Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Friday, May 10, 2013

Đà Lạt: Khung Trời Kỷ Niệm

Biên Khảo 

Ðà lạt năm nay vừa tròn 100 tuổi (1893-1993). Thành phố Ðà lạt cũng có cuộc sống riêng của nó. Một thế kỷ qua Ðà lạt chào đời, phát triển, phồn thịnh như một cô gái xuân đài các, bây giờ bước vào giai đoạn suy tàn.


NGUYỄN THÔNG HAY YERSIN, AI  ÐÃ TÌM RA VỊ TRÍ  ÐÀ LẠT?

Ðúng 100 năm trước, vào lúc 3 giờ chiều ngày 21-6-1893, vừa từ một khu rừng rậm chui ra, bác sĩ Yersin và đoàn thám hiểm ngạc nhiên đến sững sờ trước một khung cảnh thiên nhiên kỳ thú mà họ chưa bao giờ nhìn thấy trước đó. Trong nhật ký, bác sĩ Yersin đã ghi lại: "Một cao nguyên rộng lớn, không cây cối, đó đây thấp thoáng những trái đồi thấp, phủ một lớp cỏ xanh mịn màng".

Vào năm 1905, một du khách người Anh có dịp đật chân đến Ðà lạt, đã ghi lại khung cảnh thành phố buổi sơ khai: "Nhiều đồi núi thấp nằm trên một diện tích rộng lớn, không cây cối, chỉ phủ một lớp cỏ ngắn. Tất cả cùng một cao độ, tựa hồ như những đợt sóng màu xanh nhấp nhô. Ở chính giữa, đỉnh Lâm viên vượt lên như một hòn đảo lởm chởm. Ðăng kia (Dankia) nằm dưới chân dãy núi ấy, ở phía bên kia cao nguyên. Cao nguyên thật yên tĩnh và mát mẻ, không dốc đứng, không một bụi rậm. Trong các thung lũng hẹp là những rừng thông nằm xen giữa những ngọn đồi."

Mới đây, bên nhà, trên tạp chí Du Lịch Lâm Ðồng, tác giả Nguyễn Diệp có viết bài "Ai là người đầu tiên thám hiểm và tìm ra Ðà lạt?" nêu lên ý kiến cho rằng chính Nguyễn Thông (1827-1884) trong khi làm chức Dinh điền sứ đóng ở Bình thuận, đã có lần lên thăm vùng rừng núi cao nguyên Lâm viên ngày nay. Ông tìm ra vị trí Ðà lạt 25 năm trước khi bác sĩ Yersin đật chân tới.

Bài viết có vẻ là một phát kiến mới lạ, làm thỏa mãn tự ái người Việt, nhưng thiều những bằng chứng xác thực. Dù cho sau này chúng ta có thể tìm được thêm những chứng cớ nào đáng tin cậy hơn nữa để kết luận Nguyễn Thông là người đã khám phá cao nguyên Lâm viên, cũng không quan hệ đến sự ra đời của đô thị này. Cho dù Nguyễn Thôngtrong lúc làm Dinh điền sứ lo việc khẩn hoang có đến cao nguyên Lâm viên thực sự, rồi sau đó báo cáo về triều đình nhà Nguyễn, thì việc thực hiện công cuộc di dân lên khai phá, đặt nền tảng cho một đô thị như Ðà lạt hiện nay cũng không thể nào có được. Các khái niệm về thành phố nghỉ mát, trung tâm điều dưỡng, phải đợi người Pháp du nhập. Ngoài người Tây phương, không triều đại nào ở nước ta có thể thực hiện được.

Các thế kỷ trước khi chinh phục các quốc gia nhiệt đới làm thuộc địa, người Âu châu thường gặp phải vấn đề khí hậu oi bức so với đất nước họ. Hàng năm, các công chức thuộc địa phải về chính quốc để nghỉ hè. Việc ấy rất tốn kém thì giờ và tiền bạc. Chính vì lẽ đó mà người Anh lập thành phố Darjeeling ở Ấn độ,người Mỹ lập Baguio ở Philippines, người Hoà lan lập Bogor, rồi Thái mở rộng Chiengmai, và Pháp ở Ðông dương tìm kiếm những vị trí trên núi cao mát mẻ như Sapa, Tam đảo, Bạch mã, Bà ná, và Ðà lạt ở Việt nam ra đời.

Ðà lạt được khai sinh dưới thời Toàn quyền Paul Doumer. Khi đọc báo cáo của bác sĩ Yersin về cao nguyên Lâm viên, Doumer tỏ ra thích thú. Trong một chuyến du hành bằng ngựa từ Bắc vào Nam, Toàn quyền Paul Doumer đã yêu cầu bác sĩ Yersin dẫn mình đi quan sát địa điểm nói trên. Ðến nơi, thấy địa thế lý tưởng, khung cảnh mát mẻ, Doumer tỏ ra hài lòng. Về Hà nội, Paul Doumer liền ký sắc lệnh thành lập đô thị nghỉ mát Ðà lạt.

Một nhà nghiên cứu khác có mặt rất sớm ở Ðà lạt, đã viết trong một hồi ký nhan đề Connaissance de Dalat như sau: "Ở nơi hồ nước, có dòng suối của bộ tộc Lat chảy qua, người ta gọi là Dalat." 


Lúc đó thác Cam ly (ở cuối đường Yersin trước năm 1975) là một dòng suối nhỏ, mùa mưa nước chảy khá mạnh. Tên Cam ly ngày nay bắt nguồn từ tên người tù trưởng bộ lạc Koho. Ông ta tên là K'mly, sau khi chết, bộ lạc này dùng tên ông mà đật tên cho con suối đó mà họ xem như là quê hương của người Koho ở cao nguyên Lâm viên. Về sau người Việt đọc trại thành Cam ly. Trong một tấm bưu ảnh hồi thập niên 1950 chụp thác Cam ly, phía dưới có hai câu thơ:

Cam ly nước chảy về đâu?
Cho ta nhắn gửi mối sầu cố hương.

Thác Cam ly trở thành một thắng cảnh để du khách thăm viếng bắt đầu từ năm 1912. Nằm trên ngọn đồi lộng gió gần đó là lăng ông bà Nguyễn Hữu Hào, tức ông bà Quận công Long Mỹ, nhạc phụ hoàng đế Bảo Ðại. Ông Hào là một người theo đạo công giáo, có quốc tịch Pháp, người quê ở Gò công, có nhiều đồn điền ở Ðà lạt, Cầu Ðất. Ông Hào là rể của ông Huyện Sĩ, thân phụ bà Nam Phương hoàng hậu, mất năm 1939. Trong các bài "Hoàng Triều Cương Thổ", "Nam Phương Hoàng Hậu", chúng tôi có nhắc đến chi tiết này, nay xin miễn kể thêm.

Con đường nối liền cao nguyên Lâm viên với đồng bằng Phan rang hoàn tất năm 1899, chỉ dùng cho voi, ngựa chở đồ và người đi bộ. Năm 1912 ngôi chợ đầu tiên Ðà lạt được xây cất bằng gỗ, ngay vị trí rạp hát Hòa bình bây giờ. Năm 1936 chợ Hoà bình mới với hình tháp chuông nhô lên một góc, được xây dựng lại. Ngôi chợ mới Ðà lạt do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ vẽ kiểu, xây dựng hồi năm 1958.

Khi thế chiến thứ nhất bùng nổ bên Âu châu, con đường hàng hải qua lại bị gián đọan, nên các công sứ, tham biện, thống sứ ngưòi Pháp thường lên nghỉ hè trên Ðà lạt. Năm 1923 Toàn quyền Maurice Long giao cho kiến trúc sư Hébrard vẽ đồ án mở rộng thành phố, giữ lại bối cảnh sân cù nhìn lên đỉnh Lâm viên, không cho xây dựng.

Con đường xe lửa Ðà lạt - Tháp chàm phải xây dựng trong nhiều năm, vì đèo Ngoạn mục dốc đứng, cao 980m trên mặt biển. Do đó người Pháp phải thuê kỹ sư Thụy điển là những chuyên viên làm đường sắt có răng cưa trên các triền núi cheo leo bên nước họ, qua xây dựng con đường rầy. Khởi công từ năm 1928, con đường phải chia làm nhiều đoạn, có răng cưa ở giữa cho xe leo dốc khỏi tuột, cuối cùng khánh thành vào năm 1933 cùng một lượt với nhà ga Ðà lạt. Ðó là một kiến trúc độc đáo hoàn toàn kiểu Âu châu màu đỏ, có những cửa kính hình vuông, xa trông như một toà lâu đài. Ngày khánh thành đường xe lửa Ðà lạt - Phan rang, có mặt Toàn quyền Pasquier và Khâm sứ Trung kỳ Thibaudau. Từ đó Pháp chở nhiều vật liệu nặng cho việc xây dựng các biệt điện.

Cũng như nhiều thành phố khác, tới đâu Pháp cũng lo hưởng thụ các tiện nghi. Khu vực xây dựng đầu tiên gọi là "khu phố Tây" nằm trên đồi, thuộc khu vực rạp hát Ngọc Lan, chạy qua khách sạn Thủy Tiên, tới đường Phan Ðình Phùng, với nhiều nhà phố kiểu Tây phương, trên lầu có ban công nhìn xuống đường lộ để chiều chiều họ ra đó nhìn xuống đường phố. Dinh Toàn quyền, còn gọi là Biệt điện số 2, nằm trên một ngọn đồi gần ngã tư đường Nguyễn Tri Phương và Trần Hưng Ðạo, khởi công năm 1933 có 25 phòng, ba năm sau mới hoàn thành. Biệt điện quốc trưởng dành riêng cho vua Bảo Ðại gọi là dinh số 3, nằm cuối con đường Huyền Trân công chúa. Từ lúc xây cất xong cho đến năm 1945, biệt điện được gọi là Hoàng cung Ðà lạt. Ðây cũng là chỗ để hoàng đế tổ chức lễ Vạn thọ (sinh nhật), tiếp tân các toàn quyền, khâm sứ, và sau này là Cao ủy Pháp. 

Trong biệt điện chia ra nhiều phòng:

- Văn phòng Hoàng đế, có bức tượng hình người thật của nhà vua bằng thạch cao và một bức tượng khác nhỏ hơn, bằng vàng, của vua Khải Ðịnh. Sau năm 1975 tượng này đã bị VC lấy mất.
- Trong phòng này cũng có ngọc tỉ, ấn tín. Phía trên lò sưởi, ngay giữa phòng là bức chân dung hoàng đế mặc triều phục, hoàng tử Bảo Long và Nam Phương hoàng hậu.
- Tầng lầu thứ hai dành riêng cho hoàng gia họp mặt. Phòng màu vàng dành cho thái tử Bảo Long. Phòng hình bán nguyệt dành cho hoàng hậu và các con, nơi cả gia đình họp mặt.

Ngoài ra, còn Dinh số 1 nằm trên một ngọn đồi từ ngả ba Trại Hầm đi lên. Những biệt điện kể trên xây cất cách nay hơn nửa thế kỷ, nhiều chỗ hư mục nhưng không được tu bổ.VC bán vé cho du khách vào xem nhưng không bỏ tiền để tái thiết, sau khi đã vơ vét hết những tài sản qúy giá ở những nơi đó cũng như trong cấm thành ngoài Huế hồi năm 1945.

Dưới thời Ðệ nhất Cộng hoà (1955-1963), vợ chồng ông Ngô Ðình Nhu có xây một biệt thự nghỉ mát gọi là "biệt điện mùa hè" ở Ðà lạt. So với các dinh số 2, dinh số 3, biệt điện này nhỏ hơn, nhưng là một công trình kiến trúc nghệ thuật, vật liệu mua từ ngoại quốc, trang bị tối tân hơn. Lần đầu tiên, một hồ tắm kiểu vua chúa Tây phương được du nhập dành cho cấp lãnh đạo thụ hưởng. Biệt điện xây trên một ngọn đồi nhìn xuống một thung lũng thơ mộng, và đồi ấy được đật tên là Châu Lâm (Jewel Forest). Mùa hè năm 1964, khi chế độ Ngô Ðình Diệm sụp đổ, gia đình chúng tôi có ra thăm biệt điện này, chứng kiến cảnh sống vương giả của gia đình họ Ngô. Biệt điện được trang hoàng theo sở thích của từng người. Phần bà Nhu là hồ tắm bằng cẩm thạch, nước trong vắt, có máy làm nuớc nóng về mùa đông. Trong nhà, phòng ngủ, bếp nấu ăn đều trang bị những tiện nghi đắt tiên vì bà là một trưởng giả khó tánh. Phòng khách có đến năm lò sưởi. Tường, trần nhà, sàn nhà đều lót bằng những phiến gỗ tếch hình vuông, đánh bóng. Khu vườn hoa là của ông Ngô Ðình Nhu, có trên một trăm loài hoa hiếm qúy được mua từ ngoại quốc đem về. Mỗi lần ra thăm, tổng thống Ngô Ðình Diệm thường bước ra sân im lặng ngắm hoa, như theo đuổi một ý tưởng riêng. Biệt điện chỉ có độ 12 phòng nhưng phải xây dựng mất năm năm mới hoàn thành vì nhiều chỗ phải đập đi làm lại nhiều lần mới vừa lòng bà Nhu. Riêng chiếc cổng vào, phải xây lại đến lần thứ năm.

Cũng trong thập niên 1930, Pháp xây dựng nhiều dinh thự khác như toà công sứ, dinh quản đạo (cho tỉnh trưởng người Việt), trường trung học Yersin, trường Couvent des Oiseaux, khách sạn Du Parc, nhà thờ chính tòa gần Ðà lạt Hotel được xây dựng sớm hơn, nhưng mãi đến năm 1942 mới hoàn thành. Cây thánh giá trên nóc tháp chuông, cách mặt đất tới 47 mét, dáng dấp một giáo đường thời trung cổ bên Âu châu. Khách sạn lớn nhất là Ðà lạt Hotel nằm cùng khu vực với nhà thờ, trên đường Yersin, được xây dựng sớm nhất, từ năm 1907, có 65 phòng. Sau năm 1945 khách sạn ấy bị hỏa hoạn làm hư hại một phần.

Tới đầu thập niên, Ðà lạt trở thành một đô thị tân tiến với các dinh thự to lớn, hơn 800 biệt thự, nhà nghỉ của tư nhân, các gia đình qúy tộc, giàu có khắp nơi trong nước. Mỗi biệt thự kiến trúc khác nhau nhưng đều giống nhau ở chỗ có sân cỏ, vườn hoa, và chỗ để xe hơi. Thuở đó, người Pháp hãnh diện coi Ðà lạt như "La Petite Paris" (tiểu Paris). Năm 1949 Quốc trưởng Bảo Ðại từ Hồng kông về chấp chánh. Ðà lạt là nơi quốc trưởng cư ngụ nên trở thành thủ đô hành chánh, các chính khách rộn rịp lên xuống yết kiến ngài. Lúc đó, Ðà lạt cũng còn là một địa điểm săn bắn hấp dẫn. Chỉ cách Ðà lạt chừng hai giờ lái xe, chúng ta sẽ lạc vào những khu rừng có đầy nai, mễn, heo rừng, chim phụng hoàng, gà rừng, gấu và cọp nữa. Năm 1972 có lần chúng tôi gặp bốn người Thượng khiêng một con cọp vừa mới bẫy được, đem ra chợ Ðà lạt bán. Món thịt nai gần như ngày nào cũng có, nhất là khi trời bắt đầu mưa cho đến tháng 11 hàng năm.

Theo thời gian, chế độ Hoàng triều Cương thổ bị bãi bỏ, Ðà lạt thu hút thêm nhiều người Việt từ ba miền lên lập nghiệp. Vì có khí hậu miền ôn đới nên Ðà lạt là nơi thích hợp cho các loại hoa và rau cải, trái cây xứ lạnh. Hồi đầu thập niên, người Pháp muốn mở rộng nghề trồng rau cải và trồng hoa để phục vụ nhu cầu của họ, nên cho phép một số người có kinh nghiệm trồng rau lên Ðà lạt lập nghiệp. Theo lệnh Pháp, tổng đốc Hà đông Hoàng Trọng Phu tuyển mộ mấy mươi gia đình từ các làng chuyên canh rau cải, trồng hoa ở Ngọc Hà, Nghi Tam, Quang Ba, Tây Từ... lên Ðà lạt, được cấp đất trồng hoa. Lớp người này lập ra ấp Hà Ðông để tưởng nhớ quê hương của họ. Ấp Nghệ Tĩnh do Phạm Khắc Hoè khi làm quản đạo Ðà lạt lập ra năm 1942, cũng tập họp những người phát xuất từ hai tỉnh đó.

Dưới thời Ðệ nhất Cộng hòa, chính phủ Ngô Ðình Diệm cho thiết lập nhiều cơ sở văn hoá tại Ðà lạt. Viện Ðại học Ðà lạt thành hình năm 1957, xuất phát từ chủng viện công giáo thuộc giám mục địa phận Huế cai quản. Viện Ðại học Ðà lạt ra đời với sự đỡ đầu của Tổng giám mục Ngô Ðình Thục và sự giúp đỡ của Hồng y Spellman ở New York, phát triển liên tục cho đến năm 1975.

Về tôn giáo, một trong các ngôi chùa cổ nhất là chùa Linh Phong trên đường đi Trại Hầm, chùa Linh Sơn, chùa Thiên Vương, chùa Sư Nữ. Nhà thờ Domain là nơi tu hành của các bà sơ, chuyên làm bánh kẹo, trồng hoa để bán. Vợ của toàn quyền Ðông Dương Jean Decoux tên Suzanne Humbert là bạn của hoàng hậu Nam Phương, là người đóng góp nhiều tiền bạc cho nhà thờ này. Bà bị tai nạn xe hơi trên đường Ðà lạt nhân một chuyến lên chơi với bà Nam Phương. Thi hài được chôn phía sau nhà thờ. Nói đến chùa Linh sơn Ðà lạt, người ta nhớ đến một thầy trụ trù từ năm 1945. Thầy là người cha Nhật mẹ Việt, sinh năm 1926. Khi Nhật vào Ðông dương, thầy bị bắt đi làm thông ngôn một thời gian. Năm 1951 thầy tốt nghiệp trung học Yersin. Trong thời gian trụ trì ở chùa Linh sơn, thầy vẫn cầu học, dịch kinh sách, và ghi danh theo học ở viện Ðại học Ðà lạt, phân khoa văn chương và triết học. sau đó thầy chuyên về môn văn chương Anh Mỹ, tốt nghiệp cử nhân với đề tài tiểu luận "William Faulkner" vào năm 1975!

Ngoài ra, ở Ðà lạt còn có Trung tâm Nguyên tử lực do chương trình "Nguyên tử phụng sự Hòa bình" của Mỹ viện trợ.Trung tâm này sử dụng lò phản ứng nguyên tử Triga Mark II do Hoa kỳ chế tạo, áp dụng chất phóng xạ đồng vị trong nông nghiệp. Trung tâm được khánh thành dưới sự chủ tọa của Tổng thống Ngô Ðình Diệm trước sự hiện diên của đại sứ Henry Cabot Lodge. Hai công trình quân sự tốn kém khác nhưng có tính cách văn hóa hơn là trường Võ bị Quốc gia Việt nam, nằm trên một ngọn đồi cao, kiến trúc tối tân, gồm hàng chục dãy nhà lầu ba, làm cư xá cho sinh viên, khu văn hoá, bộ chỉ huy, nhà thí nghiệm nặng... để phục vụ chương trình giáo dục bốn năm cho các sinh viên sĩ quan hiện dịch. Khi tốt nghiệp, ngoài bằng cấp quân sự, các sinh viên còn được cấp phát văn bằng Cử nhân khoa học ứng dụng. Kế đến là trường Ðại học Chiến tranh Chính trị, trường Chỉ huy Tham mưu, cung cấp kiến thức chuyên nghiệp về quân sự cho các sĩ quan.

ÐÀ LẠT, THÀNH PHỐ HOA NỞ BỐN MÙA

Mới viếng Ðà lạt, du khách sẽ ngạc nhiên không phải vì cái khung cảnh của một thành phố Âu châu nằm lọt trong lòng một vùng rừng núi xích đạo nước ta, mà chính là cái cảm giác khoan khoái, lâng lâng như vừa bước vào một căn phòng gắn máy lạnh. Xung quanh Ðà lạt là rừng thông hai lá và thông ba lá. Tiến vào rừng sâu, người ta còn tìm thấy một vài loại cây xứ lạnh khác như tùng, tắc bá diệp, bạch đàn. 

Sống ở Ðà lạt nhiều năm, tôi nghiệm ra rằng mỗi năm ở đây có hai mùa rõ rệt. Mùa nóng bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10. Lúc đó, ra đường chỉ cần khoác một chiếc áo len mỏng nhẹ. Nhưng nếu phải đi bộ lên dốc xuống đồi thì chắc chắn cảm thấy nực vì mồ hôi. Mùa lạnh từ tháng 11 trở đi, khí hậu lạnh dần cho đến hết tháng 12 là cực điểm. Mùa Giáng sinh có những đêm ở phi trường Cam ly nhiệt độ xuống đến số 0. Ban ngày, bầu trời trong vắt, nắng hanh vàng, tuy nhiên nếu ra khỏi nhà phải mặc đồ đủ ấm, nếu không sẽ bị cảm lạnh. Trời lạnh đi bộ là một cái thú, cũng là một cách nạp lại năng lượng cho cơ thể. Trước cửa nhà, nhìn qua bên kia đồi, mấy biệt thự mái ngói đỏ au. Theo một con đường đất đỏ ngoằn ngoèo đẫm ướt sương đêm là hình ảnh quen thuộc mỗi buổi sớm mai. Buổi sáng hay chiều đều có cái thú riêng của nó mà những người ở Ðà lạt lâu năm mới tìm thấy riêng cho mình. Mùa mưa, vừa thức giấc, sương mù còn tỏa trên các thung lũng một màu trắng đục. Thấp thoáng xa xa, mấy cái nhà sàn ẩn hiện như trong bức tranh thủy mạc. Trên mặt hồ Xuân hương là một màn mỏng lờ mờ cho đến khi nắng lên, sương tan dần.


Những buổi sáng mù sương là những đề tài cho các nhà săn ảnh mỹ thuật. Ở đây sương mỏng và hiền, không phải sương muối như nhiều nơi khí hậu khắc nghiệt khác. Những người làm nghề trồng tỉa cho biết lớp sương mù buổi sớm rất cần thiết cho cây trà, mà ở Cầu Ðất, trên đường từ Trạm hành đến Ðơn dương, nhiều đồn điền trà dầm dià những giọt sương sớm, lắng đọng trên cành lá. Cầu Ðất cũng có nhà máy pha chế trà của ngưới Pháp.

Có bạn ở Ðà lạt lâu năm nói với tôi rằng: "Một ngày Ðà lạt có đủ bốn mùa: sáng sớm trời lạnh, nhiệt độ còn thấp, nhiều sương phủ mờ trên thung lũng hay mặt hồ. Ðó là mùa xuân, cỏ hoa vươn mạnh, sau một đêm dầm dìa những giọt sương. Buổi trưa, mặt trời lên cao, nóng ấm, cũng là lúc giống mùa hè. Vào buổi xế, mặt trời Ðà lạt lặn sớm vì nhiều đồi núi, gió hiu hiu se lạnh, ta có cảm giác như trời vào thu. Về đêm, nhiệt độ xuống thấp nhất vào lúc nửa đêm, lạnh ngắt, đó là mùa đông." Ban đêm nhà nào cũng kéo lớp cửa kính lên để giữ nhiệt độ trong nhà được ấm. Hàng năm, trường Võ bị Quốc gia Việt nam làm lễ mãn khóa vào tuần thứ ba của tháng 12 trong không khí giá buốt. Khách đến dự lễ truy điệu vào ban đêm, súng sính trong những bộ dạ phục mùa đông đất tiền, chẳng khác gì ở những quốc gia ôn đới.

Nhưng cái hấp dẫn khác của Ðà lạt có lẽ là xứ hoa nở bốn mùa. Mùa xuân, nhiều loài hoa nở rộ, khoe hương sắc. Hoa mai nở quanh năm. Có nhiều loại hoa mai như mai đỏ, mai tứ qúy, mai hồng, và nhất chi mai. Vào tháng chạp có hoa đào báo hiệu ngày Tết. Hoa đào thuộc loại hoa qúy tộc, mầu hồng đậm nhạt. Những gia đình trung lưu ở Ðà lạt, ngày tết thường chưng một bình hoa có cành đào trong phòng khách. Còn hoa anh đào, một món quà tặng từ xứ Phù tang, được trồng ven bờ hồ Xuân hương. Hoa đào nở rộ vào hai tuần lễ cuối tháng 12. Hoa đào phơn phớt trắng hồng như má thiếu nữ khuê các. Con đường từ trước khách sạn Palace ra đến cầu ông Ðạo là cả một rừng hoa anh đào rực rỡ, tô điểm cho thành phố Ðà lạt vào xuân.

Ðà lạt đẹp một cách kiêu kỳ lãng mạn. Nhiều thi nhân, văn sĩ về đây không tiếc lời ca ngợi Ðà lạt. Mùa này, khi nắng lên, thị dân và du khách đổ ra đường, rồi đến trưa mọi người đều đổ về công trường chợ Hoà bình. Chợ Hòa bình tràn ngập giai nhân với muôn màu áo, hãnh diện khoác tay những chàng trai kiêu hùng trong bộ quân phục với chiếc alpha màu đỏ hay đen. có những buổi sáng, khi làn sương mù còn bao phủ trên ấp Ánh sáng, tôi thường theo vợ con đi chợ. Trong khi nhà tôi dẫn con đi mua sắm, tôi thường vào cà phê Tùng, nhâm nhi tách cà phê nóng bốc khói cho ấm lòng. Ở đây cũng là chỗ hẹn hò của các văn nhân, thi sĩ, nhạc sĩ từ Sài gòn tới. Họ thường trầm ngâm, thả hồn qua khói thuốc để tìm ý thơ. Còn nhà Thủy tạ nằm trên một doi đất trước khách sạn Palace, là chỗ hẹn hò của các tình nhân, vì cái không khí tĩnh mịch lại nên thơ. Trước năm 1954 nhà Thủy tạ còn gọi là La Grenouillière.

Hồi ở Ðà lạt tôi cũng có anh bạn thân, nhà văn Ðặng Ðình Tòng, có dáng dấp một triết gia với cặp kính cận, thường mặc bộ đồ veste, che cây dù đen dạo phố. Có lần anh về thăm ông bà nhạc ở Long xuyên, bị ông nhạc nói với con gái: "Tao không gả mày cho thằng cha thầy bói đó."

Chúng tôi có cái thú uống cà phê vào những buổi chiều cuối tuần để nhìn thiên hạ dạo phố. Từng cặp, từng cặp tay trong tay, chầm chậm trên các nẻo đường. Sở thích chúng tôi là cà phê pha đậm, uống bằng tách sành (không dùng ly thủy tinh). Còn nước trà phải nấu bằng nước suối múc trên nguồn thác Datanla, hoặc không thì cũng là nước mưa. Không biết cái không khí se lạnh buổi sáng hay cái nắng hanh vàng buổi chiều thoi thóp trên cành cây làm chúng tôi thú vị như thế nào, nhưng thói quen ấy chúng tôi không bỏ trong nhiều năm. Cũng có thể chúng tôi ghiền cái không khí bạn bè của người đồng điệu. Núi rừng cao nguyên chùng xuống. Mặt hồ gợn sóng lăn tăn. Ở phía xa hướng trường Yersin và Nha địa dư, trên mặt hồ có mấy cánh buồm sọc đỏ trắng, uể oải về bến. Trước hàng rào nhà chúng tôi là một hàng cây mimosa. Ðến mùa, hoa lấm tấm vàng, nở rực theo theo suốt con đường Nguyễn Tri Phương, Trần Hưng Ðạo, Pasteur... Hoa lưu ly thảo có người nói chính "forget-me-not", cánh mỏng như giọt sương. Còn hoa pensée hay hoa tư tưởng là hoa học trò, nở vào dịp gần gãi trường. Ai đã từng đi học mà không có lấn mơ mộng, ép hoa pensée vào trang giấy học trò kỷ niệm thời cắp sách. Ngoài ra, còn có nhiều loại hoa lạ như uất kim hương, glaieul (lay ơn) hoa croquelic.

Ở Ðà lạt nhiều năm, nhưng tôi cũng không ngờ các loại hoa mimosa, hồng nhung, glaieul... do chính bác sĩ Yersin du nhập vào nước ta. Ngoài các loại hoa, bác sĩ Yersin còn mang đến nhiều giống cây lạ như cà phê, canh ky na, ca cao. Bác sĩ Yersin cũng là ân nhân của Việt nam và cả nhân loại khi tìm ra được thuốc chích ngừa bệnh dại, bệnh dịch hạch. 

Người qúy phái thích hoa hồng. Tuy gọi hoa hồng nhưng thực sự nó có đủ màu sắc. Hoa hồng phấn còn mện danh là Grace Monaco, hồng vàng gọi là Joséphine, hồng nhung gọi là Brigite Bardot. Hoa cúc cũng nhiều thứ, đủ màu sắc khác nhau. Có người trồng hoa ở Liên khàng nói với chúng tôi có đến 19 loại hoa cúc cùng họ compositae như cúc vàng, cúc trắng, cúc Nhật bản, cúc đồng tiền, cúc đại đóa, cúc hoàng anh, hoa thủy, cúc qùy, thược dược, marguerite, souce... Hồi xưa, mỗi năm hoa cúc nở rộ vào tháng 9, đó cũng là mùa chia ly vì lính thú từ giã gia đình lên đường ra biên cương giữ nước.Ðến tháng 9 năm sau lại được về. Vì lẽ đó, thời kỳ đi lính thú thời xưa gọi là "hoàng hoa", và rượu để tiễn người lên đường cũng là rượu hoàng hoa. Trần Ðình Lượng, quan nhà Nguyễn, trên đường đi sứ qua Pháp đã viết bài "Như Tây Nhựt Trình" trong đó có câu:

Ðường mây sớm giục sứ trời
Paris muôn dặm, mấy lời hoàng hoa

Ngoài ra, Ðà lạt còn là quê hương của hàng trăm loại lan rừng. Theo các sách nghiên cứu về hoa lan cho biết, có đến hàng ngàn loại khác nhau. Nhiều lần đi cắm trại ở các sườn núi cao hoặc vùng thac Datanla, chúng tôi gặp một loại hoa màu đỏ tím, đó là hoa đỗ quyên nở rực cả khu rừng. Ở trên đường từ lăng Cô di Bạch mã có thác Ðỗ quyên vì trên đường đi vào thác có hoa đỗ quyên rực rỡ. Ở trên đèo Ngoạn mục về phía Sông Pha có lan cẩm bác, hoa màu vàng nhạt đốm nâu. Hoa kim châm có lá dài, cọng nhỏ, màu vàng, có thể trang hoàng hay chưng cá, xào thịt, pha chế nước sốt để ăn vịt quay rất ngon. Ðà lạt vào xuân là thiên đàng của các loài hoa nở rộ. Nào hồng lan, hoàng lan, đoản kiếm, thanh lan, hạc đĩnh, hoàng phi hạc, kim điệp, long tu, nhất điểm hồng, nhất điểm hoàng, ý hảo, tuyết ngọc, kim hài, thủy tiên... Qua mùa thu, các loại hoa như cẩm báo, tuyết nhung, bò cạp, mỹ dung, dạ lý hương, hoa đuôi cáo. Hồi đó, về đêm chúng tôi thường vô trường để trực, lúc đi ngang qua con đường từ nhà ga vô tới Chi lăng, hoa dạ lý hương nở về đêm thơm ngào ngạt. Mùa hè là thời kỳ của hoa giả hạt, lọng tán.

Ðà lạt cũng có nhiều trái cây nổi tiếng như mận Trại Hầm, su Trại Mát, Trạm Hành, đào lông...

Ðà lạt cũng là quê hương của hồ và suối. Gần thì có hồ Xuân hương, xa hơn có hồ Than thở, hồ Mê linh, hồ Ða thiện, đập Suối Vàng... mỗi hồ có một vẻ đẹp riêng. Nước chảy róc rách có thác Cam ly về mùa khô, hoặc như một bức tường mỏng màu trắng đục từ trên cao phủ xuống như thác Prenn, hoặc ầm ầm từng bọt trắng xóa như thác Gougah. Hùng vĩ nhất có thác Pongour nằm sâu trong rừng, cách Ðà lạt 60km về phía nam. Nơi đây có nhiều phong lan mọc trên các ngọn cây cao. Thác Liên Khương nằm dọc theo phía trái quốc lộ 20, gần phi trường Liên khương, dòng nước chảy tràn lan trên một địa thế gãy sụp. Phía dưới thác Prenn là một cây cầu nhìn qua bức màn nước trắng xóa từ trên cao chảy xuống như một tấm màn voan mỏng. Phía dưới thác cũng là vườn thú thành lập dưới thời tổng thống Ngô Ðình Diệm. Hồ Than thở nằm trên đường từ Chi lăng vào trường Võ bị. Có lẽ vì qua lại lắm lần nên tôi không còn thấy vẻ đẹp và thơ của hồ. Nơi đây cũng chứng kiền một mối tình thơ mộng ngang trái, đầy nước mắt. Hồ Xuân hương hồi trước gọi là Grand Lac. Năm 1919 chính phủ đắp đập ngăn chỗ cầu ông Ðạo. Phía cuối sân cù là vườn Bích câu, có hàng trăm loại hoa đài các hiếm qúy. Những du khách đến Ðà lạt không ai không nghe nhắc tới thung lũng Tình Yêu nằm về phía hồ Ða thiện. Ban đầu chỗ này có tên thung lũng Hoà bình, tương truyền do chính vua Bảo Ðại đặt cho vào năm 1950. Thung lũng Tình Yêu, địa danh thơ mộng là do các sinh viên viện Ðại học Ðà lạt đặt ra, vì họ thường đưa người yêu ra đó làm chỗ hẹn hò. Tên này có từ năm 1972. Còn rừng Ái Ân nằm phía cuối con đường lên viện Pasteur, từ phía Hoàng cung nhìn qua, cũng là một nơi hò hẹn lý tưởng của những cặp nhân tình. Hồi trước, nơi đây vào những ngày cuối tuần thấp thoáng bóng tài tử giai nhân.

Cuốn băng video Ðường Về Quê Hương II của đài truyền hình Vietnam Program phát hành đem đến cho khán giả hải ngoại một thời sống ở Ðà lạt một nỗi buồn riêng khi nhìn thấy thành phố thân thương bây giờ tiều tụy. Các dinh thự, biệt thự loang lổ một màu xám xịt ảm đạm, đường phố dơ dáy, bẩn thỉu... Bây giờ Ðà lạt như một cô gái xế chiều, cố tô son trét phấn, nhưng không dấu được vẻ mệt mỏi, già nua, như nuối tiếc thời vàng son xuân sắc của mình. Bây giờ cảnh sắc Ðà lạt nhìn đâu cũng thấy ủ rũ u hoài. cũng vẫn cảnh trí thiên nhiên đó nhưng Ðà lạt bây giờ bị chính bàn tay con người phá hoại không chút xót thương. Bao nhiêu công viên bị đào bới để trồng khoai, rau muống. Cuộc chiến tranh Việt Pháp kéo dài hơn mười năm nhưng Ðà lạt vẫn không bị tàn phá. Cuộc chiến Quốc Cộng chỉ gây hư hao nhẹ, nhưng chỉ năm sau vết tích chiến tranh bị xóa mờ. Rồi Ðà lạt lại xây dựng thêm, tươi mát hơn ngày trước. Trải qua 18 năm hoà bình, Ðà lạt xuống dốc thê thảm. Nhiều kiến trúc già nua sụp đổ, thật là một sự nghịch lý khó hiểu. Cộng sản đến đâu, đất nước tan hoang đến đó. Chứng kiến cảnh Ðà lạt tiều tụy, còm cõi ngày nay, những kỷ niệm êm đềm ngày xưa sống lại mãnh liệt trong lòng người viết bài. Nhìn hình ảnh trên cuốn phim, chúng tôi xúc động nghẹn ngào,không ngờ Ðà lạt tàn tạ như vậy. Còn đâu mặt nước hồ Xuân hương trong xanh, phẳng lặng, in bóng thuở thanh bình! Còn đâu những rặng thông già cao vút, tấu khúc nhạc rừng triền miên! Bây giờ hàng thông còn đó, u buồn cúi đầu lặng im như nuối tiếc những ngày tươi đẹp đã qua. Nhớ ngày trước Ðà lạt như một thiếu nữ xuân thì đài các, từng làm cho biết bao thi nhân, văn sĩ, nhạc sĩ say đắm,để rồi khi chia tay lại bịn rịn. Bây giờ còn đâu những con đường hun hút ánh trăng với những cặp tình nhân âu yếm dìu nhau đi trong gió lạnh!

HỨA HOÀNH
Ðặc san ÐA HIỆU số 40 tháng 10-1995
Bản Tin VHV số 20 Xuân Ất Hợi 1995 


2 comments:

  1. bài "Hoàng Triều Cương Thổ" mình tìm không thấy bạn ơi, mình muốn đọc bài này, xin cho link ạ

    ReplyDelete