TRUYỆN KỂ CỦA MỘT CẬU BÉ VÙNG
ALSACE
Buổi sáng hôm đó, tôi thức dậy quá trễ để đi học, và tôi rất lấy
làm lo sợ sẽ bị quở trách, nhất là thầy M. Hamel đã dặn chúng tôi là thầy sẽ hỏi
bài chúng tôi về phần văn phạm, mà tôi thì chưa thuộc lấy một chữ. Có một lúc
tôi đã nảy ra cái ý tưởng trốn học và bỏ chạy ra đồng chơi. Bầu trời lại quá ấm
áp, quá trong trẻo, người ta nghe cả tiếng những con chim sáo hót ở bìa rừng, và
trong sân cỏ Rippet đàng sau xưởng cưa, bọn lính Phổ đang tập thao diễn. Tất cả
những cái đó cám dỗ tôi hơn là bài học về quy tắc của các phân từ, nhưng tôi đã
cố cưỡng lại, và tôi chạy thật nhanh đến trường.
Khi chạy ngang qua trước tòa xã trưởng, tôi thấy có một số người
dừng lại trước cái bảng nhỏ niêm yết các thông báo. Từ hai năm nay, chính từ cái
chỗ này đã mang lại cho chúng tôi toàn những tin tức bất lợi, những cuộc thất
trận, những vụ trưng tập, những mệnh lệnh chuyển giao quyền hành, và tôi suy
nghĩ trong khi không dừng lại:
«Lại còn chuyện gì nữa đây?» Và trong khi tôi chạy băng qua
quảng trường thì thấy bác phó rèn Wachter đứng ở đó với chú thợ tập sự đang đọc
thông báo, nói lớn lên với tôi:
«Đâu có cần vội vã như thế, cậu bé; cậu vẫn kịp đến trường còn
sớm chán!» Tôi nghĩ là bác ấy chế nhạo tôi, và tôi chạy đến thở hổn hển khi vào
tới cái sân nhỏ của thầy Hamel.
Thường lệ, mỗi lần lớp học bắt đầu là cả một sự huyên náo đến
nỗi người ngoài đường cũng nghe thấy tiếng mở, đóng các hộc bàn, tiếng đồng loạt
đọc ôn lại các bài vở mà ai nấy cũng cất giọng thật lớn trong khi hai tay bịt
tai lại để cho mình học có hiệu quả hơn, và cây thước kẽ lớn của thầy giáo thì
cứ gõ trên các bàn học.
«Im lặng một chút nào!» Tôi toan tính dựa vào cái lúc đang lộn
xộn đó để lẻn vào chỗ ngồi mà không bị ai bắt gặp; nhưng đúng vào ngày hôm ấy,
tất cả đều yên lặng giống như một buổi sáng Chủ nhật. Qua khung cửa sổ mở, tôi
nhìn thấy các bạn tôi đều đã ngồi yên chỗ, và thầy Hamel thì đang đi qua đi lại
với cây thước kẽ bằng sắt trong tay. Phải mở cửa và đi vào giữa sự hoàn toàn yên
tịnh này, bạn thử nghĩ xem, tôi sẽ xấu hổ và sợ hãi đến độ nào!
Nguy to rồi! không! Thầy Hamel nhìn tôi không hề giận dữ và nói
với tôi một cách rất dịu dàng: «Hãy về chỗ ngồi của con nhanh lên, chú bé Franz
của ta; lớp học sắp bắt đầu mà không có con. »
Tôi choàng chân qua chiếc ghế dài và lập tức ngồi xuống ngay bàn
mình. Chỉ đến lúc đó tôi mới hơi bớt sợ. Tôi nhận thấy là thầy giáo của chúng
tôi mặc cái áo lễ phục màu xanh lục, cổ xếp nếp kỹ lưỡng, và chiếc quần lụa đen
viền rua mà ông ta chỉ mặc vào những ngày trường có cuộc thanh tra hay lễ phát
thưởng. Ngoài ra, tất cả lớp đều mang một vẻ rất khác thường và trang trọng.
Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên nhất, đó là thấy ở đàng cuối lớp, trên mấy chiếc
ghế dài thường ngày vẫn để trống, mấy nhân vật đại diện trong làng đang ngồi yên
lặng như chúng tôi, cụ già Hauser với cái mũ vành ba góc của ông ta, ông cựu xã
trưởng, viên cựu bưu tá, và còn nhiều bô lão khác nữa. Tất cả những người đó đều
lộ vẻ âu sầu; và ông lão Hauser còn mang theo cả quyển sách học vần cũ đã sờn
tận gáy mà ông lão đặt mở rộng trên đầu gối với đôi kính mắt nằm ngang trên
trang sách.
Trong khi tôi còn ngạc nhiên về tất cả những điều ấy, thầy Hamel
đã bước lên bục ngồi của mình, và cũng bằng một giọng dịu dàng và trầm ấm mà
thầy đã tiếp tôi, nói với chúng tôi :
«Hỡi các con, đây là lần cuối cùng thầy dạy các con học. Lệnh từ
Bá linh truyền ra là chỉ được dạy tiếng Đức trong các trường học của các vùng
Alsace và Lorraine... Thầy giáo mới sẽ đến vào ngày mai. Hôm nay là lớp học bằng
tiếng Pháp cuối cùng của các con. Thầy xin các con hãy tỏ ra thật chăm chỉ.»
Mấy lời này làm đảo lộn tâm trí tôi. Than ôi! những kẻ đáng
thương, đó là những gì mà người ta đã niêm yết trong thông báo ở tòa xã trưởng.
Bài học tiếng Pháp cuối cùng của tôi!... Và tôi thì chỉ vừa mới
biết viết chút đỉnh! Vậy là tôi sẽ không bao giờ được học nữa! Vậy là phải ngưng
lại tại đó!...
Lúc này tôi mới thấy hối hận về thời gian đã đánh mất, những lần
trốn học để đi bắt tổ chim hoặc là đi chơi trượt ở Saar! Những quyển sách mà vừa
rồi tôi hãy còn cảm thấy quá buồn chán, quá nặng nề để mang theo, quyển văn
phạm, quyển lịch sử thần thánh, bây giờ lại giống như những người bạn cũ đối với
tôi, làm cho tôi rất đau lòng khi phải từ bỏ. Cả với thầy Hamel cũng thế. Ý nghĩ
thầy sẽ phải ra đi, rằng tôi sẽ không còn gặp lại thầy nữa làm tôi quên hết
những hình phạt, những ngọn roi. Tội nghiệp cho thầy quá!
Chính vì để vinh danh buổi học cuối cùng này mà thầy đã đóng bộ
y phục ngày chủ nhật lên người, và bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao các bô lão của
làng đã đến ngồi ở cuối phòng. Hình như điều ấy nói lên là họ hối tiếc đã không
đến đây, đến ngôi trường này thường xuyên hơn. Đó cũng là một cách để cám ơn
người thầy giáo của chúng tôi đã bốn chục năm hành nghề một cách tốt đẹp, và để
làm tròn nghĩa vụ đối với tổ quốc sắp sửa...
Tôi đang suy nghĩ đến đây thì nghe gọi đến tên mình. Đã đến lượt
tôi trả bài. Chẳng phải tôi đã được học hàng bao nhiêu lần để có thể đọc một
mạch cái quy tắc của các phân từ thật lớn tiếng, thật rõ ràng, không vấp váp một
chữ. Nhưng vừa vào câu đầu tiên là tôi đã bị rối trí, và tôi đứng chết trân
người tại chỗ ngồi của mình, lòng buồn bực, không dám ngửng đầu lên. Tôi nghe
thầy Hamel nói với tôi:
«Thầy không trách mắng con đâu, bé Franz à, con đã bị trừng phạt
đủ rồi... Ngày nào người ta cũng tự bảo mình: “Chà! Tôi còn nhiều thì giờ mà.
«Ngày mai» tôi sẽ học.» Và rồi thì con đã thấy cái gì đến… Ôi! Thật là điều đại
bất hạnh cho xứ Alsace của chúng ta luôn luôn gác lại việc học hành cho ngày hôm
sau.
Bây giờ thì những kẻ bên kia đã có quyền nói với chúng ta: «Lạ
nhỉ! Các anh cho rằng các anh là người Pháp, thế mà các anh không hề biết đọc
hay viết thứ ngôn ngữ của các anh!»
Tất cả chúng ta đều có lỗi để trách về phần mình. Nào là cha mẹ
các con đã không để ý lo cho các con học hành đến nơi đến chốn. Họ thích cho các
con đi làm đồng hoặc ở các nhà máy chỉ sợi để có thêm chút đỉnh tiền nong. Chính
ta đây cũng thế, chẳng lẽ ta đây không có gì đáng trách sao?
Chẳng phải là ta hay bắt các con đi tưới vườn cho ta thay vì lo
học? Và khi ta thích đi câu cá hồi, chẳng phải là ta đã cho các con được nghỉ
học đó sao?...» Thế là, từ chuyện này sang chuyện khác, thầy Hamel bắt đầu nói
cho chúng tôi nghe về ngôn ngữ Pháp, nói rằng đó là thứ ngôn ngữ hay nhất thế
giới, trong sáng nhất, vững vàng nhất mà chúng tôi phải gìn giữ cho mình và đừng
bao giờ quên, bởi vì, khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ mà vẫn còn duy trì được
ngôn ngữ của mình thì chẳng khác nào họ vẫn nắm được cái chìa khóa mở cửa nhà tù
của mình...
Rồi thầy lấy một quyển văn phạm và đọc bài cho chúng tôi. Tôi
rất ngạc nhiên thấy mình như hiểu ra được cả. Tất cả những gì thầy nói hình như
đâm ra dễ dàng đối với tôi. Tôi cũng nghĩ rằng chưa bao giờ tôi chú tâm nghe đến
thế, và ngay cả thầy cũng chưa bao giờ lại kiên nhẫn cắt nghĩa bài học kỹ như
thế. Có thể nói là trước khi rời khỏi nơi đây, người thầy đáng thương muốn
truyền cho chúng tôi tất cả sự hiểu biết của ông ta, nhồi hết vào trong đầu
chúng tôi trong một lần. Bài học chấm dứt, mọi người chuyển qua tập viết. Để
chuẩn bị cho ngày hôm đó, thầy Hamel đã soạn sẵn cho chúng tôi những bài mẫu
hoàn toàn mới được viết toàn bằng nét chữ đậm đẹp:
«Pháp, Alsace, Pháp, Alsace». Cái đó làm thành như những lá cờ
nhỏ phất phới xung quanh toàn lớp học, được treo nơi những chiếc bàn học của
chúng tôi.
Phải nhìn xem mới thấy mỗi người đều chăm chỉ đến độ nào, và yên
lặng biết bao! người ta chỉ nghe thấy tiếng ngòi viết sột soạt trên giấy. Có một
lúc có mấy con bọ rầy bay vào, nhưng không ai chú ý đến cả, ngay cả những trò
nhỏ nhất cũng đang tập đồ những nét sổ với cả tấm lòng, một ý thức, như thể
những cái đó cũng hãy còn là của Pháp... Trên mái nhà của ngôi trường những con
chim bồ câu đang rúc khe khẽ, và tôi tự bảo trong khi nghe chúng rúc: «Phải
chăng người ta lại không sắp sửa bắt chúng, mấy con chim đó, cũng phải gáy bằng
tiếng Đức?» Thỉnh thoảng, khi ngước mắt nhìn lên khỏi trang sách, tôi thấy thầy
Hamel ngồi bất động trên chiếc ghế và nhìn đăm đăm vào những đồ vật quanh mình,
như thể thầy muốn mang theo trong cái nhìn đó tất cái mái trường bé nhỏ của
mình...
Thử nghĩ xem! từ bốn chục năm nay, ông ta đã ngồi tại đó, cùng
một chỗ, với khoảng sân trước mặt và cái lớp học luôn luôn giống nhau của ông
ta. Chỉ có điều là những chiếc ghế dài, những chiếc bàn học đã nhẵn bóng lên vì
sự cọ xát do xử dụng lâu ngày; những cây giẻ gai trong sân đã lớn, và những dây
hốt bố do chính tự tay ông ta trồng trong sân bây giờ đã đâm nhánh viền theo các
khung cửa sổ lên đến tận mái nhà. Thật là đau lòng biết mấy cho con người hiền
lành này khi phải từ bỏ tất cả những cái đó, và nghe tiếng đi lại của người em
gái đang xếp hành lý vào các rương hòm ở căn phòng phía trên. Tại vì ngày mai họ
phải lên đường, rời khỏi nơi đây mãi mãi. Tuy thế, thầy vẫn đủ nghị lực để dạy
cho chúng tôi đến cuối lớp.
Sau bài tập viết, chúng tôi qua bài học lịch sử; tiếp đó những
trò nhỏ cùng ê a đánh vần những chữ BA BE BI Bo Bu. Tận phía cuối lớp, cụ già
Hauser cũng đeo kính lên và, hai tay cầm quyển sách học vần của mình, cụ đánh
vần theo với chúng. Người ta thấy cụ cũng chăm chỉ, giọng run run vì xúc động,
nghe thật là khôi hài đến nỗi tất cả chúng tôi cùng cảm thấy nửa như muốn cười
nửa như muốn khóc. Ôi! tôi sẽ nhớ mãi cái buổi học cuối cùng này...
Thình lình, chiếc đồng hồ lớn của ngôi nhà thờ điểm giờ giữa
trưa, rồi tiếng kinh Truyền tin. Cùng lúc ấy, tiếng kèn của quân Phổ kéo về sau
cuộc diễn tập vang lên ngoài cửa sổ lớp của chúng tôi... Thầy Hamel đứng lên,
tái người đi nơi ghế của mình. Chưa bao giờ tôi thấy thầy cao cả như vậy.
«Hỡi các bạn, thầy nói, các con, thầy... thầy...»
Nhưng có một cái gì đó làm cho thầy nghẹn ngào. Thầy không thể
nào nói hết câu.
Sau đó thầy quay lại cái bảng đen, lấy một viên phấn, và đè hết
sức mạnh để viết bằng nét chữ thật lớn hết mức:
«NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM!»
Rồi thầy thừ người ra đó, đầu tựa vào tường và không nói một
lời, thầy dùng tay ra hiệu cho chúng tôi:
«Lớp học mãn rồi... các con ra về đi.»
Nguyên tác: LA DERNIÈRE CLASSE
[CONTES DU LUNDI]
Tác giả ALPHONSE DAUDET [1840-1897]
[CONTES DU LUNDI]
Tác giả ALPHONSE DAUDET [1840-1897]
ÐOÀN VĂN KHANH dịch
No comments:
Post a Comment