Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Monday, February 25, 2013

Rác

Phiếm luận

1.- CÓ NGƯỜI NÊN MỚI CÓ RÁC

Tôi không nhớ đã đọc được ở đâu câu định nghĩa: Con người là một sinh vật xả rác. Mới nghe qua tưởng chừng như đấy chỉ là câu nói đùa, nhưng nếu suy nghĩ kỹ sẽ thấy lời nói trên quả là chí lý. Chỉ có con người mới phân biệt cái gì là rác phải bỏ đi và cái gì là vật dùng được cần phải giữ lại. Rác được thu vén vào có chỗ cũng như vật dùng được cũng phải có nơi. Con người càng văn minh tiến bộ thì càng xả rác nhiều hơn và rác là một vấn đề tối quan trọng cần phải được giải quyết trong xã hội.

Tại nông thôn, con người sống tản mác, ít có những nhu cầu phức tạp nên rác không nhiều và cũng không hỗn tạp, do đó người nông dân có thể đem rác vun vào các gốc cây hay gốc bầu gốc bí cho tốt giây sai quả, hoặc cũng có thể dùng rác ủ thành phân bón để trồng trọt. Nhờ bằng phương thức này mà rác ở nông thôn được giải quyết nhanh gọn và không tạo ra vấn đề. Nhưng tại các thành phố là những nơi tập trung dân cư, rác thải ra cần phải được gom lại và có một chỗ chứa vì nếu như cứ để rác bừa bãi thì rác lại sẽ lẫn lộn với vật được dùng, vừa thiếu vệ sinh, vừa mất đi vẻ thẩm mỹ, và gây trở ngại vô cùng trong cuộc sống thường ngày của con người.

Muốn gom rác và chứa rác cho gọn trước khi đem đổ và khi muốn đem rác đi đổ, chúng ta cần phải có những phương tiện thích hợp, nên người ta đã làm ra cái chổi rác, cái giỏ rác, cái thùng rác và bao nhiêu thứ linh tinh nữa để dùng vào việc thu dọn rác. Người ta lại còn chế ra cả những loại xe chuyên dùng trong việc thu dọn rác mà chúng ta vẫn quen gọi một cách nôm na là xe rác. Do đó mà muốn giải quyết rác trong nhà, chúng ta có cái chổi rác, cái bao rác, cái thùng rác v.v...và để giải quyết rác cho một thành phố, một khu vực, chúng ta cần đến những cái xe rác, hố rác, bãi rác. Vậy thìø cái thùng rác, cái xe rác, hố rác v.v... đều là những cái được dùng và cũng là những cái cần thiết cho cuộc sống. Như vậy là liên hệ đến rác đã có những vật dụng.

Thành phố càng đông dân, khu vực càng rộng lớn thì lượng rác càng nhiều, bãi rác lại càng to và càng xa. Không phải ai cũng có thể tự mình mang rác từ nhà đến đổ tại bãi rác, hay không phải ai cũng có thể tự mình dọn dẹp rác, thí dụ như ở những nơi công cọng chẳng hạn, do đó đã nảy sinh ra một số công việc cố định. Cần phải có những người chuyên lo việc dọn dẹp rác, có những người chuyên lo việc gom rác và chở tới bãi rác để đổ. Những người chuyên làm những loại công việc này thường được gọi là lao công, là phu rác..., hay chúng ta cũng có thể gọi họ là những nhân viên phụ trách vấn đề vệ sinh, giữ sạch môi trường. Những người này đều được hưởng lương hay thù lao trong công việc. Như vậy là liên hệ đến rác đã có cả một nghề nghiệp.

Vì rác không phải chỉ là một vấn đề của cá nhân mà còn là của tập thể nên muốn giải quyết vấn đề cho có hiệu quả, cần phải có sự điều hành và tổ chức. Do đó mà chúng ta thấy phát sinh ra những bộ phận liên hệ như công ty rác, sở rác, ban Vệ sinh và Phòng dịch, cơ quan Nghiên cứu và Bảo vệ Môi trường v.v... chuyên lo giải quyết về rác hay là những vấn đề có liên quan đến rác. Ðây cũng là những bộ phận thiết yếu của một tổ chức xã hội văn minh và tiến bộ. Như vậy là liên hệ đến rác đã có cả một ngành.

Nhưng nếu như chỉ biết gom rác đổ vào bãi rác mà thôi chưa phải là giải quyết xong vấn đề. Con người càng văn minh thì lại càng xả rác nhiều, và con người càng sống tập trung thì lượng rác tại các bãi chứa rác càng to lớn và nếu không có phương thức giải quyết thỏa đáng và kịp thời thì theo với thời gian, lượng rác tích lũy sẽ lại tràn ngập môi trường sống của con người. Ngoài ra, con người càng văn minh thì nhu cầu càng cao và càng nhiều, do đó mức độ xử dụng tài nguyên càng phung phí, có thể đưa đến sự thiếu hụt. Và theo đà khoa học tân tiến, rác không phải chỉ là những vật thể dưới dạng cứng mà còn bao gồm cả những vật thể dưới dạng lỏng và dạng khí như các chất thải hóa học chẳng hạn. Do đó người ta đã nghĩ đến việc tái xử dụng rác như là nguyên liệu hay chế biến rác thành sản phẩm. Công việc thu hồi, tái sinh, tái chế biến này đòi hỏi máy móc, cơ sở hoạt động, những người có kiến thức chuyên môn cùng những người có tay nghề. Như vậy là liên hệ đến rác còn có cả một ngành khoa học và kỹ nghệ.

Nhưng rác là cái gì, hay nói một cách khác, cái gì là rác? Ðây mới là cái rắc rối vì rác tuy mang tính cách vật chất cụ thể nhưng lại không chỉ hẳn vào một vật cụ thể nào cả. Rác có thể là một mảnh giấy vụn, một mẩu bánh thừa, một cái ghế gãy, một cái máy hát cũ quá không còn dùng nữa, một căn nhà sập hay là cả một công trình đổ nát vì bom đạn hay thiên tai chẳng hạn. Nhưng cũng có khi có những vật chưa phải là thừa, chưa phải là cũ, chưa phải là hư, nhưng nếu chủ thể nhìn nó, coi nó như là rác thì nó cũng trở thành rác luôn. Nói tóm lại, bất cứ vật gì có mối tương quan được xử dụng đối với con người, đều có thể bị coi là rác, tùy theo cái nhìn của từng chủ thể.

Như vậy, để phân biệt rác với lại cái không phải là rác, chúng ta chỉ còn cách duy nhất là dựa vào tính khả dụng của từng vật theo cái nhu cầu chủ quan của mỗi người. Mà theo cách này thì có những vật đối với người này được coi là rác nhưng đối với một người khác lại là vật dùng được, hay ngược lại. Và nếu như cứ lập luận theo kiểu này thì cuối cùng chúng ta lại có thể rơi vào một kết luận có tính chất mâu thuẫn, vì chẳng còn cái gì để chúng ta có thể gọi là rác nữa cả.

Ðành rằng mỗi con người là một cá thể dị biệt nhưng biết sống thành xã hội nên cũng có nhiều điểm tương đồng, nhờ đó mà có thể ấn định được một số tiêu chuẩn chung dựa trên những nhu cầu chung, để có thể phân biệt sự vật xung quanh mình một cách gần giống nhau. Những tiêu chuẩn dùng để phân biệt này do xã hội mà có, được đa số trong xã hội mặc nhiên chấp nhận, do đó có tính cách tương đối, cùng thay đổi theo không gian và thời gian. Những trường hợp ngược lại chỉ là thiểu số và được coi như ngoại lệ. Vậy thì, cái gì đa số đồng ý cho là rác, thường được coi là rác. Chính vì thế mà rác hiện hữu, vấn đề tồn tại và con người cứ phải lo giải quyết hoài.

2.- SỐNG NHỜ RÁC

Nếu như mọi người đều hành xử theo thông lệ thì luận về rác cũng chẳng có gì để nói. Nhưng chính vì có một số người lại luôn luôn nhìn thấy trong rác cái dùng được mà rác trở thành nguồn sống cho họ và cũng là nguồn gốc của nhiều nỗi vui buồn trong xã hội loài người. Ca dao Việt nam có câu:

Râu tôm nấu với ruột bù
Chồng chan, vợ húp, gật gù khen ngon

Ruột bù tức là phần ruột của quả bầu, một loại rau quả dùng làm thức ăn rất thông thường của dân Việt nam. Tôi dùng từ bù thay cho bầu theo cách phát âm địa phương của người dân quê miền Nghệ Tĩnh để ăn vần với hai chữ gật gù của câu dưới, diễn tả được một xúc động tâm lý có tính gợi cảm hơn hai tiếng gật đầu chỉ mới diễn tả một động tác bình thường. Hơn thế nữa, câu ca dao này phải phát xuất từ cửa miệng một người dân Nghệ Tĩnh thì mới thật thấm thía ý nghĩa của câu nói. Ðiều này cũng không có gì lấy làm khó hiểu vì lẽ, vùng đất vẫn tự hào là địa linh nhân kiệt lại cũng là vùng đất nghèo nàn nhất của đất nước. Giai thoại Cá gỗ cũng là một câu chuyện khôi hài tiêu biểu cho tính khắc khổ của người dân vùng này.


Chắc có người sẽ thắc mắc khi thấy tôi đang luận về rác bỗng dưng lại nhảy qua bàn chuyện ca dao cổ tích. Thực tình tôi vẫn đang nói về rác và câu ca dao trên chính là một minh chứng cụ thể cho những điều phân tích về rác tôi đã nói ở phần đầu.

Như chúng ta đều biết, khi sửa soạn tôm làm thức ăn, chúng ta vẫn thường lặt bỏ hết vỏ đầu kèm theo tất cả râu ria của nó. Còn bầu thì chỉ khi nào còn thật non chúng ta mới ăn phần ruột, nếu hơi già một tí, hột bầu đã bắt đầu cứng thì chúng ta chỉ lấy phần cơm còn phần ruột không dùng. Râu tôm và ruột bầu bây giờ được gọi là rác. Hầu như mọi người đều nhìn nhận như vậy.
Nhưng cũng lại có những người mà niềm mơ ước duy nhất trong đời là làm sao có được bất cứ vật gì để chêm cho đầy cái bao tử lúc nào cũng cảm thấy đói mà không bị chết vì ngộ độc thì quả thật món râu tôm nấu với ruột bầu kia cũng đã là một món ăn ngon lành rồi. Như vậy là đối với những người này, râu tôm và ruột bầu không phải rác mà chính là thực phẩm. Kinh nghiệm này chắc chắn không phải chỉ những người dân quê nghèo đói của xã hội thời lạc hậu mới có mà ngay trong chúng ta, những ai đã từng bị tập trung cải tạo dưới chế độ cộng sản, cũng từng trải qua.Tôi biết có một lần, ở trại cải tạo Z.30C, có một con heo nọc ngã bệnh lăn ra chết, ban quản trại đã cho lệnh đem chôn, thế mà sau đó vẫn có vài anh em tù lén đào lên lấy thịt chén ngon lành.

Bất cứ xã hội nào dù là giàu mạnh, cũng luôn luôn có những người thiếu ăn. Ðồ ăn thừa của nhà giàu đổ đi, người nghèo vớt vát làm của ăn cho mình.Tại các nước nghèo và chậm tiến, nạn đói thường xảy ra thì không lạ gì cái cảnh một con người sắp chết đói, cố bươi trong đống rác để tìm cho mình bất cứ chút gì có thể cho vào mồm. Nạn đói khủng khiếp hồi năm 45 tại miền Bắc khiến cho hai triệu người chết vì thiếu ăn là một hình ảnh lịch sử hãi hùng ghi sâu vào tâm khảm mà mọi người dân Việt sẽ mãi mãi không quên. Kiếp người trong hoàn cảnh này vô tình đã tụt xuống ngang hàng với kiếp chó.

3.- NHỮNG VUI BUỒN TỪ RÁC


Tìm cái ăn trong rác như tôi vừa kể chỉ là hiện tuợng đặc biệt, nhưng tìm nguồn sống trong rác lại là một hiện tượng thông thường. Ðiều này cho thấy liên hệ đến rác còn vô số ngành nghề khác. Những người làm mấy nghề này không nhất thiết phải là chuyên nghiệp và thường không hưởng lương theo chế độ. Lợi tức có được là do nơi khả năng làm việc, do may mắn hay cũng có khi cần đến mánh lới riêng của mình.

Trước hết chúng ta hãy nói về cái nghề đơn giản nhất, đó là nghề lượm rác.Công việc của những người làm nghề này mang tính cách trái ngược với công việc của những người làm công tác vệ sinh bảo vệ môi trường. Người lượm rác tìm đến những chỗ có rác hay ngay tại những nơi rác đã được gom lại như thùng rác, đống rác, bãi rác v.v... để lấy lại từ rác những cái được cho là dùng được. Họ thường là những người không còn kiếm ra công việc làm ăn nào khác khá hơn, hoặc là những trẻ em con nhà nghèo. Tuy xã hội gọi nó là một nghề nhưng nghề này lại không cần đến kỹ năng hay là phải trải qua một khóa huấn nghệ nào cả. Người làm nghề này thường chỉ hành nghề với tính cách phụ, tạm thời hay bất đắc dĩ chứ không bao giờ muốn đeo đuổi nó suốt đời.

Nhiều người có lẽ nghĩ rằng nghề này chỉ riêng mấy xứ nghèo, người đông của khó mới có.Trong thực tế, ngay ở những nước tư bản tân tiến như nước Mỹ chẳng hạn, chúng ta vẫn thấy có những người đi lượm lon. Riêng tại mảnh đất từng có bốn ngàn năm văn hiến thì nghề này cũng đã có những thời kỳ phát triển một cách cực thịnh, thí dụ như thời quân đội Mỹ còn tham chiến ở đó.

Vào thời kỳ cao điểm của cuộc chiến tranh Việt nam, số quân Mỹ trú đóng tại miền Nam lên tới hơn nửa triệu. Nhu cầu tiêu thụ đồ ăn đồ dùng rất lớn. Hầu hết những nhu yếu phẩm này cùng những hàng hóa tiêu dùng khác được cung cấp từ Hoa kỳ và các xứ tư bản, và thường được đánh giá là loại sản phẩm có chất lượng cao. Mức độ tiêu thụ cao và trình độ người tiêu thụ cao thì lượng rác càng nhiều và càng có giá về mặt phẩm. Do đó mà rác Mỹ đã từng được đánh giá cao gấp hàng trăm lần rác nội địa, chẳng khác nào đồng đô la đem so sánh với đồng bạc Việt nam.

Cùng tăng theo cường độ của cuộc chiến là con số những người dân quê bị bứng ra khỏi thôn làng vì bom đạn và dồn về sống trong các trại tạm cư ở thành phố. Những người này không vốn liếng chuyên môn, không công ăn việc làm, thôi thì đành rủ nhau ra các bãi chứa rác của quân đội Mỹ thải ra để kiếm sống vậy. Ðám dân hành nghề này hầu như không vắng bóng lứa tuổi nào cả. Họ tranh nhau bươi cào, lượm lặt, không thua kém gì đàn gà. Ðôi khi niềm an ủi cũng đến với họ, đó là gặp ngày phước lớn được "thánh nhân đãi kẻ khù khờ", ban cho mớ đô la hay cái nhẫn vàng trong đống rác thì thật đúng là phút huy hoàng cho cuộc đời tăm tối.

Hoạt cảnh này tưởng chừng đã chấm dứt theo sự rút lui của quân đội Mỹ và sự kết thúc chiến tranh ở Việt nam, không ngờ sau 75 vẫn còn tái diễn, nhưng mang một màu sắc mới lạ hơn. Do đường lối lãnh đạo sai lầm và những chính sách bất công của đảng Cộng sản và Nhà nước Việt nam, nền kinh tế của Miền Nam trở nên kiệt quệ. Sản xuất yếu kém lại còn thêm vấn đề khan hiếm nguyên vật liệu trầm trọng, nên người ta quay ra khai thác các vật liệu phế thải trong rác. Về mặt xã hội thì nạn đói và nạn thất nghiệp tràn lan, đe dọa thường xuyên cuộc sống của con người. Do đó mà một lần nữa người dân lại đổ xô tới các bãi đổ rác của quân đội Mỹ trước đây để kiếm sống. Cuộc săn tìm vật liệu phế thải trong rác Mỹ này cũng ồ ạt không kém gì cuộc săn vàng ở Hoa kỳ thời mới lập quốc. Hễ biết được chỗ nào vốn là chỗ đổ rác của quân đội Mỹ trước đây là cả một đạo quân thất nghiệp tràn tới bằng xe đạp thồ, xe ba gác, xe cải tiến... cùng đua nhau đào bới, lượm lặt.

Theo thời gian, lớp rác cũ nay đã mục và lẫn vào đất. Những người đi tìm kiếm lượm lặt bây giờ không thể chỉ dùng tay không mà phải trang bị xà beng, cuốc xẻng, hoặc ít ra cũng là một con dao cùn để có thể xoi đào trong đất. Họ không kỳ vọng tìm thấy những vật dụng nguyên vẹn vì những vật như thế đã được lớp người của thời kỳ trước 75 nhặt nhạnh hết rồi. Cái mà họ nhằm tìm kiếm bây giờ là bất cứ cái gì có thể biến thành nguyên vật liệu, cho nên họ lượm lặt từ cái bao ni lông dơ, miếng bao bố rách, mảnh chai lọ vỡ cho đến viên đạn thúi hay có khi còn là cả một quả bom chưa nổ. Do tính chất nguy hiểm của một vài thứ rác thuộc loại này mà đôi khi tai nạn chết người cũng đã xảy ra.

Một nghề phụ nữa cũng liên hệ đến rác là nghề đi mua ve chai. Nghề này có lẽ phát triển cũng đã lâu, vì ngay từ thời Tây mới qua cai trị xứ Nam kỳ đã có một người từ bên Tàu qua với hai bàn tay trắng nhưng đã nhờ làm nghề này mà trở nên giàu có và nổi tiếng, khắp Sàigòn Chợ lớn ai cũng biết, đó là chú Hỏa.

Ðiểm khác biệt giữa nghề ve chai và nghề lượm rác là người mua ve chai không trực tiếp thu lượm những món phế thải từ đống rác hay bãi rác mà phải bỏ tiền ra mua lại những thứ này từ người lượm rác hay chính từ nơi chủ nhân của những món phế thải đã gom góp để dành bán cho ve chai kiếm thêm chút tiền cải thiện kinh tế gia đình. Sau đó dân ve chai mới đem những thứ đã mua được bán lại cho chủ vựa ve chai. Lợi tức kiếm được trong công việc là dựa trên sự chênh lệch về giá cả mua vào và giá bán lại cho chủ vựa, do đó người làm nghề này cần có chút vốn liếng nhỏ và chút kinh nghiệm về nhu cầu và giá cả ve chai trên thị trường. Họ thường hay gánh đôi giỏ cần xé đi lang thang khắp hang cùng ngỏ hẻm của phố phường, thỉnh thoảng lại rao lên hai tiếng "ve chai" rất quen tai đối với dân thành phố.

Cũng có một số người chỉ đi tìm mua một vài thứ cá biệt thí dụ như vỏ chai không rượu ngoại quốc, lọ không và hộp vỏ thuốc nhuộm tóc Bigen của Nhật, vỏ hộp không kem thoa mặt Thái lan v.v... hoặc những thứ chai, hộp, bao bì không của một số sản phẩm ngoại quốc mà các cơ sở sản xuất hàng giả mạo cần đến. Những người làm nghề này thường làm việc với tính cách ngắn hạn và phải biết ăn chịu với các cơ sở chuyên sản xuất hàng giả mạo trước khi hành nghề. Nhìn chung, đạo quân tham gia vào các ngành nghề ve chai này đã lên tới con số kỷ lục sau ngày chế độ cộng hòa tại Miền Nam sụp đổ, và nếu như chúng ta thử tò mò làm một bản phân tích về thành phần xuất thân hay là trình độ học vấn và năng lực của những người tham gia vào đạo quân này, chúng ta mới có thể nhìn thấy rõ cái phức tạp của xã hội vào thời kỳ này.

Cùng trong nghề ve chai nhưng công việc làm ăn mang tính cách quy mô hơn, đó là những người chủ vựa ve chai. Họ cần phải có vốn, có cơ sở làm ăn để thu mua đủ thứ tạp vật từ dân ve chai gánh gánh, đem sắp xếp và phân loại để bán lại cho các cơ sở chế biến nguyên liệu hay sản xuất hàng tiêu dùng. Tuy cùng chung một nghề, cùng làm một công việc thu mua những thứ phế thải lấy ra từ rác để bán lại kiếm lời, nhưng giới chủ vựa không phải lao động vất vả như dân đi mua ve chai hằng ngày. Lợi tức mà họ thu được cũng cao hơn gấp bội vì họ có vốn lớn. Về mặt xã hội, họ cũng có chút địa vị hơn hẳn giới ve chai lội bộ, và khi cần phải kê khai lý lịch nghề nghiệp, họ có thể dùng từ kinh doanh hay khai thác phế liệu thay cho từ "buôn ve chai" vừa kém thanh nhã, vừa mang tính bóc lột.

Bên cạnh số chủ vựa ve chai chuyên làm trung gian thu mua từ đám ve chai lẻ tẻ để cung cấp hàng loạt cho các cơ sở chế biến sản xuất, còn có một số vựa khác chỉ nhằm thu mua các loại vật dụng phế thải rồi để nguyên như vậy hoặc có khi cũng tân trang hay đánh bóng lại đôi chút để sau đó bán lại cho kẻ cần dùng mà ít tiền hoặc có tính ham rẻ. Danh từ dùng để gọi riêng giới này là giới lạc xoong. Tuy giới tiêu thụ ham rẻ thuờng tới đây, nhưng nếu chúng ta thử tò mò tìm hiểu giá mua vào và giá bán ra của cùng một món đồ, đôi khi chúng ta phải cúi đầu bái phục cho cái tài thao túng giá cả của mấy ông bà chủ tiệm lạc xoong. Từ một vật bị sở hữu chủ ban đầu coi là phế thải cho vào rác, qua tay người mót lặt trở nên có chút giá trị ve chai, đến lúc vào nằm trong cửa tiệm lạc xoong, vật trở lại giá trị của một vật dụng. Ðúng là một cái vòng lẩn quẩn.

Người ta cũng có thể dựa vào nguồn rác để khai thác thành thực phẩm, không phải cho người mà cho gia súc, cho nên nảy sinh thêm cái nghề gọi nôm na là nghề đổi cơm heo, chuyên đi lấy đồ ăn thừa đổ đi của các cửa hàng ăn uống, hoặc đi gom các thứ đầu tôm ruột cá và các loại rau cải thúi héo bỏ đi từ các chợ đem về làm thực phẩm nuôi heo gà. Ðúng ra đây không phải là một nghề riêng rẽ mà thường là một trong những công việc phải làm của những người làm nghề chăn nuôi theo kiểu gia đình.

Nói đến đây tôi lại nhớ câu chuyện xảy ra ỏ trại tập trung Suối Máu. Một cải tạo viên được chỉ định trông nom mấy con heo của đám cán bộ. Công việc hằng ngày của anh này là lo cho heo ăn và tắm rửa heo cho sạch sẽ. Anh này được phép vào nhà bếp dành nấu ăn cho cán bộ để gom cơm cháy và các thức dư thừa để nuôi heo. Thay vì đem hết những thứ đã gom được cho vào nồi cháo heo, anh cải tạo viên này đã cố gắng tuyển lựa lại vài miếng cơm cháy chưa đến nỗi quá khét hay vài cọng rau già bỏ vào "gô" riêng (cái lon nhôm của hiệu sữa Guigoz được người ta dùng để đựng thức ăn) để cải thiện bữa ăn của chính mình. Một ngày nọ, anh ta bị cán bộ bắt gặp đang dấu mấy mẩu cơm cháy vào gô. Thế là anh cải tạo viên đó bị bắt làm tự thú và bị đem ra đấu tranh phê bình kiểm điểm trước toàn thể trại viên để nêu gương học tập. Giữa hội trường, cán bộ quản giáo đã kết tội anh cải tạo viên kia là: "...vẫn chưa từ bỏ bản chất bóc lột, trước đây quen thói bóc lột cơm áo của nhân dân, nên ngày nay mới có hành động bóc lột cơm cháy của heo..."

Ngoài ra cũng có một số người dựa vào rác để làm ăn thí dụ như các nhà thầu đổ rác. Những người này không hề phải lao động bằng chân tay mà thường là những kẻ ngồi mát ăn bát vàng, có tiền và thế lực, và còn phải có cả mánh lới nữa. Công việc chính thức của họ là ký tên vào bản hợp đồng nhận trách nhiệm thanh toán rác của một cơ quan, một đơn vị hay một khu vực nào đó. Còn công việc phụ nhưng lại rất quan trọng (không phải là chuyện trực tiếp đem rác đi đổ vì công việc này đã có những công nhân chuyên nghiệp mà họ thuê đứng ra làm rồi) là làm sao cho trong số rác đó có thật nhiều rác loại đặc biệt, và lo tìm cách tiêu thụ các thứ rác đặc biệt ấy sao cho không bị cảnh sát hay cơ quan an ninh khám phá. Chẳng thế mà thời Mỹ còn đóng quân ở Việt nam chúng ta đã từng thấy có những chiếc xe rác từ căn cứ Mỹ chạy ra, không đi thẳng đến bãi chứa rác mà lại ghé vào một nơi khuất nẻo và đổ ra nào là tivi, tủ lạnh, máy móc...cho đến đầy đủ các thứ rượu bia, nước ngọt, thực phẩm đóng hộp hay đông lạnh còn nguyên thùng. Xã hội đôi khi tặng cho họ cái danh hiệu là Vua Rác.

Cái nghề này tưởng chừng khó có thể mà tồn tại ở các quốc gia theo chế độ xã hội chủ nghĩa, nhưng thực tế lại trái ngược hẳn. Có điều dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, những cái tên như nhà thầu, dân chạy áp phe,...mang tính chất bóc lột của xã hội tư bản đã được thay thế bằng những cái tên mới như là giám đốc xí nghiệp, quản đốc nông trường hay chủ tịch ủy ban thanh lý thứ này thứ nọ v.v...nghe văn minh tiến bộ và nghe có vẻ cách mạng hơn. Nói tóm lại, rác là một cái gì khách quan nhưng lại hoàn toàn tùy thuộc vào cái nhìn chủ quan của chủ thể khi hướng về ngoại vật qua tương quan lợi ích cá nhân, do đó mà rác hay không là rác cũng thay đổi tùy theo cách nhìn, lúc nhìn và nơi nhìn. Và cho dù rác được hiểu theo nghĩa cái bỏ đi, cái đã mất hết giá trị nổi, rác vẫn còn mang một giá trị tiềm tàng. Cho nên chúng ta cũng đừng lấy làm ngạc nhiên khi thấy có vài dân tỵ nạn cộng sản khi mới đặt chân lần đầu tiên đến đất Hoa kỳ, nhìn cái thùng rác xứ Mỹ đã buột miệng than thầm: "Ôi! Cả một gia tài bị lãng phí ".

Luận về rác thì vô cùng không bao giờ xong, cũng giống như rác không bao giờ hết. Tôi xin tạm ngưng ở đây để sẽ trở lại bàn về rác qua khía cạnh rác rưởi, hay nói một cách khác, rác trên bình diện đạo đức và siêu hình. Ông cha ta chẳng đã từng để lại cho chúng ta một câu tục ngữ rất chí lý đó sao : "Xem bói ra ma, quét nhà ra rác."  

ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment