của ai không rõ nhưng được nắn làm công chúa con vua Hùng, một hôm tự nhiên nổi hứng ra sông tắm đúng lúc anh chàng Chử Ðồng tử đang xúc tép ở đó. Thấy công chúa, Chử Ðồng tử sợ quá bèn chui dưới cát trốn không ngờ công chúa đạp phải bèn dựng anh chàng dậy. Sau đó công chúa khăng khăng cho rằng mình chính là mẩu xương sườn của anh ta. Còn anh chàng Chử Ðồng tử thì bỗng dưng khỏi phải nhọc công tìm kiếm gì cả mà cũng được. 
 
Tuy vậy cũng có những trường hợp oái oăm như trong huyền thoại Trương Chi Mị nương. Nàng công chúa này từ nơi lầu cao gác tía nghe tiếng hát của anh lái đò Trương Chi ở dưới bến sông vẳng lên sao mà tha thiết quá nên cứ ngỡ như mình là mẩu xương sườn của anh ta bèn nằng nặc đòi vua cha phải cho "châu về Hợp phố". Thế nhưng đến lúc vua cha cho đòi anh chàng Trương Chi bằng xương bằng thịt đến trình diện thì Mị nương lại không thể nào tin được mình lại được nắn ra từ mẩu xương sườn của cái anh chàng xấu xí dị hợm này bèn tuyên bố xù luôn. Báo hại anh chàng Trương Chi đành phải ôm mối hận tình mà chết. 
 
Bình thường thì trong việc đi tìm mẩu xương sườn thất lạc này người ta cũng chỉ tìm lựa các mẩu xương sườn đã đến thời kỳ xuân tươi khoe sắc phơi phới đang nhởn nhơ trên mọi nẻo đường, thế nhưng cũng có người cẩn thận hơn, nhắm nhía nó ngay từ khi chưa thành hình: 

Sao rua chín cái nằm ngang
Thương em từ thủa mẹ mang trong lòng
Sao rua chín cái nằm chồng
Thương em từ thủa mẹ bồng mát tay
Sao rua chín cái nằm ngay
Thương em từ thủa cho vay nụ cười 

Ấy thế đấy mà rồi nhiều khi còn chưa nắm chắc được cái mẩu xương sườn ấy là của mình chỉ vì mẩu xương sườn này lại thấy mình là một phần của một chàng trai nào khác kia: 

Sao rua chín cái nằm kề
Thương em từ thủa mẹ về với cha
Sao rua chín cái nằm xa
Vắng em từ thủa kẻ ra người vào
Bây giờ trời lặng hết sao
Nhớ em anh biết nơi nào tìm em...

Ngoài ra, căn cứ vào luận lý học mà nhận định thì con gái là được mụ bà nắn ra từ một mẩu xương sườn của một người con trai nào đó nghĩa là người con trai phải được nặn ra trước, sau đó mới có chất liệu để mụ bà nặn ra người con gái cho nên trong vấn đề châu về Hợp phố, bao giờ mẩu xương sườn cũng phải non tuổi hơn chủ của nó thì mới hợp lý. Thế nhưng đôi khi cũng xảy ra vài trường hợp lầm lẫn hay sao đó mà có người lại rước về một mẩu xương sườn già hơn mình nên mới bị thiên hạ bình phẩm: 

Chồng già vợ trẻ là tiên
Vợ già chồng trẻ là duyên con bò.

Dĩ nhiên là cái anh chàng này vì lý do nào đó mà phải khư khư ôm lấy mẩu xương sườn già này chỉ còn cách triết lý vụn để chống chế miệng lưỡi thế gian còn cái chuyện hạnh phúc hay không hạnh phúc thì chỉ có anh ta mới biết chứ người ngoài ai mà kiểm chứng được: 

Có phúc lấy được vợ già
Vừa sạch cửa nhà lại ngọt cơm canh
Vô phúc lấy phải trẻ ranh
Nó ăn nó phá tan tành nó đi

Vì con người càng ngày càng tràn lan ra khắp mặt đất thành thử cái mẩu xương sườn thất lạc của mỗi người cũng càng văng xa thêm và lẫn lộn tùm lum khó mà tìm kiếm cho ra cái nào đúng là của mình. Ðiều này đã khiến cho cha mẹ, họ hàng, anh chị em, người quen đều phải ra tay tìm kiếm giúp, rồi lại còn thêm cả hàng tá người chuyên làm nghề đi tìm kiếm này mà người ta gọi là ông mai bà mối cũng xen vào để cho mình được hưởng cái đầu heo. Tuy đội ngũ săn lùng hùng hậu như thế mà rồi cho dù mỗi lần nhắm nhía được một mẩu nào đó cũng có ai dám bảo đảm là mình đã tìm ra đúng mẩu xương sườn thất lạc của chàng trai đó đâu, cho nên thế gian mới có câu:

Cưới vợ thì cưới liền tay
Chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha 

Ngày xưa thì bậc làm cha mẹ vẫn tự cho mình là giàu kinh nghiệm hơn nên thường giành lấy cho mình cái trách nhiệm quyết định sự lựa chọn này và con cái chỉ việc "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy". Ðiều này đã tạo ra không biết bao nhiêu vụ rắc rối giữa cha mẹ và con cái hoặc có khi còn đưa đến những thảm cảnh cho con cái chỉ vì sự lựa chọn của bậc làm cha mẹ và con cái nhiều khi không giống nhau hay nghịch lại nhau. Nhưng dù sao thì nhờ thế mà không biết bao nhiêu thi văn nhạc sĩ có đề tài để cảm hứng mà sáng tác thành những tác phẩm bất hủ làm cho nền văn học nghệ thuật của loài người đâm ra phong phú. 
 
Thời nay nhờ khoa học kỹ thuật tiến bộ tạo điều kiện cho đám con cái còn trẻ trung sung sức mới có khả năng xử dụng các phương tiện hiện đại để chạy đua nhanh hơn và xông xáo lục lọi trước, trong khi cha mẹ còn lớ ngớ lọt tọt đằng sau, do đó nhiều khi con cái đã tự mình chọn xong và sắp xếp đâu vào đó cả rồi mới quay lại rước đôi bên cha mẹ cùng tới nhà hàng ngồi cho con dâu con rể làm lễ tấn phong lên chức cha mẹ chồng hay cha mẹ vợ, có khi còn đặc cách lên luôn cấp ông bà nội, ngoại luôn tại trận. 
 
Có một điều gây thắc mắc không ít là nếu đúng theo nguyên tắc Thượng đế lập ra từ thủa mới tạo ra loài người thì chỉ có một mẩu xương sườn được rút ra để tạo thành một người nữ cho nên khi kết hợp lại là chỉ một nam một nữ thôi. Nguyên tắc này về sau được luật pháp các xã hội văn minh tôn trọng và bảo vệ. Thế nhưng không hiểu sao bên mấy xứ Ðông phương như ta và Tàu trước đây thường có trường hợp một chàng trai lại rước về cho mình tới mấy mẩu xương sườn thất lạc chứ không phải chỉ có một mà thôi. Ðiều này không biết có phải vì đám mụ Bà bên Ðông phương ngày xưa vụng tay hay làm gãy rồi mỗi mảnh vỡ cũng được nắn riêng ra thành hình nên mới sinh ra nhiều đứa con gái từ một mẩu xương sườn gốc khiến cho mấy anh con trai phải đeo dăm ba cái luôn một lúc, có khi lên đến cả tá. Hiện tượng này đã khiến cho mấy mẩu xương sườn nhiều khi phải thi thố diễn xuất những màn gay cấn hay trổ tài rượt bắt rất hấp dẫn để chiếm cho bằng được cái độc quyền đấm bóp cho kẻ được coi là cố chủ của mình. Còn đối với hạng hiền lành nhẫn nhịn lắm thì cũng phải thốt lên: 

Chém cha cái số lấy chồng chung
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng  

Nhưng cũng có khi ngược lại chính chàng trai chủ nhân lại phải trả giá cho cái sự đèo bòng đó đến nỗi phải chịu cái cảnh cám treo heo nhịn đói như: 

Một vợ thì nằm giường lèo
Hai vợ thì nằm chèo queo
Ba vợ thì ra chuồng heo mà nằm 

Còn nhìn chung thì ở xứ nào cũng có trường hợp một số mẩu xương sườn quái đản tự coi như mình không hề có cố chủ nào cả nên ai muốn thử làm chủ tạm chốc lát đều được cả với điều kiện tiền trao cháo múc sòng phẳng. Ngoài ra tưởng cũng nên kể thêm là trước khi có mấy vị triết gia duy vật vô sản chuyên chính đứng ra hô hào giải phóng cho mấy mẩu xương sườn vùng lên phá bỏ gông cùm của chế độ tư hữu phong kiến và tư bản bóc lột để được tự do thao túng hạnh phúc thì thực tế xã hội ta cũng đã từng có những mẩu xương sườn thuộc loại lai giống ngựa trời đã từng chủ trương chính chuyên theo kiểu tự do dân chủ nguyên thủy rồi: 

Chính chuyên lấy được chín chồng
Ðem bỏ vào lồng quang gánh đi chơi
Dọc đường quang đứt gánh rơi
Bò ra lổm ngổm chín nơi chín chồng. 

Thông thường thì khi một anh chàng trai rước được cái mẩu xương sườn thất lạc của mình về thì đều nghĩ rằng mình là chủ tất nhiên sẽ "phu xướng phụ tùy", nhưng thực tế cho thấy là ngay từ hồi mới tạo thiên lập địa thì ông tổ A-dong cũng đã bị chính mảnh xương sườn E-và của mình xúi dại rồi, con cháu làm sao tránh khỏi vết xe đổ ấy. 
 
Chính vì sự lựa chọn cho mình mẩu xương sườn thất lạc càng ngày càng khó khăn phức tạp khiến cho sự nhầm lẫn càng nhiều cho nên mới có hiện tượng dị ứng xảy ra. Hiện tượng này sẽ tùy theo tỉ lệ dị biệt về bản chất của mẩu xương sườn đối với thân chủ mang nó và hoàn cảnh xung quanh tác động theo chiều hướng tiêu cực hay tích cực mà xảy ra nhanh hay chậm với cường độ mạnh hay yếu khác nhau. Trường hợp thân chủ coi như sẵn sàng cúi đầu lãnh nhận tất cả thì cứ an vui với những thứ trời cho như: 

Lỗ mũi em mười tám gánh lông
Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho
Ðêm nằm thì ngáy o o
Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà
Ði chợ thì hay ăn quà
Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm
Trên đầu những rác cùng rơm
Chồng yêu chồng bảo hoa thơm rắc đầu... 

Thế nhưng gặp những thân chủ mà đức kiên nhẫn đã mòn tới độ tuột thắng hay những mẩu xương sườn có máu chằng tinh trong người thì hàng xóm tha hồ mà nghe:

Chồng gì anh, vợ gì tôi
Chẳng qua là cái nợ đời chi đây. 

Và để cắt nghĩa cho cái nợ tréo cẳng ngỗng này người ta bèn đổ thừa là tại ông Tơ bà Nguyệt xe duyên lầm. Không biết ông Tơ bà Nguyệt ở đâu mà người ta cứ trút hết tội cho như thế, quả thật là rất tội nghiệp! 
 
Ðể ngăn ngừa cái bệnh dị ứng này mà mấy nhà đạo đức, các nhà giáo dục, các vị lãnh đạo tôn giáo cũng như các nhà luật pháp đã chế ra không biết bao nhiêu là tín điều, giới răn, quy ước, tập tục, luật pháp, nghi lễ phiền toái để trói buộc hạnh phúc ở lại với những kẻ đã rước mẩu xương sườn thất lạc về với mình nhưng số người mắc bệnh dị ứng này không hề giảm tí nào mà còn càng ngày càng có vẻ gia tăng thêm là đàng khác. Tuy nhiên ngày xưa người ta còn biết sợ trời nên còn nhiều người chỉ biết cắn răng chịu đựng còn ngày nay con người tin khoa học hơn nên có khuynh hướng rứt bỏ hoặc thay thế bằng một cái khác cho khỏi phải dây dưa ôm lấy mãi mẩu xương sườn không thích hợp ấy để mà nhức nhối kinh niên. 
 
Cũng vì thấy cái việc đi tìm hạnh phúc trong việc gắn lại mẩu xương sườn này thường dễ gây chứng dị ứng cho nên nhiều kẻ khôn ngoan mới khuyên bảo: "Tu là cõi phúc, tình là giây oan". Ðiều này đã được đức Phật chỉ cho nhân loại từ mấy ngàn năm nay rồi, và mặc dù ai cũng nghĩ lời dạy này là chí lý, nhưng cõi phúc thì ở tận mãi đâu đâu không nhìn thấy hay vói tới nên ít ai chịu theo còn cái giây oan thì cứ nhan nhản đầy đường đầy xá, bạ đâu cũng có thể bị quàng phải cho nên ai nấy đều bị vướng hoài hoài. Ngay cả nhiều chàng trai đã lánh xa phàm tục để trở thành sư thành cố mà nhiều khi cũng chưa chắc đã tránh thoát: 

Ba cô đội gạo lên chùa
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư
Sư về sư ốm tương tư
Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu
Ai làm cho dạ sự sầu
Cho ruột sư héo như bầu đứt dây. 

Có lẽ vì hạnh phúc là một cái gì luôn trốn chạy cho nên khi người ta tưởng chừng như nắm bắt được hạnh phúc thì lại không còn thấy nó đâu nữa cả cho nên bất cứ câu chuyện tình éo le lâm li bi đát nhưng có hậu nào cũng thấy cuối cùng thì chàng và nàng biến thành tiên như trong huyền thoại, còn nếu như ở lại cõi trần thì cũng phải kết thúc bằng câu "và từ đó họ sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi". Sở dĩ tác giả phải chấm dứt câu chuyện như thế vì nếu tác giả có viết tiếp thêm phần hạnh phúc sau đó thì chỉ làm cho độc giả nhiều khi lẫn lộn không biết là mình đang đọc tiếp câu truyện tình nói trên hay là đang đọc một bài nghiên cứu về sự phong phú của ngôn ngữ, hay là một bài tản mạn gì đó về những tư tưởng triết học cổ kim. 
 
Mặc dù con người đã cố công suy nghĩ để tìm hạnh phúc nhưng hạnh phúc thì lại cứ luồn theo những kẽ hở của sự suy nghĩ của con người để mà mãi mãi cao chạy xa bay. Chính vì thế mà hạnh phúc cứ như là củ cà rốt treo trước mắt con lừa để cho con lừa cứ cong đuôi chạy đuổi suốt đời và không biết bao thế hệ triết gia cứ tiếp nối nhau ra đời. 
 
Thủa còn cắp sách đến trường, mỗi khi nghe nhắc đến Khổng tử là tôi nghĩ ngay đến hình ảnh một vị "Vạn thế sư biểu". Dần dà nhờ tìm hiểu ngài rõ hơn, tôi thấy lúc đầu ngài cũng có vợ, nhưng có lẽ ngài không chịu "dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về" mà lại đợi tới "tam thập nhi lập" mới bắt đầu dạy vợ thì vợ không thèm nghe nữa cho nên phải tuyên bố một câu rất ư là chí lý: "phụ nhân nan hóa" rồi bỏ nhà ra đi. Không may cho ngài gặp lúc vua nước ngài cũng không biết trọng đãi người hiền nên ngài cứ phải chu du khắp trong thiên hạ để mà rao giảng cái đạo "tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ" mà ngài đã khám phá ra, nhưng chỉ để cho người đời sau biết mà răn mình  
 
Nhìn qua xứ Hy Lạp thời xưa cũng thế. Trong khi bao nhiêu nhà thông thái của xã hội Hy Lạp chỉ thích ngụy biện về chân lý ở trên trời thì Socrate tối ngày suy nghĩ để tìm cho ra cái chân lý tầm thường trên quả đất này. Vợ Socrate cũng thuộc hạng nỏ mồm không kém gì mấy mụ o xứ Giao Chỉ, thấy Socrate tìm mãi không ra được đồng xu cắc bạc nào thì không chịu nổi bèn một hôm bưng nguyên cả chậu nước dơ đổ vào người ông ta. Tuy nhiên, nhờ có vợ vốn làm nghề đỡ đẻ mà Socrate tìm ra được một phương pháp lý luận mới mà ông đặt tên cho là "phương pháp hộ sản" để khai sinh cho chân lý vốn nằm sẵn trong mỗi người như  là một phương pháp chống lại đám ngụy biện. Rồi cũng bằng vào phương pháp này mà ông khám phá ra được một điều rất lãng xẹt nhưng lại làm cho ông trở thành một triết gia lỗi lạc, đó là: "Tôi chỉ biết một điều là tôi chẳng biết gì cả." 
 
Gần đây thôi, nhà bác học Einstein cũng chỉ vì lúc nuôi cái thân mình còn chưa xong đã vội ham vui đi rước mẩu xương sườn thất lạc về sống chung nên một hôm được bà ta cho ăn sáng chỉ có mỗi một quả trứng. Einstein đang đói nên than ít thì bà ta cằn nhằn cho rằng đó là quá nhiều so với cái khả năng kiếm tiền của ông ta. Thế là một ý nghĩ nảy nở trong đầu óc của Einstein: chỉ có một quả trứng nhưng ông thì thấy nó quá nhỏ vì đang cần ăn nhiều còn cái mẩu xương sườn của ông ta thì lại thấy nó quá lớn khi nghĩ đến cái ngân qũy eo hẹp của gia đình. Và thế là Einstein đã tình cờ khám phá ra cái điều mà ông khai triển ra thành Thuyết Tương đối khiến cho khoa học nhảy vọt một bước lên tận các vì sao và ông ta trở thành một nhà bác học lỗi lạc nhất thế kỷ.
 
Kể ra thì chuyện triết lý này biết nói đến bao giờ cho cùng. Vậy thì nếu bạn chưa đi tìm hạnh phúc thì cũng nên thử đi tìm xem sao, còn nếu bạn đã đi tìm hạnh phúc mà không gặp, lại không thành tiên thành thánh thì cũng đừng lấy đó làm buồn vì còn có được cái hy vọng trở thành một triết gia nổi tiếng hay một nhà bác học tài danh, mặc dù cái hy vọng này còn mong manh bấp bênh hơn cả cái hy vọng trúng số độc đắc.

ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment