Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Friday, February 8, 2013

Bác Thằng Bần

Phiếm luận

Không biết nhân loại phát minh ra cái môn cờ bạc từ thời nào nhưng trên thế giới này thì hình như không dân tộc nào là không biết chơi cờ bạc. Riêng đối với dân Việt nam thì cái gì chứ còn cái máu mê cờ bạc lúc nào cũng luân lưu trong huyết quản là điều không ai có thể chối cãi. Chả thế mà cụ Trần Trọng Kim khi viết quyển Việt Nam Sử Lược đầu tiên bằng tiếng Quốc ngữ đã không hề ngần ngại hạ bút viết như sau: "...Tâm địa thì nông nổi, hay làm liều, không kiên nhẫn, hay khoe khoang và ưa trương hoàng bề ngoài, hiếu danh vọng, thích chơi bời, mê cờ bạc..."

Thông thường hễ mỗi khi có một cuộc tụ họp hay đình đám là y như có cờ bạc xuất hiện. Tuy nhiên cờ bạc được chơi nhiều nhất phải nói là vào ba ngày Tết. Câu nói "Tết mà không cờ bạc thì không phải là Tết" đã cho thấy thói mê cờ bạc của dân Việt thật hết thuốc chữa. Chẳng thế mà ngày xưa các gia đình có nề nếp quanh năm dù có cấm ngặt con cháu không được cờ bạc rượu chè nhưng trong dịp tết, người gia trưởng vẫn phải xả giới nghiêm để cho mọi người được vui chơi theo đúng với truyền thống dân tộc.
 
Riêng trong văn học dân gian thì chỉ cần đọc mấy câu ca dao sau đây cũng đủ thấy cái thói chơi cờ bạc của dân ta là một thú vui đại chúng, và có thể nói là còn được nâng cao lên hàng quốc sách là đàng khác:

Tháng giêng ăn Tết ở nhà
Tháng hai cờ bạc tháng ba hội hè...

Kể ra một năm có 12 tháng lúc nào cũng tối tăm mặt mũi vật lộn với cuộc sống, thế mà người dân Việt lại dám dành riêng cho cờ bạc hết một tháng thì phải nói là dân ta cũng biết vinh danh môn cờ bạc lắm chứ. Ngoài ra trong 11 tháng còn lại, không phải người ta cam lòng xếp xó môn cờ bạc lại một chỗ để lo làm lo ăn mà có thể nói người dân Việt hầu như chơi cờ bạc quanh năm suốt tháng, dưới mọi hình thức và bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào.

Ngoài ra, cái thú vui cờ bạc của dân ta không phải chỉ dành riêng cho người lớn mà lan tràn ra đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần, mọi phái tính. Không những thế, ngoài một số môn cờ bạc có tính cách phổ cập cho tất cả mọi lứa tuổi, hầu như mỗi lứa tuổi, mỗi thành phần, mỗi phái tính lại còn chọn cho mình một số môn cờ bạc riêng.
 
Trẻ con thì thích đánh đáo, đánh chắn, tam cúc, chẵn lẻ, bầu cua cá cọp v.v... Các bà thì thích tổ tôm, tứ sắc, già dách... Các ông thì thích bài cào, các tê, xì tố, xập xám... Các ông nhà giàu hay trí thức phong lưu thì thích đánh tài bàn, xoa mạt chược... Ðó chỉ là đơn kể một số môn cờ bạc thông dụng, còn nếu kể ra cho hết các trò chơi cờ bạc thì có lẽ đếm đến hụt hơi cũng chưa xuể. Không những thế, dân Việt Nam lại còn có tài du nhập và đồng hóa nhanh chóng những môn cờ bạc được trí tuệ con người sáng tạo ra từ khắp nơi trên thế giới cho nên cái bộ óc cờ bạc của dân Việt Nam luôn luôn được bổ sung và đổi mới đều đặn chứ không lạc hậu chậm tiến như bộ óc khoa học, xã hội, chính trị và kinh tế.
 
Cái thú của cờ bạc là ở chỗ có ăn thua tiền bạc và sự hồi hộp hy vọng vào sự hên xui may rủi của mỗi người có kèm theo trí xảo và gian lận. Chính vì thế mà đối với người dân Việt bất cứ môn gì cũng có thể biến thành cờ bạc vì môn gì cũng có thể chơi ăn tiền và ăn gian được cả. Ngay cả trẻ con chơi đánh ô quan, thảy đũa, cờ chém, cờ gánh..., tuy không có tiền để ăn thua thì cũng phải ăn một cái gì đó như búng lỗ tai chẳng hạn thì mới hứng thú chứ chơi suông là chán lắm. Còn người lớn đôi khi nói là không ăn tiền nhưng thay vào đó là một chầu cà phê, điếu thuốc lá hay một chầu nhậu nhẹt thì cũng vậy. Nhiều môn cờ như domino, cờ đam, cờ tướng vốn không phải là môn cờ bạc vì không có tính sát phạt nhưng với cái bản chất thích ăn tiền của người chơi mà cũng trở thành môn cờ bạc.
 
Môn cờ tướng thực ra chỉ là một sự đấu trí so tài cao thấp của hai đối thủ, và thường được coi như bộ môn giải trí thanh cao, cho nên khi mô tả chốn Bồng Lai, bao giờ người ta cũng cho thêm cảnh vài ông tiên ung dung ngồi đánh ván cờ thiên cổ. Thế nhưng, những ai từng sống ở Sài gòn trước đây chắc không lạ gì mấy ông tiên ngồi chồm hổm ở lề đường Phạm Ngũ Lão, trước mặt bày một bàn cờ bằng giấy trải trên vỉa hè xi măng, trên mặt có mấy quân cờ bằng gỗ tạp rẻ tiền được sắp sẵn một thế trận nào đó đã gần đến hồi chung cục và được gọi là cờ thế. Ông tiên ngồi ngáp vặt chờ khách trần tục qua đường, ghé vào nộp mạng.
 
Thường thì các tay cao thủ không bao giờ ghé lại vì hiểu rằng đó chỉ là cái cần câu cơm của mấy ông tiên sa cơ. Do đó mà lâu lâu may ra mới có một anh chàng tay mơ mới biết chơi cờ nào đó đi qua thấy thế trận có vẻ dễ xơi quá bèn ngứa tài ghé vào đặt tiền đọ thử với ông tiên. Dĩ nhiên chỉ cần qua vài nước đi là khách chợt nhận ra mình bí và ông tiên có quyền ung dung lượm tiền bỏ túi.
 
Cái thú của cờ tướng là ở chỗ suy nghĩ để tìm ra cái biến hóa của bàn cờ và thời gian suy nghĩ để đi một nước cờ khó có thể rất lâu cho nên mỗi ván cờ có khi kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Ðó cũng là một phương cách tốt giúp con người giết bớt thời gian trống rỗng cho nên cờ tướng đã trở thành môn thuốc an thần rất thích hợp cho các vị... thất nghiệp. Không công ăn việc làm thì sang rủ anh bạn hàng xóm đánh cờ vậy, vừa quên bớt âu lo phiền muộn mà may ra cũng còn có thể ăn thua nhau vài bi thuốc lào chờ giờ cơm lại được con gọi về... ăn khoai. Cứ thế mà qua ngày.
 
Trên đời có những cái thú tiêu khiển tưởng chừng không bao giờ cùng chung một chiếu, thế mà trong thực tế lại đã từng hoà hợp với nhau một cách rất khắng khít: chẳng hạn như môn Thả thơ. Ai từng đọc Vang Bóng Một Thời của nhà văn Nguyễn Tuân chắc không quên câu truyện nói về một cụ Phủ về hưu đã xoay ra kiêm thêm cái nghề Thả thơ này để kiếm thêm tí đồng ra đồng vào phụ thêm cho đồng lương hưu trí khiêm nhường của mình.
 
Thả thơ là cách đánh bạc của các vị tài tử văn nhân thời Nho học còn thịnh. Ðây là một thú vui đòi hỏi chủ lẫn khách tham dự phải là người có chữ nghĩa và yêu thơ. Nhà chủ phải là một người giỏi thơ văn, ra công tìm đọc trong các quyển Cổ phong hay Ðường thi, tìm chọn những câu thơ thất ngôn hay nhưng ít ai biết để trích ra dùng. Mỗi lần "thả" thì nhà chủ lại rút ra một câu thơ được ghi lại trên một rẻo giấy nhưng chỉ ghi có 6 chữ còn một chữ để trống và được thay thế bằng một cái khuyên vòng. Cuối câu thơ thả được ghi thêm 5 chữ gồm một chữ chính có trong nguyên bản câu thơ và bốn chữ do nhà chủ phịa ra để khách chọn mà đặt tiền vào gọi là chữ "thả". Nếu khách chọn đúng chữ thì khi mở, số tiền đặt một sẽ được nhà chủ chung thành ba. Khách nào chọn sai chữ thì tiền đặt xem như mừng nhà chủ. Kể ra thì cũng đơn giản như chơi Bầu Cua Cá Cọp. Tuy nhiên, nhờ có chút chữ nghĩa dính vào vì kèm theo bàn tay gom tiền là những tiếng ngâm nga, những lời bình phẩm về câu thơ của người xưa mà cả chủ lẫn khách thấy mình như có vẻ thanh tao chứ không ô trọc khi ăn tiền nhau.
 
Nếu các cụ đồ, ông Tú đem cờ bạc vào văn chương thì ngược lại người bình dân cũng có trò đem văn chương vào cờ bạc. Ðó là trường hợp chơi bài chòi hay lô tô. Thay vì đọc tên con số được rút thăm cho nhà con dò để đợi trúng một cách trơn suông nghe có vẻ nhàm quá cho nên người ta mới chế thêm các câu vè câu ca để đọc lên cho có vẻ văn nghệ một chút. Nhưng cũng vì có pha chút văn nghệ vào mà các môn cờ bạc này đòi hỏi phải có thêm một người điều khiển thuộc nhiều ca dao tục ngữ để hô sao cho thật hấp dẫn, khôi hài, vui vẻ thì mới ăn tiền cho nên không phải lúc nào cũng chơi được.
 
Văn chương mà cờ bạc cũng len vào thì thể thao có bị cờ bạc thao túng cũng là điều tất nhiên. Ðứng đầu bảng của loại này là môn đua ngựa. Môn này vốn của Nhà Nước Phú lãng sa đem qua khai sáng cho dân ta vào thời nước ta bị các ông Tây chiếm làm thuộc địa. Thấy dân ta vốn từ xưa cũng có cái trò đá gà chọi nhưng các trường gà thường chật chội và hoạt động ở mức cò con nên Nhà nước Bảo hộ đã cho mở cả một cái trường đua Phú Thọ rộng gấp hàng trăm lần cái sân vận động để cho mấy con ngựa đua chạy cho dân ta đến xem và dốc tiền vào cá độ bằng thích. Nhiều thầy thông thầy ký thấy vui quá bèn mượn luôn tiền két mang đi đánh cá ngựa. Thầy nào xúi quẩy lỡ gặp phải vài lần bị tổ trác hay chủ ngựa bán độ là chỉ còn có nước đi nằm nhà đá gỡ lịch vì trót ham vui thua sạch rồi thì đào đâu ra tiền mà trả lại cho qũy.
 
Có lẽ cũng do từ môn cá độ đua ngựa này mà dần dần người ta tiến tới chỗ cá độ mọi thứ hiện tượng xảy ra trên đời: từ những môn thể thao tranh tài như bóng đá, football v.v... từ cấp địa phương lên đến Thế Vận Hội và luôn cả... kết quả chạy đua vào toà Bạch Ốc. Do đó khi thấy dân ta chúi đầu vào theo dõi các chương trình thể thao hay theo dõi những cuộc vận động chính trị đừng vội tưởng dân ta hâm mộ thể thao hay quan tâm đến sinh hoạt chính trường trên thế giới mà chỉ vì nóng lòng muốn biết mấy đồng tiền bỏ ra cá độ sẽ đi vào túi mình hay túi người khác mà thôi.
 
Nắm được cái tâm lý mê cờ bạc của người dân cho nên ngay cả Nhà nước nhiều khi để bổ sung cho lỗ hũng của ngân sách cũng đã xoay ra kinh doanh luôn cái ngành này. Thời Tây còn cai trị dân ta và Bình Xuyên còn làm mưa làm gió ở Sài gòn đã từng có hai sòng bạc nổi tiếng có "ba tăng" đàng hoàng, đã có công rất lớn trong việc lôi cuốn người ở quê lên thành và đưa một số người có nhà cửa ở thành ra thường trú ở gầm cầu chữ Y. Ấy là chưa kể cái chuyện đã giúp cho một số người bỏ vợ con, công việc làm ăn bình thường để ra sông cầu Ông Lãnh làm thợ lặn.
 
Bên cạnh các sòng cờ bạc này Nhà nước còn sáng tạo thêm một ngành cờ bạc khác nhưng được đặt cho nó một cái tên mỹ miều hơn: đó là môn Xổ số. Cái môn này thực ra cũng do mấy ông Tây sang cai trị bày ra trước tiên cho dân Ðông Dương và gọi là Xổ số Ðông Pháp. Vé số được in ra và bán khắp ba nước Việt, Miên, Lèo và mỗi tháng hay ba tháng gì đó mới xổ một lần nhưng hình như thời bấy giờ không được dân ta ham chuộng mấy.
 
Sau khi Tây cuốn gói, Chính phủ Cộng Hoà muốn chấn hưng lại nền đạo đức đã bị bật rễ bèn cho đóng cửa hai sòng bạc Kim Chung và Ðại Thế Giới, riêng cái màn Xổ số thì vẫn được duy trì. Dân ghiền cờ bạc vì thiếu chỗ chơi công khai hợp pháp nên xoay ra mua vé số nhiều hơn. Số lượng vé số phát hành được tăng lên dần và kỳ xổ đổi thành hàng tuần thay vì hàng tháng nên nhà nước phải thiết lập ra một cơ quan phụ trách gọi là Nha Xổ Số Kiến Thiết. Người dân Miền Nam trong khoảng từ 1954 đến 1975 rất quen thuộc với tiếng hát vọng ra từ cái radio mỗi tuần một lần: "Kiến thiết quốc gia giúp đồng bào ta mua lấy cái nhà giàu sang mấy hồi..." Nhiều người sống cả tuần trong hồi hộp đợi chờ cái giờ phút linh thiêng này gióng lên oang oang từ bao nhiêu cái radio ở khắp hang cùng ngõ hẻm đồng loạt mở hết "vô luym" để mong thấy đời mình bắt đầu le lói, nhưng chỉ chừng hai tiếng đồng hồ sau đó lại tắt ngủm khi xướng ngôn viên đọc xong con số xổ cuối cùng.
 
Những người mua vé số là nuôi cho mình cái hy vọng trúng số nhưng ông trời thường nhiều lúc lại chơi khăm cho nên mấy anh chàng nghèo còng lưng chắt bóp nhịn cả ăn để bỏ tiền ra mua vé số thì hình như cả đời chưa bao giờ trúng được một lô an ủi. Còn đôi khi mấy anh đã tiền rừng bạc biển thỉnh thoảng thí vài đồng mua giấy số làm nghĩa cho một anh đui què nào đó đi bán giấy số để kiếm cơm thì lại trúng to. Ðúng là nước chảy chỗ trũng. Chỉ khổ cho mấy anh nghèo cứ mãi mãi "ký cóp cho cọp nó xơi".
 
Kịp đến khi Việt Nam Cộng Hòa bị Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà nuốt chửng thì Nha Xổ Số bị dẹp tiệm. Tưởng rằng phen này đất nước tiến lên Xã Hội chủ nghĩa thì không bao giờ còn có những hình thức cờ bạc này hiện hữu, thế mà đùng một cái Xổ Số lại sống dậy và lần này thì sống mạnh, sống vững chắc, và sống tràn lan khắp nước. Tỉnh nào cũng tổ chức xổ số riêng và ngày nào cũng có xổ số, không đài này thì đài khác. Cuộc sống càng khó khăn chật vật thì người dân lại thấy tiền là qúy và càng tha thiết muốn có tiền. Nhưng vì không có cách làm ra tiền cho nên hầu như càng trông mong vào sự may rủi. Kinh tế quốc doanh cuốc sạch tư doanh khiến cho càng ngày càng có nhiều kẻ không biết việc gì làm bèn xoay ra ngày ngày lãnh mấy tấm giấy số đi bán dạo khắp hang cùng ngõ hẻm. Dân nghèo vì thế lại càng tha hồ mua hy vọng, mặc dù miệng thì rủa: "Giấy số sáng mua chiều xé".
 
Nếu Nhà nước giành khai thác vé số thì đám dân sống về nghề cờ bạc lậu cũng đâu có chịu thua kém, mới xoay ra tổ chức biên số đề. Con số xổ đã có nhà nước lo vì huyện đề tức nhà cái của cái đám cờ bạc này chỉ việc căn cứ vào mấy con số xổ đầu hay đuôi của Xổ Số mà tính, thật là tiện. Có nhiều người đánh mãi không trúng bèn rủ nhau đi chùa chiền đền miễu, không phải vì muốn hối cải cái thói hư tật xấu của mình mà chỉ là cốt để xin thần thánh cho mình con số hên. Thần thánh có cho ai con số hên nào không thì không ai rõ nhưng cái dễ thấy nhất là đâu đâu cũng có mấy ông thần nước mặn túc trực ở mấy cửa đền, lúc nào cũng có sẵn hàng tá con số hên trong tay để ban phát cho người thành tâm. Thế là người được ban số hí hửng về chắt bóp được đồng nào lại dốc vào "nuôi" con số đó. Nhưng con số đó lại không mấy khi chịu ló mặt ra nhìn đời cho nên rốt cuộc chỉ nuôi béo mấy tay huyện đề. Dân nghèo đã thua vé số lại thua thêm số đề nữa quả đúng là "họa vô đơn chí".
 
Vì cờ bạc có sức quyến rũ sự đam mê của nhiều người cho nên xã hội mới nảy sinh thêm một hạng người biến cờ bạc thành một nghề để được xin chọn nó làm kế sinh nhai. Nghề này ở đâu cũng có nhưng phát triển mạnh nhất là ở những thành phố đông dân cư. Lớn thì có các sòng bài lậu, còn nhỏ và tản mác thì có đám anh chị chuyên tráo bài ba lá ở vỉa hè chẳng hạn. Những người hành nghề này sống được là nhờ xã hội lúc nào cũng có một số người quá mê cờ bạc mà thiếu chỗ hội họp, hoặc có những người vốn chỉ có một đồng nhưng lại muốn biến nó thành hai thành ba bằng cách "thử thời vận" nên tự mang thân tới để cho các tay bịp trổ tài trấn lột. Chính vì thế mà tiếng lóng trong giới giang hồ gọi đám dân sống bằng nghề cờ bạc chuyên nghiệp này là dân "Kỳ bẽo giảo"... Kỳ có nghĩa là "cờ", "bẽo" là tiếng đệm của bạc (bạc bẽo), còn "giảo" là gian giảo bịp bợm.
 
Mặc dù nhiều người cũng biết rõ cờ bạc bao giờ cũng có bịp chứ không phải chỉ thuần túy hên xui may rủi, cũng như mỗi khi bước vào sòng bài là người nào cũng chỉ rình ăn tươi nuốt sống kẻ khác nhưng không hiểu sao ai cũng bảo đó là vui cho nên để mua vui, người ta cứ đè nhau ra mà lột nhau cho tới không còn đồng xu dính túi. Chính vì cái quy luật mua vui ấy mà người nào lỡ có thua sạch thì cũng chỉ có nước cắn răng mà chịu, bằng như không chịu nổi thì cứ tự nhiên đáp chuyến tàu suốt về miền quên lãng chứ không kêu ca vào đâu được vì luật của cờ bạc là luật giang hồ chứ không xài luật pháp chung của xã hội.
 
Ngoài ra, trong bốn cái thú của đời người được người dân Việt gọi là bốn món ăn chơi: "Cờ bạc, Rượu chè, Trai gái, Hút xách" thì mặc dù cái ăn vẫn là cái hàng đầu trong cuộc sống nhưng khi sắp hạng cái thú do sự hưởng thụ mang lại thì cái thú do ăn lại bị tụt xuống hàng thứ hai nhường chỗ cho cờ bạc trước tiên, do đó mà một khi đã dính vào sòng bài, người ta có thể quên ăn quên ngủ, quên cả mọi cái phải ở trên đời. Chính vì thế mà có một câu ca dao khác, hình như ai cũng thuộc nằm lòng, nhưng chẳng mấy ai lấy đó làm câu răn mình:

Cờ bạc là bác thằng bần
Cửa nhà mất hết tra chân vào cùm

Có lẽ do cái thói mê cờ bạc này tác động lên nếp suy nghĩ mà ngay cả về phương diện cai trị một quốc gia nhiều khi cũng được người ta quan niệm như chơi một canh bạc, "được ăn cả, ngã về không". Do đó mà người ta đem quốc gia ra làm vật để tranh giành để rồi chỉ biết rình rập nhau, xâu xé nhau, hạ nhau sát ván để thỏa mãn cái ý đồ của mình hơn là vì nước vì dân. Ai không tin có thể xem lại lịch sử hoặc lật mấy bộ hồi ký của các cựu chính khách nhà ta mà đọc sẽ thấy không thiếu gì những chuyện kinh bang tế thế mà cứ như là đánh bạc. Người ta còn dùng những tiếng như lá bài này, con bài nọ để gọi nhau. Riêng bộ Văn hóa của nước Cộng Hoà Xã Hội chủ nghĩa Việt nam thì lại còn cho sản xuất cả một bộ phim lịch sử mang tên: "Ván bài lật ngửa" để nói về cuộc đấu tranh tiêu diệt nhau giữa họ Hồ và họ Ngô. Tuy nhiên có một bộ phim đáng giá nhất là "Ván bài lịch sử" thì hình như chưa có ai sản xuất, có lẽ vì câu chuyện dài quá và hình như vẫn chưa có ai biết sẽ kết thúc ra sao cả.

"Nghèo thường gặp eo" tục ngữ có câu như vậy. Dân Việt nam vốn đã nghèo là cái chuyện đáng buồn rồi mà còn phải đội thêm ông bác mê cờ bạc ở trên đầu nữa thì chỉ còn có nước bỏ xứ mà đi. Ðiều này đã được lịch sử Việt Nam hiện đại chứng minh một cách cụ thể.
 
Suốt mấy ngàn năm sống dưới chế độ quân chủ phong kiến, người dân Việt đâm chán ngấy cái cảnh nước là của kẻ "được làm vua, thua làm giặc" và dân thì cứ phải "ăn cơm chúa múa tối ngày" nên đến giữa thế kỷ 20 bèn hè nhau vùng lên làm Cách Mạng. Những tưởng phen này người dân Việt sẽ vươn mình lên làm chủ vận mệnh mình, không ngờ cái thú ham vui trò đỏ đen đã khiến cho dân Việt nam lại mắc phải một canh bạc bịp.
 
Vua bị phế rồi nên nước do toàn dân làm chủ đâm ra thiếu quản lý. Ðùng một cái có một ông không phải tiên mà cũng chẳng phải thánh từ trong hang thò đầu ra chộp lấy cơ hội hiếm có và bắt mọi người phải gọi mình bằng "bác" cho đúng vẻ tình tự dân tộc. Ông "bác" không mong mà gặp này vốn cùng họ với "bác thằng bần" cho nên sau khi dân Việt nam được cái may mắn (hay nói cho đúng hơn là gặp phải cái đại nạn) được ông bác này tự nguyện đứng ra quản lý thì cả dân tộc này bỗng biến thành "thằng bần" ráo trọi.
 
Lẽ ra cờ đến tay, bác nên chỉ bảo mọi người chí thú làm ăn xây dựng cửa nhà cho ngày một khang trang sáng sủa ra mới phải. Phiền một nỗi vì trước đây bác chỉ biết đi theo mấy tay anh chị gấu đỏ học được nghề chơi bài búa tạ nên nay bác cũng chẳng biết gì hơn là đem môn này ra bày trò cho dân ta chơi. Biết dân ta có sở thích chơi cờ kéo cuốc truyền thống nên bác bèn lập lờ dán luôn con cờ kéo cuốc lên mặt con bài búa tạ để tiện bề tráo qua tráo lại.
 
Một số người nghe nói theo bác chơi bài búa vừa vui vừa được một chung mười nên khoái quá bèn bỏ cả cấy cày công việc làm ăn đi theo sòng bài của bác. Một số người khác biết là bác bịp bèn hô lên cho làng nước biết thì bị bác xài luật giang hồ cho du kích gõ búa vào đầu để hết la lối om sòm, nếu tỏ vẻ chống đối thì được cho đi làm nghề mò tôm ở đáy sông để khỏi còn đứng ngoài thọc gậy bánh xe. Ðám thoát chết quýnh quá buộc lòng tụ tập nhau lại tìm hàng xóm láng giềng làm chỗ dựa lưng để chống lại bác. Thế là cả nước chia phe choảng nhau chí choé, hàng xóm láng giềng cũng nhân dịp đó mà rủ nhau đổ dầu vào hay xông vào đánh hôi làm cho đám dân lương thiện dù chỉ muốn làm ăn yên ổn cũng không còn được yên ổn để làm ăn.
 
Sau 30 năm quên ăn quên ngủ cò cưa dai dẳng, người thì phờ phạc hốc hác và cái gia tài của tổ tiên để lại cũng tanh banh như manh chiếu rách. Mặc dù bác không sống lâu trăm tuổi để được nhìn xem ngày "sòng bài của bác đại thắng", nhưng đám đi theo bác thì hồ hởi vô cùng khi nhìn thấy đám hàng xóm đánh hôi chán nản bỏ về nhà, bọn chống bác mất chỗ dựa lưng phải vắt giò lên cổ mà chạy để cho cánh của bác tóm gọn cái gia tài. Những tên chạy không kịp liền bị cánh của bác thộp cổ cho lên rừng cạp sỏi đá. Còn đám dân trước đây trót tin lời bác hùa theo sòng bài búa mong có ngày làm giàu thì nay mới bật ngửa ra là chính mình cũng bị bịp khi thấy mình cũng phải Xếp Hàng Cả Ngày để chờ lãnh có bo bo với lại khoai mì lát. Thế là hàng triệu người không hẹn mà cùng gặp nhau ở một điểm: đói quá đành liều chết lội bộ băng rừng hay chèo xuồng vượt biển tìm đủ mọi cách trốn ra xứ người làm lại cuộc đời.
 
Bộ phim này chưa kết thúc vì sau hơn một phần tư thế kỷ kể từ ngày cánh của bác tóm thu được cái gia tài của tổ tiên để lại, đám đệ tử của bác vẫn ngựa quen đường cũ, chỉ biết bám lấy nghề cờ bạc để bịp thiên hạ lấy tiền rồi chia nhau phè phỡn chứ không biết mở mang ra công việc gì làm ăn lương thiện để cho dân nghèo đỡ khổ. Không những thế, khi nhìn thấy cái  đám đã một lần phải bỏ xứ ra đi nhưng rồi nhờ cần cù lao động - dù rằng nhiều khi chẳng có gì gọi là vinh quang - lâu dần cũng có xu hào rủng rỉnh đầy túi, đâm ra thương hại đám bà con đói rách ở quê nhà bèn mang tiền về giúp khiến cho đám đệ tử của bác đánh hơi được món béo bở bèn cho sửa sang lại cái sòng bài cho thêm phần phụ diễn văn nghệ thời trang để lôi cuốn đám này ham vui mang tiền về cho các tay chuyên nghiệp trấn lột. Nhờ thế mà đám anh chị sòng bài búa tạ của bác vẫn cứ sống phây phây mặc dù trên thế giới này, mấy tay anh chị gấu đỏ tổ sư của môn bài búa tạ cũng đã giải nghệ từ lâu để trả lại sự làm ăn chân chính cho người dân vì không còn bịp được ai nữa. Chỉ riêng có người dân Việt trót mang giòng máu ham vui mê cờ bạc trong mình là chưa chịu sáng mắt ra thôi.

ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment