Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Friday, February 8, 2013

Rủ Nhau Phình Cái Bụng Rồng

Phiếm luận


Kể cũng lạ! Trong số 12 con vật đại biểu của cái chi bộ 12 con giáp nắm giữ vận mệnh của con người trên trần gian này thì hầu hết là những con vật thông thường và quen mặt với con người, duy chỉ có mỗi con rồng là khác lạ hơn cả. Lý do không biết có phải vì lúc xưa, sau khi đã chọn xong 11 con rồi nhìn lại thì thấy toàn là thứ đầu trâu mặt ngựa, chó sủa gà bươi, khỉ dòm nhà, chuột khoét vách v.v… chứ không có mặt mũi nào coi cho ra hồn, nên các cụ mới hoảng lên, bèn quyết định phải bịa ngay ra thêm một con rồng uy linh ghép vào đứng chung và đặt cho cái bí danh là Thìn, hòng mang lại chút uy danh cho cái chi bộ súc vật này. Cũng nhờ thế mà từ đó những người hay tin vào tử vi lý số mới có chuyện so sánh rồi ta thán:

   Người ta tuổi Mẹo tuổi Thìn
   Riêng tôi vô phúc sinh nhằm tuổi Thân


Sở dĩ rồng oai nhất đám là vì xưa nay chưa có ai nhìn thấy rồng bằng xương bằng thịt bao giờ, mà chỉ là cái hình tượng một con vật được ghép lại theo kiểu cóp nhặt hình ảnh các thành phần của nhiều con vật khác nhau cho nên tha hồ mà “vẽ rồng vẽ rắn”, do đó rồng Âu châu không giống rồng châu Á, và rồng bên Tàu khi du nhập sang ta cũng biến thái đi đôi chút cho phù hợp với nhãn quan hay ước mơ tưởng tượng của dân tộc mình. Còn về mặt đức tính của rồng thì cũng là do con người thêu dệt ra, cho nên nếu dân Âu châu thường coi rồng như một thứ ác quỷ hiện hình để làm hại người, cần phải trừ khử, thì ngược lại dân Á châu lại coi rồng như một con vật cao quý đứng hàng đầu trong bộ tứ linh: long lân quy phụng (rồng, kỳ lân, rùa, chim phượng).  

Nói về hình dạng thì rồng Đông phương thường được vẽ như một con vật có thân hình dài như rắn nhưng trên lưng có kỳ và mình có vảy như cá chép, còn bốn chân giống chân kỳ đà nhưng có vuốt như vuốt cọp và móng nhọn như chim ưng. Đầu thì dài như đầu lạc đà, nhưng lại có sừng như hươu hoặc tê giác, và tai vểnh ra như tai bò. Mắt thì lồi và rất lớn, lại chiếu ra hào quang sáng quắc. Còn miệng thì rộng như miệng cá sấu với răng nanh chìa ra ngoài, kèm thêm những sợi râu dài và cứng. Đặc biệt hơn cả là rồng có thể phun ra lửa hoặc nước và thở ra khói.

Thủa mới vẽ ra rồng thì các cụ chưa nghĩ đến chuyện phân loại. Dần dà các cụ mới chia ra nào là rồng lửa, rồng đất, rồng nước v.v… và còn chế thêm ra rồng đực, rồng cái, rồng con cho rậm đám, rồi vẽ vời thêm cái đuôi rồng đực với rồng cái cũng khác nhau. Ðuôi rồng đực thì cuộn lại và cứng như cây côn dùng làm vũ khí khi xung trận, còn đuôi rồng cái thì lại xòe ra như chiếc quạt, không biết là để múa hay để làm cái gì khác thì không thấy ai nói đến. Các cụ lại còn vẽ ra nào là rồng xanh, trắng, đỏ, đen và vàng cho đầy đủ bộ ngũ sắc. Trong số này, rồng vàng được xem là cao quý nhất nên được dùng để tượng trưng cho Thiên Tử, tức là vua nước Tàu, vì vua Tàu tự xưng mình là con Trời để làm vua thiên hạ. Nước ta vì bé nhỏ, ít người, cho nên dân ta dù có tự hào cách mấy cũng không bao giờ dám tranh xưng là con Trời với Tàu mà chỉ nhận mình là “con Rồng cháu Tiên” thôi. 

Đây cũng là một chuyện lạ nữa vì Rồng với Tiên vốn không cùng chủng loại, lại khác nhau một trời một vực, làm sao mà kết hợp với nhau được? Thì ra cũng vì tục truyền rằng vào thời thượng cổ, vua Kinh Dương Vương xứ Lĩnh Nam nhân dạo chơi Động đình hồ nên đã gặp Long nữ là con gái của Long vương. Hai người kết hợp với nhau và sinh ra Sùng Lãm. Khi Sùng Lãm nối ngôi làm vua thì xưng là Lạc Long Quân và lấy nàng Âu Cơ là tiên, đẻ ra một cái bọc trăm trứng nở thành trăm người con. Một hôm, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ rằng: “Ta vốn dòng dõi Rồng, còn nàng là Thần Tiên, không thể nào ăn đời ở kiếp với nhau được. Nay có trăm đứa con thì chi bằng nàng hãy đem 50 đứa lên núi, còn 50 đứa theo ta xuống biển”. Thế là cuộc chia tay bắt đầu, tạo thành vụ ly thân điển hình đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Còn dân ta vốn do cha Rồng mẹ Tiên sinh ra nên từ đó mới xưng mình là giòng giống Rồng Tiên.

Rồng được dân Á đông kính sợ không những vì rồng là biểu tượng của Thiên tử mà còn vì sự tin tưởng rằng bốn biển trong thiên hạ đều do các Long Vương cai quản để làm mưa làm gió, trong khi dân chúng thì chủ yếu sống nhờ nghề nông cho nên rất cần mưa thuận gió hòa để mùa màng được tươi tốt. Do đó mỗi khi có hạn hán là họ tin rằng phải lập đàn cầu đảo để xin các vua rồng đến phun nước làm mưa thì mới qua khỏi cơn hoạn nạn. Tục ngữ nhà nông ta có câu:

Rồng đen lấy nước thì nắng,
Rồng trắng lấy nước thì mưa
...

Hoặc trong ca dao cũng có câu:

Rồng đen lấy nước được mùa
Rồng trắng lấy nước thì vua đi cày

Rồng đen có nghĩa là khi thấy ngoài biển khơi có cái hình ảnh như cái “vòi rồng” màu đen xuất hiện thì đấy là điềm báo hiệu mưa thuận gió hòa, nhà nông sẽ được mùa, còn nếu như đó là màu trắng thì thời tiết sẽ khô hạn, ruộng đồng nứt nẻ, dân chúng sẽ bị mất mùa đói kém đến nỗi ngay cả nhà vua cũng phải chạy lo kiếm sống chứ không thể nào ngồi yên mà hưởng thụ được nữa.

Mặc dù rồng Á Đông không có cánh như rồng Âu châu nhưng cũng biết bay cho nên tục ngữ ta mới có câu: “rồng bay phượng múa”, để diễn tả cái tài năng của người nghệ sĩ và nét đẹp trong nghệ thuật như Vũ Đình Liên, một nhà thơ tiền chiến đã từng viết trong bài thơ “Ông Đồ”: 

Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay…

Nhưng rồng phải gặp mây thì mới thật sự thi thố được hết tài năng của mình cho nên dân ta mới ví: “Như cá gặp nước, như rồng gặp mây”. Còn nhà nho Nguyễn Công Trứ của thế kỷ 19 thì bộc lộ ước nguyện của mình trong bài phú “Kẻ Sĩ” như sau: 

Rồng mây khi gặp hội ưa duyên,
Ðem quách cả sở tồn làm sở dụng 

Như đã nói, rồng là biểu tượng của nhà vua cho nên tất cả những gì thuộc về vua, từ cung điện, đền đài, lăng tẩm, vật dụng nội thất cho đến y phục, ấn tín, đều được chạm trổ hay thêu vẽ hình rồng. Còn về mặt danh xưng thì những gì thuộc về nhà vua hay dành cho vua dùng thường được kèm thêm chữ “long” (tức là rồng) như long sàng là giường vua nằm, long án là bàn để cho vua làm việc, long bào là áo của vua mặc, long thuyền là thuyền để vua đi, long thể là mình mẩy của vua, long nhan là mặt mũi của vua v.v… Vua ta tuy biết mình phận nhỏ nhưng nhờ dựa vào cái thế là con cháu Tiên Rồng nên cũng dùng luôn rồng làm biểu tượng. Tuy nhiên, dân ta vì muốn bảo tồn tiếng Việt trong sáng của mình, cho nên mới nôm na hóa những cái tên bằng chữ Hán rắc rối cho trở thành dễ gọi hơn như: mặt rồng, mình rồng, bệ rồng, thuyền rồng v.v… Có điều là khi có ai nói tới cái vòi rồng thì xin đừng tưởng là cái vòi của vua mà đấy chỉ là tên gọi cái vòi xịt nước của xe cứu hỏa mà thôi.  

Vì “long” có nghĩa cao quý như thế nên các cụ cũng hay dùng chữ này để đặt tên cho con cháu hầu mong chúng mai sau sẽ thành người cao quý, tài năng như rồng, hay dùng để đặt tên cho các cảnh trí đẹp đẽ hay hùng vĩ như vịnh Hạ Long ở miền Bắc, sông Cửu long ở miền Nam, và vô số những địa danh khác trên cả nước, nhưng cái tên quan trọng nhất và ai cũng biết vì liên quan đến lịch sử dân tộc chính là Thăng long, kinh đô của nước ta suốt ba triều đại Lý, Trần, Lê. 

Sở dĩ có cái tên Thăng Long (rồng bay lên) là vì sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc, dân ta lại giành được quyền tự chủ và mở ra một kỷ nguyên độc lập mới cho nước nhà bắt đầu với nhà Đinh rồi tiếp đến là nhà Tiền Lê. Hai triều đại này ngắn ngủi nên việc nước chưa được sửa sang nhiều và kinh đô vẫn đóng tại vùng Hoa lư thuộc tỉnh Thanh hóa, vốn là miền núi non hiểm trở, từng là căn cứ địa của những cuộc nổi dậy chống quân xâm lược. Khi vua Lê Long Đĩnh băng hà thì triều thần tôn Lý Công Uẩn lên làm vua, lập ra nhà Lý. Vua Lý Thái tổ thấy đất Hoa Lư chật hẹp không tiện mở mang nên mới dời đô ra thành Đại La ở đất Hà nội bây giờ. Tục truyền rằng khi nhà vua ra đến nơi thì thấy có con rồng vàng hiện ra và bay lên bèn cho là điềm lành nên hạ chỉ đổi tên Đại La thành Thăng long. Từ ấy đến nay đã trải qua một ngàn năm với không biết bao là biến cố thăng trầm còn lưu lại trong sử sách và những dấu ấn tình cảm còn phảng phất trong thơ văn như bài thơ “Thăng Long thành hoài cổ” của bà Huyên Thanh Quan v.v…

Về cái tên Hạ Long (rồng đáp xuống) thì do truyền thuyết cho rằng thuở khai thiên lập địa có một đàn rồng trên trời khi bay qua miền Lạc Việt thì thấy một vùng nước trong, cát trắng rất đẹp bèn rủ nhau xuống tắm nên tạo thành cái vịnh, và hàng ngàn hòn đảo nhỏ nằm trong vịnh chính là những khúc lưng của đàn rồng nổi lên trên mặt nước. Còn dòng sông Mékong khi chảy đến địa phận Nam Việt thì chia ra thành chín nhánh quanh co như chín con “Rồng thiêng uốn khúc” ôm lấy vùng đồng bằng phì nhiêu của Miền Nam trước khi đổ ra biển Đông nên được gọi là Cửu Long. Ngoài cách dùng chữ Hán để đặt tên cho các địa danh hoặc công trình kiến trúc, người ta còn dùng cả cách gọi nôm na, chẳng hạn  như ở Thanh Hóa có cây cầu mang tên Hàm Rồng, vì cầu được bắc qua hai mỏm núi trông giống như hàm con rồng trên sông Mã. 

Nhắc đến hàm rồng thì tục ngữ có câu: “mả táng hàm rồng”, dùng ám chỉ sự may mắn do hồng phúc mang lại. Đây là một vấn đề liên quan đến môn địa lý và phong thủy mà các cụ con Trời ngày xưa đặt ra để xác định vị trí những thế đất được xem là có chứa “long mạch” làm nảy sinh anh tài, tương lai vượng phát, sự nghiệp vững bền, hầu giúp cho vua chúa muốn dựng nghiệp lớn, người giàu có muốn xây cất cửa nhà, gia đình có người chết muốn an táng hài cốt cha ông v.v… Chính vì tin đất phương Nam có chứa nhiều long mạch tốt nên ngày xưa các vua Tàu thường sai mấy thầy địa lý sang nước ta dò tìm cho ra rồi ếm cho mạch không thể phát được nữa, khiến cho giống dân Lạc Việt không còn hưng thịnh lên để tranh đua với nước Tàu. Điều này có thật hay không thì không ai dám cả quyết, chỉ biết rằng lúc sau này nước ta có xảy ra cái hiện tượng hiếm nhân tài, lại thêm nạn “rồng ở với giun” như câu tục ngữ vẫn được truyền tụng. 

Ngoài ra, dù chẳng biết rồng xương xẩu ra sao nhưng người ta cũng dùng chữ “long” hoặc “rồng” để đặt tên cho vài loại cây đầy gai góc mọc trên những vùng đất cát khô cằn là cây xương rồng, cây lưỡi long, cây thanh long, cây huyết rồng (một loài cây hiếm quý dùng để làm thuốc), hoặc một số cây hoa quả thông thường khác như cây đậu rồng, cây long nhãn (vì quả có hột giống như mắt rồng) và cây hoa móng rồng v.v… 

Mặc dù “long” chữ Hán có nghĩa là rồng hàm ý cao quý nhưng lại đồng âm với “long” trong tiếng nôm có nghĩa là lỏng ra, sút ra, không còn chắc chắn nữa, như “long lay” chẳng hạn. Người chăn nuôi thường rất sợ súc vật mắc chứng bệnh “lở mồm long móng”, còn con người khi bước sang tuổi già thì ai rồi cũng “đầu bạc răng long”. Tuy nhiên, khi nói “gái không chồng như phản gỗ long đanh” thì đúng là “ngựa” hết chỗ chê, chứ không giống cái kiểu ì à ì ạch của mấy ông già “long gân” đâu. Ngoài ra “long” cũng có nghĩa là làm rung chuyển như khi nói bom đạn nổ “long trời lở đất”, còn “long đong” thì diễn tả cái ý phải vất vả mà vẫn không thành công. May mà còn được mỗi một tiếng “long lanh” như khi nói “đôi mắt long lanh” là nghe ra vẫn có vẻ gợi cảm đáng yêu mà thôi. 

Phải chăng vì chữ Hán sau này không còn linh trong tiếng Việt cho nên mới có mấy  cái địa danh như Bình Long, Phước Long v.v… chỉ gợi lại cho dân ta toàn là hình ảnh của những ngày chinh chiến, còn Long Bình thì hồi sau 75 đã từng xảy ra vụ nổ kho đạn khủng khiếp đến nỗi làm rung chuyển cả Sàigòn ở cách xa hàng mấy chục cây số. Riêng về lịch sử thì vào cuối thế kỷ 18, vua Càn Long bên Tàu lúc ấy cũng đã vào cái tuổi “long gối”, nhưng nhân lúc nhà Lê ta suy đồi vì nội chiến triền miên và vua Lê Chiêu Thống phải chạy sang Tàu cầu viện, bèn sai Tôn Sĩ Nghị đem quân sang viện cớ giúp nhà Lê để hòng xâm chiếm nước ta, cho nên mới bị vua Quang Trung nước ta đánh cho một trận thua chạy không còn manh giáp. Không những thế, suýt tí nữa vua Tàu còn bị trúng kế của vua ta định cầu hôn công chúa để đòi thêm vùng đất Lưỡng Quảng của Tàu làm món hồi môn, nếu vua ta không đột nhiên ngã bệnh mất sớm. 

Trở lại với rồng thì mặc dù tính khí rồng chưa chắc đã hiền hơn cọp, beo, sư tử vì sách có câu “Long tranh hổ đấu”, có điều xưa nay chưa có ai trông thấy rồng thật ăn thịt người, mà chỉ thấy toàn rồng gỗ, rồng đá nằm trơ gan cùng tuế nguyệt, cho nên mới có chuyện người đòi ăn gan rồng hay muốn mổ bụng rồng thôi. Phải chăng vì lẽ đó mà dân ta chỉ gọi rồng một cách trống trơn là rồng hay con rồng chứ không ai gọi rồng bằng ông như người ta từng gọi ông cọp, ông voi v.v… hoặc đôi khi người ta còn tỏ vẻ thương hại rồng như câu ca dao: 

Rồng vàng tắm nước ao tù
Người khôn ở với người ngu bực mình.

Không những thế, có khi rồng còn được dùng để ám chỉ một cách bỡn cợt như trong bài thơ “Giễu người thi đỗ” của Tú Xương, một nhà Nho bất đắc chí sống vào cuối thế kỷ 19, khi nước ta mới bắt đầu bị Tây đô hộ và nền Nho học xứ ta đang đi vào giai đoạn suy tàn: 

Một đàn thằng hỏng đứng mà trông
Nó đỗ khoa này có sướng không
Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông Cử ngẩng đầu rồng 

Vì rồng ngày xưa là biểu tượng của nhà vua cho nên nghệ thuật chạm trổ và điêu khắc rồng thường chỉ được thể hiện ở chốn cung đình xoay quanh các đề tài như: Lưỡng long tranh châu (hai con rồng tranh nhau ngậm viên ngọc), Lưỡng long chầu nguyệt (hai con rồng chầu mặt trăng) v.v… còn trong dân gian, hình rồng chỉ được chạm trổ để trang trí cho những nơi linh thiêng như đình chùa miếu mạo. Tuy nhiên, theo cái đà tiến hóa của lịch sử nhân loại, vua cũng mất dần uy quyền và cuối cùng là bị truất phế thì rồng cũng mất đi tính cách cấm kỵ nên hình ảnh rồng đã xuất hiện tràn lan một cách bình dị hơn, từ huy hiệu của một binh chủng hay một đơn vị quân đội, cho đến logo của một công ty kinh doanh to tát như hãng Hàng không quốc gia, hoặc chỉ là một thương hiệu nhỏ như hiệu bánh mứt Bảo Hiên Rồng vàng chẳng hạn. Nói đến cái logo con rồng chắc nhiều người sống ở Miền Nam thời trước 75 vẫn còn nhớ là các cô tiếp viên xinh đẹp của Hàng không Việt nam bấy giờ đều mặc đồng phục áo dài màu thiên thanh có thêu phù hiệu “con rồng bay” trên cổ áo, làm cho lắm anh chàng dê cụ mê mệt ngắm nhìn rồi ao ước được hóa mình như rồng mà không được nên cứ ấm ức gọi Air Vietnam bằng cái tên “E con rồng lộn”, mặc cho ai muốn hiểu sao thì hiểu.
Nói thì nói vậy, nhưng hình ảnh rồng dù sao cũng đã đi vào tâm tưởng người dân từ lâu không những qua các câu tục ngữ biểu lộ sự quý trọng như “Rồng đến nhà tôm”, hoặc ca ngợi tài năng xuất chúng: “Ăn như rồng cuốn, uống như rồng leo”, mà còn được dùng để diễn tả khối tình cảm của người bình dân. Kho tàng văn học dân gian không thiếu gì những câu ca dao trữ tình như:

Rồng giao đầu, Phụng giao đuôi,
Nay tui hỏi thiệt: Mình thương tui không mình?

Hoặc:

Rồng chầu ngoài Huế,
Ngựa tế Ðồng Nai,
Sông trong chảy lộn sông ngoài,
Thương người xa xứ lạc loài tới đây,
Tới đây thì ở lại đây,
Bao giờ bén rễ xanh cây thì về!.. 

Rồng cũng là hình ảnh được dùng khi ca ngợi những mối duyên lành: 

Phận gái lấy được chồng khôn
Xem bằng cá vượt vũ môn hóa rồng.”

Hoặc:

Tình cờ ta gặp mình đây
Như cá gặp nước, như mây gặp rồng 

Nhưng cũng có khi chỉ là một điều ước mơ thật mỏng manh: 

Một ngày dựa mạn thuyền rồng
Còn hơn chín tháng nằm trong thuyền chài

Tuy vậy, khi cần trách móc thì người ta cũng không ngần ngại chê bai: 

Rồng nằm bể cạn phơi râu,
Mấy lời anh nói dấu đầu hở đuôi.
 

Rồng còn xuất hiện qua những hình thức sinh hoạt tập thể như múa rồng hoặc trò chơi rồng rắn của trẻ em thôn quê thời xưa. Trong trò chơi này thì một đứa trẻ đóng vai kẻ săn rồng và một đứa thủ vai đầu rồng, những đứa còn lại trong bọn thì ôm eo nhau nối đuôi thành một hàng sau lưng đứa làm đầu rồng. Chúng bắt đầu cuộc chơi bằng những câu đối đáp như sau: 

“Rồng rắn đi đâu? “Rồng rắn đi chơi”.
“Cho xin khúc đầu”. “Những xương cùng xẩu”.
“Cho xin khúc giữa”,  “Những máu cùng me”
“Cho xin khúc đuôi”. “Tha hồ mà đuổi”. 

Dứt câu này thì đứa bé săn rồng bắt đầu chạy đuổi quanh rồng để tìm cách chụp lấy cái đuôi, còn đầu rồng thì vừa nghênh chiến với đứa đi săn, vừa phải bảo vệ sao cho cái đuôi sau lưng mình không bị đứt lìa ra hoặc bị đứa đi săn vồ. Riêng về môn múa rồng thì chỉ xuất hiện trong các đám rước, lễ hội lớn và đông đảo nhưng không phổ biến bằng múa lân.  

Kể ra thì rồng chỉ là một con vật tưởng tượng, nhưng dù sao thì cái hình ảnh con rồng cũng như những đức tính mà rồng tượng trưng cũng đã gây thành một ấn tượng đậm nét trong đầu óc con người từ Á sang Âu, cho nên vào thế kỷ 18, khi dân Âu châu vùng lên làm Cách mạng phá bỏ chế độ phong kiến, thì ở phương Đông các cụ con Trời vẫn chìm đắm trong cái vẻ thanh bình hàng ngàn năm “Rồng chầu hổ phục”, đến nỗi Nã Phá Luân, một ông vua mũi lõ ở bên Tây cũng phải gọi Tàu là “con rồng ngủ” và khuyên dân Âu châu đừng đánh thức con rồng dậy. Nhưng khi liệt cường rủ nhau xúm vào nổ pháo chia phần xứ Tàu thì các cụ con Trời cũng tỉnh ra nên quyết hạ bệ “con rồng vàng ngủ mê” để canh tân đất nước. Cuộc cách mạng chưa đi tới đâu thì đã bị đám con cháu Thái Dương Thần nữ (nhờ biết canh tân hóa trước một bước nên cũng đã trở thành hùng cường), nhào vô nện cho một trận thất điên bát đảo, rồi tiếp theo là cái nạn dịch “Mác Lê” từ bên trời Âu lan truyền qua cho đám rồng đỏ làm cho đám này đâm ra cuồng mê, chỉ còn biết cầm liềm búa “cắt mạng” hết những con rồng khác màu cho đến khi cả nước chỉ còn là một loại rồng đỏ với nhau mà thôi. 

Nước ta vốn “sông liền sông núi liền núi” với nước Tàu, nên vẫn quen cái nếp “Tàu sao ta vậy”. Hơn nữa, không biết có phải do hậu quả của một ngàn năm Bắc thuộc, có nhiều long mạch của nước ta đã bị quân Tàu trước đây yểm phá nên sau này đất nước ta mới sản sinh ra những loài liu điu sống lẫn lộn trong rồng để làm cho rồng ta ươn hèn đi, cho nên khi Tàu bị Bạch quỷ, Nhật lùn ăn hiếp thì ta cũng bị Tây mũi lõ đô hộ. Kịp đến khi dân Tàu bị đám rồng đỏ đưa về lại thời tiền sử thì ta cũng bị đám liu điu học theo rồng đỏ Tàu diệt hết đám con Rồng cháu Tiên để đem dân tộc ta trở về thời kỳ đồ đá. 

Sau mấy thập niên ăn ở theo kiểu thú rừng, đám rồng đỏ Tàu chợt nhận ra xung quanh mình thiên hạ đều mới đẹp hẳn ra, nên buộc lòng phải học cách làm ăn phóng khoáng theo đám “tư bản giãy chết” mà vẫn cứ sống phây phây của Tây phương, nhờ đó mà rồng đỏ Tàu cũng bắt đầu vươn mình lên với thiên hạ. Đám liu điu xứ ta học theo rồng Tàu cũng bắt đầu tập nắn lại bộ răng hô cho có vẻ bớt thô kệch hơn xưa, nhờ thế mà vào cái năm con cọp mới đây, nhân dịp tròn tuổi “Một ngàn năm Thăng long”, đám này cũng bày trò tổ chức lễ kỷ niệm ăn mừng thật “hoành tráng”, nhưng khi nhìn kỹ lại thì chỉ thấy toàn là một thứ bánh tráng “vẽ rồng ra giun” mà thôi.  

Rồng Tàu kể từ khi học lóm được phép luyện cao “hạt nhân” thì không còn thích nằm yên sau bức Vạn lý trường thành để mơ làm “Đường Minh hoàng du nguyệt điện” như xưa nữa mà cũng biết vươn móng vuốt ra quào luôn mấy mảnh đất láng giềng gần như Mông, Tân, Mãn, Tạng về cho mình thu nguyên liệu để chế biến, khiến cho ngay cả Phật sống cũng hoảng kinh phải chạy đi tị nạn. Rồi trong năm con Mèo vừa qua, rồng Tàu bỗng nhiên lại lè ra thêm một cái lưỡi rất lạ mang tên “lưỡi bò” liếm xuống vùng biển Đông quen thuộc của dân ta, khiến cho đám rồng nhỏ sống xung quanh vùng biển này cứ  nhốn nháo cả lên. Riêng dân ta thì mấy năm trước đây, kẻ ở núi đã từng bị mấy cái “cột mốc lạ” lấn chiếm làm cho mình mất chỗ cắm dùi, nay lại thêm kẻ ở biển cũng bị cái “lưỡi bò” này liếm cho chìm tàu, mất mạng, nhưng có điều lạ là trong khi dân ta tuy thấp cổ bé họng vẫn còn có kẻ dám la làng phản đối thì trái lại, cái đám liu điu đang ăn trên ngồi trước ở nước ta không những vẫn tỉnh bơ ca đi ca lại cái điệp khúc “4 tốt” với “16 chữ vàng” do rồng Tàu sáng tác mà còn tìm đủ mọi cách bịt mồm bịt miệng đám dân dám la làng này để cho rồng Tàu không nổi cơn thịnh nộ. 

Các cụ xưa của ta có bảo:

Trứng rồng lại nở ra rồng
Liu điu lại hóa ra giòng liu điu 

Nay là năm con rồng trở về, cầu mong sao cho dân ta đều giữ được cái bản chất con Rồng cháu Tiên của mình để phân biệt với loài “liu điu” rồi thẳng tay trừ khử hết cái đám đang “theo đóm ăn tàn” bán nước hại dân này, và tiếp tục truyền thống hào hùng của cha ông, rủ nhau cùng phình cái bụng rồng ra lấp hẳn cái “lưỡi bò” của con rồng đỏ tham lam và tàn bạo phương Bắc, hầu giữ vẹn được bờ cõi và làm vẻ vang cho giống nòi. 

ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment