Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Saturday, February 16, 2013

NGHIỆP VĂN ÁO VÕ [1]

Ký sự Tùy bút 
1.- ÐƯỜNG TRƯỜNG XA... 
CON CHÓ NÓ THA CON MÈO... 

Có thể nói thế hệ của tôi từ lúc mới sinh ra là đã nhìn thấy chiến tranh: Nhật đem quân vào Ðông Dương nên máy bay Ðồng Minh dội bom quân đội Nhật. Khi Nhật đầu hàng thì Toàn quốc khởi nghĩa và Pháp trở lại Ðông Dương nên xảy ra cuộc Toàn quốc kháng chiến. Cái hào khí mà lúc còn tuổi thơ tôi đã nhìn thấy tỏa ra nơi thế hệ cha anh trong cuộc chiến tranh giành độc lập bắt đầu phai nhạt dần theo với đà khôn lớn của tôi, khi mà cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp biến thể thành cuộc chiến tranh ý thức hệ.
Rồi đất nước bị phân chia và cuộc chiến tranh Quốc Cộng lại tái diễn. Những phân hóa trong nội bộ Miền Nam đã khiến cho tình hình càng ngày càng xấu nên chiến tranh cứ kéo dài triền miên khiến cho ai cũng đâm ra chán nản và mỏi mệt. Cũng vì thế mà bây giờ đến lượt thế hệ của tôi trưởng thành, phải nối tiếp thế hệ cha anh tiếp tục cuộc chiến thì cái hào khí hầu như không còn mà hình như chỉ vì cái thế bắt buộc thôi. 

Từ cái nhìn cuộc chiến như thế đó tất nhiên những người thuộc thế hệ tôi hầu như anh nào đến tuổi động viên cũng đều sống trong tình trạng bấp bênh chờ đợi đến lượt mình bị gọi nhập ngũ, và lúc phải cầm tờ lệnh gọi trong tay rồi thì anh nào cũng có vẻ thuộc nằm lòng câu "Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau". Tôi cũng nằm trong số những anh chàng mà giòng máu kiêu hùng vẫn còn ngủ yên trong trái tim chứ chưa sôi sục trong huyết quản, nên khi bị gọi nhập ngũ trong đợt bổ túc cho khóa 23 Thủ Ðức này, đợi tới ngày chót mới chịu chường mặt ra trình diện, do đó mà khi được đưa vào tới quân trường Bộ Binh thì khóa này cũng đã tới ngày khai giảng và các đơn vị đều đã đầy đủ quân số, duy chỉ có Ðại đội chót còn thiếu một trung cho nên tất cả cùng được sắp chung vào cái trung đội cuối cùng này cho tròn cấp số. 

Vừa được phân bổ về tới đơn vị là bọn tôi tức tốc được sĩ quan cán bộ dẫn tới kho quân nhu để lãnh đồ trang bị cho một tân binh hầu chạy theo cho kịp với lịch trình chung cả khóa. Từ thủa còn làm học sinh nội trú cho tới thời sinh viên lang thang ở trọ, cái vali hành trang của tôi chưa bao giờ đầy, thế mà bây giờ vào đây được phát cho một lúc không biết bao nhiêu thứ: Nào là mùng mền, quần áo, nón mũ, poncho... rồi còn bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh như cuốc xẻng, cà mèn, bi đông... cho tới cái muổng ăn cơm, dồn vô đầy một cái sac marin, một cái ba lô đeo lưng, luôn cả cái túi dết đeo toòng teng được phát cho mượn để đựng sách vở dùng cho những giờ đi học trong lớp.

Ðể có thể tha hết ngần ấy thứ một lúc tôi phải đầu thì đội vừa nón lưỡi trai, beret, nón nhựa, nón sắt mà vẫn còn thừa cái cát két, còn chân thì xỏ ngay đôi giày bố vào mà vẫn còn phải lủng lẳng ngang hông nào là giày sô, giày thấp cổ... Lãnh xong quân trang rồi thì lưng đeo, vai vác, tay xách nách mang, ì ạch tha bằng ấy thứ về được đến phòng mình là gần muốn đứt thở. 

Nhà ở của mỗi trung đội là một căn nhà dài được kê hai giãy giường sắt hai tầng xen kẽ với những cái tủ gỗ dành cho sinh viên xử dụng. Vừa buông đống quân trang mới lãnh ra vào chỗ được ấn định cho mình thì đã thấy mấy anh lính cơ hữu trong quân trường tới gạ bán đủ thứ nẹp quần áo, khung giường... Thật ra đây cũng chỉ là những món mà khóa trước vừa ra trường bỏ lại được họ tháo ra rồi đem bán cho khóa sau mua để lại gắn vào giường cho tất cả đều thẳng góc vuông cạnh theo như quy cách chung, còn mấy ông lính thì kiếm được tí tiền còm phụ vào đồng lương của mình. 

Trút bỏ bộ đồ dân sự để khoác bộ đồ nhà binh mới toanh và rộng thùng thình vào rồi là vừa loay hoay sắp xếp giường tủ của mình vừa lần lượt thay phiên nhau ra đưa đầu cho mấy ông lính thợ cạo xuống tóc theo đúng kiểu 3 phân và chụp hình làm hồ sơ. Sau đó là tập họp đi đến kho súng để lĩnh vũ khí. 

Ngày còn bé, thấy mấy anh thanh niên hăng say gia nhập Vệ quốc quân đi đánh Pháp, tôi tưởng như khi lớn lên được cầm khẩu súng thật trong tay chắc là sẽ hãnh diện lắm, nhưng bây giờ khi đưa tay ra nhận lấy khẩu garant nặng trình trịch, lại còn thêm cái lưỡi lê, một cấp số đạn để từ đây sẽ là bạn đồng hành của mình, tôi thấy mình như vừa đánh mất đi một chút hồn nhiên còn sót lại trong tâm hồn để tập chấp nhận làm cái công cụ người trong một cuộc chiến mà hận thù đang chi phối hành xử của con người. 

Loay hoay móc chưa xong được cái dây đeo vào súng thì đã có lệnh tập họp ra về. Cả trung đội tên nào cũng đang có vẻ lúng túng với khẩu súng và mớ phụ tùng, chưa biết làm sao nên thằng thì vác, thằng thì ôm, trông chẳng ra cái thể thống gì cả, lại còn quờ quạng cụng cả vào đầu nhau nên nhiều tên la chí choé. Thế là viên chuẩn úy cán bộ trung đội trưởng quát lên một tiếng rồi ra lệnh cho cả trung đội nằm sấp xuống làm hai mươi cái hít đất sơ khởi để cho tất cả hiểu thế nào là kỷ luật nhà binh và cái uy quyền của sĩ quan cán bộ. 

Thế mà nào có được nghỉ để thở. Liền sau đó là cả trung đội bị phạt phải chạy trở về doanh trại chứ không tà tà đi nữa. Cái màn mở đầu của tám tuần huấn nhục đã khởi sự. Kể từ giờ phút này, hình như bất cứ ông sĩ quan nào cũng sẵn sàng ban phát cho bọn tân khóa sinh chúng tôi những cái hít đất, những cú nhảy xổm để giúp cho tên nào còn lề mề cũng sẽ phải nhanh chóng gột cho hết những cái luộm thuộm để cho tất cả chỉ còn là một khối đều răm rắp chỉ biết hành xử theo tiếng còi, tiếng hô khẩu lệnh. 

Tám tuần huấn nhục là thời gian mà người tân khóa sinh bị quay cuồng như cái chong chóng. Sáng vừa nghe hiệu kèn báo thức là vội vàng vùng dậy chạy ra sân tập họp, tập thể dục, xong về làm vệ sinh cá nhân, sắp xếp giường tủ cho tươm tất, cái gì cũng phải thẳng cạnh, vuông góc, xong là lãnh phần ăn sáng rồi chuẩn bị tập tành. Trưa tới giờ ăn cũng phải sắp hàng đi đều bước đến nhà bàn. Ăn vội ăn vàng cho kịp lệnh tập họp sắp hàng đi đều về Ðại đội. Cũng vì đầu óc không còn thì giờ để nghĩ ngợi nên lúc nào cũng chỉ biết hành động theo lệnh như cái máy cho nên mỗi khi nghe đến cái khẩu lệnh "Tan hàng" là tên nào cũng cảm thấy như mình vừa tỉnh dậy sau một cơn mộng du. Chạy ào vào phòng thót lên giường đặt lưng nằm mới chợp mắt thì đã tới giờ tập luyện buổi chiều. Sau buổi cơm chiều vừa được vài phút tự do thì đã có lệnh tập họp sinh hoạt cho đến giờ có hiệu kèn tắt đèn đi ngủ. 

Vì đại đội tôi là chót nên phòng ở nằm gần dãy nhà ban Quân nhạc, nhờ thế được nghe kèn trống thường xuyên nhưng lại rất xa nhà bàn tức là nhà ăn tập thể của SVSQ cũng như xa câu lạc bộ và khu sinh hoạt tức là khu bán các thứ hàng linh tinh cần thiết. Chính vì thế mà mỗi lần ăn cơm thì thời gian đi và về lại chỗ ở của mình chiếm mất nhiều thì giờ hơn khiến cho thì giờ nghỉ ngơi bị ngắn đi đã đành, những giây phút tự do ngắn ngủi muốn đi câu lạc bộ ăn thêm cái gì đó hay đến khu sinh hoạt mua sắm vài thứ cần thiết thì cũng ngại vì phải đi ngang qua mấy khu văn phòng nên khi đi lẻ tẻ càng có nhiều cơ hội phải đụng đầu mấy ông sĩ quan, và chỉ cần một chút sơ hở như chào kính không đúng cách là cũng đủ để bị phạt hít đất hay nhảy xổm. 

Tám tuần sơ khởi cũng là thời gian mà tân khóa sinh bị cấm cố trong trại cho nên anh nào cũng mong ngóng đến chiều thứ bảy và ngày chủ nhật vừa để được nghỉ ngơi vừa để được gặp người thân đến thăm. Khu Tiếp tân nằm gần cổng số 1 vào những ngày cuối tuần có khoá mới rất đông vui. Doanh trại Ðại đội tôi được cái may mắn nằm gần khu tiếp tân nên mỗi lần tiếng loa phóng thanh phát ra từ bàn trực khu tiếp tân gọi tên khóa sinh có thân nhân đến thăm nghe rất rõ và khi nghe gọi thì đi ra gặp thân nhân cũng nhanh nhưng tôi lại chẳng bao giờ có cái diễm phúc nghe tên mình được gọi. 

Ngày tháng ở quân trường thì nắng mưa gì cũng là ngày tháng của trời dành cho người cho nên ngay tuần lễ đầu tiên tên nào cũng được chích cho một mũi thuốc ngừa thương hàn cảm cúm sài uốn ván để rồi từ đó là tha hồ được cán bộ, huấn luyện viên cho dầm mưa dãi nắng. Mà kể cũng lạ, lúc còn ở nhà tôi thấy mình có nhiều lúc hay uể oải, nhức đầu khó ngủ, nhưng bây giờ vào đây thì lúc nào cũng có thể ngủ gà ngủ gật, kể cả những lúc đang ngồi dưới cơn mưa ngoài bãi huấn luyện. 

Vì đại đội tôi có nhiều anh chàng vốn là công chức bị cấp trên thất sủng mới đẩy cho đi Thủ đức cho nên mấy anh chàng này chẳng lấy gì làm hứng thú với những trò bò lết, hoặc cơ bản thao diễn "một, hai, ba, bốn..., nghiêm! súng chào... bắt..." thành thử mỗi kỳ tuyên bố kết quả sắp hạng thi đua hàng tuần của các đơn vị thì hầu như tuần nào đại đội tôi cũng cầm cờ đỏ, nghĩa là sắp hạng bét. Cán bộ đại đội mà bị cấp trên dũa thì chúng tôi lại càng bị cán bộ dũa thê thảm hơn cho đúng với hệ thống quân giai. 

Tuy thế, tám tuần huấn nhục rồi cũng qua đi và cho dù anh nào có lè phè đi nữa thì cuối cùng cũng phải nhuần nhuyễn những bài học cơ bản thao diễn để có thể đi đứng thẳng hàng, chào kính đúng cách. Rồi đêm gắn alpha đến và ngay sau khi buổi lễ kết thúc, toàn khóa mỗi tên được cầm một tờ giấy phép 24 tiếng đồng hồ để lần đầu tiên bước ra cổng số 1 để về thăm thành phố sau hai tháng liền bị cấm cố trong trại. 

Từ khi được đi phép hàng tuần, mỗi lần có người thân hay bạn bè lần đầu tiên thấy tôi trong bộ quân phục SVSQ cũng bảo là lúc này tôi trông khoẻ ra. Tôi nghĩ có lẽ cái phù hiệu ngọn lửa hồng có hàng chữ "Cư An Tư Nguy" mà các sinh viên từ bao nhiêu khóa của quân trường này đã diễn nôm ra thành "cứ ăn cứ ngủ" và bộ quân phục trên người tôi đã khiến họ nhìn tôi khác đi chứ với cái thân hình chưa bao giờ vượt quá 40 kí, lại thêm cái mặc cảm đã một lần bị nám phổi hồi còn theo học Tú Tài cho nên lâu nay tôi chỉ cảm thấy mình bị thua thiệt hơn người khác mỗi khi trung đội bị phạt, vì đã vào đây rồi thì thằng khoẻ hay thằng yếu gì cũng được coi như cá mè một lứa cả. 

Sau khi được gắn alpha rồi thì ngày tháng ở quân trường có vẻ qua mau hơn và dễ chịu ra vì hàng ngày ngoài những giờ học tập vũ khí, chiến thuật, đi bãi và những đêm phải đi gác hay ứng chiến, thì giờ còn lại được thong thả sinh hoạt cá nhân như đi câu lạc bộ ăn uống, xem ti vi, một môn giải trí mới mẻ vừa mới có. Ngoài ra, cán bộ còn cho phép những sinh viên nào không thích ăn cơm nhà bàn có thể đi ăn câu lạc bộ hay qua khu Thiết giáp ăn cơm của đám gia binh nấu bán ngon miệng hơn. Ðại đội tôi có nhiều anh chàng vốn là công chức nên được hưởng lương sai biệt thành thử bữa cơm nào cũng có một số bỏ cơm nhà bàn đi ăn riêng, nhờ thế mà những tên lãnh lương trung sĩ trơn như tôi cứ việc chia nhau hai ba tên một ô vuông, tha hồ mà ăn cá mối với dưa leo hoặc thịt ba rọi kho với rau muống luộc bằng thích. 

Các buổi đi bãi để học về chiến thuật bắt đầu lý thú hơn vì đi bãi nào thì cũng thấy có cả dăm ba gánh hàng sương sâm, đậu hũ, và cả la ve nước ngọt của mấy người vợ con binh sĩ gánh theo ra tận bãi chờ sẵn ở mấy gốc cây hay bờ đất. Mấy chị hàng rong này đã từng bán hàng cho không biết bao nhiêu khóa SVSQ ngoài các bãi tập nên rành hết mọi ngõ ngách. Chính vì thế mà cũng có vài chuyện vui vui đã xảy ra như khi học môn địa hình, vài anh chàng ma lanh đã có thể khỏi phải dùng đến bản đồ với la bàn nhắm hướng rồi lội ruộng làm chi cho vất vả, mà chỉ cần ghé chỗ gánh hàng rong mua dăm ba bịch sương sâm rồi hỏi nhỏ chị bán hàng một câu là cứ thong thả men bờ ruộng và đường mòn mà đi cũng tìm trúng phóc ngay mục tiêu tọa độ. 

Thật ra đi học bãi hay đi gác và ứng chiến là phải đối đầu với nguy hiểm nhưng tôi lại không mấy sợ mà chỉ ngán vác đạn. Chả là vì mỗi lần đi học bãi hay đi ứng chiến thì mỗi trung đội được trang bị thêm một khẩu trung liên bar và giao cho tiểu đội trực hôm đó đảm nhiệm. Anh chàng nào khoẻ thường được cử làm xạ thủ thì chỉ vác mỗi khẩu trung liên thôi, nhưng hai tên phụ xạ thủ thì được cắt theo tua trực, ngoài việc phải mang vũ khí và trang bị cá nhân của mình còn phải xách thêm một thùng đạn trung liên nữa. Những tên khoẻ thì có vác thêm thùng đạn cũng không nhằm nhò gì, nhưng ốm yếu như tôi thì với khẩu garant, balô, nón sắt và cấp số đạn cá nhân đã thấy nặng rồi lại còn phải è cổ vác thêm một thùng đạn nữa, đúng là của nợ. 

Càng về cuối giai đoạn, những bài học về chiến thuật càng khó khăn vất vả hơn như là vượt sông, leo núi, tuột dây tử thần, nhưng lại có vẻ tạo cho tôi một cảm giác mới lạ và thích thú vì những bài học này làm tôi nhớ lại cái thời kỳ còn nhỏ đi sinh hoạt Hướng đạo. Tuy nhiên, bây giờ không phải là trò chơi mà là bài học chiến đấu để sống còn trong một cuộc chiến mà sự vong thân cho những ý tưởng thù nghịch đã làm cho những con người vốn một thời từng có chung những kỷ niệm cũng không còn có thể xem nhau là bạn nữa mà chỉ nhìn thấy nhau như địch với thù.

Cuộc chiến vẫn càng ngày càng leo thang và con người thì cứ như bị cơn lốc của chiến cuộc cuốn mình theo chứ không còn lối thoát. Những hy sinh tổn thất trên chiến trường ngày càng gia tăng khiến cho nhiều bậc làm cha mẹ lại càng tìm cách chạy chọt cho con em mình được phục vụ trong một ngành chuyên môn hay không chiến đấu. Tôi nhiều lúc cũng thấy mình thầm mong muốn không phải trực tiếp cầm súng. Ký ức về những hình ảnh ghê rợn của những người chết vì bom đạn và những nỗi đau khổ hay oán hờn của người thân còn sống khi chứng kiến cảnh đau lòng ấy đã khiến cho người mang một bản chất hay suy tư như tôi dù không chấp nhận chế độ Cộng sản, vẫn thấy mình như có một chút gì bất nhẫn trong hành động cầm súng bắn vào con người, cho dù đó là kẻ thù địch. 

Ngày lễ kết thúc giai đoạn một cũng là ngày tuyên bố kết quả đi ngành. Một số bạn đồng khoá đã mừng rỡ khi nghe tên mình được gọi và sau đó là vui vẻ sửa soạn rời trường để đến trình diện đơn vị mới hầu tiếp tục thụ huấn ngành chuyên môn. Tôi hơi buồn vì thấy mình không được hưởng sự may mắn đó nhưng cũng đành chấp nhận cho số mệnh đưa đẩy. 

Rồi khóa 22 ra trường và khóa 24 bắt đầu lục tục vào. Một số bạn cũ của tôi từ thời trung học hay ở Văn khoa cũng đã đến lượt vào đây, Khoá tôi bây giờ đã trở thành đàn anh và trên cầu vai mỗi SVSQ đã được gắn thêm một cái vạch. Vào thời gian khóa đàn em còn thụ huấn giai đoạn sơ khởi thì mọi công tác trực gác ứng chiến khóa đàn anh phải đảm nhiệm hết cho nên bọn đàn anh chúng tôi cứ ba đêm thì một đêm đi gác, một đêm ứng chiến, chỉ có một đêm được ngủ giường. 

Nhìn những trung đội tân khóa sinh đàn em còn vụng về lúng túng trong bộ quân phục mới toanh và vẻ mặt thì rất ngố nhưng vẫn cứ phải cất cao giọng vừa đi vừa đếm bước "Một, hai, ba, bốn..." hoặc đồng ca bài Lục Quân Việt Nam, bài hát mà bất cứ người SVSQ trường Bộ binh Thủ Ðức nào trong thời gian đầu mới thụ huấn tại quân trường này cũng phải thuộc nằm lòng, tôi không khỏi buồn cười nhớ lại cái hình ảnh của chính mình vài tháng trước đây. 

Một hôm, lúc đi ngang qua mấy đại đội tân khóa sinh đang vừa đi vừa hát:

Ðường trường xa muôn vó câu bay dập dồn
Ðoàn hùng binh trong sương lướt gió reo vang... 

Chợt tôi nhìn thấy nhà thơ Nguyên Sa, vị giáo sư mà năm tôi mới lên đệ nhị ở Chu Văn An tôi đã suýt bị ông ta đì vì tội đem thơ của ông ta ra bình phẩm đùa với bạn, và rồi kìa, còn có cả ông giáo sư trẻ từng dạy tôi môn Xã hội học ở Ðại học Văn Khoa cũng đang đi trong hàng. Tôi bỗng liên tưởng tới lời của cái bài hát này từng được nhiều tên trong bọn tôi sau khi đã qua khỏi tám tuần sơ khởi thì cũng bắt đầu trổ chút mòi ba gai để thỉnh thoảng ngẫu hứng hát đùa với nhau:

Ðường trường xa con chó nó tha con mèo
Thì nhiều tên còn ăn cá mối dưa leo...

Cuộc chiến tranh đã kéo dài hai mươi năm rồi và chẳng ai biết là sẽ còn dây dưa kéo dài đến bao giờ. Những bâng khuâng nuối tiếc về một quãng đời êm vui phải bỏ lại đàng sau để dấn mình vào những nỗi bất định của ngày mai, đã khiến cho mỗi chàng trai khi mang lấy nghiệp đao binh dù muốn dù không cũng có những lúc thấy tâm hồn như muốn đi hoang. Và chút đùa vui của tuổi học trò còn sót lại đó không hẳn là biểu hiện của một sự phản kháng hay bài xích mà chỉ là thoáng vui hồn nhiên của tuổi thơ từ tiềm thức chỗi dậy nhằm giúp họ quên đi những gian khổ của đời lính để cố gắng hy sinh cho cái lý tưởng Tự do mà họ đang phụng sự, dù đôi khi không ý thức rõ điều ấy, nhưng sự có mặt của họ trong hàng ngũ này có nghĩa là họ đã mặc nhiên chấp nhận chiến đấu cho lý tưởng Tự do chứ không chấp nhận buông xuôi cho cái chủ nghĩa Cộng sản sắt máu kia làm chủ đất nước này. 


ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment