Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Friday, February 22, 2013

Xuân Lại Càng Già

Tùy bút 


Cứ mỗi lần hoa mai, hoa đào nở là thiên hạ lại náo nức đua nhau sắm sửa, trang hoàng, chưng diện để đón mừng xuân mới. Điều ấy đã trở thành một tập tục truyền thống của dân tộc Việt. Bốn mùa thay đổi cho nên khi mùa xuân ấm áp có qua đi nhường chỗ cho mùa hạ nắng cháy, mùa thu úa tàn, rồi mùa đông u ám thì sau đó mùa xuân tươi sáng cũng lại trở về.
 
Nhưng xuân đến, xuân đi, xuân lại đến chỉ là cái vòng tuần hoàn của vũ trụ. Do cái lẽ nhận định xuân chung quy cũng chỉ là một giai đoạn trong cái chu kỳ lặp đi lặp lại đó cho nên Trần Tế Xương, một nhà nho sống vào buổi giao thời của nền Nho học đang suy tàn và ảnh hưởng Tây học đang bành trướng, lại thêm nỗi phẫn chí vì đường công danh thi cử lận đận của mình nên đã chán ngán thốt lên những lời lẽ bi quan yếm thế trong bài thơ Năm Mới khi thấy thiên hạ xung quanh mình nô nức đón mừng xuân mới một cách nhố nhăng phù phiếm 
 
Chỉ bảo nhau rằng mới với me,
Bảo ai rằng cũ chẳng ai nghe
Khăn là bác nọ to tày rế
Váy lĩnh cô kia quét sạch hè... 

Cứ bình tâm mà xét thì nếu những ai đang ở vào tuổi trẻ, dễ lạc quan và yêu đời nên mỗi khi xuân về lại cảm thấy như mùa xuân đang mang lại cho mình một niềm phấn khởi mới, cho nên có bảo xuân là mới thì cũng là cái lẽ thường tình. Còn đối với kẻ nhìn sự vật qua lăng kính triết lý như cụ Tú Xương thì lại đem cái lẽ tuần hoàn của hiện tượng thiên nhiên ra mà nhắc bảo với mọi người xuân là cũ cũng không sai chút nào. Tuy nhiên, ca dao lại có một câu diễn tả cái nhìn về xuân theo kiểu rất hiện thực như sau:
 
Chơi xuân kẻo hết xuân đi
Cái già sồng sộc nó thì theo sau. 

Nếu có những người chỉ biết vin vào câu ca dao này để lăn xả vào sự hưởng thụ các lạc thú hiện tại khi tuổi còn đang trẻ, thì cũng có người lẩm cẩm như tôi, xem câu ca dao trên cũng còn là một nhận định về cái chân lý bất biến: có trẻ tất nhiên sẽ có già. Mỗi một người chỉ có một cuộc đời, và trong cuộc đời chỉ có một thời tuổi trẻ được ví như là mùa xuân, cho nên một khi cái mùa xuân tuổi trẻ của mỗi người đã qua đi thì những cái xuân còn lại chỉ là cái "xuân lại càng già". 
 
Mấy chữ "xuân lại càng già" tôi dùng ở đây chỉ là cái ý dịch ra từ mấy chữ Hán "xuân hựu lão" của một nhà thơ Trung hoa mà tôi học được một cách tình cờ nhân một lần tôi được đọc cái truyện ngắn có tựa đề là Đánh thơ của nhà văn Nguyễn Tuân cách nay cũng đã xa xưa lắm. Thật ra thì vào lúc mới đọc tôi cũng chẳng hiểu mấy chữ Hán trên có những ý nghĩa sâu xa nào, nhưng cái âm hưởng của mấy chữ ấy tự nó lại như có một ma lực nào đó khiến cho tôi từ đó trở đi hay có những suy nghĩ luẩn quẩn về mấy chữ này. 
 
Vốn sinh ra trong một gia đình thuộc thành phần trung lưu trí thức tiểu tư sản cho nên không ít thì nhiều tôi cũng mang trong người cái tâm hồn tự do lãng mạn của lớp cha anh thời bấy giờ, do đó khi bắt đầu biết đọc sách là ham đọc sách. Vào thời ấy phương tiện truyền thông chưa phát triển như bây giờ cho nên ngoài cái thú đọc sách cũng chẳng còn cái thú tiêu khiển tinh thần nào khác. Lại nữa, vì sống trong vùng kháng chiến nên sách vở cũng không nhiều, ngoài một ít sách xuất bản từ thời trước chiến tranh mà một số gia đình còn cất giữ được thì không còn tìm đâu ra. Chính vì thế mà mỗi khi bắt gặp được quyển sách nào để đọc là cả một niềm vui, và nếu là sách hay thì lại càng thích nghiền ngẫm. Do đó, khi gặp được quyển Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, một nhà văn nổi tiếng thời tiền chiến, tôi đã đọc rất say mê và có nhiều câu truyện đã để lại trong tâm hồn tôi một ấn tượng khá sâu đậm.
 
Vang bóng một thời, đúng như cái tựa của cả quyển sách, là một tập gồm nhiều truyện ngắn có chung một bối cảnh là xã hội Việt Nam vào lúc ảnh hưởng của nền văn hóa Nho giáo đã suy tàn để chuyển mình vào thời đại Tây hóa. Những nhân vật chính trong các câu truyện này là những hình ảnh tiêu biểu thuộc về một lớp người của một nền văn hóa đã lỗi thời nhưng vẫn còn rơi rớt lại trong xã hội như là vang bóng của một thời quá khứ vàng son đã qua đi không bao giờ còn trở lại. 
 
Phải nói là cái say mê của tôi khi đọc tác phẩm Vang bóng một thời một phần do hoàn cảnh tuổi thơ của tôi không may lại rơi nhằm vào một thời kỳ mà đất nước bắt đầu một giai đoạn lịch sử đầy đau thương và bi đát của dân tộc. Cuộc cách mạng vùng lên giành độc lập và xây dựng dân chủ của một dân tộc vốn quen sống dưới chế độ quân chủ phong kiến và thuộc địa sau khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc đã bị những ma đầu chính trị trong nước và những thế lực đen tối quốc tế thao túng, lèo lái, khiến cho đất nước không những lâm vào một cuộc chiến tranh dai dẳng và tàn khốc, mà ngay cả xã hội thì bị đảo lộn và dân tộc cũng bị phân hóa. 
 
Vào thời ấy, người dân ở vùng kháng chiến luôn luôn sống trong nỗi phập phồng lo sợ: lớp thì do bom đạn của quân đội Pháp đe dọa, lớp thì do những chính sách bóp nghẹt tự do của nhà cầm quyền Việt Minh đang ra công tẩy xóa đi cái trật tự của một xã hội cũ để thiết lập một trật tự mới theo chủ nghĩa Cọng sản, khiến cho những thành phần bị Việt Minh xem là đối tượng cần phải bị tiêu diệt cảm thấy mình không còn chỗ đứng nào trong cái xã hội này nữa. Từ sự cảm nhận cái thân phận đáng thương của những thành phần đang bị chế độ mới bứng ra khỏi cái gốc chung của dân tộc khiến cho tôi càng thích tìm lại những nét đẹp tinh thần của một nếp sống thanh bình nào đó chỉ có được trong quá khứ. 
 
Mặc dù đọc suốt mười mấy truyện trong Vang Bóng Một Thời, truyện nào cũng mang lại cho tôi ít nhiều cảm nghĩ u hoài về những nhân vật và một nếp sống đã đến giai đoạn bị đào thải của một xã hội trước đây, nhưng cái ý "xuân lại càng già" thì lại đến từ hai câu thơ mà tác giả đưa vào trong truyện ngắn Đánh thơ. 
 
Đánh thơ là một cái thú tiêu khiển của các tay nho sĩ thời xưa, một trò chơi vừa mang tính chất cờ bạc nhưng lại mượn văn chương để thử thời vận cho có vẻ thanh tao, cho nên người chơi đánh thơ ít ra cũng là người từng theo học chữ thánh hiền và có một số vốn hiểu biết về thơ phú. Cách chơi đánh thơ này cũng gần giống như học sinh ngày nay làm bài thi trắc nghiệm điền chữ vào khoảng trống. Cứ mỗi ván bài, nhà cái lại đem ra một mảnh giấy có ghi một câu thơ thất ngôn tức là có 7 chữ nhưng chỉ viết ra giấy có 6 chữ thôi còn một chữ để trống và kèm theo 5 chữ thả gồm bốn chữ do nhà cái tự đặt ra và một chữ đúng trong nguyên văn của câu thơ để cho nhà con lựa chọn. 
 
Sau khi mọi người đã chọn lựa và đặt tiền xong thì nhà cái sẽ cho khui phần trên đầu mảnh giấy được cuộn tròn cốt che dấu cái chữ chính trong nguyên văn của câu thơ thả để cho làng biết chữ nào mới là chữ trúng. Nếu nhà con đặt trúng chữ thì sẽ được chung tiền, bằng như chọn sai sẽ thua. Vì trò chơi mang tính chất cờ bạc ăn tiền nên nhà cái cần phải sưu tầm những câu thơ cổ ít ai thuộc hoặc ít ai biết đến thì mới hy vọng ăn được tiền làng. 
Trong một cuộc đánh thơ nọ, ông Phó sứ - nhân vật làm nhà cái trong truyện - đã dùng một câu thơ được vòng trống ngay chữ đầu tiên và kèm theo năm chữ thả là: Tái (cửa ải) - Sơn (núi) - Đình (cái sân) - Mộ (ngôi mộ) - Văn (tên một con sông chảy qua nước Lỗ, quê của Khổng phu tử), để cho nhà con lựa chọn. Câu thơ thả là: 
 
"[...] thượng mai khai xuân hựu lão..." 
(Hoa mai nở trên [...] xuân lại càng già). 

Mọi người đua nhau đoán chữ và ai cũng lý luận theo sự liên tưởng thông thường là mai nở thì phải thấy trong cánh rừng, trên ngọn quan ải, trước sân nhà v.v... thì mới tạo thành thi tứ chứ không ai nghĩ đến chuyện hoa mai nở trên một ngôi mộ. Chính vì thế mà khách chơi đánh thơ hôm ấy không một ai chọn chữ "Mộ" để đặt tiền cả, cho nên khi lá thơ được khui ra thì nhà cái tủm tỉm cười vơ trọn tiền cả làng, còn các nhà con thì đều ngẩn người ra vì không ngờ thơ phú thế mà cũng lắt léo.
 
Dĩ nhiên về phần tôi khi mới đọc đến đoạn làng đang chọn chữ để đánh, tôi thấy mình cũng có những suy nghĩ rất phù hợp theo sự luận đoán của các tay con trong cuộc đánh thơ này cho nên khi đọc đến phần kết quả giải đáp, tôi thấy mình cũng đã hố to trong cách suy đoán rất nông nổi về ý nghĩa câu thơ này không khác gì mấy tay chơi thả thơ hôm ấy. 
 
Vì thấy cả làng đều thua đau nên để làm vui lòng đám tao nhân mặc khách tham dự cuộc thả thơ, nhà cái đã phải trưng dẫn chứng cớ đấy là câu thơ được trích từ bài thơ "Tọa phóng hạc đình" của Từ Dạ, một nhà thơ Trung hoa, và đã trình cho làng xem nguyên văn hai câu thơ như sau:
Mộ thượng mai khai xuân hựu lão
Đình biên hạc khứ khách không hoàn. 

(Hoa mai nở trên nấm mồ xuân lại càng già. Chim hạc đã bay đi khỏi sân thả chim rồi thì khách cũng ra đi không còn quay lại). 
 
Thì ra thế. Có đọc được cả hai vế để hiểu trọn ý nghĩa của câu thơ trên thì mới thấy cái dụng ý của tác giả khi dùng chữ "Mộ". Và thế là cả làng xúm nhau vào ngâm nga và khen hay rối rít, nhưng không quên trách cổ nhân dùng chữ quá ác làm cho các ngài đoán không ra. Riêng tôi thì mặc dù không hiểu hết chữ Hán và cho tới nay tôi vẫn chưa có cơ hội tìm hiểu cho ra nhà thơ Từ Dạ sống vào thời đại nào, làm thơ ra sao, và trọn bài thơ này như thế nào, nhưng vào ngày ấy, hai câu thơ đó đã gây cho tôi một nỗi xúc động bồi hồi. Rồi cũng vì suy nghĩ mãi về cái ý nghĩa súc tích hàm ẩn trong những bài thơ cổ mà tôi đã liên tưởng đến một bài thơ Đường khác cũng rất nổi tiếng của Thôi Hộ:
 
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong. 

(Năm ngoái ngày này nơi cửa có một khuôn mặt đẹp đã cùng với hoa đào đua nhau mà ửng hồng. Nhưng khuôn mặt người ấy nay đâu rồi mà chỉ còn lại có cành hoa đào vẫn cười với gió đông). 
 
Cứ theo Tình sử Trung Hoa thì Thôi Hộ sống vào đời nhà Đường, một hôm nhân dạo chơi xuân bên ngoài thành rồi nhằm lúc khát nước bèn ghé vào một ngôi nhà có trồng nhiều hoa đào xin nước uống và được một cô gái xinh đẹp bưng nước ra mời. Cảm nhan sắc người con gái nên năm sau Thôi Hộ lại tìm đến thì cửa đóng then gài và không thấy bóng người con gái ấy đâu bèn làm bài thơ trên đề trên cửa rồi ra về. Người con gái sau khi đọc được bài thơ đó thì sinh lòng nhớ thương rồi ốm mà chết. Thôi Hộ hay tin vội đến thăm và khi ôm xác người con gái vừa tắt thở mà khóc thì người con gái bỗng hồi tỉnh lại. Và thế là cha cô gái đã gả người con gái đó cho Thôi Hộ.
 
Dựa vào thiên tình sử trên, tôi lại tưởng tượng ra một chuyện tình khác từ hai câu thơ của Từ Dạ về một cuộc gặp gỡ giữa một người khách phương xa đến dự hội thả chim hạc mùa xuân với một người thiếu nữ nơi đây, rồi khi người khách ấy lại ra đi thì người thiếu nữ có lẽ cũng vì thương nhớ chờ mong mà chết. 
 
Tuy nhiên, nếu như trong thơ của Thôi Hộ, cái cảnh nhìn thấy cành hoa đào năm cũ vẫn nở hoa như cười với gió đông làm cho sự thương nhớ người xưa vẫn hãy còn là một cảm giác nhẹ nhàng và tạo cho người đọc còn có một sự hy vọng nào đó thì trái lại, trong thơ Từ Dạ, hình ảnh gốc mai nơi mộ người thiếu nữ cứ mỗi mùa xuân về lại nở hoa chỉ có thể được xem như một chứng tích còn bấu víu lại trên đời để nhắc nhở cho người sống nỗi xót xa về cái mùa xuân hò hẹn cũ với người nằm dưới mộ lại thêm một lần già theo năm tháng mà thôi. 
 
Dĩ nhiên là tôi không biết đây có phải là nguyên nhân đích thực đã cảm kích nhà thơ Trung hoa nọ để sáng tác ra mấy câu thơ trên hay không, nhưng cái sự tích tưởng tượng ấy đã làm cho hai cái hình ảnh tương phản của hoa mai nở và ngôi mộ hoang vắng càng có vẻ liêu trai hơn đối với tôi và làm cho cái ý tưởng "xuân lại càng già" trở thành một ấn tượng sâu sắc. 
 
Cái ý tưởng này càng được tôi cảm nhận thấm thía hơn khi chủ trương tiêu diệt các thành phần được kể là "trí, phú, địa, hào" của Việt Minh được đem ra áp dụng triệt để và tôi cũng đã phải chịu cảnh mất mát luôn cả những người thân trong gia đình của mình. Chính vì thế mà sau khi đất nước bị qua phân, dù lại được cái cơ may tiếp nối cuộc đời học sinh ở Miền Nam, được vui hưởng vài mùa xuân thanh bình, nhưng cứ mỗi độ xuân về, thấy mọi người nô nức đón xuân, mừng xuân mà riêng tôi thì chỉ thấy mình lẻ loi khi nhớ đến những người thân yêu đã khuất, thì cái ý tưởng "xuân lại càng già" này cũng lại trở về ám ảnh tôi.
 
Cũng vì mang nặng cái tâm hồn trĩu nặng cái quá khứ u hoài đó mà tôi thường hay thích đọc thơ văn có khuynh hướng hoài cổ hoặc những tác phẩm viết về những hoài niệm và do đó tôi nhận thấy cái ý tưởng "xuân lại càng già"như là một sự biểu lộ niềm luyến tiếc về một cái gì đã bị đánh mất trong cuộc đời, hay những hình ảnh đã một thời sinh động nhưng rồi cũng có ngày phải mai một với thời gian, quả là một ý tưởng rất phổ biến trong văn học nghệ thuật cũng như bàng bạc trong lòng của đa số người dân Việt. 
 
Một Nguyễn Bính đã luyến tiếc cho một cuộc tình dang dở chỉ vì nỗi lo sợ của người con gái e để lỡ mất mùa xuân của mình như ông đã diễn tả trong bài thơ Cô Lái Đò:
 
Xuân đã đem mong nhớ trở về
Lòng cô gái ở bên sông kia
Cô hồi tưởng lại ba xuân trước
Trên bến cùng ai đã nặng thề
Nhưng rồi người khách tình quân ấy
Đi mãi không về với bến xuân... 

Nhưng sau mấy mùa xuân chờ đợi mỏi mòn mà không thấy người tình quay trở lại, cô lái đò cũng đã thấy lòng có thể nguôi ngoai đi nỗi nhớ để quên đi lời hẹn ước cũ mà đành tâm đi lấy chồng kẻo lỡ mất xuân thì, chỉ tội cho sự thương nhớ ơ hờ của người khách qua đò thầm lặng nào đó thì vẫn không thể xóa mờ: 
 
Chẳng lẽ ôm cầm chờ đợi mãi
Cô đành lỗi ước với tình quân
Bỏ thuyền,bỏ lái bỏ giòng sông
Cô lái đò kia đi lấy chồng
Vắng bóng cô em từ dạo ấy
Để buồn cho những khách sang sông.

Vũ Đình Liên, cũng đã nhờ sáng tác ra bài thơ Ông Đồ mà trở thành nổi tiếng: 
 
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài... 

Với vai trò một kẻ mang chữ nghĩa thánh hiền ra truyền bá cho đám hậu sinh để xã hội tiếp tục duy trì được cái nền đạo đức, lễ nghĩa và sự khôn ngoan của tiền nhân để lại, ông đồ từng là người được xã hội cũ kính trọng. Nhưng một khi xã hội đã phải thay đổi mới theo thời đại "vứt bút lông đi, giắt bút chì" thì vai trò của ông đồ cũng không còn chỗ đứng trong cái cơ cấu tổ chức mới của xã hội đó nên lớp người như ông đồ sinh ra nhằm lúc cuối mùa này đành phải xoay ra mang cái tài "hoa tay thảo những nét như phượng múa rồng bay" ấy để viết câu đối thuê vào dịp xuân về cho một số người còn duy trì cái tập tục cũ treo câu đối tết ngày xuân. Nhưng cuối cùng rồi thì theo đúng luật đào thải, ông đồ cũng không còn xuất hiện trong bức tranh mùa xuân của phố phường nữa: 
 
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay...
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ? 

Bài thơ thật giản dị, và mặc dù tác giả là một nhà giáo của thời đại đã chuyển sang Tây học nhưng lại biết rung cảm xót xa chân thành trước nỗi thê lương tàn tạ của một hình ảnh đã hàng ngàn năm tô điểm cho một nếp sinh hoạt của một xã hội mà nay đành phải mai một theo thời gian nên bài thơ rất có hồn. Cái hình ảnh ông đồ được mô tả đây không chỉ đơn thuần là hình ảnh của một con người chỉ xuất hiện trong một thời gian và không gian nhất định, mà ông đồ đây chính là cái hình ảnh kết tinh của một nền văn hóa đã tồn tại qua hàng ngàn năm, cho nên đã trở thành một biểu tượng thân yêu trong ký ức của mỗi người dân đã thấm nhuần cái nền văn hóa đó. 
 
Có lẽ cũng vì cái lẽ đó mà về sau này khi Vũ Đình Liên đã đi theo Cộng sản, thỉnh thoảng vào dịp xuân về cũng mượn lại thể thơ của bài thơ ông đồ cũ và hình ảnh ông đồ để làm ra những bài thơ ông đồ mới nhằm ca tụng Đảng và mùa xuân xã hội chủ nghĩa thì những bài thơ này chỉ còn là gượng ép, giả tạo nên cũng chẳng được mấy ai biết đến.
Chính cũng vì cái khuynh hướng dễ xúc cảm và dễ xa xót trước những hoàn cảnh đáng thương hoặc đau khổ của chính mình hay của người khác đó mà khi đất nước lại tiếp tục phải chứng kiến cái cảnh: "mùa xuân ấy chàng bước chân đi..." vì chinh chiến thì mỗi khi xuân về, người dân Việt không phải chỉ đón xuân bằng những bản nhạc xuân vui tươi, xuân nồng thắm, xuân yêu thương, xuân hy vọng, mà còn có cả những xuân mong nhớ, xuân đợi chờ, xuân chia cách và bao nhiêu là thứ xuân đau thương khác nữa mà mọi người phải chấp nhận như là một thực tế không thể chối bỏ trong cuộc sống. 
 
Sống trong hoàn cảnh chinh chiến thì có ai lạ gì khi mùa xuân đến có những người thiếu phụ ngồi đan áo mà lòng thì: 
 
"Cứ mỗi lần hoa mai vàng trước ngõ, thì em thôi mong nhớ xuân này chàng có về..."
[Đan áo mùa xuân - Phạm Thế Mỹ], 

hoặc người mẹ ở quê nhà mong con trong khi con ở ngoài chiến trường xa xôi nhớ về mẹ:
 
Con biết bây giờ mẹ chờ trông con
Khi thấy mai vàng nở đầy trong sân
Năm ngoái con hẹn rằng xuân sẽ về...
[Xuân con không về - Nhật Ngân] 

Hoặc buồn cô đơn như người lính chiến ở ngoài tiền đồn heo hút lúc xuân về: 
 
":...Đồn anh đóng ven rừng mai. Nếu mai không nở, anh đâu biết xuân về hay chưa..."
[Đồn vắng chiều xuân - Trần Thiện Thanh] 

Mỗi một người đều có những kỷ niệm riêng tư khắc sâu vào tâm khảm, mỗi gia đình có những thế hệ cha ông đã sống và để lại dấu ấn tinh thần hay vật chất cho con cháu, cũng như mỗi dân tộc có những nét đặc thù về văn hóa, những giai đoạn lịch sử đáng ghi nhớ, đáng tự hào hay đáng suy nghĩ. Tất cả những cái ấy đều đáng qúy vì nó làm cho dòng đời của một chuỗi lặp đi lặp lại những hiện tượng khách quan trở thành có ý nghĩa cho con người. 
 
Có một điều là do cái khuynh hướng thiết tha với những hoài niệm cũ, nhất là những hoài niệm được coi là tươi đẹp nhất của một giai đoạn lịch sử hoặc một đời người mà người ta cứ lưu luyến mãi với nó. Trước đây, nếu sau khi nhà Tây Sơn dứt nhà Lê rồi nhà Nguyễn dứt nhà Tây Sơn để thống nhất giang sơn về một mối sau một thời gian dài dằng dặc của những cuộc tranh chấp tương tàn, cái tinh thần hoài Lê vẫn ấp ủ trong lòng người dân Bắc Hà; thì gần đây, sau gần ba mươi năm từ ngày kết thúc cuộc chiến tranh Quốc Cộng, người dân Miền Nam vẫn chưa nguôi quên những nỗi đau thương hoặc những hoài bão chưa hoàn thành của những người đã đóng góp hay hy sinh cho một lý tưởng mình đã phục vụ, khiến cho lớp người còn lại của thế hệ trước vẫn thích ôn lại những kỷ niệm cũ. 
 
Tập tục chung của người dân Việt là khi đón xuân tất nhiên phải nhớ đến ông bà tổ tiên mình và tin rằng hồn của những người muôn năm cũ vẫn phảng phất trong hương khói ngày xuân để phù hộ cho con cháu, tuy nhiên người ta cũng không quên ngày xuân mọi người cũng phải mừng tuổi nhau và cầu chúc cho nhau qua năm mới sẽ gặp được những điều tốt lành. Nếu đối với những người mà tuổi đời đã làm cho mùa xuân hôm nay đã trở thành cái "xuân lại càng già" cho nên chỉ còn biết tiếc nuối những lỡ làng, những lầm lẫn hay những hoài bão chưa thành, thì điều ấy cũng không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng đối với những người tuổi trẻ đang tràn trề sức sống để bước vào đời, xin cho mùa xuân đối với họ vẫn cứ là niềm tin và hy vọng vào tương lai tươi sáng. 

ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment