1.- VỀ TẮM AO TA
Tâm lý thông thường
của con người là luôn luôn muốn chiếm hữu, và chỉ khi
nào con người có được sự sở hữu thì con người mới
thực sự thấy mình hiện hữu qua sự tự do thể hiện ý
muốn của mình trên vật sở hữu đó.
Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn
Nghe hai câu ca dao
trên không ai trong chúng ta là không nhận ra cái hàm ý tự
hào rằng mình cũng có một vật sở hữu riêng, đồng thời
cũng biểu lộ mối cảm tình gắn bó với vật sở hữu riêng
đó, cho dù vật sở hữu của mình nếu đem ra so sánh có thể
không được bằng vật do người khác sở hữu.
Nếu hiểu rộng ra trong một phạm vi bao quát hơn thì cái ao nhà ở đây cũng có thể dùng để chỉ toàn thể nền văn hóa và lịch sử của một dân tộc. Trong tâm tưởng của mỗi người dân Việt không ít thì nhiều cũng có mang chút tự hào về dân tộc mình. Tuy nhiên khi nhìn lại thực trạng cái ao nhà, có lẽ chúng ta cũng không thể nào không suy tư thắc mắc.
Nếu hiểu rộng ra trong một phạm vi bao quát hơn thì cái ao nhà ở đây cũng có thể dùng để chỉ toàn thể nền văn hóa và lịch sử của một dân tộc. Trong tâm tưởng của mỗi người dân Việt không ít thì nhiều cũng có mang chút tự hào về dân tộc mình. Tuy nhiên khi nhìn lại thực trạng cái ao nhà, có lẽ chúng ta cũng không thể nào không suy tư thắc mắc.
Lẽ ra với niềm
tự hào này, dân tộc Việt nam nếu không tạo cho mình thành
một quốc gia hùng cường, có một nền văn hóa cao, thì ít
ra trong kỷ nguyên tiến bộ này dân tộc Việt nam cũng phải
có một cuộc sống thanh bình thịnh vượng. Nhưng khi nhìn
vào thực tế thì lịch sử Việt nam lại là lịch sử của
một dân tộc trải qua không biết bao thời kỳ bị đô hộ,
xã hội thì thường nhiễu nhương, ly loạn và thống khổ.
So với các nước trong khu vực cùng một điều kiện thì hầu
hết các nước này đều có một đời sống chính trị tiến
bộ và một đời sống kinh tế khả quan, riêng Việt nam vốn
tự hào có một nền văn minh lâu đời và một quá trình lịch
sử chống xâm lăng hiển hách thì trái lại, dân trí vẫn
thấp kém, đất nước vẫn nghèo nàn, và xã hội vẫn là
lạc hậu. Phải chăng như vậy là dân Việt nam đã sống với
những nghịch lý?
Mặc dù vẫn tự
hào là một dân tộc đã trải qua bốn ngàn năm lập quốc
kể từ khi Quốc tổ Hùng vương bắt đầu dựng nước, nhưng
xét về phương diện lịch sử thì hai ngàn năm đầu chưa
có sử nên những gì lưu truyền lại chỉ là huyền thoại.
Kế đến là thời đại bị Trung hoa đô hộ hơn một ngàn
năm, thường được gọi là thời Bắc thuộc. Thời kỳ này
Việt nam cũng chưa có sử mà chỉ mới có một số biến cố
được người Trung hoa ghi lại trong sử Trung quốc nên về
mặt sinh hoạt của dân chúng trong xã hội cũng rất mù mờ.
Tuy nhiên theo tương truyền thì đây là thời kỳ đen tối
và bi thảm nhất của dân tộc Việt vì phải sống đọa đày
dưới sự cai trị của đám quan lại người Tàu tham ô và
tàn ác.
Trong thời gian
này tuy vẫn có nhiều lần người dân Việt nổi lên giành
lại quyền tự chủ nhưng cũng mới chỉ là những giai đoạn
ngắn ngủi và cách xa nhau hằng thế kỷ. Vào thế kỷ đầu
của công nguyên đã có cuộc khởi nghĩa của Hai bà Trưng
đánh đuổi thái thú Tô Ðịnh của nhà Tây Hán và lên làm
vua được 3 năm. Hai trăm năm sau có bà Triệu Ẩu cũng đã
chiêu tập binh mã chống lại nhà Ðông Ngô, tuy rằng đại
sự không thành nhưng tên tuổi vẫn còn lưu hậu thế làm
niềm tự hào cho phụ nữ Việt nam. Câu tục ngữ "Giặc đến
nhà, đàn bà cũng đánh" có lẽ phát xuất từ những sự kiện
lịch sử này.
Sau đó còn có
những cuộc khởi nghĩa khác với những thời kỳ tự chủ
ngắn ngủi như của Lý Bôn vào thế kỷ 6; của Mai thúc Loan,
Phùng Hưng trong thế kỷ 8. Thời đại tự chủ thực sự chỉ
bắt đầu kể từ khi Ngô Quyền phá được quân nhà Hán và
xưng vương vào thế kỷ 10, nhưng cũng phải đến khi Ðinh
bộ Lĩnh dẹp xong loạn Thập nhị Sứ quân và lập ra nước
Ðại cồ Việt, nước nhà mới đi vào kỷ cương. Còn sử
sách thì mãi đến cuối thế kỷ 13 đời vua Thánh tông nhà
Trần mới có Lê văn Hưu soạn ra bộ Ðại Việt sử ký là
bộ quốc sử chính thức đầu tiên.
Ðây có lẽ là
thời kỳ dân Việt nam bắt đầu thấy mình thể hiện được
niềm tự hào dân tộc qua những chiến thắng quân sự. Suốt
gần 10 thế kỷ, dân Việt nam chẳng những giữ vững được
giang sơn của mình trong những lần đối đầu với kẻ thù
phương bắc qua những trận phá Tống, cự Nguyên, đuổi Minh
và diệt Thanh, mà còn mở rộng thêm bờ cõi trong những lần
Nam tiến, xóa tên vương quốc Chiêm thành và chiếm luôn một
phần đất của Chân lạp.
Tuy nhiên về mặt
tư tưởng thì sau mấy ngàn năm kể từ thời Hùng vương bắt
đầu lập quốc, tiếng Việt vẫn chưa phát triển thành ngôn
ngữ viết mà chỉ có ngôn ngữ nói, và người dân Việt cũng
chưa phát huy được một học thuyết nào có hệ thống dựa
trên nền tảng siêu hình nên sau khi đã giành lại được
quyền tự chủ, các triều đại vua Việt nam từ Ðinh Lê Lý
Trần trở đi vẫn phải dùng chữ Hán và lấy văn hóa Tàu
làm gốc cho mình bắt chước. Do đó mà trong lãnh vực chính
trị xã hội, mặc dù thoát khỏi sự cai trị của người
Tàu nhưng ảnh hưởng của nền văn hóa Trung quốc vẫn hiện
diện trong mọi lãnh vực của đời sống khiến cho cái tư
tưởng thần phục Trung hoa như ăn sâu vào tâm thức đến
nỗi chỉ nhìn thấy Trung hoa là văn minh cường thịnh, còn
các dân tộc khác đều kém hèn, và mỗi khi có nội biến,
giới cầm quyền lại hay có thái độ chạy tới cầu cạnh
Trung quốc, và đó cũng là cái cớ cho Trung hoa can thiệp vào
nội bộ và lại đem quân qua nhằm xâm chiếm vào thế kỷ
15 và thế kỷ 18.
Ngoài ra do khuynh
hướng chỉ biết đoàn kết trong cơn hoạn nạn, còn khi quyền
lợi đến tay thì lại hay nảy sinh đầu óc mưu mô để thủ
lợi thiển cận nên dễ sinh ra chia rẽ khiến cho cái nạn
tranh giành quyền lực thường xảy ra trong các triều đại,
gây cảnh binh đao, do đó mà dân tộc Việt nam không mấy khi
được hưởng thanh bình thật sự vì nếu không lo chống ngoại
xâm thì cũng có những thời kỳ nội loạn, mà đáng kể nhất
là cuộc Nam Bắc phân tranh khởi đầu giữa nhà Lê và nhà
Mạc vào nửa đầu thế kỷ 16, rồi tiếp theo là thời kỳ
Trịnh Nguyễn phân tranh và chia cắt kéo dài tới đầu thế
kỷ 19 mới quy về một mối trong tay nhà Nguyễn.
Tuy đất nước
có thống nhất nhưng lòng người thì lại chia rẽ do những
ân oán của những lần nội chiến tương tàn. Tinh thần hoài
Lê vẫn còn ấp ủ trong lòng nhiều người dân miền Bắc
khiến cho nhiều kẻ lợi dụng danh nghĩa phò Lê để nổi
dậy chống lại triều đình. Trong Nam thì do chính sách bạc
đãi công thần cùng vớiø chủ trương cấm đạo và bài xích
người Tây phương cũng như thái độ miệt thị người Chân
lạp đã tạo duyên cớ cho nhiều vụ nổi loạn. Trong khi đó
triều đình nhà Nguyễn lại noi gương Trung quốc vẫn tự
hào với nền văn hóa lâu đời của mình nên đã không nhận
thức được trào lưu tiến bộ theo khoa học kỹ thuật của
thời đại nên đã không chịu canh tân đất nước. Do đó
khi Pháp đem quân xâm chiếm Việt nam, nhà Nguyễn đã không
chống giữ được đành mất quyền tự chủ và dân tộc Việt
nam lại rơi vào ách thống trị của thực dân Pháp trong gần
một thế kỷ.
Sau khi thế chiến
2 chấm dứt, theo với phong trào giải phóng dân tộc của các
xứ thuộc địa bộc phát khắp nơi, dân Việt nam cũng đã
vùng lên giành độc lập, nhưng cuộc tranh đấu chống thực
dân Pháp của toàn dân lại bị sa lầy vào một cuộc chiến
tranh ý thức hệ do tình trạng phân hoá và tranh chấp của
giới lãnh đạo và sự giật dây của những thế lực từ
bên ngoài. Ðất nước lại bị chia cắt theo ý đồ của ngoại
bang, và tiếp theo đó là một cuộc chiến tương tàn làm cho
đất nước bị tàn phá, hàng triệu người dân Việt phải
thương vong bằng đủ loại vũ khí viện trợ của các cường
quốc đang đối đầu nhau trên thế giới.
Do tính chất phức
tạp của cuộc chiến và nhất là khi có sự tham chiến trực
tiếp của Hoa kỳ thì hầu như người dân Việt không còn
nhận định được ý nghĩa của cuộc chiến. Và mặc dù sự
kéo dài những nỗi đau thương do các hành động tàn bạo
trong chiến tranh đã khiến cho lòng người càng ngày càng thêm
chán nản, oán ghét cuộc chiến, nhưng cũng vì cái truyền
thống tự hào làm cho mê hoặc khiến cho người dân Việt
vẫn chỉ biết lao đầu vào chiến tranh chứ không chịu cùng
nhau tìm ra một lối thoát. Cuối cùng khi người Mỹ buông
tay thì cả nước đành rơi vào vòng kiềm tỏa của ý thức
hệ Cộng sản. Những người không thể sống dưới chế độ
này đành phải tìm cách chạy bỏ quê hương đi làm dân tị
nạn ở xứ người.
Một ngàn năm
bị người Tàu đô hộ và mưu toan đồng hóa nhưng người
dân Việt vẫn kiên trì với dòng giống của mình để không
bị diệt vong mà cuối cùng còn khôi phục được quyền tự
chủ. Không những thế, người dân Việt lại còn đồng hoá
ngược trở lại những người Trung hoa sang sinh sống ở Việt
nam, cũng như đã đồng hóa trọn Chiêm thành và một phần
dân Khmer của đất Chân lạp, chứng tỏ dân Việt nam có một
khả năng sinh tồn và bành trướng rất mạnh, đó là điều
người dân Việt vẫn tự hào. Tuy nhiên về phương diện tư
tưởng và lãnh đạo chính trị, dân tộc Việt nam vẫn chưa
bao giờ thoát khỏi áp lựcï của Trung quốc cũng như suốt
hai thế kỷ qua liên tiếp bị các thế lực Tây phương khống
chế hoặc khuynh đảo. Còn như về mặt tổ chức xã hội
và kinh tế, dân tộc Việt nam hầu như chưa bao giờ thành
công trong việc xây dựng cho mình thành một quốc gia hòa bình
và thịnh vượng, mặc dù vẫn luôn luôn tự hào về bốn
ngàn năm văn hiến của mình.
2.- ẾCH NGỒI ÐÁY GIẾNG
Lịch sử chỉ thành
hình khi con người sống thành quốc gia mà cơ chế quốc gia
được tạo thành và duy trì là nhờ vào sự kết hợp của
hai yếu tố: kẻ cầm quyền và người dân. Tuy nhiên sự tương
quan giữa hai yếu tố này không phải lúc nào cũng đồng thuận
mà đôi khi vẫn xảy ra những hiện tượng đối kháng hay
mâu thuẫn như lời mô tả qua câu ca dao:
Quan có cần nhưng dân chưa vội
Quan có vội, quan lội, quan sang
Mặc dù người ta
vẫn thường nói: "Ý dân là ý Trời" nhưng thông thường,
kẻ cầm quyền tức là kẻ cai trị bao giờ cũng muốn áp
đặt ý mình lên trên ý của người dân là kẻ bị cai trị.
Có lẽ vì thế mà việc trị loạn của một nước xưa nay
người ta vẫn hay quy kết sự thành bại cho tầng lớp lãnh
đạo. Tuy nhiên nếu đứng trên bình diện xã hội mà xét
thì một quốc gia nào đó tiến hóa hay lạc hậu, dân tộc
trường tồn hay bị diệt vong, không phải chỉ do nơi tài
sức hay ý chí của một cá nhân hay một tập thể nhỏ tạo
ra mà còn cần đến ý chí và hành động chung của cả một
dân tộc.
Một cá nhân có thể làm anh hùng hay một tập thể
nào đó có thể khuynh đảo lịch sử trong một giai đoạn,
nhưng xã hội diễn tiến theo chiều hướng nào là do nơi cái
tinh thần của dân tộc đó.
Nhiều người
khi nhìn vào tấm gương nước Nhật thường cho rằng nước
Nhật sớm thoát ly khỏi cảnh một quốc gia lạc hậu của
thế kỷ 19 để trở thành một quốc gia tân tiến trong thế
kỷ 20 là nhờ có Minh Trị Thiên hoàng biết canh tân đất
nước. Nhưng nếu chỉ có một mình vua nước Nhật có ý thức
về vấn đề mà không có cái tinh thần của người dân Nhật
cùng hợp sức biến đổi thì chưa chắc nước Nhật đã trở
thành hùng cường. Và mặc dù Nhật đã phải đầu hàng Ðồng
minh trong trận Thế chiến 2, nước Nhật bị quân đội Mỹ
chiếm đóng, nhưng do cái tinh thần tự hào của người dân
Nhật được thể hiện ra bằng những hành động thiết thực
và hợp lý mà nước Nhật đã sớm phục hồi được quốc
gia, giữ vững được cái uy thế của mình trước kẻ thắng,
và trở thành một quốc gia phát triển mạnh về kinh tế như
hiện nay.
Nhìn lại lịch
sử Việt nam về mặt dựng nước và giữ nước thì trong
quá khứ cũng đã từng có những anh hùng làm nên sự nghiệp
hiển hách nhưng ngược lại, về mặt tổ chức kinh tế thì
dù là thời sống trong nền văn minh bộ lạc hay lúc đã chuyển
sang nền văn minh nông nghiệp, con người vẫn phải gắn liền
với thiên nhiên và lệ thuộc thiên nhiên theo kiểu:
Lạy Trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm
Lấy rơm đun bếp
Do thái độ thụ
động này mà trong tổ chức xã hội, con người cũng có khuynh
hướng chỉ muốn duy trì cái trật tự có sẵn hơn là tìm
kiếm một trật tự mới nên mỗi khi xuất hiện một nhân
tài nào đó có óc sáng kiến hay những tư tưởng tiến bộ
muốn đem ra áp dụng để canh tân xã hội thì lại thường
không có sự đồng lòng của giới lãnh đạo hoặc thiếu
sự hưởng ứng của quần chúng nên không bao giờ thực hiện
được. Rốt cuộc nhân tài tuy có nhưng cũng đành mai một.
Năm 1945, do tình
hình cáo chung của các chủ nghĩa thực dân phát xít trên thế
giới đã tạo điều kiện cho giới trí thức tiến bộ của
Việt nam đứng ra lãnh đạo toàn dân đoàn kết khởi nghĩa
giành độc lập và tiến tới làm một cuộc cách mạng toàn
diện để biến đổi đất nước, tưởng chừng lịch sử
đang mở ra cho dân tộc Việt nam một vận hội mới đầy
sáng sủa nhưng rốt cuộc dân tộc Việt nam không những bỏ
lỡ cơ hội mà còn lâm vào một tình trạng tang thương bi
đát, mà nguyên nhân chẳng qua cũng chỉ là do cái nghịch lý
giữa tâm lý tự hào và mặc cảm bất lực trước thực tế
xã hội đói nghèo đã tạo ra những mâu thuẫn sâu sắc khiến
cho con người không còn biết phân biệt đâu là cái lẽ phải
hợp lý cho mọi người cùng theo mà chỉ còn biết vong thân
theo những lý thuyết ngoại lai để rồi cứ bị các nước
lớn xô đẩy vào chiến tranh.
Bốn ngàn năm
qua dân tộc Việt nam vẫn tồn tại nhưng lịch sử dân tộc
Việt nam thì lại đầy dẫy thương đau, còn xã hội thì luẩn
quẩn trong cái vòng lạc hậu. Chính vì thế mà cứ mỗi lần
bị xâm lăng hay nội chiến, xã hội thường đổ nát và băng
hoại, và trầm trọng nhất là trong giai đoạn của cuộc chiến
tranh Quốc Cộng vừa qua. Nhìn vào thực trạng xã hội Việt
nam trong thời gian gần đây, nhiều người có tâm huyết với
tiền đồ của dân tộc đã lên tiếng cho rằng chính những
nền văn hoá ngoại lai đã làm phá sản con người Việt nam
và nếu muốn xây dựng lại xã hội Việt nam, cần phải quay
trở về với nền văn hóa truyền thống.
Nhưng thế nào
là nền văn hóa truyền thống?
Một số người
khi muốn phát huy nền văn hóa dân tộc đã có khuynh hướng
quá đề cao dân tộc Việt, nên thường đi quá xa như là cho
rằng nền văn minh cổ của dân Bách Việt ở miền nam Trung
hoa chính là nền văn minh cổ của dân tộc Việt nam hiện
nay.
Vấn đề nguồn
gốc dân tộc Việt nam cho đến nay vẫn chưa có thể xác định
được một cách rõ ràng. Hầu hết các nhóm Bách Việt đều
bị Hán hóa, ngoại trừ một nhóm nhỏ di dân xuống vùng châu
thổ sông Hồng là vẫn còn tồn tại, nhưng cũng đã có sự
pha trộn với những chủng tộc khác để tạo thành dân tộc
Việt nam. Do đó mà những khám phá gì các nhóm Bách Việt
khác đã tìm ra trước đó đều thuộc Trung quốc và đã đóng
góp thành nền văn minh Trung hoa chứ không phải của nền văn
minh Việt. Vậy thì khi nói đến văn minh Việt nam, thiết tưởng
chúng ta cũng chỉ nên nói những gì thuộc nhóm dân tộc Việt
đến sinh sống trên dải đất thuộc sông Hồng mà thôi.
Dân tộc nào cũng
có một nền văn hóa riêng. Vì văn hóa được gắn liền với
dân tộc cho nên một dân tộc sẽ biến mất nếu nền văn
hóa của dân tộc ấy không còn. Có thể nói lịch sử dân
tộc Việt nam là lịch sử của một dân tộc đấu tranh trường
kỳ để sống còn theo cái bản sắc của nền văn hóa của
mình. Nhưng nói thế không có nghĩa là văn hóa chỉ toàn là
tinh hoa mà còn bao gồm cả những cái xấu cái dở của một
dân tộc. Ngoài ra một nền văn hóa muốn được tồn tại
phải có tính sinh động do đó không có nền văn hóa nào mãi
mãi mang tính thuần nhất khi phải va chạm với những nền
văn hóa khác.
Trước khi bị
người Tàu đô hộ, người dânViệt ở vùng này cũng đã
có một nền văn minh mà nét biểu hiện đặc thù là cái trống
đồng của các bộ lạc Giao chỉ. Trống đồng bắt đầu
có từ thời nào và mục đích của việc xử dụng trống
đồng cũng như ý nghĩa của các hình hoa văn khắc trên trống
là những vấn đề mà các nhà khảo cổ ngày nay vẫn phải
còn nghiên cứu. Tuy nhiên cái trống đồng có lẽ mang một
ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống tinh thần của
người dân Việt cho nên khi người Trung hoa qua xâm chiếm đất
Văn lang, đã thu sạch hết trống đồng và người dân Việt
không bao giờ còn được dùng trống đồng nữa.
Suốt một ngàn
năm Bắc thuộc, người Trung hoa luôn áp đặt nền văn hóa
Hán tộc lên mọi lãnh vực của đời sống từ vật chất
tới tinh thần để đồng hóa dân bị trị, nhưng người dân
Việt vẫn tỏ ra ngấm ngầm chống lại kẻ thống trị cho
nên về mặt văn hóa dù có phải chấp nhận những hình thức
ngoại lai, trong tâm tưởng người dân Việt vẫn không bao
giờ xóa bỏ cái bản chất riêng của mình. Do đó mà trống
đồng có im tiếng nhưng trong tiềm thức người dân Việt
âm vang của tiếng trống đồng vẫn không bao giờ dứt.
Vì cứ phải sống
trong nỗi phập phồng lo sợ trước mối đe dọa có thể bị
người Tàu tàn sát bất cứ lúc nào đã khiến cho người
dân Việt thường coi trọng sự sống hơn của cải vật chất,
như được bày tỏ qua những câu tục ngữ: "Bỏ của chạy
lấy người", hoặc "Một mặt người là mười mặt của."
Có lẽ do từ cái nhân sinh quan có tính cách hiện sinh và hiện
tượng này mà người dân Việt mới có quan niệm không mấy
quan tâm đến việc biến đổi xã hội mà chỉ nhằm giải
quyết những nhu cầu căn bản cấp thời và có tính cách hiện
tượng.
Tuy nhiên vì để
có thể bảo vệ sự sống của mình, người dân Việt cũng
đã biết co cụm trong những ngôi làng và luôn luôn bám lấy
làng để sống. Cũng từ đó làng trở thành cái trung tâm
duy trì những tập tục lề thói riêng biệt, và nuôi dưỡng
nền văn hóa Việt tiếp tục tồn tại.
Nếu hình ảnh
ngôi làng với lũy tre xanh, cái ao bèo, mái đình cong và những
con người cùng chung một thân phận đùm bọc lấy nhau gợi
lên cho người dân Việt một cảm tình tha thiết thì cái làng
cũng là nơi tạo cho con người có một nếp suy nghĩ và hành
xử đóng khung và gần như rập khuôn, không bao giờ có sự
thay đổi theo kiểu:
Ông Nỉnh ông Ninh
Ði đến đầu đình lại gặp ông Nang
Ông Nảng ông Nang
Ði đến đầu làng lại gặp ông Ninh
Do lối sống co cụm,
dựa dẫm vào nhau này tiếp tục hết thế hệ này qua thế
hệ khác tạo thành cái nề nếp ăn sâu vào tâm khảm đã
làm cho người dân Việt thường không muốn những sự đổi
thay làm xáo trộn nếp sống đã trở thành quen thuộc, theo
kiểu nói "đời ông cha ta làm sao thì bây giờ con cháu cứ
theo đó mà làm", lâu dần trở thành như cái truyền thống
của dân tộc không có gì lay chuyển nổi.
Phải chăng do
khuynh hướng muốn duy trì cái nếp cũ của mình nhưng đồng
thời cũng không tránh được áp lực của những nền văn
hóa khác có nhiều ưu thế hơn tác động vào đời sống nên
người dân Việt đã phải dung hòa nhiều yếu tố mâu thuẫn
để tạo thành một nền văn hóa có chứa đựng nhiều nghịch
lý? Chính vì thái độ phải chấp nhận những nghịch lý đểù
bảo tồn cuộc sống của mình mà lâu dần người dân Việt
trở thành tiêu cực, không phát triển được cái tinh thần
hợp lý theo lý trí nên không thống nhất được tư tưởng
và hành động, điều kiện cần thiết để có thể tổ chức
một cách hữu hiệu xã hội thành tiến bộ.
Trong bài Tựa của cuốn Việt nam Sử lược, tác giả Trần trọng Kim có viết như sau: "Sử là sách không những chỉ để ghi chép những công việc đã qua mà thôi, nhưng lại phải suy xét việc gốc ngọn, tìm tòi cái căn nguyên những công việc của người ta đã làm để hiểu cho rõ những vận hội trị loạn của một nước, những trình độ tiến hoá của một dân tộc."
Vậy thì khi nhìn
vào lịch sử dân tộc, muốn hiểu được thái độ dân tộc
tự hào và thực trạng xã hội chậm tiến đầy mâu thuẫn
này có lẽ chúng ta cũng nên thử nhìn vấn đề trên bình
diện triết học, thử tìm kiếm những nguyên nhân sâu xa,
tiềm ẩn, đã âm thầm tác động trên con người, chủ thể
của mọi hành vi xã hội và là tác nhân của những biến
cố lịch sử.
Có thể là trong
những điều tin tưởng, trong nề nếp sinh hoạt thường ngày,
trong phong tục tập quán, cũng như trong vô số câu ca dao tục
ngữ và những câu truyện dân gian mà người dân Việt vẫn
truyền tụng với nhau qua bao đời nay vẫn tiềm tàng những
điều nghịch lý mà thông thường chúng ta ít để ý tới.
Tuy nhiên cái tính chất đối kháng của những nghịch lý ấy
lại cứ âm thầm tác động lên hành vi xã hội của mỗi
người trong chúng ta mà chúng ta không kiểm soát được, khiến
cho chúng ta trở thành tiêu cực để rồi từ đó cứ mãi
mãi vướng mắc vào những nghịch lý của mình mà không tìm
được lối thoát.
Tục ngữ Việt
nam có câu: "Ếch ngồi đáy giếng, thấy trời bằng vung."
Thông thường mọi người vẫn dùng câu này để bình phẩm
những người không biết tự lượng cái nhìn hạn hẹp của
mình hay không biết cái tri thức bị giới hạn của mình trước
cái bao la rộng lớn của một vấn đề mà đã có những suy
đoán hồ đồ về sự vật. Tuy nhiên nếu hiểu theo một cách
khác có tính cách khách quan hơn thì câu trên cũng có thể
coi như là sự phát biểu của một định luật tâm lý học:
sự vật được tri giác như thế nào là do nơi vị trí đứng
của chủ thể tri giác.
ĐOÀN VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment