1.- TIẾNG HÁT TỪ NGÀN XƯA
Ðối với một dân tộc vốn giàu tình cảm như dân tộc Việt nam lại mang trong lòng cái triết lý sống có tính cách hiện sinh và hiện tượng thì những tình cảm lãng mạn tất nhiên rất phát
triển. Do câu tiền đề này mà khi nói đến người đàn bà Việt Nam, dù cho người ta có thường hay đề cao những đức tính tốt đẹp của một người phụ nữ Ðông phương như đảm đang, chung thủy, biết chiều chồng và rất thương con, thường hy sinh bản thân mình cho gia đình và hạnh phúc của chồng con, thì những đức tính này cũng là do xã hội tập thành, cho nên nếu nhìn chung về toàn diện con người thì do bản chất nặng tình cảm hơn lý trí, người đàn bà Việt Nam không phải chỉ biết sống với bổn phận mà còn sống với những đam mê ham muốn của mình
nữa.
Chính vì cái khuynh hướng lãng mạn này mà chúng ta cũng có thể nói là dân tộc Việt nam vốn có một thái độ rất bình đẳng trong hôn nhân cũng như đã tỏ ra có một truyền thống tôn trọng quyền tự do luyến ái nhưng do ảnh hưởng của nền văn hóa phong kiến Trung quốc đã đưa đến sự áp đặt những giá trị của nền luân lý Nho gia lên xã hội khiến cho người đàn bà Việt Nam qua bao đời nay đã sống với rất nhiều nghịch lý trong lòng? Ðiều này được phản ảnh rất rõ trong nền văn học dân
gian. Ca dao Việt nam không thiếu gì những câu hát trữ tình và huyền thoại Việt nam cũng còn truyền lại rất nhiều câu truyện tình rất mộng mơ.
Ngay từ thời vua Hùng xưa xa cũng đã có nàng công chúa Mỵ nương mê tiếng hát của anh lái đò Trương Chi đến nỗi phải ốm tương tư, khiến vua cha phải cho đòi Trương Chi vào cung cho công chúa gặp mặt. Khổ một nỗi là trời cho anh Trương Chi một giọng hát thật quyến rũ nhưng bắt Trương Chi phải mang một khuôn mắt quá xấu xí. Do đó mà khi đã chứng kiến tận mắt Trương Chi bằng xương bằng thịt thì công chúa cũng bừng tỉnh với thực tế phũ phàng mà đành quên đi giấc mộng của mình.
Riêng chàng Trương Chi sau khi được diện kiến dung nhan công chúa thì lại đâm ra si mê công chúa, nhưng vì biết thân phận mình xấu xí không còn mong gì được công chúa yêu thương nên đành ôm mối tình câm mà ốm tương tư rồi
chết. Hình hài tan đi nhưng quả tim vẫn còn nguyên vì mối tình u uẩn vẫn chưa được hóa giải nên biến thành một khối
ngọc. Công chúa nghe được tin này bèn cho người mang quả tim ngọc về và sai đẽo thành cái chén uống nước cho mình. Khi công chúa rót nước vào chén ngọc thì thấy trong lòng chén bỗng hiện lên bóng dáng con đò có anh Trương Chi và nghe văng vẳng có tiếng hát của người xưa. Công chúa xúc động nhỏ nước mắt vào chén ngọc thì tất cả đều tan biến. Thật là một câu chuyện cảm động và cũng rất là lãng mạn còn hơn cả những câu chuyện tình lãng mạn của thời đại ngày nay.
Cái tinh thần tự do luyến ái này còn được biểu lộ qua huyền thoại Chử Ðồng
Tử. Câu truyện này cũng có chung bối cảnh là thời đại Hùng Vương. Khác với Trương Chi, Chử Ðồng tử là một thanh niên có lẽ cũng khoẻ mạnh và đẹp trai nhưng phải cái tội là gia đình quá nghèo đến nỗi cả hai cha con mà chỉ có mỗi một cái khố để dùng chung với nhau. Khi cha chết Chữ Ðồng tử đã dùng chiếc khố để liệm chôn cha nên từ đó đành ở truồng. Một hôm Chử Ðồng tử đang xúc tép ở bờ sông thì có công chúa đi dạo qua. Chử Ðồng tử sợ công chúa bắt gặp mình trần truồng bèn vùi mình trong cát để
trốn, không ngờ công chúa thấy sông nước mát bèn sai đám thị nữ vây mành nơi bãi cát rồi xách nước sông lên cho mình
tắm. Trớ trêu cho anh chàng thanh niên nghèo khổ này là nơi được đám tì nữ vây mành lại đúng vào chỗ Chữ Ðồng tử đang vùi mình trốn nên lúc công chúa dội nước để tắm làm cho cát trôi đi thì cũng làm cho Chữ Ðồng tử bị lộ nguyên hình dưới chân công chúa. Sự kiện ngẫu nhiên này đã làm cho công chúa xúc động mà cho là duyên số trời định nên đã nhất quyết kết hôn với Chử Ðồng
tử.
Câu truyện thật giản dị nhưng tự nó đã nói lên cái nhân sinh quan của người Việt Nam. Hạnh phúc thật là cái làm cho con người xúc động do những cơ duyên đưa đến ngẫu nhiên ở trong đời chứ không phải do sự tìm kiếm những tương quan có tính cách ước lệ do xã hội đặt
ra. Và thái độ nhất quyết lấy Chử Ðồng tử của công chúa đã nói lên cái quan niệm bình đẳng và tự do luyến ái của người phụ nữ đã có từ xưa. Riêng trong ca dao thì những câu hát bộc lộ tính cách phóng khoáng trong tình yêu nơi người phụ nữ cũng không
thiếu:
Anh đà có vợ hay chưa?
Mà anh ăn nói gió đưa ngọt ngào
Mẹ già anh ở nơi nao
Ðể em tìm vào hầu hạ thay anh
Ðôi khi cái tư tưởng này còn biểu lộ một thái độ rất hiện
sinh:
Lẳng lơ cũng chẳng có mòn
Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ
Hoặc là:
Chính chuyên chết cũng ra ma
Lẳng lơ chết cũng khiêng ra ngoài đồng
Ðành rằng sống trong một xã hội phong kiến trước đây, người đàn bà
Việt nam lúc nào cũng bị ràng buộc vào những điều lễ nghĩa của nền đạo đức Nho giáo để chỉ biết sống theo bổn phận và không còn nghĩ đến mình, nhưng nếu như chúng ta tạm gác ra ngoài những cái lễ nghĩa của bốn ngàn năm phong kiến Trung Hoa để trở về với bản chất tình cảm của dân tộc thì người đàn bà Việt Nam vốn rất lãng mạn cho nên đôi khi cũng tỏ ra rất phóng túng:
Mình nói dối ta mình hãy còn son
Ta đi qua ngõ thấy con mình bò
Con mình những trấu cùng tro
Ta đi xách nước rửa cho con mình.
Nhiều khi cái tình cảm lãng mạn này còn khiến cho người ta tỏ ra táo bạo hơn nữa như là:
Thấy anh em cũng muốn chào
Sợ rằng chị cả giắt dao trong mình
Dao trong mình, gươm anh cặp nách
Thuận nhơn tình khoét vách sang chơi
Ðây là những hình thức lãng mạn theo kiểu tự do luyến ái phóng túng quá đáng có thể gây phương hại đến an ninh và trật tự xã hội cho nên không cứ gì xã hội phong kiến ngày xưa mà ngay cả xã hội của thời đại nào cũng không thể chấp nhận được.
Cái truyền thống lãng mạn này không những chỉ được phản ảnh trong văn học dân gian mà còn thể hiện ra cả trong văn chương bác
học. Truyện Kiều là một thí dụ điển hình. Mặc dù truyện Kiều bắt nguồn từ một tiểu thuyết của Trung Hoa nhưng khi Nguyễn Du dựa vào cốt truyện này để viết ra thiên truyện Kiều thì được người Việt Nam đủ mọi tầng lớp đã tỏ ra say mê yêu thích không phải chỉ vì giá trị tuyệt tác của lời thơ mà còn do nội dung câu truyện mang một tính chất lãng mạn rất gần gũi với tâm hồn Việt Nam. Chính vì tính cách phổ biến đó mà từ đọc truyện Kiều người ta đã nảy sinh ra thêm cái khoa bói Kiều
nữa.
Nếu Thúy Vân tượng trưng cho mẫu người con gái đoan trang thùy
mị, sống với khuôn khổ lễ giáo gia đình và an phận trong vai trò của mình theo đạo đức Nho giáo nên không có gì đáng nói thì ngược
lại, Thúy Kiều đã sống với bản chất thật, với những nỗi đam mê và lãng mạn của mình cho nên mới có những tình tiết sống động gây cho người đọc nhiều cảm xúc. Chính vì cái tính chất lãng mạn của nhân vật Kiều có thể tạo ra những ảnh hưởng không tốt cho một xã hội vốn trọng đạo đức Nho giáo mà các cụ nhà Nho trước đây vẫn thường răn con cháu:
Làm trai chớ kể Phan Trần
Làm gái chớ kể Thúy Vân Thúy Kiều
Riêng Hồ Xuân Hương thì quả là một người đàn bà Việt Nam đã dám
sống, dám nghĩ và dám bộc lộ cái tình cảm tự do lãng mạn của mình qua những bài thơ độc đáo, cho nên dù đôi khi các cụ nhà Nho có lên án Hồ Xuân Hương về mặt đạo đức nhưng về mặt tình cảm các cụ vẫn không thể không thích Hồ Xuân Hương cũng như thơ Hồ Xuân Hương không thể nào bị lãng quên hay bị loại bỏ ra khỏi nền văn học nước
ta.
2.-NHƯ HẠT MƯA SA
Sống trong xã hội phong kiến nông nghiệp trước đây, do ảnh hưởng đạo hiếu và những sự răn dạy về tam tòng tứ đức của nền luân lý Nho gia đã ăn sâu vào các tập tục xã hội nên người con gái Việt nam lúc nào cũng phải gò bó mình vào những khuôn khổ lễ giáo của gia đình và phải tùng phục cha mẹ một cách tuyệt đối. Vì thế mà tục ngữ có câu:
"cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy". Tuy nhiên, tự trong
thâm tâm thì cho dù là người con gái sống ở thời đại nào đi
nữa cũng có một tâm trạng như nhau:
Lấy chồng cho đáng tấm chồng
Bõ công trang điểm má hồng răng đen
Nhưng mơ ước là một chuyện, còn trong một xã hội lấy gia đình làm nền tảng và hôn nhân là do cha mẹ định đoạt dựa vào những yếu tố như môn đăng hộ đối hay quyền lợi gia đình, lại phải qua trung gian của những kẻ mai mối thì người con gái cũng chỉ biết than:
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai
Hoặc:
Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các, hạt ra cánh đồng
Vẫn biết tập tục xã hội luôn đè nặng lên hành động của con người nhất là người con gái, nhưng nếu một khi người con gái đã nghe theo tiếng gọi của lòng mình thì nếu là người có ý chí
mạnh, họ sẽ không ngần ngại phản kháng lại mọi sự trói buộc của xã
hội:
Xưa kia ai ép duyên bà
Bây giờ bà già bà ép duyên tôi
Tuy nhiên, đối với những người con gái không đủ nghị lực để giải quyết sự xung đột nội tâm của mình thì vấn đề nhiều khi đưa lại những hậu quả bi
thảm. Ðã có không biết bao nhiêu truyện ngắn truyện dài xoay quanh đề tài này và thông thường cách giải quyết của người con gái là nếu không đi tu thì cũng tự đi tìm cái chết để giải thoát.
Trong tập tục cưới hỏi của người dân Việt Nam là phải có mâm trầu
cau. Cái tập tục này cũng được giải thích bằng một huyền
thoại. Tục truyền là vào thời đại Hùng Vương có hai anh em nhà nọ rất thương yêu
nhau. Lúc lớn lên thì cả hai lại cùng yêu một người con gái nhưng chỉ có người anh mới được kết duyên với nàng. Do đó người em sinh ra buồn rầu bỏ nhà ra đi lang thang cho đến một hôm khi đến bên một bờ suối nọ thì kiệt sức mà chết và hình hài hóa thành một tảng đá. Người anh ở nhà thấy em bỏ nhà ra đi biệt tăm bèn đi tìm. Sau nhiều ngày lang thang tìm kiếm không hiệu quả thì một hôm lúc đến đúng bên bờ suối có tảng đá nọ thì cũng kiệt sức mà chết và hóa thành một cây cao thẳng vút mọc đứng cạnh tảng đá. Thấy chồng đi lâu không
về, người vợ ở nhà thương nhớ chồng nên cũng cất bước đi tìm
chồng. Rồi qua nhiều ngày lang thang tìm kiếm không thấy chồng đâu cho đến khi đến bên bờ suối có một cái cây cao mọc thẳng vút bên một tảng đá thì cũng kiệt sức mà chết để rồi hóa thành một loại dây leo quấn lấy thân cây cao
kia.
Vua Hùng nhân một hôm đi tuần thú qua vùng này thấy có loài cây và dây leo lạ bèn hỏi thăm thì được người dân ở đây kể cho nghe sự tích trên. Nghe qua nhà vua xúc động bèn sai hái trái cây nọ và lá loài dây leo kia rồi bỏ vào miệng nhai thử thì thấy có một vị vừa như cay đắng lẫn ngọt ngào quyện vào nhau tạo thành một mùi thơm rất
lạ. Lúc nhà vua nhổ miếng bã nhai trong miệng ra trên tảng đá thì tất cả bỗng biến thành một màu đỏ tựa như máu. Nhà vua cho rằng đây là một sự kết hợp rất có ý nghĩa bèn truyền cho dân chúng hãy lấy lá loài dây leo này với trái của cây cao nọ mà nhai chung cho thơm miệng và dùng nó trong việc cưới xin để tượng trưng cho ý nghĩa là từ nay đôi lứa đó sẽ gắn bó với
nhau.
Ðây cũng lại là một câu truyện tình lãng mạn mà những sự xung đột nội tâm đã không được giải quyết theo lý trí mà chỉ được giải quyết hoàn toàn theo tình cảm nên mới sinh ra bế tắc khiến cho các nhân vật trong truyện chỉ còn một cái chết để giải thoát khỏi hiện tượng. Có lẽ do ảnh hưởng của cách xử trí này mà nhiều đôi trai gái yêu nhau nhưng không lấy được nhau cũng đã rủ nhau đi tìm cái chết là một hiện tượng thường thấy xảy ra trong xã hội Việt Nam trước đây.
Ngoài ra do ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa mà người dân Việt cũng thường tin tưởng việc hôn nhân là do ông Tơ bà Nguyệt se duyên cho nên một khi đã có cưới hỏi rồi thì không thể phụ rẫy nhau mà còn bị ràng buộc vào với bổn
phận:
Gái có chồng như gông đeo cổ
Trai có vợ như nhợ buộc chân
Tuy nhiên trong dân gian, ảnh hưởng của lễ giáo phong kiến không đến nỗi khe khắt như trong các gia đình nho phong qúy tộc thì đôi khi cái nhân sinh quan có tính cách hiện sinh truyền thống của dân tộc vẫn chi phối để chỉ coi
hôn nhân như là hiện tượng:
Trăm năm, trăm tuổi, trăm chồng
Phải duyên thì lấy, tơ hồng nào xe
Gặp những trường hợp mà vợ chồng không thể hài hòa trong cuộc sống nhưng vì không có cách gì giải thoát cho mình khỏi sự ràng buộc của những tập tục xã hội thì họ cũng không ngần ngại buột miệng than:
Chồng gì anh vợ gì tôi
Chẳng qua là cái nợ đời chi đây
Thời nhà Trần, vua Chế Mân của Chiêm thành vì muốn cưới công chúa Huyền Trân của nhà Trần nên đã dâng hai châu Ô và Rí làm sính
lễ. Mặc dù người dân Việt vẫn coi dân tộc Chiêm là một dân tộc kém văn minh hơn mình, tuy nhiên vua nhà Trần qua bao lần muốn mở mang bờ cõi về phương Nam, hao binh tổn tướng đã
nhiều, nay tự nhiên được vua Chiêm dâng đất để cầu hôn nên liền ưng
thuận. Thế là Huyền Trân đành từ giã quê hương xứ sở để về Chiêm và có lẽ mang theo trong lòng một mối tình vì Huyền Trân công chúa trước khi được vua cha gả cho vua Chiêm thì đã có tình ý với tướng Trần Khắc Chung.
Sau khi Huyền Trân về làm hoàng hậu của vua Chiêm được ít lâu thì vua Chiêm qua đời. Vua nhà Trần thương con không muốn con phải chịu cảnh hoả táng chung cùng vua Chiêm theo tục lệ của nước này nên đã sai Trần Khắc Chung sang phúng điếu nhưng chủ đích là tìm cách cứu công chúa Huyền Trân
về. Tương truyền sau đó hai người đã đem nhau đi sống biệt tích ở một nơi nào đó không còn ai
biết, nhưng dù sao thì đó cũng là một câu chuyện hy sinh chữ tình vì quyền lợi Tổ quốc hay nói đúng hơn vì quyền lợi một triều đại của một nàng công chúa Việt Nam, được thi vị hóa bằng một đoạn kết rất lãng mạn của người đời
sau.
3.-THƯƠNG HOÀI NGÀN NĂM
Tóc mai sợi vắn, sợi dài
Lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm
Hai câu ca dao này tuy đơn sơ nhẹ nhàng nhưng cũng thật là thắm
thiết. Ðời người chưa dễ tới trăm năm nhưng trong hôn nhân con người vẫn thường chúc nhau trăm năm hạnh phúc. Tuy nhiên nếu hôn nhân là con đường mở ra cho con người đi tìm hạnh phúc thì hạnh phúc đó
thường chỉ còn là bổn phận. Trong bố cục những câu truyện tình, một khi người ta đi đến
kết luận "từ đó họ sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi"
thì cũng là lúc không còn gì để nói. Tất cả chỉ còn là
những cái tầm thường, vụn vặt nếu không nói là nhạt nhẽo của bổn
phận.
Chỉ có cuộc tình không đoạn kết mới mở ra cho con người một viễn ảnh bao la và vì thế cái tình thương không bị ràng buộc vào bổn phận sẽ kéo dài mãi mãi cho nên mới có thể thương hoài ngàn năm dù cuộc đời không biết được mấy mươi năm. Cái ngàn năm này không giới hạn cho một người nào nữa mà là cho con người với những nỗi nhớ thương thật chân thành và bao la trong bao lâu quả đất này còn có con người.
Vì tình yêu là những xúc động tự nhiên và xảy đến thường ngẫu nhiên cho con người ở bất cứ thời điểm nào nên chúng ta cũng không lạ gì khi thấy có những trường
hợp:
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay!...
Cái tình yêu lãng mạn này đã đánh động đến cái khuynh hướng lãng mạn tiềm ẩn trong huyết quản của người con gái đã có
chồng, cho nên vì lễ giáo và bổn phận ràng buộc mà người đàn bà phải chung thủy với
chồng, tận tụy vì con, nhưng không vì thế mà không có đôi lúc cũng thả hồn theo nỗi bâng khuâng tiếc nuối để nhẹ nhàng buông ra lời trách móc người đang gây cho mình nỗi xúc động và đồng thời cũng là bày tỏ chút xót thương cho thân phận mình:
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng, như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thủa nào ra ...
Cá đã cắn câu và chim đã vào lồng chính là hình ảnh những quy ước và tập tục xã hội đã trói buộc người con gái vào với bổn phận khiến cho không còn cái quyền tự do yêu đương theo tiếng gọi của lòng mình
nữa. Chính vì thế mà nếu như khi người con trai có tha thiết đeo đuổi nhưng người con gái còn biết nghĩ đến bổn phận thì cũng vì để bảo toàn sự yên ấm gia đình mà đành phải thốt ra lời từ
tạ:
Có lòng xin tạ ơn lòng
Xin đừng đi lại mà chồng em ghen
Thời tiền chiến, một nhà thơ nữ chỉ nhờ cho phổ biến mấy bài thơ nói về mối tình dang dở của mình mà trở thành bất
tử, đó là nhà thơ T.T.Kh. Ðây là những vần thơ rất chân thành nói lên nỗi lòng của một người con gái do áp lực gia đình mà đành phải lấy một người chồng mình không yêu nên vẫn không thể nào quên được người yêu cũ. Bao nhiêu năm qua mấy vần thơ ấy vẫn sống trong lòng bao nhiêu người yêu thơ của nhiều thế hệ nhờ vào yếu tố nào nếu không phải tự đáy lòng mỗi người đọc thơ
T.T.Kh. cũng mang ít nhiều tâm tư lãng mạn?
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân nhạt nhẽo của chồng tôi
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn dấu trong tim bóng một người
Lễ nghĩa và đạo đức xã hội đã áp lực người đàn bà sống với bổn
phận, nhưng tâm hồn người đàn bà vẫn sống với con tim của mình. Do đó chúng ta cũng không nên lấy làm lạ khi cho rằng người đàn bà Việt Nam rất đa tình, đa cảm và cũng rất lãng
mạn. Trong cuộc sống với bổn phận nhiều khi đầy đau thương và nước
mắt, người đàn bà có tâm hồn sẽ còn gì nếu không phải là một chút tình ấp ủ trong tim để làm niềm an ủi cho cuộc đời.
Có lẽ do tâm hồn nặng tình cảm khiến cho người Việt Nam cũng thường yêu thích những cái gì dang
dở, vì chỉ có những cái còn dang dở mới có thể gợi lên cho mình những ước mơ đẹp không bao giờ tàn. Kể ra như thế cũng có phần lãng mạn quá đáng nhưng có lẽ cũng vì cái truyền thống lãng mạn đó mà một thi sĩ khác cũng đã phải thốt lên những vần thơ như
sau:
Tình chỉ đẹp khi còn dang dở
Ðời hết vui khi đã vẹn câu thề
Trong cuộc sống thực tế, một khi nói đến tình thì tình không còn đứng riêng lẻ một mình mà đi kèm với nghĩa. Vậy thì chút lãng mạn buổi thanh xuân với những mảnh tình dang dở chỉ là một chút hương thơm cho cuộc đời. Tuy nhiên, trong những khi mà kiếp người lỡ gặp quá nhiều nỗi khó khăn đau khổ làm cho con người chán nản không thiết
sống, nhưng nếu con người đó cũng còn có được một chút gì để nhớ và một chút gì để thương mà không làm phương hại đến đạo lý và trật tự xã hội thì cũng chẳng có gì gọi là đáng trách, vì dù
sao, đó cũng chỉ là cái điều giúp cho con người thấy cuộc đời vẫn còn có một chút ý nghĩa.
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment