Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Saturday, February 23, 2013

Tình Hận Ngày Xanh [3] - LAMARTINE

Truyện dịch

CHƯƠNG III

I

Chúng tôi trở về Naples bằng cách đi men theo bờ của vịnh Baia và các ngọn đồi khúc khuỷu của Pausilippe và ngày trở về này là một ngày hội thật sự cho cô gái, mấy đứa bé, cho chúng tôi, và là  một chiến thắng cho Andrea. Chúng tôi ca hát và về tới Margellina lúc mặt trời lặn. Các bạn già và hàng xóm của người ngư phủ ngắm nghía không hề chán chiếc thuyền mới của ông ta. Họ đã giúp ông ta dỡ đồ đạc xuống và kéo chiếc thuyền lên bờ. Vì chúng tôi đã cấm ông ta không được nói do đâu ông ta có được chiếc thuyền này nên họ không mấy chú ý đến chúng tôi.

Sau khi kéo thuyền lên bờ, và mang các giỏ sung và nho khô lên tầng hầm nhà Andrea, gần ngưỡng cửa của ba căn phòng thấp, nơi ở của người mẹ già, mấy đứa nhỏ và Graziella, chúng tôi đã âm thầm rút lui. Chúng tôi đi trong sự nhộn nhịp ồn ào của đường phố đông đúc của Naples mà không khỏi thấy lòng mình se thắt, và chúng tôi trở về nhà trọ của mình.


II

Chúng tôi bàn với nhau là sau vài ngày nghỉ ngơi ở Naples, sẽ tiếp tục cuộc sống đi biển với người ngư phủ mỗi khi biển cho phép. Chúng tôi đã quá quen với sự giản dị trong cách ăn mặc và sư trơ trụi của chiếc thuyền từ ba tháng nay đến nỗi giường nệm, đồ đạc trong phòng ốc của chúng tôi và quần áo sang trọng dường như là một thứ xa xỉ bực bội và chán ngắt. Chúng tôi hy vọng chỉ trong vài ngày nữa chúng tôi sẽ trở lại với cuộc sống đi biển. Nhưng ngày hôm sau, trong khi ra bưu điện để lấy những thư tín lưu trữ từ lâu nay của chúng tôi, bạn tôi tìm thấy một lá thư của mẹ gửi. Bà ta gọi cậu con trai của mình về Pháp ngay để tham dự đám cưới của em mình. Người em rể sẽ đến tận Rome để đón anh ta. Căn cứ vào ngày tháng trong thư thì ông ta đã phải đến đó rồi. Không còn trì hoãn được nữa: anh ta phải đi ngay. Lẽ ra tôi cùng đi với anh ta. Không biết tính cô độc và óc phiêu lưu có một sức lôi cuốn nào đó đã giữ tôi lại. Có thể cuộc sống thủy thủ, túp lều của người ngư phủ, hình ảnh Graziella cũng là những cái gì đó trong quyết định này, nhưng không rõ rệt lắm. Sự cám dỗ của tự do, niềm tự hào tự lo lấy bản thân ở một nơi cách xa xứ sở mình ba trăm dặm, niềm đam mê cái vô định và cái mới lạ, cái viễn cảnh bao la của trí tưởng tượng nơi tuổi trẻ mới quan trọng hơn.

Chúng tôi chia tay nhau trong sự bùi ngùi kiểu con trai với nhau. Anh ta hứa sẽ trở lại gặp tôi ngay sau khi anh ta hoàn tất bổn phận người con và người anh trai. Anh ta cho tôi mượn năm mươi đồng vàng để bù vào sự thâm thủng trong túi tiền của tôi trong sáu tháng qua và lên đường.


III

Sự ra đi này, sự vắng mặt của người bạn mà tôi xem như là một người anh lớn tuổi với một người em trai vẫn còn như một đứa trẻ, để tôi lại trong một sự cô độc mà càng giờ càng đào sâu vào tâm hồn tôi, và tôi cảm thấy mình lún vào trong đó như trong một vực thẳm. Tất cả những suy nghĩ của tôi, tình cảm của tôi, lời nói của tôi tưởng chừng đã bay đi mất khi trao đổi với anh ta trước đây thì nay vẫn còn lại trong tâm hồn tôi, mục rã nơi đây, gây buồn phiền cho tôi và rơi lại vào tim tôi như một khối nặng mà tôi không thể nhấc bỏ đi được. Tiếng ồn ào này không có gì gợi thích thú cho tôi, đám đông này mà không ai biết tên của tôi, căn phòng này, nơi mà không có cái nhìn nào đáp lại tôi, cuộc sống ở trọ này nơi mà người ta không ngừng chạm vai nhau với những người lạ, nơi mà người ta ngồi vào bàn câm nín bên cạnh những người luôn luôn mới và luôn luôn lạnh lùng; những cuốn sách này mà người ta đã đọc hàng trăm lần, và những dòng chữ bất động luôn luôn kể cho bạn cùng một câu trong cùng một chỗ; tất cả những cái đó đã có vẻ rất thú vị đối với tôi hồi ở Rome và ở Naples trước những chuyến phiêu lưu và cuộc sống lang thang rày đây mai đó của chúng tôi hồi mùa hè, bây giờ dường như là một cái chết chậm chạp đối với tôi. Tôi đã tự nhận chìm tâm hồn tôi trong nỗi u sầu.

Tôi kéo lê sự buồn bã này một vài ngày từ đường phố này qua đường phố khác, từ hí viện này sang hí viện khác, từ lần đọc sách này, tới lần đọc sách khác mà không thể nào lay chuyển nó, và cuối cùng là nó đã đánh bại tôi sau đó. Tôi ngã bệnh, cái bệnh mà người ta gọi là bệnh nhớ nhà. Đầu tôi nặng, chân của tôi không còn đỡ nổi tôi. Tôi xanh xao và mệt mỏi. Tôi không còn ăn uống được nữa. Sự im lặng làm cho tôi buồn, tiếng động làm cho tôi khó chịu; tôi thao thức hàng đêm không ngủ, và ban ngày nằm trên giường không còn muốn cũng không có sức để ngồi dậy. Người bà con cũ của mẹ tôi, người duy nhất có thể quan tâm đến tôi, đã đi đến một nơi trong vùng Abruzzes cách xa Naples ba mươi dặm từ nhiều tháng nay, nơi ông ta muốn thiết lập các nhà máy. Tôi yêu cầu được gặp một bác sĩ. Ông ta đến, nhìn tôi, bắt mạch tôi và nói với tôi rằng tôi chẳng có bệnh gì cả. Sự thật là tôi đã mắc phải một cái bệnh mà nền y học của ông không chữa khỏi, một chứng bệnh thuộc tâm hồn và trí tưởng tượng. Ông ta bỏ ra về. Tôi không bao giờ gặp lại ông ta nữa.


IV 

Tuy nhiên qua ngày hôm sau tôi cảm thấy mình yếu quá đến nỗi tôi phải lục lạo trong trí nhớ để xem còn ai mà tôi có thể trông mong một sự giúp đỡ và một chút thương hại nếu lỡ như tôi không còn dậy được nữa. Hình ảnh gia đình người ngư phủ nghèo ở Margellina hãy còn trong số những hình ảnh mà tôi vẫn sống bằng kỷ niệm xuất hiện tự nhiên trong trí tôi. Tôi nhờ một đứa bé giúp tôi đi tìm Andrea và nói với ông ta rằng người trẻ nhất trong hai người khách ngoại quốc đang bị bệnh và yêu cầu được gặp ông ta. Khi đứa bé mang tin của tôi đến thì Andrea đang đi biển với Beppino, bà nội đang bận bán cá trên bến Chiaja. Graziella ở nhà một mình với hai em nhỏ của mình. Cô ta chỉ kịp gửi gắm chúng cho một bà hàng xóm trông nom giùm, mặc vội bộ quần áo Procitane mới nhất của mình, và đi theo đứa bé chỉ đường đến phố, ngôi ký túc xá cũ, và đứa bé đi lên trước khi đến cầu thang. 

Tôi nghe có tiếng gõ một cách nhẹ nhàng ở cửa phòng của tôi. Cánh cửa mở như bị đẩy bởi một bàn tay vô hình: tôi thấy Graziella. Cô ta thốt lên một tiếng kêu thương cảm khi nhìn thấy tôi.

Cô ta nhào tới vài bước về phía giường của tôi, sau đó, kìm mình đứng lại, hai bàn tay đan nhau và treo trên tấm tạp dề của cô ta, đầu nghiêng trên vai trái của mình trong thái độ của sự thương xót: "Trông anh ta xanh xao biết bao, cô ta tự nói nhỏ một mình, và làm thế nào mà chỉ có mấy ngày anh ta đã có thể thay đổi sắc diện đến như vậy! Và còn anh kia đâu? " Cô ta nói trong khi xoay người đưa mắt tìm người bạn đồng hành của tôi trong phòng. "Anh ấy đi rồi, tôi nói với cô ta, và tôi còn lại có một mình và không quen biết ai tại Naples. – Đi rồi à?  cô ta nói. Trong khi để anh lại có một mình và đau ốm như vậy sao? Vậy là anh ấy không thưong yêu anh! Ôi! nếu tôi ở địa vị của anh ấy, tôi sẽ không bỏ đi, tính tôi thế đó, tuy nhiên tôi không phải là anh của anh, và tôi cũng chỉ mới biết anh từ ngày xảy ra trận bão!"


V

Tôi giải thích cho cô ta rằng khi người bạn của tôi chia tay tôi thì tôi chưa bị bệnh. "Nhưng tại sao?" Cô ta trả lời một cách mạnh mẽ và với một giọng khiển trách, nửa dịu dàng, nửa bình tĩnh, "anh không nghĩ rằng anh còn có những người bạn khác ở Margellina sao? Ừ! Tôi biết mà", cô ta nói thêm một cách rầu rầu trong khi nhìn vào tay áo và phía dưới vạt áo dài của cô ta, "Thì ra vì chúng tôi là những người nghèo và chúng tôi làm anh xấu hổ khi bước vào ngôi nhà đẹp đẽ này. Không sao đâu", cô ta tiếp tục trong khi chùi đôi mắt không ngừng nhìn chăm chăm lên trán và đôi cánh tay yếu lả của tôi, "ngay cả khi bị người ta khinh miệt đi nữa, chúng tôi cũng sẽ luôn luôn đến."

"- Tội nghiệp Graziella, tôi vừa trả lời vừa mỉm cười, cầu xin Thiên Chúa đừng bao giờ để tôi phải cảm thấy xấu hổ về những người yêu thương tôi!"


VI

Cô ta ngồi xuống trên một chiếc ghế nơi chân giường của tôi, và chúng tôi trò chuyện một lúc.
Giọng nói của cô ta, vẻ bình thản trong đôi mắt, sự thư tháiị tự tin và bình tĩnh trong thái độ của cô ta, nét thơ ngây trên khuôn mặt, điệu nói vừa nức nở vừa như rên rỉ của những phụ nữ vùng đảo giống như bên phương Đông, gợi người ta nhớ lại cái điệu nói phục tùng của nô lệ, ngay cả trong những khi hồi hộp về tình yêu, và cuối cùng là ký ức về những ngày tươi đẹp đã trải qua với cô ta nơi căn chòi dưới ánh mặt trời, và cái ánh nắng mặt trời của vùng Procida này đối với tôi mà dường như vẫn còn nhỏ giọt từ trán cô ta, cơ thể của cô ta và đôi bàn chân của cô ta trong căn phòng thê lương của tôi, tất cả những cái đó dường như kéo tôi ra khỏi sự uể oải và sự đau khổ trong khi tôi ngắm nhìn và lắng nghe cô ta, đến nỗi tôi đột nhiên nghĩ rằng tôi đã lành bệnh.

Tôi tưởng chừng cô ta mà vừa ra về là tôi sẽ đứng dậy và bước đi được ngay. Nhưng tôi cảm thấy sự hiện diện của cô ta làm cho mình rất dễ chịu nên tôi cố tìm đủ mọi cách để kéo dài cuộc trò chuyện, và giữ cô ta lại bằng trăm ngàn lý do vì e sợ nếu cô ta bỏ ra về quá nhanh sẽ mang sự dễ chịu mà tôi đang cảm thấy đi mất.

Cô ta săn sóc tôi gần cả buổi mà không sợ sệt, không e dè kiểu cách, không khiêm tốn giả dối, giống như một người em gái săn sóc cho anh trai, mà không hề nghĩ rằng anh ta là một người đàn ông. Cô ta đã đi mua cho tôi một ít cam. Cô đã dùng hàm răng đẹp của mình cắn vào vỏ để bóc cam và dùng ngón tay của mình nặn cam vắt nước vào ly cho tôi. Cô ta tháo ở cổ một cái tượng ảnh nhỏ bằng bạc treo nơi sợi dây màu đen vẫn giấu trong ngực. Cô ta dùng một cây kim kẹp gắn cái tượng lên trên cái màn trắng của giường tôi. Cô ta đoan chắc với tôi rằng tôi sẽ sớm được chữa lành nhờ ơn phước của thánh. Sau đó, ngày bắt đầu tàn, cô ta từ giã tôi mà không phải là không trở tới trở lui vài mươi lần từ cửa đến giường của tôi để xem tôi có còn cần gì nữa không, và để dặn dò tôi kỹ hơn nữa là hãy sốt sắng cầu nguyện với tượng thánh trước khi ngủ.


VII

Không biết có phải do ơn phước của thánh và những lời cầu nguyện mà chắc chắn là cô ta cũng có tự mình làm, hoặc là do ảnh hưởng êm dịu của sự trìu mến và quan tâm mà tôi thấy thể hiện qua những điệu bộ của Graziella, hoặc là do sự khuây khỏa thú vị của sự hiện diện và sự chăm sóc mà cô ta đã làm cho tôi, đã vuốt ve và làm dịu cơn buồn bực bệnh hoạn trong người tôi, cho nên cô ta vừa đi khỏi là tôi ngủ ngay một giấc say sưa và yên lành.

Ngày hôm sau lúc thức dậy, nhìn thấy những vỏ cam rải rác trên sàn phòng trọ, chiếc ghế Graziella ngồi còn quay về phía giường của tôi như thể là cô ta đã để lại như thế và cô ta sẽ còn ngồi xuống nữa; chiếc tượng ảnh nhỏ treo bằng cái vòng lụa đen ở bức màn, và tất cả các dấu vết của sự hiện diện này cùng với những sự chăm sóc của một người phụ nữ mà tôi bị thiếu thốn từ khá lâu, làm cho tôi mớí đầu vừa thức dậy chưa tỉnh hẳn cứ tưởng như mẹ tôi hoặc một trong các chị em của tôi đã vào phòng tôi trong buổi tối. Chỉ đến khi tôi đã hoàn toàn mở mắt và nhớ lại từng tí một những ý nghĩ của tôi, hình ảnh của Graziella mới hiện rõ ra cho tôi như tôi đã nhìn thấy cô ta ngày hôm qua.

Trời rất trong sáng, sự nghỉ ngơi đã làm cho chân tay của tôi phục hồi được sức lực, sự vắng vẻ của căn phòng quá đè nặng trong tâm hồn tôi và sự tha thiết được nghe lại âm thanh của một giọng nói quen thuộc thúc giục tôi quá mạnh đến nỗi tôi đứng dậy ngay lập tức, mặc dù tôi vẫn còn rất yếu và lảo đảo. Tôi ăn nốt phần cam còn lại; tôi leo lên một chiếc xe chở khách dạo và theo bản năng tôi bảo họ đưa tôi đến bờ biển Margellina. 
 

VIII

Đến gần ngôi nhà nhỏ và thấp của Andrea, tôi leo lên cầu thang dẫn đến cái thềm bên trên hầm nhà, chỗ có các cửa ra vào các căn phòng của gia đình. Tôi tìm thấy Graziella, bà mẹ già, lão ngư phủ, Beppino và mấy đứa trẻ đang ở trên sân thượng. Mọi người đều ăn mặc quần áo đẹp nhất của mình và đang chuẩn bị để đi đến gặp tôi cùng lúc ấy. 

Mỗi người đều có mang trong giỏ hoặc khăn hoặc cầm tay một món quà mà những người nghèo này cho là dễ ăn nhất và bổ dưỡng nhất cho bệnh nhân, người thì mang một bình rượu vang trắng óng ánh vàng của đảo Ischia được đậy với một cái nút bằng hương thảo và rau thơm thay cho nút bần để cho thơm bình; người khác thì mang những quả sung khô; kẻ thì mang sơn tra, mấy đứa bé mang cam. Tấm lòng ưu ái của Graziella đã truyền qua cho tất cả mọi người trong gia đình. 
 

IX

Họ thốt lên một tiếng kêu ngạc nhiên khi thấy tôi xuất hiện, tuy vẫn còn yếu và xanh xao nhưng đứng thẳng và mỉm cười trước mặt họ.

Graziella khi đưa hai bàn tay vỗ vào nhau và chạy lại với tôi đã đánh rơi lăn lóc trên mặt đất những quả cam mà cô ta đang đựng trong cái tạp dề của mình: "Tôi đã nói đúng, cô ta nói lớn, ảnh thánh sẽ chữa cho anh lành bệnh nếu ngủ một đêm trên giường của anh. Tôi có đánh lừa anh không?" Tôi muốn trả lại cho cô ta chiếc tượng ảnh, và tôi lấy nó ra từ nơi tôi cất giữ trong ngực của tôi. "Hãy hôn bức ảnh trước đã", cô ta nói. Tôi hôn bức tượng, và luôn cả mấy đầu ngón tay mà cô ta đưa ra để cầm lấy bức ảnh. "Tôi sẽ trả lại cho anh nếu như anh bị ốm nữa, cô ta nói thêm trong khi tròng nó vào cổ và luồn nó vào trong ngực mình, nó sẽ được dùng cho cả hai người." Chúng tôi ngồi trên sân thượng, dưới ánh nắng mặt trời buổi sáng. Tất cả mọi người đều tỏ ra vui vẻ như thể họ vừa mới tìm lại được một người anh hay một đứa con trở về sau một cuộc hành trình lâu dài. Thời gian, cái cần thiết cho sự hình thành tình bạn gần gũi trong tầng lớp thượng lưu không có trong các tầng lớp thấp hơn. Những trái tim mở ra không ngờ vực, chúng gắn bó với nhau ngay sau đó, vì chúng không có những lợi ích mờ ám dưới lớp vỏ tình cảm. Có nhiều quan hệ và thân tình được tạo ra trong tám ngày giữa các người có cuộc sống với thiên nhiên hơn là trong mười năm giữa những người có cuộc sống giữa xã hội. Gia đình này và tôi đã trở thành thân thuộc.

Chúng tôi hỏi han lẫn nhau về những gì tốt hay xấu đã xảy ra cho chúng tôi kể từ khi chúng tôi chia tay. Gia đình nghèo này đang trong hồi may mắn. Các mẻ lưới đánh được rất nhiều cá. Bà cụ già không còn đủ thì giờ lo việc nhà để lo bán cá cho khách ngay trước cửa. Beppino, hãnh diện và khoẻ mạnh, sánh ngang một thủy thủ hai mươi tuổi, mặc dù cậu bé chỉ mới mười hai. Graziella cuối cùng đã học được một nghề cao hơn cái nghề khiêm tốn của gia đình. Lương của cô ta khá cao so với công việc của một cô gái trẻ, và sẽ còn tăng thêm theo khả năng khéo léo của mình, đủ để lo ăn mặc và nuôi sống các em nhỏ của mình, và cho phép cô ta dành dụm cho mình chút của hồi môn khi cô ta đến tuổi và có ý tưởng lấy chồng. Đó là những lời bộc lộ của ông bà cô ta. Cô ta là thợ san hô, tức là cô học được cách làm ra các sản phẩm bằng san hô. 

Việc buôn bán và sản xuất các sản phẩm bằng san hô lúc bấy giờ là ngành kỹ nghệ chính hái ra tiền của các thành phố ven bờ biển nước Ý.
Một trong các người cậu của Graziella, anh của người mẹ đã mất của cô ta, là đốc công trong nhà máy chính sản xuất hàng san hô tại Naples. Nhờ giàu có, lại đang điều hành nhiều công nhân nam nữ mà vẫn không đủ cung ứng cho nhu cầu về món hàng xa xỉ này trên khắp châu Âu, ông ta đã nghĩ đến đứa cháu gái, và đã đến nhà một vài ngày trước khi thu nhận cô ta vào trong số nữ công nhân của mình. Ông ta đã đưa san hô, các dụng cụ lại nhà, và đã chỉ cho cô ta những bài học đầu tiên rất đơn giản trong ngành mỹ nghệ của ông ta. Các công nhân khác thì làm việc tại nhà máy. 
 

Trong những lúc bà ngoại và lão ngư phủ  phải vắng nhà liên tục và bắt buộc thì Graziella là kẻ duy nhất trông nom mấy đứa nhỏ nên phải làm nghề của mình ở nhà. Cậu cô ta không thể thường xuyên vắng mặt tại hãng nên từ ít lâu nay đã sai người con trai trưởng của ông ta, anh họ của Graziella đến thay, một thanh niên hai mươi tuổi, khôn ngoan, khiêm tốn, nền nếp, thợ giỏi nhưng đầu óc giản dị, bị còi xương và hơi dị dạng. Anh ta đến vào buổi tối sau giờ đóng cửa nhà máy, kiểm tra việc làm của cô em họ, luyện cho cô ta sử dụng thành thạo các dụng cụ và cũng dạy cho cô ta những bài học đầu tiên trong việc đọc, viết và làm toán.
"Hy vọng rằng", bà cụ thì thầm với tôi trong khi Graziella đưa mắt nhìn chỗ khác, "điều này rồi ra sẽ có lợi cho cả đôi bên, và ông thầy sẽ trở thành đầy tớ cho hôn thê của mình." Tôi thấy có một ý nghĩ kiêu hãnh và tham vọng về đứa cháu gái của mình trong trí của bà cụ. Nhưng Graziella thì không nghi ngờ gì cả. 
 

X  

Cô gái nắm tay tôi dẫn vào phòng cô ta để chỉ cho tôi ngắm các tác phẩm nhỏ bằng san hô mà cô ta đã cắt ra mài giũa và đánh bóng. Chúng được sắp xếp gọn gàng trên miếng bông gòn trong những cái hộp giấy nhỏ đặt trên chân giường. Cô ta muốn làm một cái trước mặt cho tôi thấy. Tôi đã quay cái bánh xe của bàn máy tiện với đầu bàn chân của tôi, đối diện với cô ta, trong khi cô ta đưa một nhánh san hô đỏ vào đầu cái tiện đang xoay tròn và nghiến ken két để cắt. Sau đó cô ta làm tròn các miếng nhỏ này bằng cách giữ chúng trên đầu các ngón tay và áp sát vào cái tiện để mài mòn chúng. 

Bụi hồng bao phủ tay cô ta, và đôi khi bay lên đến trên mặt của cô ta, rắc lên má và môi của cô ta một lớp phấn nhẹ, khiến cho đôi mắt của cô ta càng lộ màu xanh và rực rỡ hơn. Sau đó trong khi cô ta vừa phủi bụi và lắc rũ mái tóc đen của mình vừa cười thì đến lượt tôi bị bụi phủ lên người. "Không phải đó là một nghề tốt đẹp cho một cô gái vùng biển như tôi sao? cô ta nói. Chúng tôi nợ tất cả mọi thứ từ biển: từ chiếc thuyền của cha tôi và bánh mì mà chúng tôi ăn cho đến những chiếc vòng cổ và những đôi bông tai mà có thể một ngày nào đó tôi sẽ tự trang điểm cho mình sau khi tôi đã cắt gọt và đánh bóng khá nhiều cái khác cho những kẻ giàu có và xinh đẹp hơn tôi." Buổi sáng đã trôi qua như vậy, với chuyện trò, vui đùa, và làm việc và tôi không hề có ý tưởng là tôi sẽ ra đi. Buổi trưa, tôi chia sẻ bữa ăn gia đình. Mặt trời, bầu không khí trong lành, sự mãn nguyện trong tâm hồn, sự thanh đạm trong bữa ăn chỉ có bánh mì, một ít cá chiên và một số trái cây được bảo quản trong hầm, đã làm cho tôi có cảm giác ngon miệng và sức mạnh. Buổi chiều, tôi đã giúp ông lão vá lại các mắt lưới bị rách của một tấm lưới cũ trải trên sân thượng.

Graziella, mà chúng tôi nghe tiếng chân nhịp nhịp làm quay cái máy tiện, tiếng ồn của cái bánh xe quay sợi của bà cụ và tiếng nói của mấy đứa trẻ chơi với mấy quả cam trên bậc cửa ngôi nhà, hòa theo một cách nhịp nhàng công việc của chúng tôi. Thỉnh thoảng Graziella lại ra hành lang để rũ bụi  mái tóc của mình, chúng tôi trao đổi một cái nhìn, một lời thân mật, một nụ cười. Tôi cảm thấy hạnh phúc đến tận đáy tâm hồn mà không biết tại sao. Tôi muốn mình là một trong những cây nha đam bắt rễ sâu trong hàng rào của khu vườn, hay là một trong mấy con thằn lằn đang sưởi ấm gần chỗ chúng tôi trên sân thượng và sống chung với gia đình nghèo này trong các kẽ tường của căn nhà. 
 

XI 

Nhưng tâm hồn tôi và nét mặt tôi sa sầm dần theo đà của ngày đang tàn. Tôi trở nên buồn, khi nghĩ đến việc mình phải trở về căn phòng trọ của mình. Graziella là người đầu tiên nhận thấy điều đó. Cô đã đi đến nói vài lời thì thầm vào tai bà nội. 

"Tại sao cậu lại rời chúng tôi như vậy? Bà cụ nói như thể bà ta nói chuyện với một trong những đứa con của bà. Không phải chúng ta đã sống chung vui vẻ với nhau ở Procida sao? Lẽ nào chúng ta lại không còn giống nhau khi ở Naples? Cậu trông giống như một con chim mất mẹ đang bay lang thang và kêu xung quanh tất cả các tổ. Hãy đến sống với chúng tôi, nếu cậu thấy chỗ này tạm được cho một người giàu sang như cậu. Nhà chỉ có ba phòng, nhưng Beppino ngủ  trong thuyền. Căn phòng của mấy đúa em cũng đủ để Graziella ở chung, miễn là nó có thể làm việc ban ngày trong phòng cậu ngủ. Hãy dọn đến căn phòng của nó và ở đây chờ đợi ngày người bạn của cậu trở lại. Bởi vì một thanh niên trẻ hiền lành và hay buồn như cậu mà sống một mình giữa phố phường của Naples, nghĩ đến cũng đau lòng lắm". Người ngư phủ già, Beppino, ngay cả mấy đứa nhỏ đã quen mến thương người khách lạ, đều vui mừng với ý tưởng của bà cụ tốt bụng. Tất cả nhất quyết cùng nhau nài nỉ tôi để tôi chấp nhận điều họ đưa ra. Graziella không nói gì, nhưng cô ta chờ đợi câu trả lời của tôi trước lời mời mọc tha thiết của ông bà mình với sự lo lắng hiện ra mặt cho dù đã che giấu nó dưới vẻ lơ đãng giả vờ. Dù không cố ý, nhưng chân cô ta cũng đã đạp máy tiện chuyển động không đều mỗi khi tôi viện ra tất cả các lý do khó xử để không chấp nhận. 

Cuối cùng tôi ngước mắt nhìn cô ta. Tôi thấy tròng mắt cô ta ướt hơn và long lanh hơn bình thường, và cô ta đã rứt từng nhánh một của cây húng quế trồng trong một cái chậu đất trên hành lang và vò nhàu nát chúng giữa các ngón tay của mình. Tôi hiểu cử chỉ này còn nói lên nhiều hơn là những bài diễn văn dài dòng. Tôi chấp nhận cuộc sống chung mà họ dành cho tôi.
Graziella vỗ tay và nhảy lên vì vui mừng trong khi chạy váo phòng của mình mà không ngoảnh lại như thể cô ta muốn nắm lấy ngay lời nói của tôi không để cho tôi có thời gian rút lại. 
 

XII

Graziella gọi Beppino. Thoáng một cái, em cô ta và cô ta đã mang sang phòng của mấy đứa trẻ chiếc giường và mấy thứ đồ đạc nghèo nàn của cô ta, cái gương soi nhỏ bé gắn trong tấm gỗ sơn, cây đèn đồng, hai hoặc ba tượng ảnh Đức Mẹ gắn vào những chiếc kẹp treo trên tường, cái bàn và chiếc máy tiện nhỏ mà cô ta dùng để làm đồ san hô. Hai chị em múc nước trong giếng, dùng lòng bàn tay vốc nước rảy lên sàn nhà, cẩn thận quét sạch bụi san hô trên các bức tường và các tấm lát, đặt hai chậu nhũ hương xanh và thơm nhất và cây cỏ te mà hai chị em có thể tìm thấy trên sân thượng lên trên bệ cửa sổ. Chưa chắc người ta đã sửa soạn và đánh bóng phòng cô dâu chú rể cẩn thận hơn nếu đêm nay Beppo phải đón cô dâu về ngôi nhà của cha mình. Tôi vừa giúp họ vừa cười về sự đùa giỡn này. 

Khi mọi thứ đã sẵn sàng, tôi dẫn Beppino và ông lão đi theo tôi để mua sắm và mang về vài món đồ mà tôi cần. Tôi mua một bộ giường sắt nhỏ đầy đủ chăn nệm, một cái bàn gỗ trắng, hai chiếc ghế song, một lò than nhỏ bằng đồng mà người ta dùng đốt cháy hột ô liu để sưởi cho ấm những đêm mùa đông; tôi cũng nhờ họ đến phòng trọ của tôi lấy cái rương đựng tất cả các đồ đạc còn lại của tôi về. Tôi không muốn bỏ phí một đêm nào của cuộc sống hạnh phúc đã làm cho tôi cảm thấy mình như ở trong gia đình này. Ngay tối hôm đó, tôi ngủ tại chỗ ở mới của tôi. Tôi thức dậy với tiếng kêu vui vẻ của những con chim én bay vào phòng tôi qua một ô kính vỡ của cửa sổ, và tiếng của Graziella đang hát ở phòng bên cạnh, và kèm theo tiếng hát là tiếng chuyển động nhịp nhàng của chiếc máy tiện. 
 

XIII

Tôi mở cánh cửa sổ nhìn ra những khu vườn nhỏ của các ngư dân xẻ lấn vào trong đá của núi Pausilippe và trong khoảnh đất của Margellina.

Một số tảng đá sa thạch màu nâu đã lăn vào tận các khu vườn này và rất gần nhà. Vài cây sung lớn, mà một nửa gốc bị đè dưới những tảng đá này, khi lớn lên đã vươn những nhánh màu trắng xoắn xít giữ lấy tảng đá và che phủ chúng bằng những chiếc lá lớn bất động. Từ phía này của căn nhà, tôi chỉ có thể nhìn thấy trong các khu vườn của những người nghèo này vài cái giếng bên trên có một bánh xe quay lớn do một con lừa kéo làm cho nước được múc lên và đổ vào các mương để tưới thìa là, những cây bắp cải èo uột và cây củ cải; tôi cũng thấy có những người đàn bà phơi đồ trên các dây thừng giăng từ cây chanh này qua cây chanh khác, những đứa nhỏ mặc sơ mi đang chơi hoặc khóc trên các sân thượng của hai hoặc ba căn nhà nhỏ màu trắng rải rác trong các khu vườn. Cái nhìn rất hạn hẹp, rất tầm thường và rất lợt lạt này về các vùng ngoại ô của một thành phố lớn như có vẻ thú vị đối với tôi khi so sánh với những mặt tiền nhà cao lớn của những con đường bị đóng khung sâu bên dưới và đám đông ồn ào của các khu phố mà tôi vừa rời bỏ. Tôi hít thở không khí trong lành thay vì bụi, lửa, khói của cái bầu không khí đầy người mà tôi đã hít thở.

Tôi nghe tiếng be be của lừa, tiếng gà gáy, tiếng xào xạc của lá, những lời than thở của biển thay vì tiếng bánh xe lăn của xe cộ, tiếng gọi lanh lảnh của dân chúng và cái tiếng ầm ầm như sấm động không dứt của tất cả các thứ tiếng động chát chúa không hề để cho tai một chút ngừng nghỉ và cho tâm trí được một phút êm dịu trong những đường phố của các thành phố lớn. 

Tôi không thể nào nhấc mình ra khỏi chiếc giường mà tôi đang khoan khoái tận hưởng ánh mặt trời, những tiếng động đồng quê, những cánh chim bay, một sự nghỉ ngơi hầu như không bợn chút suy tư, và sau đó, nhìn vào các bức tường trơ trụi, sự trống rỗng của căn phòng thiếu đồ đạc, tôi vui mừng khi nghĩ rằng ngôi nhà nghèo này ít ra cũng yêu thương tôi, cho dù không có thảm, giấy hoa, màn lụa là những thứ ít đáng được gắn bó. Tất cả vàng trên thế giới cũng không thể nào mua được dù chỉ là một nhịp đập của con tim hoặc một tia mắt dịu dàng trong cái nhìn của những kẻ dửng dưng. 

Những ý tưởng này nhẹ nhàng ru tôi trong lúc ngủ thiu thiu, tôi cảm thấy mình như được tái sinh trong sự khoẻ khoắn và sự bình an. Beppino đã nhiều lần vào phòng tôi để xem tôi có cần gì không. Nó mang đến trên giường của tôi bánh mì và nho mà tôi vừa ăn vừa ném hạt và vụn bánh cho chim én. Trời đã gần trưa. Ánh nắng mặt trời rọi những tia sáng tràn trề trong phòng của tôi với cái ấm áp dịu dàng của mùa thu khi tôi thức dậy hẳn. Tôi cố thuyết phục người ngư phủ già và bà vợ của ông ta để cho tôi được góp một phần tiền nhỏ vào khoản thuê căn phòng và phụ thêm vào các khoản chi tiêu trong nhà mà tôi sẽ trả hàng tháng. Đó chỉ là một số tiền nhỏ, nhưng những kẻ hào hiệp này lại nghĩ rằng quá lớn. Thay vì thấy họ tìm cách trục lợi tôi thì tôi lại thấy họ áy náy trong lòng vì cái nghèo và cuộc sống thanh đạm quá hạn hẹp của họ đã không cho phép họ tỏ tấm lòng hiếu khách mà họ sẽ tự hào hơn nếu tôi không cần phải chi tiêu gì cả. Họ đã tăng thêm lên hai ổ trong số bánh mì họ mua cho gia đình mỗi buổi sáng, một ít cá luộc hoặc chiên cho bữa ăn trưa và các sản phẩm sữa và trái cây sấy khô vào buổi tối, dầu thắp cho cây đèn của tôi, than để sưởi cho những ngày trời lạnh: đó là tất cả. Một vài đồng tiền đồng, tiền lẻ của người dân ở Naples, đủ cho chi phí hàng ngày của tôi. Chưa bao giờ tôi hiểu bằng lúc này là niềm hạnh phúc hoàn toàn độc lập với sự xa hoa biết bao, và chỉ với một xu nhỏ người ta có thể mua được nhiều hạnh phúc hơn là với một túi vàng, khi người ta biết tìm thấy nơi mà Thiên Chúa cất dấu nó. 
 

XIV

Tôi đã sống như thế này trong các tháng cuối thu và trong mấy tháng đầu mùa đông. Vẻ rạng rỡ và sự yên tĩnh của những tháng này ở Naples làm cho người ta dễ nhầm lẫn với những tháng trước đó. Không có gì làm rối loạn sự thanh bình đơn điệu của cuộc sống của chúng tôi. Ông già và cháu ông ta không đi lưới biển khơi nữa vì mùa này thường xuyên có những trận gió. Họ tiếp tục đánh cá dọc theo bờ biển, và cá họ đánh được bà cụ đem ra bán trên bến đủ cung cấp rộng rãi cho cuộc sống không có nhiều nhu cầu của họ.

Graziella đã rành nghề của mình; cô ta lớn lên và đẹp ra thêm trong cuộc sống nhẹ nhàng và ở trong nhà nhiều hơn kể từ khi cô làm nghề san hô. Tiền lương mà ông cậu mang lại đưa cho cô ta mỗi chủ nhật cho phép cô ta không những lo cho mấy đứa em được ăn mặc sạch sẽ và quần áo tươm tất hơn và gửi chúng đến trường, mà còn để cho bà nội và cho chính mình sắm sửa đôi chút trang phục đắt tiền và sang hơn, đặc biệt là những món đồ cho phụ nữ sống ở đảo của họ: những chiếc khăn lụa đỏ để buộc thả phía sau đầu thành một hình tam giác dài trên vai; những đôi giày không gót, được thêu cườm, mà người ta chỉ xỏ các ngón chân vào để mang; những chiếc áo cánh bằng lụa có sọc màu đen và màu xanh lá cây: những chiếc áo khoác hở tà có viền lất phất hai bên hông, để cho thấy từ phía trước cái thân hình thon thả và đường ngấn cổ đeo dây chuyền; và cuối cùng những đôi hoa tai lớn được chạm chỉ vàng đan kết với hạt ngọc trai. Những người phụ nữ nghèo nhất trong những hòn đảo Hy Lạp mang những quần áo và các đồ trang sức này. Dù túng quẫn cách nào họ cũng không thể nào loại bỏ chúng đi được.

Trong cái khí hậu mà cảm giác về vẻ đẹp mạnh mẽ hơn là ở dưới bầu trời của chúng tôi, và cuộc sống chỉ là tình yêu thì sự trang sức không phải là một sự xa hoa trong mắt của người phụ nữ: đó là cái nhu cầu đầu tiên và gần như duy nhất của họ. 
 

XV

Khi Graziella cũng phục sức như vậy vào ngày Chủ nhật và các ngày lễ, và đi từ phòng mình ra sân thượng, với vài bông lựu đỏ hoặc hoa hồng quế cài một bên đầu trong mái tóc đen của mình; khi lắng nghe chuông nhà thờ gần đó, cô ta đi qua đi lại ở phía trước cửa sổ phòng tôi như một con công lóng lánh ánh mặt trời trên mái nhà; khi cô ta kéo lê một cách uể oải đôi chân bị gò bó trong đôi hài cườm của mình và nhìn chúng, sau đó ngẩng đầu lên và ngửa cổ ra sau một cái theo thói quen để cho cái khăn lụa và làn tóc bồng bềnh trên vai của cô ta; khi cô ta nhận thấy tôi nhìn cô ta và hơi đỏ mặt như thể e thẹn vì thấy mình quá đẹp; đó là những lúc mà một nét rực rỡ mới trong vẻ đẹp của cô ta đập mạnh vào mắt tôi đến nỗi tôi tưởng như mình mới gặp cô ta lần đầu tiên, và sự thân mật thông thường với cô ta biến đổi thành một kiểu rụt rè và thán phục. 

Nhưng cô ta rất ít tim cách để làm lóa mắt người khác và bản tính tự nhiên về trang phục của cô ta lại muốn tránh xa mọi tính kiêu ngạo và làm đỏm, cho nên ngay sau khi lễ về, cô ta lại vội vã trút bỏ bộ trang phục đắt tiền và mặc lại cái áo khoác đơn giản bằng vải thô màu xanh lá cây, cái áo đầm vải bông có sọc đỏ và đen và chân mang đôi dép gót gỗ trắng, khua vang cả ngày trên sân thượng giống như tiếng giày hàm ếch khua lộp cộp của các phụ nữ nô lệ Đông Phương.

Khi các cô bạn trẻ của cô ta không đến tìm hoặc ông anh họ của cô ta không đưa cô ta cùng đi nhà thờ thì thường là tôi đưa cô ta đi và ngồi đợi cô ta ở bậc cấp mặt tiền nhà thờ lúc ra về. Vào lúc tan lễ, tôi nghe những lời thì thầm ngưỡng mộ mà khuôn mặt đáng yêu của cô ta đã gây ra trong số mấy người bạn cùng đi, và cho các chàng thủy thủ trẻ trên các bến cảng Margellina mà thấy riêng mình cũng có vẻ hãnh diện như thể cô ta là em gái hoặc vị hôn thê của mình. Nhưng cô ta thì không nghe thấy gì cả, và chỉ thấy tôi trong đám đông, mỉm cười với tôi từ trên bậc cấp đầu tiên, nhúng ngón tay của mình vào nước thánh làm dấu thánh giá lần cuối, và đôi mắt cúi, bước xuống một cách khiêm tốn những bậc cấp phía dưới nơi tôi đang chờ đợi.

Những ngày lễ cũng vậy, tôi đã đưa cô ta đi nhà thờ sáng và chiều, nguồn vui thú duy nhất và đạo đức mà cô ta biết và yêu thích. Vào những ngày đó, tôi đã cẩn thận ăn mặc sao cho thật giống cách trang phục của các thủy thủ trẻ của đảo, để cho sự hiện diện của tôi không làm cho người khác ngạc nhiên và người ta có thể nghĩ tôi là một người anh hay người bà con của cô gái trẻ được tôi đưa đón.

Những ngày khác cô ta không ra khỏi nhà. Về phần tôi, tôi đã dần dần trở lại nếp sinh hoạt học hỏi và thói quen đơn độc của tôi, chỉ lơ là bởi tình bạn nhẹ nhàng của Graziella và tình nghĩa của tôi trong gia đình cô ta. Tôi đọc các nhà viết sử, các nhà thơ của tất cả các ngôn ngữ. Đôi khi tôi cũng viết; tôi đã thử viết khi thì bằng tiếng Ý, lúc bằng tiếng Pháp, để thổ lộ qua văn xuôi hoặc lời thơ những xáo động đầu tiên của tâm hồn mà dường như cứ đè nặng trong tâm hồn cho đến khi được bộc lộ thành lời mới làm cho tâm hồn nhẹ bớt.

Hình như ngôn từ là sự tiền định duy nhất của con người và con người đã tạo ra nó để sản sinh ra tư tưởng, giống như cây sinh ra quả. Con người tự hành hạ mình cho đến khi nào những gì nó nung nấu bên trong được tạo tác ra bên ngoài. Ngôn từ viết cũng giống như một tấm gương mà con người cần để tự biết chính mình và để chắc chắn rằng mình tồn tại. Trong bao lâu con người chưa nhìn thấy mình trong các tác phẩm của mình, con người chưa hoàn toàn cảm thấy mình đang sống. Tinh thần cũng có tuổi dậy thì của mình giống như cơ thể.

Tôi đang ở độ tuổi mà tâm hồn cần tự nuôi dưỡng và tự sinh sản bởi ngôn từ. Nhưng bản năng lại tự nảy sinh trong tôi trước cả sức mạnh như vẫn thường xảy ra. Ngay sau khi tôi viết, tôi đã không hài lòng với công việc của tôi và tôi vứt bỏ nó với sự ghê tởm. Biết bao lần gió và sóng của vịnh Naples vào buổi sáng đã cuốn theo và nuốt chửng những mảnh cảm xúc và suy nghĩ trong đêmcủa tôi, bị xé bỏ trong ngày và bay đi xa hẳn tôi mà không hề hối tiếc! 
 

XVI


Đôi khi, Graziella thấy tôi cứ nhốt mình trong phòng và lặng lẽ hơn thường lệ nên đã lén vào phòng tôi để kéo tôi ra khỏi cái tật cắm cúi đọc sách hoặc chăm chú vào công việc của tôi. Cô ta bước đi không một tiếng động đến đằng sau ghế của tôi, khẽ nhón gót chân nhìn qua vai tôi mà không hiểu những gì tôi đọc hoặc viết; sau đó, bằng một cử động bất ngờ, cô ta giật lấy cuốn sách hay giành lấy cây bút trong các ngón tay tôi và bỏ chạy. Tôi hơi tức giận đuổi theo cô ta trên sân thượng, cô ta cười. Tôi tha thứ cho cô ta, nhưng cô ta thì nghiêm trách tôi, như thể một người mẹ trách con. 

"Cuốn sách này hôm nay nói gì với đôi mắt của anh lâu đến như vậy? cô ta thì thầm với một vẻ nửa nghiêm trang, nửa bông đùa. Bộ những dòng chữ  màu đen trên trang giấy cũ kỹ xấu xí này sẽ không bao giờ nói xong với anh sao? Bộ anh chưa biết đủ chuyện để kể cho chúng tôi mỗi chủ nhật và hằng đêm quanh năm sao, chẳng hạn như câu truyện đã làm cho tôi khóc rất nhiều ở Procida? Và anh viết cho ai hằng đêm những lá thư dài mà anh ném chúng cho gió biển vào buổi sáng? Anh không thấy là anh tự làm hại mình và người anh trở thành xanh mét và thờ thẫn khi anh viết hoặc đọc quá lâu sao? Bộ nói chuyện với tôi, kẻ nhìn vào anh, không ngọt ngào hơn là cứ trọn ngày này qua ngày khác nói với những dòng chữ hay những cái bóng không biết nghe này hay sao? Lạy Chúa! phải chi tôi cũng có được sự hiểu biết như những tờ giấy này! Tôi sẽ nói với anh hàng ngày và chính tôi sẽ nói cho anh biết bất cứ điều gì anh hỏi tôi, và anh sẽ không cần phải làm mờ đôi mắt của anh như vậy, và đốt cạn cả dầu trong đèn của anh. Sau đó cô ta giấu cuốn sách và những cây bút của tôi. Cô ta mang lại cho tôi chiếc áo khoác và chiếc mũ thủy thủ của tôi. Cô ta buộc tôi ra ngoài để cho tôi quên đi.

Tôi nghe lời cô ta, trong khi miệng lầm bầm, nhưng chỉ là vì yêu cô ta.

Nguyên tác  Graziella
Tác giả  ALPHONSE DE LAMARTINE  (1790-1869)
ÐOÀN VĂN KHANH dịch 
theo
nguyên văn tiếng Pháp


No comments:

Post a Comment